“Dự án 6”: Mạng lưới gián điệp CIA trong lòng nước Đức

Thứ Hai, 30/09/2013, 11:45

Rất ít ai biết tại Neuss - gần Dusseldorf, thủ phủ bang North Rhine-Westphalia, miền tây nước Đức - là một trong những thành phố cổ nhất nước này, bấy lâu nay hiện diện một cách bất thường một nhóm nhỏ người Mỹ "có chọn lọc" trong một thời gian dài. Họ là điệp viên của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) điều hành dự án bí mật "Dự án 6" hay "P6" - phối hợp với hai cơ quan tình báo Đức là Cơ quan liên bang bảo vệ Hiến pháp (BfV) và Cơ quan tình báo liên bang Đức (BND) - trong tòa nhà văn phòng mà bề ngoài không có gì bắt mắt, nằm không xa những con đường lát đá cuội trong khu vực dành riêng cho người đi bộ ở Neuss.

Dự án bí mật đến độ cho đến ngày hôm nay cũng chỉ có vài chục nhân viên tình báo Đức được biết đến sự tồn tại của nó. Là một phần trong cuộc chiến chống khủng bố, “P6” bắt đầu phát triển cơ sở dữ liệu chứa đựng thông tin cá nhân của hàng ngàn người bị nghi ngờ là phần tử khủng bố - bao gồm hình ảnh, biển số xe, lịch sử tìm kiếm trên Internet và dữ liệu kết nối điện thoại từ năm 2005.

“Dự án 6” phối hợp Mỹ - Đức cho thấy Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) không chỉ là cơ quan tình báo duy nhất của Mỹ thèm khát thông tin và thiết lập một hệ thống mạng gián điệp toàn cầu nhằm vào mục tiêu dân thường. Thông qua “Dự án 6”, CIA tìm kiếm các đối tác chiến lược cho cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu của chính quyền Mỹ sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001.

Sau hai vụ đánh bom khủng bố ở thủ đô Madrid của Tây Ban Nha năm 2004 và  London của Anh năm 2005, Bộ Nội vụ Đức không muốn từ chối yêu cầu từ phía tình báo Mỹ. Theo August Hanning, người từng lãnh đạo BND, BfV được cử làm trung gian giữa Berlin và Washington để từ đó ra đời cơ sở dữ liệu bí mật ở thành phố Neuss. Một số chuyên gia về chính sách pháp lý và nội địa gọi “P6” là "vùng xám pháp lý".

August Hanning, cựu Giám đốc BND (1998- 2005) và cựu lãnh đạo BfV Heinz.

Nhóm điệp viên ở Neuss - hoạt động dưới sự bảo hộ của lãnh đạo BfV lúc đó là Heinz Fromm - được thành lập theo sáng kiến của người Mỹ. CIA chịu trách nhiệm cung cấp các hệ thống máy tính và phần mềm chuyên biệt cho chiến dịch gián điệp "PX" được thiết kế giúp các điệp viên nắm rõ môi trường hoạt động của những cá nhân được cho là ủng hộ khủng bố. Mục đích ban đầu của “P6” là xác định những kẻ chỉ điểm tiềm tàng trong cộng đồng thánh chiến Hồi giáo để sử dụng.

Theo một nhân viên tình báo Đức biết về “PX”, phần mềm này không bao giờ được kết nối trực tuyến, nhưng thay vào đó nó được xử lý như là một bộ phận độc lập tồn tại bên trong mạng lưới các cơ quan tình báo. Một loạt sự kiện nóng bỏng năm 2010 minh họa công việc của “P6” (vài năm sau được di chuyển từ Neuss đến tổng hành dinh BfV ở thành phố Cologne).

Trong một bức thư đề ngày 6/5/2010 của CIA được xếp loại "tuyệt mật", người Mỹ yêu cầu thông tin từ các nhà phân tích của “P6”. Họ muốn có trong tay bản danh sách về những cuộc tiếp xúc của các phần tử khủng bố người Yemen hoạt động trên đất Đức. Yêu cầu của CIA nêu rõ: "Những mục tiêu tiềm tàng cho “P6” - các số điện thoại của người Đức kết nối với các số của người Yemen hợp tác với nhánh Al-Qaeda ở bán đảo Arập (AQAP)".

Các nhà hoạt động chính trị biểu tình chống gián điệp Mỹ bên ngoài trụ sở mới của BND.

Trong thư này, CIA cũng bao gồm một yêu cầu xác định 17 số điện thoại của người Đức được sử dụng để liên lạc với các số "đáng ngờ" của người Yemen. Yêu cầu của CIA ghi rõ: "Nếu có thể, cơ quan chúng tôi sẽ đánh giá cao đối với bất cứ thông tin về ngày sinh hay hộ chiếu mà mạng lưới máy chủ của các ông có thể có được của những người đăng ký các số điện thoại ở Đức".

Một người thuộc diện nghi ngờ của tình báo Mỹ - Đức là Stefan Buchen, nhà báo của Đài Phát thanh Bắc Đức (NDR) là do số điện thoại của nhà báo này kết nối với Abdul Majeed al-Zindani", giáo sĩ Hồi giáo cực đoan ở Yemen mà Mỹ tin là nhân vật ủng hộ mạnh mẽ trùm khủng bố Osama bin Laden. Nhưng, người Mỹ không mô tả một cách chính xác sự "kết nối" của nhà báo với giáo sĩ râu đỏ Abdul al-Zindani là như thế nào.

Stefan Buchen là nhà báo ở Hamburg chuyên về mảng điều tra chủ nghĩa khủng bố, từng tiến hành nghiên cứu về các quốc gia Arập trong suốt nhiều năm. Năm 2010, Buchen có mặt ở Yemen để lần theo dấu vết của 2 tín đồ Hồi giáo trẻ tuổi người Đức đến Yemen. Giới chức của BND mới đây cũng thừa nhận sự tồn tại của “P6” nhưng nhấn mạnh sự hợp tác này đã kết thúc vào năm 2010. Năm 2012, chỉ riêng BfV đã gửi 864 gói dữ liệu đến cho CIA, NSA và các cơ quan tình báo khác của Mỹ

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.