Điệp vụ thất bại của CIA trên dãy Himalaya

Thứ Ba, 10/04/2007, 09:45
Ngoài sự chí thú với công việc, Schaller còn có một thú vui khác luôn cuốn hút ông, đó là leo núi.  Ông bị lọt vào tầm ngắm của CIA cũng do sở thích này.

Năm 1965, Robert Schaller, 30 tuổi, một người đàn ông thành đạt với hai bằng tốt nghiệp ngành y và vật lý Đại học Harvard, Mỹ, đang làm việc tại Bệnh viện của Đại học Washington ở thành phố Seattle.

Cứ vào dịp nghỉ cuối tuần, Schaller lại leo lên ngọn Templey cao 830m nằm cách không xa thành phố Seattle. Có khi Schaller leo núi một mình, có khi cùng leo núi với vợ tên là Jane.

Chiều ngày 2/2/1965, vừa trở về nhà sau một ngày làm việc căng thẳng, Schaller bất ngờ khi thấy có hai người đàn ông lạ mặt đang đợi mình trong phòng khách. Không rào đón, hai vị khách lạ tự xưng là nhân viên Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA), vừa từ Tổng hành dinh CIA ở Langley, bang Virginia, đến Seattle và đưa ra đề nghị Schaller làm việc cho CIA.

Vào thời kỳ đó, CIA chuẩn bị triển khai một điệp vụ bí mật có tên gọi “Từ đại dương đến núi cao” trên dãy Himalaya thuộc Ấn Độ và rất cần tuyển dụng những người vừa am hiểu vật lý, y học lại leo núi giỏi như Schaller. Vốn có máu phiêu lưu, mê thám hiểm, nên chỉ sau có 36 tiếng đồng hồ suy nghĩ và không bàn bạc với vợ, Schaller chấp thuận làm việc cho CIA.

Từ đó, dưới tác động của CIA, Bộ Y tế Mỹ làm thủ tục điều động Schaller đến công tác nhiều đợt tại thành phố Richmond, thủ phủ bang Virginia, không xa mấy Tổng hành dinh CIA ở Langley, nhưng thực chất là tạo điều kiện cho Schaller tham gia các khóa huấn luyện nghiệp vụ điệp báo của CIA và cả cách lắp đặt và vận hành một thiết bị thu thập thông tin đặc chủng.

Tháng 5/1965, khi các khóa huấn luyện đã hoàn tất, Schaller cùng hai điệp viên CIA là Bob Mulliq và Arton Dave được lệnh lên đường đến Ấn Độ. Tại đây, cả ba sáp nhập với một nhóm điệp viên của Cơ quan Tình báo Ấn Độ (IIB) để triển khai điệp vụ "Từ đại dương đến núi cao".

Năm 1962, sau khi xảy ra các cuộc chiến tranh biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc, chủ yếu ở miền Bắc và tây bắc Ấn, Chính phủ Ấn Độ quyết định yêu cầu Mỹ hỗ trợ về nghiệp vụ tình báo và quân sự để đối phó với Trung Quốc và được chấp thuận. Đến năm 1964, Trung Quốc thử nghiệm thành công quả bom nguyên tử đầu tiên tại vùng Lop Nor thuộc tỉnh Xinjiang, vùng Tây Tạng, không xa biên giới Ấn Độ là mấy.

Nhóm điệp viên Ấn Độ tham gia điệp vụ "Từ Đại dương đến núi cao" (đại úy Kohli là mgười thứ hai từ phải sang).

Sự kiện này khiến cả Mỹ và Ấn Độ phải quan tâm. Do thời kỳ đó, Mỹ chưa triển khai hệ thống vệ tinh gián điệp nên CIA quyết định đưa lên ngọn núi Nanda Devi thuộc dãy Himalaya một thiết bị đặc chủng có thể ghi nhận dư chấn các vụ thử nghiệm bom nguyên tử và cả liên lạc bằng sóng vô tuyến trên lãnh thổ Trung Quốc, nhất là tại căn cứ thử nghiệm Lop Nor.

Điểm đặc biệt là thiết bị này có thể vận hành liên tục trong nhiều năm liền bởi năng lượng phát ra từ một lò phản ứng nguyên tử nhỏ nặng khoảng 20kg hoạt động nhờ phản ứng của hai thanh plutonium 238 và 239.

Đầu tháng 6/1965, khi điều kiện thời tiết cho phép, nhóm điệp viên hỗn hợp Mỹ - Ấn Độ do Robert Schaller và sĩ quan IIB Mohan Signh Kohli chỉ huy mang theo thiết bị đặc chủng thực hiện chuyến leo lên ngọn Nanda Devi ở cao độ 3.139m so với mặt biển.

Theo dự kiến, đến ngày 25/6, nhóm điệp viên phải có mặt trên đỉnh Nanda Devi để lắp đặt thiết bị. Muốn vậy, cả nhóm buộc phải leo theo hướng tây là nơi vào năm 1936 một đoàn thám hiểm người Anh từng khai phá để leo lên đỉnh ngọn Nanda Devi.

Thế nhưng mùa leo núi năm đó, khí hậu bỗng khắc nghiệt khác thường bởi các cơn bão tuyết cứ đổ ập xuống nhóm điệp viên, kéo theo vài trận lở tuyết. Thời tiết ngày càng xấu buộc cả nhóm phải dừng chân tại một địa điểm cách đỉnh Nanda Devi chừng 650m có tên gọi là Trại số 4.

