Đôi điều hé mở về Cơ quan phản gián Vatican

Thứ Ba, 01/12/2009, 21:25

Tuy đại diện tòa thánh Vatican tại Rome luôn phủ nhận sự tồn tại tổ chức tình báo riêng của mình, nhưng giới sử gia am hiểu lại quả quyết rằng, cơ quan cơ mật này đã hiện diện hàng trăm năm nay, kể từ thời trị vì của Giáo hoàng Pio V vào giữa thế kỷ XVI cùng nỗ lực thu phục ảnh hưởng trong giới con chiên trên các hòn đảo thuộc Đế chế Anh.

Cho dù có sục sạo khắp Vatican, vùng lãnh địa nhỏ bé mang tầm vóc một quốc gia nằm lọt thỏm trong lòng thủ đô Roma ở Italia cũng chẳng thấy tòa nhà nào gắn tấm biển "cơ quan mật vụ" cả. Vậy trụ sở Cơ quan Tình báo Vatican nằm ở đâu? Vấn đề uẩn khúc đã được cựu Thủ tướng Italia Giulio Andreotti làm sáng tỏ. Đó là Học viện Nghiên cứu tín ngưỡng Vatican nổi danh qua tên gọi tắt "Pro Deo" với các chi nhánh rải khắp thế giới.

Người sáng lập cơ sở này là đức Tổng giám mục Dominica gốc Bỉ Andrew Felix Morlion (1904-1987). Trong quá khứ, G.Andreotti từng đảm nhiệm chức danh trợ lý cho Giám đốc A.F.Morlion, nắm rõ các mối liên hệ mật thiết với các đồng nghiệp ngoại quốc. Hàng ngày linh mục hiệu trưởng Trường Pro Deo thường xuyên mạn đàm với lãnh đạo các cơ quan tình báo phương Tây, nhất là với Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). Đặc tình từ  Pro Deo nằm trong biên chế tại hầu hết các văn phòng quyền lợi Vatican ở nước ngoài, trong khi tòa thánh hiện có quan hệ ngoại giao với hơn 170 quốc gia và vùng lãnh thổ trên hành tinh. "Danh xưng của Pro Deo chỉ là vỏ bọc hợp pháp cho các hoạt động do thám", chính khách cộm cán G.Andreotti nhấn mạnh.

Thế còn giới nhân viên tình báo Vatican thường tu nghiệp ở đâu? Ký giả Italia gạo cội Erik Fratini đồng thời là tác giả cuốn sách "La Santa Alianza" mới ấn hành gây xôn xao dư luận, quả quyết rằng, đó là ngôi trường bề thế mang danh "Collegium" án ngữ cả góc phố Via Carlo Cattaneo giữa Rome. Danh chính ngôn thuận đây là cơ sở chuyên đào tạo các chức sắc tôn giáo, còn các khoa phòng cụ thể bên trong thì người ngoài chẳng thể rành rẽ. Tân cử nhân-gián điệp từ đây sẽ được tung đi khắp nơi...

Toà nhà Collegium đầy bí ẩn trên phố Via Carlo Cattaneo.

Điệp viên cự phách hàng đầu của Vatican chính là David Richio, từ một nhạc công người Italia trẻ tuổi đã "leo cao luồn sâu" trở thành thư ký riêng kiêm nhân tình của Nữ hoàng Scotland Mary Stewart cầm quyền trong giai đoạn từ năm 1542 đến 1567, với tham vọng "xúi" bà tiếm quyền Nữ hoàng Elizabeth đệ nhất hòng xóa sổ dòng đạo Tin Lành "phản nghịch" do Vua Henri VIII khởi xướng tại Anh. Sau thì chồng M.Stewart phát hiện ra nên đã cho người ám sát kẻ tình địch, khiến kế hoạch phát xuất từ Rome bị đổ bể... Nhưng lịch sử cũng ghi nhận những chiến công hiển hách được lập bởi Cơ quan Tình báo Vatican. Tiêu biểu như "chương trình 100 ngày" trở lại Paris của Napoleon Bonaparte hồi giữa năm 1810 sau khi thất sủng và chạy trốn về đảo Elbe.

Trong khi các cơ quan phản gián kỳ cựu như Pháp, Anh, Áo và Nga đều "mù tịt" về mưu đồ của Napoleon, duy nhất Vatican biết được nguồn tin hi hữu để sẵn sàng ứng phó. Rồi người đầu tiên nắm rõ bản kế hoạch chi tiết nhằm chinh phục châu Âu của tên trùm phát xít A.Hitler thời Chiến tranh thế giới thứ II cũng là Giáo hoàng, qua điệp viên nội gián bên trong tổng hành dinh Đức Quốc xã. Đó là viên luật sư người Munich Iozef Muller, sau chiến tranh trở thành nhà sáng lập kiêm Chủ tịch đầu tiên của Liên đoàn Xã hội Công giáo Đức. Còn kỳ tích lớn nhất của tình báo Vatican trong thời hiện đại là đã ngăn chặn âm mưu bắn rơi chiếc máy bay chở nữ Thủ tướng Israel Golda Meir ngày 15/1/1973, khi bắt sống một nhóm du kích Palestine vũ trang bằng tên lửa vác vai đang phục sẵn gần sây bay Rome.

Nữ chính khách "diều hâu" G.Meir trên đường công du châu Phi đã bí mật viếng thăm tòa thánh trong nửa tiếng đồng hồ, thể theo lời mời từ cá nhân Giáo hoàng Jeane Paul  II. Cũng chính giới nhân viên mật vụ Vatican kết hợp với Cơ quan  Tình báo Israel (Mossad) trong một chiến dịch cộng tác mang mật danh "chủng tộc trắng", đã bảo đảm mỹ mãn cho chuyến thăm của đương kim Giáo hoàng Benedict XVI tại "lò lửa" Trung Đông dạo đầu mùa hè vừa rồi.

Nhưng thất bại hàng đầu của lực lượng phản gián Vatican là đã không phát hiện ra âm mưu ám sát Giáo hoàng Jean Paul II, được thực hiện trong tháng 5/1981 ngay giữa quảng trường trung tâm tòa thánh bởi một phần tử quá khích gốc Thổ Nhĩ Kỳ. Kế đến là vụ Wolter Chisek, công dân Mỹ gốc Ba Lan từng được tôn vinh là "một trong những điệp viên tài giỏi nhất Vatican" bị lộ. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Nga học ở Collegium, cuối năm 1940 Chisek được cài cắm sang Liên Xô dưới cái tên giả là Vladimir Lapinsky. Hoạt động chẳng bao lâu đã bị Cơ quan Tình báo Liên Xô (KGB) tóm cổ cùng bản án 15 năm tù. Sau W.Chisek được phóng thích qua một vụ trao đổi điệp viên và chết tại Mỹ vào năm 1984.

Là một thể chế quy mô nhà nước, Tòa thánh Vatican không thể đứng ngoài các sự kiện địa chính trị quốc tế, chưa kể cần phải luôn củng cố vai trò lãnh đạo hàng trăm triệu tín đồ trên thế giới. Nhu cầu thu thập thông tin trở nên hết sức thiết yếu hòng đảm trách mục tiêu đề ra, hay như lời nhận định của học giả nổi tiếng người Italia Nino Lo Belo: "Vatican sở hữu bộ máy gián điệp hữu hiệu nhất hành tinh"

Q.Long (theo Tuyệt mật)
.
.