Donetsk, Ukraina: Những phận người bấp bênh qua hai cuộc chiến

Thứ Tư, 10/09/2014, 15:45

Đó là những cụ ông, cụ bà mà nếu theo lẽ thường sẽ được cho là may mắn với tuổi đời trường thọ. Nhưng những gì diễn ra suốt 4 tháng qua ở Donetsk, Lugansk, Slavyansk thuộc miền Đông Ukraina đã đẩy họ vào ngõ cụt nghiệt ngã. Thời thơ ấu đã không lành lặn vì chiến tranh, nay gần đất xa trời lại phải chui rúc mòn mỏi mong một ngày mai…

Cụ ông Fedor: "Ngày mai, thần số phận sẽ đứng ra ban phát"

Ông cụ xua xua hai bàn tay to bè nổi đầy những đốm đồi mồi cùng cái nhếch môi đầy nghi hoặc khi được hỏi về tên họ: "Anh không cần phải biết tên thật của tôi đâu, chàng trai trẻ! Vì nó không có ý nghĩa gì cả trong cuộc chuyện trò giữa hai chúng ta. Tôi và anh đã có một khởi đầu thông cảm nhau, nhưng biết đâu đến cuối thì ta lại bộc lộ những quan điểm khác biệt, và những người trẻ như anh thì không chấp nhận lùi lại hay tỏ ý dàn hòa đâu. Chưa bao giờ chúng tôi e ngại bộc lộ quan điểm như lúc này, nó sẽ vô tình đẩy sinh mạng mình ra trước mũi súng người khác và… đòm một phát…”.

Nói đến đây thì giọng ông cụ hạ thấp, làn hơi thoát ra khào khào, như đang chia sẻ một kinh nghiệm để sinh tồn ở vùng đất không cần biết đến ngày mai - giống như ở ngoài đường vậy, một tay súng chặn một chiếc xe hơi lại và có quyền tra hỏi: Này, anh đi đâu đấy? Về hướng đông hay hướng tây?... Về hướng tây à… Thế anh theo quân trắng (ám chỉ bạch vệ) hay quân đỏ (hồng quân)? Nếu không là xanh à (theo phái Euro Maidan - thân phương Tây?). Một người lái xe khôn ngoan sẽ không gật cũng không lắc đầu mà phải chỉ vào bao tời đựng bắp cải hay bất kỳ thứ gì luộm thuộm đang chất trên nệm xe để ra vẻ anh chỉ lo cho miếng ăn của gia đình cùng cuộc sống của vợ con anh. Thế là anh được kẻ chặn xe khoát tay cho đi tiếp…".

Đến đấy, ông Fedor (anh phóng viên tạm gọi tên ông cụ như vậy) buông lửng câu nói, rụt cổ hướng đôi mắt đùng đục qua khe hở giữa mấy thanh gỗ đóng ngang đóng dọc trên khung cửa sổ tầng trệt của tòa chung cư 4 tầng xây từ thập niên 80 thế kỷ XX. Tòa nhà thấp tầng cũ kỹ, dáng hình hộp xám xịt và thô cứng này giờ là nơi trú ẩn của ông cụ cùng 4 hộ gia đình khác từ trung tâm Donetsk dạt về đây từ hơn một tháng rồi.

Họ hoang mang nửa muốn đi tiếp, nửa dùng dằng ở lại vì thật ra cũng chẳng biết phải đi đâu khi thành phố này là nơi họ đã sinh sống và hàng chục năm qua, dường như chuyến du hành xa nhất đối với họ là chỉ đến được Kiev hay Odessa. Nhưng họ không thể ru rú trong những tòa nhà cao tầng ở trung tâm thành phố Donetsk được nữa trong cơn mưa bom đạn đang nhắm vào những khối nhà cao tầng kiên cố vì quân đội Kiev tin rằng, bên trong đó, các toán quân "nổi dậy" và đòi "liên bang hóa" đang tử thủ quyết không để "Nhà nước nhân dân Donetsk" chết yểu khi chỉ mới khai sinh từ tháng 3.

Số phận buộc những người cao niên như cụ ông Fedor phải sống qua những ngày tháng khắc nghiệt của chiến tranh. (Ảnh minh họa, không phải nhân vật trong bài).

