Đội đặc nhiệm Vympel - Niềm tự hào của Cơ quan An ninh Liên bang Nga

Thứ Ba, 13/11/2007, 07:45
Đội đặc nhiệm Vympel được Ủy ban An ninh Nhà nước (KGB) Liên Xô thành lập với nhiệm vụ ban đầu là tiến hành các hoạt động tình báo - biệt kích ở ngoài biên giới, nhằm bảo vệ từ xa cho an ninh quốc gia.

Hiện Vympel đã trở thành Trung tâm đặc nhiệm của Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) và giữ vai trò vô cùng quan trọng trong các hoạt động tình báo, phản gián, chống khủng bố và bảo vệ an ninh của công dân Nga trong cũng như ở ngoài nước. Đương nhiên, nó cũng góp phần tích cực bảo vệ an ninh cho người nước ngoài trên lãnh thổ Liên bang Nga.

Đội đặc nhiệm Vympel (gọi tắt là Đội V) được thành lập ngày 19/8/1981. Trong suốt 25 năm qua, nhất là những lúc “nước sôi lửa bỏng” quốc gia gặp nhiều khó khăn, biến cố, chiến công của các đội viên Đội V rất  xứng đáng với niềm tin của Ban lãnh đạo đất nước, thể hiện rõ những phẩm chất ưu tú nhất của dân tộc Nga.

Tuy nhiên, do tính chất nghiệp vụ phải bảo đảm tuyệt mật, hoạt động của Đội V không được nhắc đến, xã hội không được biết, ngay cả đến nhiều cấp lãnh đạo KGB hay FSB cũng không thể “tò mò tìm hiểu”. Chỉ đến gần đây FSB mới được phép tiết lộ một số thông tin, nhắc đến một vài chiến công của Đội V trên mặt trận đấu tranh chống khủng bố, cũng như các mối quan hệ và sự hợp tác với các đồng nghiệp nước ngoài.

Thông qua câu chuyện của Thiếu tướng Valery Alexandrovich Kruglov, người đã tham gia ngay từ khi thành lập Đội V, từng hoạt động một thời gian dài ở Afghanistan, từng là Đội trưởng của Đội V (1994-1996) và nhiều năm chiến đấu ở Chechnya, chúng ta có thể hình dung một phần về cuộc chiến đấu trên mặt trận thầm lặng của các chiến sĩ an ninh Liên Xô trước đây và nước Nga hiện nay.

Ông V.A Kruglov sinh năm 1949, tốt nghiệp Trường sĩ quan cao cấp KGB, bắt đầu phục vụ trên mặt trận an ninh ở một trạm biên phòng tại biên giới Xô - Trung. Khi thành lập Đội V, ông được điều về Moskva tham gia lớp huấn luyện cấp tốc, rồi biệt phái trong thành phần nhóm Kaskad-4 (Thác nước-4) sang hoạt động ở Afghanistan.

Thiếu tướng Kruglov cho biết, công tác tuyển chọn và đào tạo các đội viên Đội V rất thận trọng, công phu, theo những yêu cầu nghiêm ngặt. Chẳng hạn, cùng khóa với ông đã tuyển chọn vài trăm sĩ quan không chỉ từ các đơn vị KGB mà còn từ các đơn vị thuộc mọi binh chủng khác như hải quân và đặc công nước, phi công và lính dù, chiến sĩ lái xe tăng và biên phòng, bộ binh và bộ đội tên lửa...

Sau khi đã tuyển chọn rất kỹ lưỡng trong khắp các đơn vị toàn quân, họ được tập trung về trường đào tạo - huấn luyện tại Balashikha ở ngoại ô Moskva. Tại đây, các chiến sĩ dự bị của Đội V được huấn luyện rất bài bản, từ rèn luyện thể lực như bơi lội, chạy, nhảy, đến sử dụng các loại vũ khí, súng đạn, bom mìn, lái xe ôtô, xe tăng, tàu thủy, tàu lặn, máy bay, máy bay lên thẳng, sử dụng thành thạo các phương tiện thông tin liên lạc... nghĩa là họ được đào tạo thành những “chiến sĩ đa năng”.

