Điều ít biết về Cục Do thám quốc gia Mỹ

Thứ Ba, 25/03/2008, 17:15
Tháng 1/2008, dư luận toàn thế giới rất quan tâm đến thông tin một vệ tinh do thám của Mỹ mang tên USA 193 bất ngờ bị mất kiểm soát lao nhanh về phía trái đất. Có điều khiến mọi người thắc mắc là tại sao một nước có công nghệ không gian hiện đại như Mỹ lại để xảy ra. Vấn đề nằm ở chỗ Cục Do thám quốc gia Mỹ, cơ quan quản lý vệ tinh này.

USA 193 là một trong số các vệ tinh do thám của Mỹ được điều khiển và vận hành bởi Cục Do thám quốc gia Mỹ viết tắt là NRO (National Reconnaissance Office). NRO đặt trụ sở tại Chantilly, bang Virginia, Mỹ, và là 1 trong 16 cục tình báo của Mỹ.

Ngoài nhiệm vụ chính là thiết kế, xây dựng và vận hành các vệ tinh do thám do Chính phủ Mỹ chỉ thị, NRO còn thu thập và phân tích các thông tin tình báo tổng hợp từ các máy bay và vệ tinh do thám của Quân chủng Không quân và Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) nhằm cảnh báo các nguy cơ quân sự tại các quốc gia trên thế giới, giúp lên kế hoạch quân sự và giám sát môi trường. Thông thường, NRO chịu trách nhiệm về các trạm do thám mặt đất đặt khắp nơi trên thế giới. Từ đây, những thông tin được thu lại và phát đi các quyết định kịp thời, nhằm phục vụ lợi ích của quốc gia.

NRO được thành lập ngày 6/9/1961 dưới sự hậu thuẫn của Tổng thống đương nhiệm thời bấy giờ là Dwight D. Eisenhower và dựa theo chương trình do thám quốc gia, một bộ phận của Cơ quan Tình báo Mỹ tại nước ngoài. NRO cũng thuộc một nhánh trong Bộ Quốc phòng. Chính vì vậy, cơ quan này hợp tác rất mật thiết với Cục An ninh quốc gia (NSA - National Security Agency), Cục Tình báo Không gian vũ trụ quốc gia (NGA - the National Geospatial-Intelligence Agency), Cục Tình báo trung ương Mỹ CIA, Cục Tình báo quân sự (DIA - the Defense Intelligence Agency), Bộ Tư lệnh, Phòng thí nghiệm Hải quân Mỹ và nhiều cơ quan, tổ chức an ninh cấp cao khác. NRO đóng một vai trò cực kỳ quan trọng đối với Chính phủ và Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ.

Tổng nhân viên của NRO vào khoảng 3.000 người. Toàn bộ số lượng này đều được Bộ Quốc phòng và CIA đào tạo. Giám đốc của NRO là do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ định dưới sự đồng thuận của Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia. Trước đây, vị trí này thường được dành cho Thứ trưởng Bộ Không quân hay Thứ trưởng Bộ Không quân vũ trụ. Tuy nhiên, sau khi Donald Kerr được bổ nhiệm làm Giám đốc của NRO vào tháng 7-2005 thì vị trí này trở nên khá độc lập. Dù vậy, đích thân Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hoặc Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia là người chỉ đạo việc khởi động và vận hành hệ thống vệ tinh do thám.

NRO ra đời sau khi Liên bang Xôviết phóng thành công tàu vũ trụ không người lái Sputnik, vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới nhằm thử nghiệm khả năng hoạt động của các vệ tinh không người lái vào tháng 2/1958. Một chuyến bay do thám thử nghiệm đã được Mỹ tiến hành vào ngày 28/2/1959. Sau sự kiện phi công Gary Powers lái chiếc máy bay do thám Lockheed U-2 bị Liên Xô bắt giữ vào ngày 1/5/1960, Mỹ nhận thấy nhu cầu rất cấp thiết phải thành lập Cục Do thám quốc gia.

Chương trình chụp ảnh do thám đầu tiên của NRO được gọi là Corona. Corona hoạt động bí mật từ tháng 8/1960 đến tận tháng 5/1972, thu thập được 800.000 bức ảnh trinh sát và mới công bố vào ngày 24/2/1995. Sau đó toàn bộ tư liệu thuộc chiến dịch này được chuyển giao cho bộ phận lưu trữ quốc gia.

Trong giai đoạn từ tháng 5/1962 đến tháng 8/1964, NRO hoàn thành được 7/12 nhiệm vụ được giao thuộc hệ thống nhiệm vụ Argon. Những chỉ thị giao cho NRO từ sau năm 1972 cho tới nay vẫn được liệt vào dạng các tin tức tối mật. Đại đa số là không được công bố trước dư luận. Thậm chí, sự tồn tại của NRO cũng mới được Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ hé mở theo sự thống nhất của Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia vào ngày 18/9/1992. Tháng 12/1996, NRO lần đầu tiên thông báo về việc phóng một vệ tinh do thám lên quỹ đạo.

Ngân sách hàng năm của NRO luôn được giữ kín. Tuy nhiên, một bài báo trên tờ Washington Post đăng hồi tháng 9/1995, có thông tin rằng cơ quan này được bí mật nắm giữ khoảng 1 đến 1,7 tỉ USD mà không cần thông qua CIA, Lầu Năm Góc cũng như Quốc hội Mỹ. Tuy nhiên, NRO cũng từng dính dáng đến những bê bối tiền bạc. Năm 1999, NRO hợp tác với Hãng Máy bay Boeing về một dự án có tên là "Kỹ thuật hình ảnh tương lai" nhằm mục đích tạo ra thế hệ ảnh mới chụp từ vệ tinh. Dự án này đã tiêu tốn của Chính phủ Mỹ cả bạc tỉ nhưng đến tận năm 2002, dự án vẫn chưa thể trở thành hiện thực. Thậm chí, Chính phủ  Mỹ còn phải rót thêm vốn đầu tư  3 tỉ USD nữa kèm theo là sự thúc ép nhưng 2 năm sau thì dự án chính thức bị khai tử. Những ngày cuối năm 2007 vừa qua, tờ The New York Times đã gọi dự án này là “Sự thất bại ngoạn mục và đắt giá nhất trong lịch sử vệ tinh do thám 50 năm trở lại đây của Mỹ”.

Vụ mới đây nhất của NRO xảy ra đã qua một năm, xuất phát từ những thông tin phàn nàn của Hiệp hội Các nhà khoa học Mỹ rằng, NRO đã chi 300 triệu USD từ ngân sách bí mật để xây dựng trụ sở mới tại Chantilly (Virginia), CIA cũng đã tiến hành điều tra tài chính của tổ chức này. Kết quả đã cho thấy, NRO có một quỹ đen.

Sang năm 2008 này, NRO lại trở thành tâm điểm của dư luận khi để xảy ra vụ ồn ào xung quanh vệ tinh do thám USA 193. Trong thông cáo báo chí của Chính phủ Mỹ, biện pháp tối ưu nhất để tránh các thiệt hại có thể xảy ra cho cư dân là phóng tên lửa bắn hạ vệ tinh này. Ngày 20/2/2008, vào lúc 22 giờ 26 phút, tên lửa SM-3 được bắn lên từ tuần dương hạm USS Lake Erie ở Thái Bình Dương. Sau 24 phút rời bệ phóng, vệ tinh USA 193 nặng 2,27 tấn đã bị bắn hạ.

Theo đánh giá chung của báo chí Mỹ, đây có lẽ chưa phải là vụ bê bối cuối cùng liên quan đến Cục Do thám quốc gia Mỹ

Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.