Quân phát xít Đức tràn vào Donetsk lúc cậu bé Fedor mới 3 tuổi. Một tay sĩ quan cầm đầu toán lính Đức đã kịp ngăn một tên lính chĩa súng vào ngực bố của Fedor mà bóp cò vì ông thợ làm bánh mì gần như phát điên khi thấy mấy bao bột mì của ông bị bọn lính xọc lưỡi lê đâm nát. Không bao lâu sau để bố Fedor nhận biết mình được tay sĩ quan tử tế cứu mạng vì nếu không có ông thì sẽ lấy ai làm ra những mẻ bánh mì phục dịch cho chúng?

Thế là trong gần 2 năm ngôi làng Skoilov tràn ngập bóng quân phát xít là ngần ấy thời gian cả gia đình Fedor - bố mẹ cùng 3 thằng con trai, đứa lớn nhất 8 tuổi, đứa kế 6 tuổi và Fedor nhỏ nhất - cắn răng thức khuya dậy sớm làm kẻ tôi tớ không công cho chúng. Mỗi khi bột mì vơi thì lại có một chiếc xe quân sự rít phanh trước nhà ông thợ làm bánh mì rồi hất xuống mấy bao bột mì chắc chắn chúng đã cướp ở đâu đó.

Cũng vì sự "tận tụy" để đánh đổi mạng sống cho cả nhà mà sau khi Hồng quân giải phóng Donetsk, bố Fedor tuần nào cũng phải trình diện trước Quân ủy chính quyền tiếp quản và viết đi viết lại những tờ giải trình. Năm Fedor lên 8 thì người anh cả mất vì chứng thương hàn. Mẹ ông tình nguyện tham gia sản xuất trong nông trang để phần nào tránh tiếng dị nghị là "gia đình tiểu tư sản". Bố ông âm thầm truyền nghề cho hai con trai nhưng rồi 5 năm sau cũng đóng cửa lò bánh mì. Lúc Fedor chưa học xong trung học thì bố mẹ ông lần lượt qua đời, người anh thứ hai học xong trường trung cấp nghề thì được cho vào làm trong một nhà máy luyện thép.

Fedor lần hồi mở lại lò bánh mì sau 2 năm ngồi sau vô-lăng lái máy kéo cho nông trường như một người vô hồn. Ông không lập gia đình và cho đến nay, người thân thích duy nhất của ông còn ở lại Donetsk là đứa cháu trai (con của người anh đã mất vì bạo bệnh cách đây gần chục năm), em gái cậu ấy dọn đi sống cùng người chồng ở Kharkov.

Cách đây 4 tháng, 3 chiếc trực thăng chở những tay súng đã tấn công lực lượng dân quân ở thành phố Soledar, trong đó có mặt người cháu trai của ông cụ Fedor, nhằm chiếm lại kho súng vốn của quân đội Ukraina. Lực lượng tự vệ thành phố vỏn vẹn 50 người này đã nổ súng tự vệ. Trong khi đó, họ  không thể nhận tiếp viện từ Slavyansk khi toàn bộ lực lượng đang phải bảo vệ thành phố này.

Lực lượng dân quân Donetsk đã chốt chặn đường vào kho chứa vũ khí ở Soledar vốn tồn tại từ thời Liên Xô và chỉ có số lượng lớn những vũ khí cá nhân cũ, quá hạn sử dụng như súng máy Degtyarev, súng lục Colt, súng tiểu liên PCA.

Ngày 25/4, "giai đoạn 2" của chiến dịch quân sự chống lực lượng đối kháng ở đông nam Ukraina đã được khởi động bằng việc quân đội Ukraina tấn công vào Soledar, đồng thời liên tục lập các điểm kiểm soát có cả xe bọc thép án ngữ quanh thành phố nhằm bao vây, cô lập thành phố này. Cháu trai của Fedor đào ngũ, ông ta còn kịp tìm gặp chú mình, buông một câu cụt lủn: "Chú hãy mau rời đi!" và biến mất. Fedor đoán có lẽ ông cháu chạy về thành phố Rostov bên sông Đông.

