Dòng họ Lưu và những bước thăng trầm cùng đất nước Trung Quốc

Thứ Hai, 04/12/2006, 08:00
Dòng họ Lưu ở Hồ Nam, Trung Quốc nhỏ bé so với các dòng họ khác nhưng đã sản sinh ra lãnh tụ kiệt xuất của Đảng Cộng sản và Chính phủ nước này, đồng thời sinh ra nhà bác học góp phần nghiên cứu chế tạo thành công quả bom nguyên tử đầu tiên của Trung Quốc. Nhưng dòng họ này từ chói lọi vinh quang phút chốc lâm vào cảnh lao lý tưởng như bị tiêu diệt.

Họ Lưu - vinh quang và mất mát.

Hồ Nam (Trung Quốc) mảnh đất địa linh nhân kiệt đã sinh ra nhiều bậc vĩ nhân hiền triết. Gia phả họ Lưu chưa ai tiết lộ, nhưng trong biên niên lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc hiện nay ghi đầy đủ chi tiết lý lịch và quá trình hoạt động cách mạng của cố Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ từ khi sinh ra đến khi qua đời đủ cho ta thấy dòng họ Lưu ở huyện Ninh Hương, Hồ Nam, Trung Quốc đầy vinh quang nhưng cũng đầy bất hạnh.

Lưu Thọ Sinh (1865/1911) và bà Lưu Lỗ Thị (1864/1931) tuy là nhà nông nhưng vốn có truyền thống hiếu học và nhân từ. Ông bà sinh được 7 người con, trong đó Lưu Thiếu Kỳ là cậu con trai út. Cả 7 người con đều đỗ đạt cao. Bản thân Lưu Thọ Sinh cũng được cha mẹ dạy bảo rất uyên thâm luân lý nho giáo, luôn lấy nhân hậu làm gốc, học hành làm đầu để tu thân tề gia.

Lưu Thiếu Kỳ sinh ngày 24/11/1898, ngay từ bé đã được sự giáo dục dạy bảo hết sức chu đáo của gia đình. Với trí thông minh trời phú lại được học hành cơ bản, Lưu Thiếu Kỳ nổi tiếng là người  học rộng, tài cao, kiến thức uyên bác hơn người.

Lên 6 tuổi đi học, 7 tuổi được cha mẹ gửi vào trường tư thục Chá Mộc Xung danh tiếng; 13 tuổi đã đọc thông “Tam Tự Kinh”; “Thiên Tự Văn” “Luận Ngữ”, “Đại học”; “Trung Đường”; “Mạnh Tử”; “Kinh Thi” là những bộ sách ngay cả người lớn cũng rất khó đọc. 16 tuổi học hết bậc phổ thông với đầy đủ các môn tự nhiên, xã hội, âm nhạc, thể thao, đặc biệt rất giỏi toán và vật lý; hiểu biết sâu rộng lịch sử, rất giỏi bóng đá, bóng rổ, thổi sáo trúc và kéo nhị hiếm ai sánh kịp.

17 tuổi, ông đã là ngọn cờ đầu trong phong trào thanh niên, học sinh sinh viên biểu tình phản đối Viên Thế Khải ôm chân Nhật, bán rẻ Tổ quốc. Năm 1921, Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa thành lập, ông là một trong những đảng viên đầu tiên của Đảng. Từ năm 1922 đến 1932, ông là lãnh tụ của thanh niên sinh viên và hoạt động liên tục rồi trở thành nhà lãnh đạo của giai cấp công nhân Trung Quốc.

Năm 1932, Lưu Thiếu Kỳ được Trung ương Đảng điều vào quân đội sát cánh chiến đấu bên cạnh Mao Trạch Đông cho đến ngày khải hoàn chiến thắng. Ông là một trong ba vị khai quốc công thần của Trung Hoa mới. Năm 1949, Lưu Thiếu Kỳ làm Phó Chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Với cương vị Ủy viên Thường trực Bộ Chính trị. Năm 1958/1968, giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, ông cùng Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc hoạch định nhiều chủ trương đường lối xây dựng CNXH ở Trung Quốc, và trên cương vị nguyên thủ quốc gia ông đi thăm nhiều nước trên thế giới trong đó đặc biệt xây dựng mối tình hữu nghị Trung - Xô được nhân dân thế giới kính trọng.

Trong diễn văn kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ (1898/1998) do Tổng bí thư Giang Trạch Dân đọc có đoạn: “Đồng chí Lưu Thiếu Kỳ là nhà cách mạng mácxít, nhà quân sự, nhà ngoại giao, nhà kinh tế, nhà văn hóa kiệt xuất của Đảng Cộng sản và nhân dân Trung Quốc”.

