Điệp vụ Strasbourg hay những bí mật xung quanh một vụ đánh bom

Thứ Bảy, 11/11/2006, 08:00
Ngày 17/5/1957, khi vô tình mở một hộp đựng xì gà, là quà tặng nhân dịp Chính phủ Pháp tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Ủy ban châu Âu về than và thép (tiền thân của Liên minh châu Âu ngày nay) tại thành phố Strasbourg, một quả bom cài đặt trong hộp xì gà đã phát nổ giết chết ngay tại chỗ bà Henriette Trémeaud, vợ của Tỉnh trưởng tỉnh Bas-Rhin André Trémeaud.

Vào ngày 14/5/1957, Văn phòng Hội đồng tỉnh Bas-Rhin đặt tại thành phố Strasbourg, miền Bắc nước Pháp, nhận được một bưu phẩm gửi đến từ thủ đô Paris. Đó là một hộp xì gà của người có tên Carlos Garcia Soldevillad, đại diện công ty  chuyên sản xuất xì gà Upmann Habana tại châu Âu có văn phòng đặt tại đại lộ Diderot ở thủ đô Paris, gửi cho đích danh André Trémeaud, Tỉnh trưởng tỉnh Bas-Rhin, để chiêu đãi khách quý nhân dịp Hội nghị Thượng đỉnh Ủy ban châu Âu về thép và than (CECA) được tổ chức tại thành phố Strasbourg từ ngày 14/5/1957.

Vì là bưu phẩm gửi đích danh Tỉnh trưởng nên cô thư ký đem thẳng vào phòng làm việc để giao tận tay Tỉnh trưởng Trémeaud. Với dự định sẽ đem hộp xì gà chiêu đãi khách quý, toàn là người đứng đầu các quốc gia thành viên CECA nhân dịp Hội đồng tỉnh Bas-Rhin tổ chức dạ tiệc chiêu đãi vào tối hôm đó nên ông Trémeaud để hộp xì gà  trên một chiếc bàn nhỏ mà chưa  kịp mở ra. Tối hôm đó, do bận tiếp chuyện với Tổng thống Pháp René Coty và 2 cựu Thủ tướng René Pleven và René Mayer nên ông Trémeaud quên mất hộp xì gà.

Sau khi xảy ra vụ nổ, hai cuộc điều tra đã được tiến hành song song. Cuộc điều tra thứ nhất do Cảnh sát và Tòa án tỉnh Bas-Rhin thực hiện, còn cuộc điều tra thứ hai do Cục Phản gián (DST) trực thuộc Bộ Nội vụ Pháp thực hiện. Giả thuyết cho rằng vụ đánh bom do Mặt trận Dân tộc giải phóng Algérie (FLN) thực hiện nhanh chóng bị loại bỏ. DST liền chuyển hướng điều tra về một tổ chức phát xít có tên gọi Kampfverband, được cho là có gốc gác từ Tây Đức, chủ trương đấu tranh đòi Pháp phải trao trả vùng Alsace lại cho Đức. Từ nhiều tháng trước đó, tổ chức Kampfverband liên tục gửi truyền đơn kể cả thư hăm dọa đến các cơ quan chính quyền ở miền Bắc nước Pháp, kể cả cho một số viên chức cao cấp của Pháp, Anh và Mỹ.

Tiến hành so sánh chữ trên các tờ truyền đơn và trên tờ giấy có ghi tên người gửi và tên cùng địa chỉ người nhận bọc bên ngoài hộp xì gà, các nhân viên DST phát hiện chúng đều được dùng chung một loại mực, cùng một máy đánh chữ và quan trọng nhất là đều có nhiều lỗi văn phạm như nhau. Có điều, là cho dù có phối hợp với các đồng nghiệp của Cơ quan Phản gián Tây Đức điều tra tổ chức Kampfverband, DST vẫn không biết gì thêm về tông tích của tổ chức phát xít này. Phải chăng đây là hoạt động của một tổ chức tình báo nào đó, như STASI của Đông Đức hay STB của Tiệp Khắc chẳng hạn.

Tuy nhiên, sau một thời gian cố gắng, các chuyên viên ngôn ngữ học của DST đã xác định được một điều quan trọng  là những lỗi văn phạm trên các tờ truyền đơn của tổ chức Kampfverband viết bằng tiếng Đức và Pháp xuất phát từ một cộng đồng dân cư gốc Đức sinh sống tại vùng Sudetes của Tiệp Khắc. Từ kết quả này, DST kết luận, thủ phạm đã gửi quả bom ngụy trang trong hộp xì gà cho đích thân Tỉnh trưởng André Trémeaud có thể là Cơ quan Tình báo STB của Tiệp Khắc. Các cuộc điều tra sau đó cho dù có kéo dài đến tận năm 1964 đành phải ngừng vì Pháp và Tiệp Khắc chưa ký kết một thỏa thuận nào về phối hợp điều tra quốc tế giữa hai quốc gia, nhất là trong thời kỳ cao điểm của chiến tranh lạnh.

Đến tháng 6/2006, tức gần nửa thế kỷ sau khi xảy ra vụ nổ bom làm chết vợ Tỉnh trưởng Trémeaud, Bộ Nội vụ Pháp quyết định phục hồi điều tra dựa theo lời khai của một điệp viên STB đào thoát sang Tây Âu vào năm 1978 tên là Ladislav Bitten. Dựa theo lời khai của Bitten, DST đã dựng lại toàn bộ diễn biến chung quanh một điệp vụ do STB triển khai có tên gọi là Điệp vụ Strasbourg. Điệp vụ Strasbourg được chia làm hai phần do Cục 4 của STB đảm nhận thực hiện.

Ladislav Bitten.

Ngày 24/4/1957, Milan Michel, có mật danh Mozer, chỉ huy Cục 4 đích thân mang quả bom ngụy trang trong hộp xì gà từ thủ đô Praha của Tiệp Khắc đến Paris trong vali ngoại giao. Sau đó, quả bom được giao lại cho Stanislav Tomes, một điệp viên khác của STB đến Paris vào ngày 2/5/1957 qua ngả Romanie và Bỉ. Cả Michel và Tomes đều đếnParis dưới danh nghĩa bí thư thứ nhất và bí thư thứ ba của Bộ Ngoại giao Tiệp Khắc.

Đến ngày 8/5/1957, một điệp viên của Cục 9 đến Paris qua ngã Romanie và Bỉ, trực tiếp kiểm tra lần cuối độ nhạy, độ an toàn của quả bom và cơ chế gây nổ một khi hộp xì gà được khui ra. Sau khi bọc lại cẩn thận trong vỏ một hộp xì gà hiệu Upmann Habana rồi dán bên ngoài một mảnh giấy có ghi tên và chức vụ của người gửi cùng tên, địa chỉ của người nhận, một điệp viên của STB đem đến Bưu cục số 25 ở đại lộ Diderot để gửi đi vào lúc 21 giờ ngày 12/5/1957. Thế nhưng quả bom tuy đã đến đúng thời điểm nhưng lại không phát nổ trong buổi dạ tiệc tổ chức vào tối ngày 14/5/1957 mà lại phát nổ vào ngày 17/5/1957 làm chết ngay tại chỗ bà Henriette Trémeaud, vợ Tỉnh trưởng André Trémeaud.

Điệp vụ Strasbourg tuy không thành công mỹ mãn như kế hoạch đề ra nhưng các điệp viên STB tham gia điệp vụ đều được tặng thưởng huân chương

Hoà Văn (Theo Le Figaro)
.
.