"Cậu biết không, chàng trai, tôi đã cố giữ cho lò bánh mì không nguội tắt mấy tháng rồi đấy. Lúc đầu thì bớt dần chủng loại, sau thì loại luôn các thứ bánh ngọt, rồi đến bánh mì trắng cũng phải thôi, vì bột mì càng ngày càng đắt và các chuyến xe chở bột luôn gặp rủi ro. Thế nên tôi chỉ cho ra lò rặt thứ bánh mì đen thôi, vì lúa mạch đen còn dễ chạy vạy tìm ra, và người ta cần một ổ bánh mì cầm nặng tay để khi cắt ra một lát mỏng là cũng đủ dằn bụng gần suốt ngày… Nhưng từ tháng trước tôi đã đóng cửa hẳn. Bố tôi ngày trước đóng cửa vì hòa bình rồi, nghỉ ngơi thôi. Thằng con đã hơn 76 tuổi giờ đóng cửa vì chiến tranh.

Số phận buộc tôi phải chứng kiến chiến tranh vì đầu óc non nớt ngày ấy không thể dung chứa những hình ảnh tàn khốc - cụ Fedor thở dài thườn thượt và lại nhếch mép khinh bạc-người ta xếp hàng cả buổi để vét sạch mọi thứ có trên kệ hàng. Chuyện ấy làm tôi nhớ suốt thời thanh niên đã từng xếp hàng ròng rã để mua những thứ nhu yếu phẩm, nhưng thời này khá hơn vì không hạn chế suất mua theo đầu người. Anh cứ mặc sức lấy mọi cái mà anh nghĩ là nó sẽ giúp anh sống trọn ngày hôm nay, ngày hôm nay thôi nhé, vì ngày mai, thần số phận sẽ đứng ra ban phát…".

Cụ bà Leva Somoilova: "Chiến tranh là thời cơ cho quỷ dữ đội mồ sống dậy"

Bằng những khuôn hình đầy máu cùng những ánh mắt kinh hoàng, chiến tranh mãi mãi bám chặt vào tiềm thức của cụ bà Leva Somoilova, không cách nào gột rửa. Mẹ bà vừa thết đãi cả nhà một bữa ăn có cả mỡ muối và súp bắp cải chua nấu váng sữa béo để đánh dấu ngày sinh của cô con gái lên 8 thì chỉ một tuần sau, cả ngôi làng có nhiều gia đình gốc Do Thái, tan hoang.

Sống dưới những căn hầm được xây từ thời Liên Xô phần lớn là người già và trẻ nhỏ. (Ảnh minh họa, không phải nhân vật trong bài).

Một buổi sáng tháng 10/1941, như thường lệ, cô bé Leva thức dậy từ tinh mơ, xỏ ủng, quấn chặt khăn trên cổ, theo mẹ vào cánh rừng ướt sũng sương giá nhặt củi khô dự trữ trước khi mùa đông tới. Khi quay trở về đến bìa rừng, mẹ bảo Leva tự đi về vì bà có ít việc phải rẽ sang nhà một người hàng xóm. Mặc dù theo tay mẹ chỉ, cô bé đã thấy trong tầm mắt lơ thơ vài mái nhà của ngôi làng, thế nhưng sau cú vấp ngã sóng soài vì một cái rễ cây, Leva đứng dậy và… lạc đường. Càng đi loanh quanh, cô bé càng hoảng loạn. Bất chợt hàng loạt tiếng nổ khô khốc vang lên khiến cô bé điếng người, lần đầu tiên trong đời, cô nghe thấy thứ âm thanh ghê sợ đó.

Nhưng rồi theo phản xạ, sau một hồi đứng chôn chân trên lớp lá mục, cô bé lần theo hướng mà âm thanh đì đoàng dội đến mỗi lúc một dày. Những mái nhà lại dần hiện ra… Một chiếc xe chất trên đấy 6-7 gã đàn ông lạ mặt cùng một cô gái đỗ xịch bên bìa rừng, đó chính là Inna, chị bạn hơn Leva 6 tuổi, cô con thứ một gia đình di dân gốc Do Thái thường sang chơi với Leva. Những gã đàn ông khật khưỡng xuống xe, vây quanh cô gái nhỏ như lũ sói vây lấy con cừu non rồi lao vào gầm gừ cắn xé.