Tại lễ truy điệu Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ, Tổng bí thư Đặng Tiểu Bình đọc lời điếu nêu bật: “Tên tuổi và sự nghiệp đồng chí Lưu Thiếu Kỳ sống mãi trong trái tim nhân dân các dân tộc Trung Quốc”. (Lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc).

Lưu Thiếu Kỳ kết duyên với bà Hà Bảo Chân - là một chiến sĩ cách mạng. Ông bà sinh được 2 con: một trai là Lưu Doãn Bân, một gái là Lưu Ái Cầm. Lưu Doãn Bân sinh năm 1925. Do hoàn cảnh và điều kiện công tác cách mạng, cha mẹ không thể dành thời gian chăm sóc con cái, nhưng Lưu Doãn Bân vẫn học giỏi như thần đồng.

Năm 1950, Lưu Doãn Bân được gửi sang Liên Xô học tập trong Trường đại học Khoa học danh tiếng Moskva, ở đó có rất đông sinh viên các nước nhưng năm nào anh cũng đạt thành tích xuất sắc, giành được nhiều huy chương vàng của trường, luôn được các giáo sư đánh giá sau này sẽ trở thành nhà khoa học đầy triển vọng.

Lưu Doãn Bân kết thân với Mara người Nga là sinh viên cùng lớp, sau khi tốt nghiệp, hai người thành vợ thành chồng. Họ sinh được 4 con: Sonhiya - con gái đầu; Alexsa - con trai giữa và hai em Ly Ly, Toto. Lưu Doãn Bân được phân công về công tác tại Viện Nghiên cứu chiến lược hạt nhân Liên Xô.

Dưới sự dìu dắt của các nhà bác học và công trình sư, Lưu Doãn Bân không những nhanh chóng đuổi kịp các bậc đàn anh đã từng có thâm niên trên 10 năm trong nghề mà còn có một số công trình nghiên cứu phát minh bí mật trong lĩnh vực hạt nhân, khiến các nhà khoa học Liên Xô hết sức ngạc nhiên.

Cuối năm 1957, Lưu Doãn Bân về nước để lại vợ và các con ở Nga, ông được phân công công tác ở Viện Nghiên cứu X tuyệt mật của Trung Quốc. Không lâu, ông trở thành nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Trung Quốc, bắt tay nghiên cứu chế tạo và thử thành công quả bom nguyên tử đầu tiên của Trung Quốc.

Năm 1958, Mara đem con về Trung Quốc với chồng, nhưng chưa đầy nửa năm phần vì không hợp khí hậu và lối sống Trung Quốc phần vì tránh liên lụy cho vợ con do ngọn lửa “Đại cách mạng văn hóa” đã bén đến mái nhà họ Lưu. Lưu Doãn Bân khuyên Mara đem con trở lại Liên Xô, hai người không ngờ lần chia tay đó cũng là lần cuối cùng họ gặp nhau.

Trở về Liên Xô, bà Mara một mình tần tảo nuôi các con khôn lớn thành tài.Vào một buổi sớm tinh mơ năm 1967, người ta thấy Lưu Doãn Bân thân thể bị nghiền nát trên đường ray bởi chuyến tàu tốc hành nào đó lướt qua. Khi ấy ông mới tròn 42 tuổi và sự nghiệp khoa học của nhà bác học họ Lưu bắt đầu ở độ chín.

Thì ra, sau khi Lâm Bưu và “bè lũ 4 tên” tiếm quyền lãnh đạo đất nước trong cuộc “Đại Cách mạng văn hóa” ghép tội Lưu Thiếu Kỳ là phần tử đầu sỏ theo chủ nghĩa xét lại hiện đại Liên Xô, chống lại Đảng Cộng sản và nhân dân Trung Quốc đã bắt và đày ải ông một cách tàn ác. (6 giờ 45 phút ngày 12-11-1969, ông trút hơi thở cuối cùng tại Hà Nam).

Trong bối cảnh đó Lưu Doãn Bân bị “bè lũ 4 tên” hạ sát để thực hiện mưu đồ “nhổ cỏ phải nhổ tận gốc”, chúng dựng hiện trường giả cho là Lưu Doãn Bân lao vào đường tàu tự sát. "Đại cách mạng văn hóa" bị dẹp tan, Đảng Cộng sản Trung Quốc sửa sai tiếp tục đưa đất nước bước vào con đường đổi mới phát triển.

Cháu đích tôn của Lưu Thiếu Kỳ về Trung Quốc nhận họ.

Alexsa dường như chưa bao giờ biết mặt cha, bà Mara cũng chưa bao giờ giảng giải cho các con biết lai lịch người cha của họ. Mỗi khi Sonhiya và Alexsa gợi chuyện, bà đều từ chối khéo vì không muốn con mình sớm buồn phiền và tránh mọi nguy hiểm bởi bối cảnh lịch sử những năm tháng quá phức tạp do quan hệ Xô - Trung căng thẳng.

