Dữ liệu bí mật về phần tử khủng bố của Europol bị rò rỉ trên mạng

Thứ Ba, 06/12/2016, 15:35
Trên 700 file tài liệu nhạy cảm nêu chi tiết về 54 cuộc điều tra khác nhau chống tội phạm và khủng bố do Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) lãnh đạo bị phơi bày trên Internet - theo tiết lộ từ Zembla, chương trình truyền hình Hà Lan.

Dữ liệu điều tra - trải dài từ năm 2006 đến 2008 - được lưu trữ trong một ổ đĩa cứng kết nối với Internet mà không hề có mật khẩu bảo vệ. Theo Zembla, sự rò rỉ dữ liệu xảy ra khi một cựu nữ sĩ quan cảnh sát mang chúng về nhà - một hành vi đi ngược lại chính sách của Europol.

Chương trình Zembla tiết lộ số hồ sơ mật bị rò rỉ bao gồm những cuộc điều tra phân tích do Europol lãnh đạo về tổ chức khủng bố Hofstad Network ở Hà Lan, cuộc đánh bom khủng bố hàng loạt ở thủ đô Madrid của Tây Ban Nha và vài vụ tấn công máy bay dân dụng bằng chất nổ lỏng được chặn đứng kịp thời.

Giám đốc Europol Rob Wainwright.

Các tài liệu cũng nêu hàng trăm tên và số điện thoại được tin là liên quan đến khủng bố cùng với thông tin về những cuộc điều tra mà Europol chưa từng công bố. Zembla cũng đưa tin Wil van Genert, phó giám đốc Europol, thừa nhận số tài liệu bị rò rỉ trên Internet mà chương trình TV Hà Lan phát hiện được là có giá trị cao.

Zembla trích dẫn lời của Wil van Genert: "Sự rò rỉ thông tin tác động tiêu cực đến chính sách bí mật của Europol. Do đó, chúng tôi ngay lập tức thành lập một cuộc điều tra để tìm hiểu xem sự rò rỉ như thế đã xảy ra như thế nào". Ngoài ra, Wil van Genert cũng xác nhận rằng một số danh tính tội phạm được nêu trong số tài liệu bị rò rỉ có lẽ vẫn còn nằm trong cuộc điều tra tích cực "dài hạn".

Van Gernet nói thêm: "Mặc dù những cuộc điều tra được tiến hành cách đây đã 10 năm, song một phần trong số chúng có thể vẫn chưa kết thúc". Phóng viên Vincent Verweij trong Zembla cho biết chương trình phát hiện số dữ liệu của Europol thông qua dịch vụ tìm kiếm thiết bị kết nối Internet: "Chúng tôi tìm thấy chiếc đĩa cứng trên Internet thông qua cỗ máy tìm kiếm mạnh mẽ gọi là Shodan. Chúng tôi có thể dễ dàng truy cập từ xa vào chiếc đĩa trên Internet mà không hề bị yêu cầu nhập mật khẩu". Tuy nhiên, Zembla cam kết không tiết lộ nội dung dữ liệu nhằm ngăn ngừa những cuộc điều tra khủng bố của Europol gặp nguy hiểm.

Một mẫu Iomega của Lenovo.

Giới chức Europol khẳng định cựu nữ sĩ quan đã sao chép dữ liệu mật vào ổ cứng cá nhân ở nhà và hành vi rõ ràng vi phạm chính sách bảo mật của tổ chức cảnh sát đa quốc gia. Sau khi phục vụ suốt hơn một thập niên cho Europol, nữ sĩ quan này đã rời khỏi tổ chức và hiện đang làm việc cho cảnh sát Hà Lan.

Ổ đĩa cứng di động của nữ sĩ quan là một trong những mẫu Iomega của nhà sản xuất Trung Quốc Lenovo. Công ty Trung Quốc cho rằng, chính người dùng phải chịu trách nhiệm về sự an toàn của thiết bị. Tuy nhiên, những mẫu Iomega thế hệ sau này đều bắt buộc người dùng thiết lập mật khẩu trước khi sử dụng được thiết bị.

Bibi van Ginkel, nhà nghiên cứu ở Viện Quan hệ Quốc tế Clingendael của Hà Lan, nhận định: "Các tổ chức cảnh sát không hề muốn tiết lộ những gì mà họ biết được nhằm ngăn ngừa những kẻ xấu hiểu được cách hoạt động của cảnh sát để xâm nhập tấn công. Trong thời đại mà sự hợp tác quốc tế chặt chẽ hơn, sự trao đổi dữ liệu là cần thiết.

Thế cho nên, sự rò rỉ tài liệu mật có lẽ sẽ hủy hoại lòng tin giữa các quốc gia với nhau". Sự rò rỉ tài liệu được tiết lộ khi Rob Wainwright, giám đốc hiện nay của Europol, chuẩn bị tham dự một hội nghị về bảo vệ dữ liệu và sự riêng tư trực tuyến diễn ra tại thủ đô London nước Anh vào tháng 1-2017.

Europol, đặt trụ sở tại thành phố The Hague của Hà Lan, là tổ chức cảnh sát bao gồm 28 quốc gia thành viên có nhiệm vụ chống khủng bố và tội phạm quốc tế nghiêm trọng. Phạm vi điều tra của Europol bao gồm nhiều loại tội phạm: khủng bố, rửa tiền, buôn lậu ma túy, lừa đảo, sản xuất và lưu hành tiền giả, tội phạm mạng và nhiều hoạt động bất hợp pháp khác.

Mới đây vào ngày 24-11-2016, trang web và hệ thống máy tính nội bộ của Ủy ban châu Âu (EC) - một tổ chức pháp luật của Liên minh châu Âu (EU) - hứng chịu một cuộc tấn công mạng gọi là từ chối dịch vụ (DDoS) trên quy mô lớn và bị tê liệt trong suốt 24 giờ. Vào khoảng giữa năm 2016, cơ sở dữ liệu khổng lồ về các cá nhân hay tổ chức quốc tế có dính líu đến khủng bố gọi là World Check của tập đoàn truyền thông Thomson Reuters cũng bị rò rỉ trên Internet. Phiên bản World-Check năm 2014 chứa khoảng 2,2 triệu tài liệu mật được các ngân hàng, cơ quan chính quyền và tình báo trên toàn thế giới sử dụng.

Duy Ân (tổng hợp)
.
.