Điều ít biết về các lễ duyệt binh của Trung Quốc

Thứ Tư, 30/09/2009, 16:14
Để lễ duyệt binh hôm 1/10 tại Quảng trường Thiên An Môn, kỷ niệm 60 năm ngày thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (1/10/1949 - 1/10/2009) diễn ra theo đúng kế hoạch, ngay từ cuối tháng 5, các bộ phận chuyên môn đã bắt tay vào hoàn tất mọi công tác chuẩn bị. Trước đó (tháng 3), đại lộ Trường An, nơi diễn ra cuộc duyệt binh và diễu hành đã được tu sửa xong.

Dự kiến, tại lễ duyệt binh, Trung Quốc sẽ "triển lãm" 52 chủng loại vũ khí hiện đại do nước này tự sản xuất, trong đó khoảng 90% số vũ khí lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng.

Giới chuyên môn coi đây là lễ duyệt binh quy mô nhất trong lịch sử nước Cộng hòa nhân dân (CHND) Trung Hoa. Tuy nhiên, cách đây 10 năm, giới quân sự cũng từng coi lễ duyệt binh lần thứ 13, kỷ niệm 50 năm ngày thành lập nước là lớn nhất bởi 12 lễ duyệt binh trước đó chủ yếu "làm theo, bắt chước" mô hình của Liên Xô (cũ).

Vì tầm quan trọng của lễ duyệt binh "khai quốc" - đánh dấu sự ra đời của nước CHND Trung Hoa nên ngay từ tháng 6/1949, Ban trù bị đã được thành lập do Dương Thành Vũ, Phó tư lệnh Quân khu Hoa Bắc và Đường Diên Kiệt, Tham mưu trưởng làm Chủ nhiệm, Phó chủ nhiệm. Ngay sau khi nhận lệnh, Dương Thành Vũ và Đường Diên Kiệt hết sức lo lắng - còn lo hơn cả khi nhận lệnh xông pha nơi chiến trường bởi tham chiến thì ít nhiều họ còn có kinh nghiệm, nhưng đây là một lĩnh vực vô cùng mới mẻ, chưa có "mô hình" nào để có thể bắt chước, làm theo.

Đúng lúc đó Tư lệnh Lưu Bá Thừa và Tư lệnh Trần Nghị đã mô tả lại những điều mắt thấy tai nghe khi chứng kiến lễ duyệt binh của Hồng quân Liên Xô tại Quảng trường Đỏ (thời gian các ông lưu học tại Liên Xô). Và hai bộ phận chính của lễ duyệt binh đã được ra đời: Nghi lễ kiểm duyệt và nghi lễ phân liệt.

Những loại vũ khí sẽ xuất hiện tại lễ duyệt binh 1/10/2009.

Sau khi thành lập nước CHND Trung Hoa, Chính phủ Trung Quốc đã tổ chức liền 11 lễ duyệt binh suốt từ năm 1949 đến 1959 và người chủ trì 11 lễ duyệt là Mao Trạch Đông. Từ năm 1949 đến 1953, người chỉ huy lễ duyệt binh là Chu Đức. Những năm tiếp theo (1954-1957), người chỉ huy lễ duyệt binh là Bành Đức Hoài. Năm 1959, người chỉ huy lễ duyệt binh là Lâm Bưu, và Đặng Tiểu Bình là người chỉ huy lễ duyệt binh vào năm 1984.

10 giờ sáng là thời gian bắt đầu diễn ra lễ duyệt binh, chỉ có lễ duyệt binh lần đầu tiên là diễn ra vào hồi 15 giờ và lễ duyệt binh năm 1950 bắt đầu từ 11 giờ. Thời gian diễn ra lễ duyệt binh cũng không giống nhau: năm 1949: 150 phút; năm 1950: 140 phút; năm 1951: không có số liệu cụ thể; năm 1952: 65 phút; năm 1953: 65 phút; 1954: 63 phút; năm 1955: 50 phút; năm 1956: 50 phút; năm 1957: 50 phút; năm 1958: 50 phút; 1959: 58 phút, năm 1984: 56 phút.