Cho dù cả Schaller và Kohli đều là những tay leo núi giỏi, từng được CIA huấn luyện leo lên ngọn McKinley cao 6.500m ở bang Alaska, nhưng tuy đã cố gắng nhiều lần tìm cách chinh phục ngọn Nanda Devi để lắp đặt thiết bị nhưng đều gặp thất bại.

Sau khi liên lạc với trung tâm để xin ý kiến và được chấp thuận, nhóm điệp viên quyết định chôn thiết bị tại một hốc núi được đánh dấu cẩn thận rồi quay xuống núi với ý định là đến mùa leo núi năm sau sẽ quay lại mang thiết bị lên lắp đặt trên đỉnh ngọn Nanda Devi.

Đến tháng 5/1966, nhóm điệp viên của Schaller và Kohli lại thực hiện chuyến leo lên ngọn Nanda Devi với quyết tâm phải hoàn thành cho bằng được nhiệm vụ được giao. Thế nhưng điều bất ngờ đã xảy ra, khi đặt chân lên Trại số 4, nhóm điệp viên không tìm thấy thiết bị mà họ đã chôn giấu vào năm trước. Cho dù có đào bới cả một vùng rộng lớn, thiết bị vẫn bặt vô âm tín.

Có hai giả thuyết được đưa ra, một là thiết bị đã bị đánh cắp, hai là đã bị thất lạc do một cơn bão tuyết lớn gây ra. Giả thuyết thứ nhất được cho là khó có khả năng xảy ra, còn giả thuyết thứ 2 nếu xảy ra thì không tránh khỏi nguy cơ ô nhiễm chất phóng xạ từ thiết bị thất lạc do thời tiết gây ra. Nhất là khi thiết bị trôi dạt xuống thượng nguồn sông Hằng vốn phát xuất từ ngọn Nanda Devi.

Sau khi nhận được báo cáo, tổng hành dinh CIA ở Langley vẫn yêu cầu nhóm điệp viên tiếp tục chuyến leo lên ngọn Nanda Devi vào năm 1967 để cố gắng thu hồi thiết bị nhưng đều gặp thất bại. Năm 1968, trong một nỗ lực cuối cùng, CIA và tình báo Ấn Độ huy động một lực lượng máy bay trực thăng hùng hậu tổ chức ghi hình và quan sát đến từng ngóc ngách của ngọn Nanda Devi để cố tìm thiết bị thất lạc nhưng vẫn không có kết quả.

Thất bại của điệp vụ "Từ đại dương đến núi cao" do bị thất lạc thiết bị thu thập thông tin sử dụng lò phản ứng nguyên tử mini được CIA và tình báo Ấn Độ giữ bí mật suốt hàng chục năm liền cho đến khi xuất hiện vào năm 2005 một cuốn sách có nhan đề “Hoạt động gián điệp trên dãy Himalaya” mà một trong hai tác giả chính là cựu sĩ quan tình báo Ấn Độ Mohan Signh Kohli, một trong những chỉ huy của điệp vụ "Từ đại dương đến núi cao" vào năm 1965.

Trong cuốn sách của mình, Kohli cảnh báo về nguy cơ ô nhiễm phóng xạ không những cho ngọn Nanda Devi mà cả một vùng rộng lớn dưới chân ngọn núi này, đặc biệt là thượng lưu sông Hằng.

Những tiết lộ trong cuốn sách về hoạt động gián điệp trên dãy Himalaya liền gây phản ứng gay gắt trong dư luận không những ở Ấn Độ mà cả ở Mỹ, nhất là khi xuất hiện vào tháng 11/2005 một cuốn sách khác có nhan đề “Mặt trái một điệp vụ thất bại của CIA trên mái nhà của trái đất” của tác giả người Mỹ gốc Nhật Peter Takeda.

Trong cuốn sách của mình, Takeda đã dẫn chứng rằng, phóng xạ rò rỉ từ thiết bị sử dụng năng lượng nguyên tử mà nhóm điệp viên hỗn hợp Mỹ - Ấn để thất lạc vào năm 1965 đã làm ô nhiễm ngọn Nanda Devi (Takeda đã sử dụng thiết bị  đặc chủng để đo được sự hiện diện của phóng xạ trên ngọn Nanda Devi) nhưng nguy hiểm nhất là có thể gây ô nhiễm cả nước sông Hằng là nguồn cung cấp nước cho hàng triệu người dân Ấn Độ.

Trước sức ép của dư luận, Chính phủ Ấn Độ quyết định thành lập một ủy ban đặc biệt tập hợp nhiều nhà khoa học để điều tra về nguy cơ ô nhiễm phóng xạ trên ngọn Nanda Devi và cả nước ở thượng nguồn sông Hằng.

Về phía Mỹ, trong khi CIA từ chối bình luận các thông tin liên quan đến điệp vụ này, Quốc hội vẫn yêu cầu Tổng thống George W.Bush phải mở một cuộc điều tra. Cựu điệp viên Robert Schaller đã ba lần phải ra điều trần trước Quốc hội về những vụ việc có liên quan đến thất bại của điệp vụ "Từ đại dương đến núi cao"

Hà Văn (Theo Cicentre)
.
.