Leva chỉ biết cắn chặt môi. Mắt cô không dám nhìn những gì diễn ra với chị bạn đáng thương, nhưng tai Leva vẫn lọt vào giọng của vài thằng đàn ông không phải người Nga, không phải người Ukraina, chúng vừa sằng sặc cười vừa eo éo nhại tiếng van xin lẫn tiếng gào thét vì đau đớn của Inna… Một tiếng đoàng vang lên chấm dứt buổi đánh chén của bầy quỷ dữ. Chờ cho tiếng lao xao cùng tiếng động cơ xe đi xa hẳn. Leva mới lóp ngóp lê chân ra. Cô bé thét không thành tiếng trước thi thể lõa lồ của Inna với đôi mắt nâu đen trợn trừng…

"Cậu nghĩ xem, còn từ nào ngoài từ kinh hoàng để lột tả cho ký ức đớn đau của một cô bé 8 tuổi như tôi không? Chiến tranh đối với tôi là thời cơ cho quỹ dữ đội mồ sống dậy, để chúng mặc sức bắn giết, hãm hiếp…". "Thế gia đình bà đã sống qua năm tháng chiến tranh kinh hoàng đó bằng cách nào?". "Bằng phép lạ - cụ bà Leva trả lời anh phóng viên bằng giọng lạnh băng - đúng ra thì chỉ có hai mẹ con tôi sống nhờ phép lạ. Bố tôi tham gia quân du kích, ông rời khỏi nhà chỉ vài ngày sau khi bọn phát xít tràn vào khắp làng. Tôi chỉ gặp lại ông đúng một lần sau đêm Phục sinh. Và đâu như chỉ non tháng sau, bọn lính Đức lùa hết những ai còn lại ra giữa làng để chứng kiến buổi hành quyết những người du kích yêu nước, trong đó có bố tôi.

Ngay khi cuộc hành quyết kết thúc, hai mẹ con tôi cùng những người dân xung quanh bị một rừng lưỡi lê lùa lên một chiếc xe bít bùng. Cơn hoảng loạn không cho ai khả năng định hướng. Mãi đến khi trời sập tối thì xe mới dừng lại, chúng tôi lại bị lôi xuống đẩy vào những gian phòng gạch xám. Về sau, mẹ mới cho tôi biết là chúng tôi bị tống vào trại tập trung Donetsk".

Chiến tranh chỉ rời xa Donetsk sau khi đã lấy đi sinh mạng của gần 93.000 người, trong đó có hơn 3.000 người gốc Do Thái. Mẹ của bà Leva thoát khỏi trại tập trung là được nhận ngay vào làm trong một xưởng sản xuất quân trang quân dụng. Hòa bình lập lại, bà được chuyển qua làm việc tại nhà máy sản xuất đồ hộp. Bà qua đời trước khi Liên Xô bước vào thời kỳ Perestroika (đổi mới).

Bản thân cụ Leva sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Kỹ thuật khoa Hóa Sinh cũng vào làm việc trong nhà máy đóng hộp đến khi nghỉ hưu, không lâu trước khi Ukraina tuyên bố độc lập và nhà máy của bà được bán lại cho một tập đoàn nước ngoài. Bà lập gia đình khoảng đầu thập niên 60, chồng bà là một kỹ sư, mang trong mình cội nguồn Do Thái. Năm 2000, ông mất vì ung thư phế quản. Người con trai duy nhất của bà lập nghiệp cùng gia đình riêng tại Cộng hòa Litva.

Từ hơn một tháng qua, bà cùng vài gia đình sống trong khu chung cư kéo nhau ẩn thân dưới một căn hầm xây từ thời Liên Xô. Rất may là trong hầm có đường dây điện nhưng nhóm người chỉ dùng để đun nấu và thắp sáng hoặc nghe đài phát thanh. Những người khỏe mạnh lĩnh phần năm ba ngày ra ngoài để mua thực phẩm và nắm tình hình, còn già cả và nặng nề như bà gần như cả ngày nửa nằm nửa ngồi trên tấm đệm bông cũ kê trên tấm ba-lét gỗ để tránh hơi lạnh xông lên từ nền xi-măng ẩm ướt.

"Điều khủng khiếp là sau hơn 70 năm, những kẻ phát xít vẫn chưa học được bài học thực sự. Những khẩu hiệu vẫn được áp dụng đến bây giờ! Nó thật kinh khủng!", rồi bà cụ không ngớt chép miệng mong có phép lạ nào ru bà mãi mãi yên giấc để không bao giờ phải thảng thốt trở mình với câu hỏi sao cuộc đời bà phải hai lần bị hành hạ bởi nỗi đau chiến tranh

S.T. (tổng hợp)
.
.