Các buổi lễ duyệt binh từ năm 1949 đến 1953 nói chung diễn ra một cách tương đối bình thường. Nhưng đến năm 1954 đã có một bước đổi thay - lần duyệt binh có quy mô lớn nhất kể từ năm 1949. Để chuẩn bị cho lễ duyệt binh này người ta đã huy động 10.384 quân nhân từ 60 đơn vị quân đội trong toàn quốc. Số người này được sắp xếp theo đội hình: 10 hàng ngang, mỗi hàng ngang có 20 người.

Ngoài ra còn có 6 đội kị binh, xe tăng, đại bác, máy bay và 6 chiếc xe máy cũng được huy động tham gia vào lễ duyệt binh này. Năm 1955, quân đội Trung Quốc thay đổi trang phục. Riêng 1956 là năm Trung Quốc phải tổ chức lễ duyệt binh trong tiết trời mưa to gió lớn. Năm 1957 là năm Trung Quốc mời nhiều khách nước ngoài nhất tới tham dự lễ duyệt binh.

Sau 10 lễ duyệt binh, Trung Quốc đã rút ra được nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực này nên ngay từ trung tuần tháng 11/1983, Đặng Tiểu Bình đã cho thành lập một ban trù bị đặc biệt chỉ đạo bởi 1984 là năm Trung Quốc kỷ niệm 35 năm ngày thành lập nước CHND Trung Hoa. Lễ duyệt binh năm 1984 có 10.370 quân nhân, 117 máy bay các loại, 189 tên lửa, 205 xe tăng, 126 khẩu pháo, 6.429 khẩu súng các loại và 2.216 ôtô được huy động tham gia.

Có một điều khá đặc biệt tại lễ duyệt binh năm 1999 là lực lượng vũ trang tham dự được sự sắp xếp theo kiểu "cài răng lược". Theo thông lệ quốc tế người ta chỉ xếp nhiều nhất không quá 20 người một hàng, nhưng Trung Quốc xếp tới 25 người một hàng, nhưng vẫn không hề có bất cứ một sự lộn xộn nào xảy ra. Được biết, Trung Quốc đã chi 36 triệu USD để tổ chức lễ duyệt binh năm 1999.

Theo Trung tướng Phòng Phong Huy, Tư lệnh Quân khu Bắc Kinh và là Tổng chỉ huy lễ duyệt binh năm nay cho biết, quân đội sẽ chia làm 56 khối tham gia duyệt binh, trong đó có 14 khối bộ binh, 30 khối trang bị khí tài và 12 biên đội không quân. Lễ duyệt binh năm nay được Trung Quốc chuẩn bị hết sức chu đáo bởi Bắc Kinh muốn "khoe" tiềm lực quân sự tạo một sự bất ngờ đối với người dân, cũng như du khách có mặt tại Quảng trường Thiên An Môn hôm 1/10.

Dư luận cho rằng, với tinh thần "chủ động - sáng tạo - biến đổi" của lễ khai mạc và bế mạc Thế vận hội Olympic Bắc Kinh 2008, Trung Quốc sẽ trình diễn một lễ duyệt binh cùng màn pháo hoa rực rỡ, đầy màu sắc, tạo nhiều bất ngờ cho người xem vào tối 1/10. Dự kiến số phóng viên trong và ngoài nước sẽ có mặt đông hơn so với 10 năm trước.

Được biết, tại lễ duyệt binh năm 1999 đã có hơn 1.200 phóng viên nước ngoài và trên 600 phóng viên Trung Quốc có mặt tại hiện trường để chứng kiến, để đưa tin sự kiện trọng đại này. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào sẽ có bài phát biểu tại lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập nước CHND Trung Hoa

Nguyễn Thị Lân (tổng hợp)
.
.