Đã bước vào con đường hoạt động tình báo, họ bắt buộc phải học ngoại ngữ, biết càng nhiều thứ tiếng nước ngoài, sử dụng càng thành thạo càng tốt. Tìm hiểu lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán ở những nước, những nơi mà họ được phái đến, cũng là điều không thể thiếu.

Đương nhiên, với những nhiệm vụ cụ thể được giao các đội viên Đội V còn được đào tạo, huấn luyện theo những yêu cầu riêng. Ngần ấy môn học, ngần ấy tiêu chuẩn vẫn chưa đủ. Sau từng thời gian, sau từng môn học, các đội viên dự bị được sàng lọc dần.

Cuối cùng chỉ còn gần chục người, trong đó có V.A.Kruglov, trở thành đội viên thực thụ của Đội V. Họ đã được phái đến các nước châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh.

Các chiến sĩ Vympel cũng đã xuất hiện và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến đấu ở những điểm nóng nhất trên lãnh thổ Liên Xô, đã tham gia giải phóng con tin tại Minheralny Vody, Budyonnovsk, Pervomaisky và các điểm nóng khác ở Bắc Kavkaz.

Đặc biệt từ năm 1998, các chiến sĩ Đội V đã tham gia rất tích cực và đạt hiệu quả cao trên mặt trận chống các lực lượng vũ trang bất hợp pháp ở khu vực Bắc Kavkaz.

Nói đến lịch sử Đội V, người ta không thể không nhắc đến chiến công trong hai chiến dịch giải phóng con tin tại Trung tâm văn hóa Dubrovsk ở Moskva ngày 26/10/2002 và tại Trường tiểu học Số 1 thành phố Beslan, thuộc Cộng hòa Bắc Osetia ngày 3/9/2004.

Nhờ mưu trí sáng suốt, khôn khéo và hành động vô cùng dũng cảm, các đội viên Vympel đã cứu sống hàng trăm con tin, trong đó có gần 300 em học sinh tiểu học, khỏi bàn tay đẫm máu của bọn khủng bố.

Cũng cần nói thêm rằng khi thành lập Đội đặc nhiệm Vympel trong cơ cấu của KGB đã có Đội đặc nhiệm Alfa hơn 6 tuổi (thành lập 29/7/1975). Dù là “anh” nhưng Alfa không hề hay biết gì về sự ra đời và hoạt động của Vympel trong một thời gian dài.

Đơn giản là vì hai đội đặc nhiệm thực hiện những nhiệm vụ khác nhau và đều phải giữ bí mật. Alfa chủ yếu thực hiện các chức năng chống khủng bố, còn Vympel làm nhiệm vụ tình báo - biệt kích mà chủ yếu lại hoạt động bên ngoài biên giới quốc gia.

Mãi tới năm 1987, Đội Vympel mới được giao thêm nhiệm vụ phối hợp với Alfa trên mặt trận chống khủng bố. Đương nhiên, kỹ thuật và chiến thuật thực hiện nhiệm vụ chống khủng bố cũng khác với việc thực hiện nhiệm vụ tình báo - biệt kích.

Bởi thế các đội viên Vympel lại phải luyện tập bổ sung một số thao tác kỹ - chiến thuật. Chẳng hạn, để thâm nhập bí mật vào một tòa nhà lớn hay biệt thự, các chiến sĩ Vympel thao tác rất thành thạo trong vài phút.

Thế nhưng, để tấn công vào một tòa nhà đang có bọn khủng bố giam giữ con tin, đòi hỏi không những bí mật, bất ngờ, mà còn phải chớp nhoáng trong vài giây, chứ không thể trong vài phút. Hiện nay thì cả hai đội đặc nhiệm Alfa và Vympel đã đều nằm dưới sự chỉ huy của một trung tâm thống nhất trong FSB

Ngô Gia Sơn (theo báo Sao Đỏ)
.
.