Vợ chồng Alexsa tại nhà riêng Moskva

Mãi tới năm 1987 khi được tin Lưu Doãn Bân chết bà đã bị sốc và gục ngã bất tỉnh, sau khi nói đứt quãng “Lưu...Do...ãn...B...ân là... cha...các co...n”. Bà tắt thở trên đôi tay của Alexsa. Gần 20 năm qua, Alexsa luôn cảm nhận mình là người Trung Quốc.

Tấm ảnh cụ già đẹp như ông tiên hiền hậu ôm hôn anh lúc 5 tuổi (năm 1960) và những tấm ảnh khác chụp trong khoảng năm 1956 -1960 cứ thôi thúc anh đi ngược thời gian trở về quá khứ của cố Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ và về người cha của mình.

Alexsa và vợ là người Nga đã có 2 con, một trai một gái. Alexsa năm nay bước sang tuổi 51 dáng vóc to lớn, da dẻ hồng hào. Ngày còn nhỏ, học hết phổ thông trung học Alexsa thi đậu vào Học viện Hàng không Moskva. Với trí thông minh tuyệt vời và tinh thần học tập nghiêm túc, anh luôn nhận được những bằng khen, huy chương vàng. Tốt nghiệp ra trường, Alexsa được phân công về công tác tại Trung tâm Nghiên cứu khoa học Hàng không Vũ trụ Liên Xô trước đây và nước Nga hiện nay.

Trở thành một công trình sư uyên bác trong nhóm nghiên cứu chế tạo các con tàu vũ trụ Liên Xô - một lĩnh vực khoa học rất khó và cực kỳ bảo mật của quốc gia. Hơn 20 năm công tác, Alexsa được nhà nước phong tặng nhiều danh hiệu cao quý.

Hai mươi năm sau cái chết của Lưu Doãn Bân, bà Lưu Ái Cầm sang Liên Xô những mong tìm gặp được gia đình Alexsa và thăm lại bạn bè cũ hồi học ở Liên Xô. Đáng tiếc trong số bạn bè nhiều người đã chết, số còn lại chẳng biết về gia đình Alexsa hiện ở đâu nhưng Lưu Ái Cầm vẫn nhờ bạn bè còn lại tìm tiếp.

Sau khi mẹ và ông bà ngoại chết, chị Sonhiya theo chồng về Mỹ, Alexsa  không còn ai thân thích. Ý tưởng lờ mờ trong óc anh phải tìm được gốc tích tổ tông mình. Alexsa hiểu rằng chừng nào còn là sĩ quan làm việc tại Trung tâm Hàng không vũ trụ Nga anh sẽ không thể thực hiện ý định của mình do đó anh quyết định ra quân và chờ cho đủ 3 năm sau, như điều lệnh quân đội Nga quy định sẽ thực hiện ý định sang Trung Quốc tìm người thân, họ hàng.

Một hôm, Alexsa được bạn dẫn một nhà báo Trung Quốc đến thăm gia đình. Chủ và khách hoan hỉ chuyện trò bằng tiếng Trung Quốc và anh đưa những tấm ảnh gia đình cho nhà báo xem. Nhà báo reo lên: “Lưu Chủ tịch! Lưu Chủ tịch!... Lưu Doãn Bân!... Lưu Ái Cầm!” và nước mắt ứa ra...

Đầu năm 1998, Alexsa viết bức thư gửi cho bà Vương Quang Mỹ (vợ kế của  Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Lưu Thiếu Kỳ) nói rõ tình tiết và nguyện vọng về nhận tổ tông. Bà Vương Quang Mỹ với danh nghĩa bà nội và toàn gia tộc sau khi thẩm định đối chiếu kỹ càng lai lịch Alexsa đã xúc động gửi ngay thư mời Alexsa sang Trung Quốc dự lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Lưu Chủ tịch, nhưng anh không sang được vì chưa ai giải quyết.

Tháng 4/2006, sau khi được cấp visa về Trung Quốc tìm thân nhân, Alexsa cùng vợ sung sướng bay thẳng về Hồ Nam nhận họ hàng. Trước bia mộ Lưu Thọ Sinh, Alexsa và vợ con đặt vòng hoa kính viếng trong sự ngưỡng mộ của mọi người. Anh nghẹn ngào xúc động nói: “Đây là tổ tiên tôi, tôi tự hào và biết ơn họ! Cám ơn hai Tổ quốc Liên Xô và Trung Quốc của tôi”

Nguyễn Văn Gấm (Sưu tầm)
.
.