Đội quân khí cầu gián điệp của Mỹ trên bầu trời Afghanistan

Chủ Nhật, 27/05/2012, 22:45

Hàng ngàn khí cầu điều khiển được trang bị camera hồng ngoại và camera video màu nằm trong số những vũ khí gián điệp công nghệ cao được Mỹ sử dụng trong cuộc chiến căng thẳng ở Afghanistan. Chúng dài 35,6m, thường xuyên bay lượn trên bầu trời thành phố Kabul và Kandahar cũng như bất cứ nơi đâu có sự hiện diện của quân đội Mỹ.

Người dân Kabul cho biết những khí cầu màu trắng xuất hiện thường xuyên trên bầu trời thành phố, cả ngày lẫn đêm, ngoại trừ những hôm trời nhiều gió và mưa lớn. Mọi người đều biết đó là những con mắt thần ở độ cao hơn 457m của quân đội Mỹ.

Trong những năm gần đây, khí cầu điều khiển trở thành một phần trong mạng lưới thiết bị gián điệp - bao gồm drone (máy bay thám thính không người lái), các tháp camera tại mỗi căn cứ quân sự và mạng camera giám sát an ninh lắp đặt trên đường phố Kabul đề phòng những cuộc tấn công khủng bố - cho phép giới chức quân sự Mỹ và Afghanistan thường xuyên theo dõi mọi diễn biến an ninh phức tạp ở Afghanistan.

Mạng lưới gián điệp công nghệ cao của Mỹ khiến dân thường Afghanistan lấy làm khó chịu và cho rằng cuộc sống riêng tư của họ luôn nằm trong tầm quan sát của người Mỹ ngay cả khi họ rút quân khỏi đất nước này. Như Mohammadulah, cư dân Asadabad thuộc tỉnh Kunar, cho biết gia đình anh không còn dám ngủ trên mái nhà vào những hôm trời nóng bức nữa vì sợ “ánh mắt” theo dõi của khí cầu.

Khí cầu được neo buộc tại một căn cứ quân sự ở Kabul.

Với nhiều người khác, khí cầu của Mỹ đã xâm phạm đời tư của họ. Tuy nhiên, người Afghanistan cho rằng, những cuộc tấn công khủng bố và đánh bom ôtô vẫn cứ tiếp diễn bất chấp mọi nỗ lực tình báo của Mỹ.

Khí cầu helium được sử dụng lần đầu tiên ở Iraq vào năm 2004 và bắt đầu được triển khai tại Afghanistan vào năm 2007. Người Mỹ rất chuộng khí cầu gián điệp bởi vì thiết bị hiện đại này giúp họ dễ dàng phát hiện phần tử khủng bố giữa những đường phố đông người hay những quả bom cài ven đường. Một lợi thế khác của khí cầu là chúng rẻ tiền hơn so với những chiếc drone. Còn đối với quân Taliban và các nhóm khủng bố thì những quả khí cầu nhỏ này là nỗi lo sợ mới.

Ở thành phố Kandahar, nơi có ít nhất 8 khí cầu hiện diện trên bầu trời, người dân cho biết, Taliban gọi khí cầu gián điệp của Mỹ là "những con ếch" bởi vì chúng có mắt to và luôn săm soi khắp nơi. Còn người dân ở Helmand gọi chúng là "cá sữa" vì có vây và màu trắng đục như sữa. Quân Taliban cố gắng tránh né những khu vực có khí cầu bay lượn và chúng thường cải trang thành nông dân để không bị dò xét.

Tại quận Zhare ở Kandahar, nơi tập trung đông quân Mỹ từ năm 2010, người ta dễ quan sát thấy tại mỗi khu làng có ít nhất một khí cầu quan sát từ trên cao. Đại tá Brian Mennes - chỉ huy Sư đoàn không vận 82 của quân đội Mỹ và chịu trách nhiệm an ninh khu Zhare và quận Maiwand lân cận - cho biết khí cầu lớn được sử dụng trên bầu trời Kabul, còn những quả nhỏ hơn (dài 22,8m) dùng cho những vùng xa xôi hẻo lánh.

Mạng lưới camera giám sát an ninh đường phố Kabul cũng có hiệu quả tích cực tương tự, theo đánh giá của giới chức quân sự Mỹ. Tướng Mohammad Ayoub Salangi, Cảnh sát trưởng Kabul, luôn để mắt quan sát theo dõi những hình ảnh hiện trên màn hình đặt cạnh bàn làm việc bên trong tổng hành dinh lực lượng cảnh sát thành phố.

Ông đánh giá mạng lưới camera đường phố đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch theo dõi những cuộc bạo động nổ ra vào tháng 2/2012 ở Kabul sau sự kiện một binh sĩ Mỹ đốt Kinh Coran gây giận dữ trong cộng đồng người Hồi giáo. Nhờ mạng lưới camera mà Cảnh sát Kabul đã nhanh chóng kiểm soát được các đám đông, đặc biệt ở những nơi như khu vực phía đông thành phố và kiềm chế bạo lực ở mức thấp nhất.

Theo tướng Mohammad Ayoub Salangi, camera giám sát quản lý được 70% khu vực thành phố Kabul, giúp nhanh chóng triển khai những đội cảnh sát chống bạo động đến hiện trường. Ngoài ra, mạng lưới camera đã giúp phát hiện kịp thời một chiếc ôtô chứa chất nổ của quân phiến loạn đỗ trên khoảng sân tòa nhà đang xây dựng chuẩn bị tấn công Đại sứ quán Mỹ và Tổng hành dinh NATO vào tháng 9/2011.

Sau khi quân Mỹ rút khỏi Afghanistan, đội quân khí cầu có thể vẫn tiếp tục hiện diện để giúp sức cho lực lượng an ninh còn yếu kém của nước này. Quân đội Mỹ cũng đang nghiên cứu phát triển loại khí cầu lớn hơn nữa, dài 91,4m, có khả năng gián điệp mạnh hơn để sử dụng tại Afghanistan trong tương lai.

Khí cầu được phóng tại một căn cứ quân sự ở Afghanistan.

Người Mỹ đang mở chiến dịch tuyên truyền với mục đích trấn an người dân Afghanistan rằng, các camera trên khí cầu sẽ không theo dõi phụ nữ và trẻ em, cũng như khí cầu không được thiết kế để dòm ngó cuộc sống riêng tư xuyên qua những bức tường nhà dân!

Ngoài sự bực tức về việc vi phạm đời sống riêng tư của người dân, vẫn còn có một số người ca ngợi hiệu quả giữ an ninh của các camera trên khí cầu. Như Sayed Agha, cư dân ở Asadabad kể: mới đây 3 nhà thầu Afghanistan rút ruột những xe bồn chở xăng của Mỹ để bán ra chợ đen đã bị xét xử trước tòa án với chứng cứ rành rành từ hình ảnh mà khí cầu thu được.

Mỗi khi thời tiết có gió to hay bão, khí cầu  được kéo xuống để bảo quản. Khí cầu gián điệp cũng là mục tiêu trả thù của quân phiến loạn. Eddy Hogan, chuyên gia phụ trách quản lý khí cầu gián điệp cho biết, đôi khi những khí cầu được kéo xuống để bảo dưỡng có rất nhiều lỗ đạn ở khắp nơi. Nhưng Hogan giải thích helium không gây nổ, có nghĩa là khí cầu vẫn tiếp tục lượn lờ trên không dù trên mình nó có nhiều lỗ nhỏ. Hogan khẳng định quân phiến loạn phải bắn hàng ngàn viên đạn mới có thể khiến khí cầu hạ xuống đất.

Lầu Năm Góc cho biết, khí cầu trang bị camera công nghệ cao đang rất cần bởi vì những chiếc drone như Predator không thể được sản xuất đủ nhanh để đáp ứng nhu cầu gián điệp cho quân đội Mỹ

Diên San (tổng hợp)
.
.