Đức: “Màu xanh” trên bản đồ xuất khẩu vũ khí

Thứ Bảy, 10/08/2013, 11:35

Sự sụt giảm đơn đặt hàng từ quân đội trong nước đã dẫn đến việc ngành công nghiệp vũ khí Đức chuyển hướng tập trung sang nỗ lực buôn bán ra nước ngoài. Khuynh hướng gần đây đã cho thấy rõ sự thành công đáng kể, bất chấp việc kiểm soát xuất khẩu khá chặt chẽ của nước Đức về mặt hàng nhạy cảm này.

Ngành công nghiệp vũ khí Đức nổi tiếng thế giới

Frank Haun là ông chủ của Krauss-Maffei Wegmann (KMW) - Công ty sản xuất vũ khí cho Bộ Quốc phòng Đức ở Munich. Cách đây không lâu, Haun sử dụng một máy chiếu để hiển thị tấm bản đồ thế giới gắn trên tường phục vụ khách tham quan. Các quốc gia mà công ty của Haun có thể xuất khẩu vũ khí đến - như là Canada, Brazil và Chile - đều có màu xanh. Những quốc gia mang màu vàng chỉ có thể nhập khẩu vũ khí trong một số điều kiện nào đó.

Và, theo nguyên tắc chung, Công ty KMW bị cấm xuất khẩu đến một số quốc gia được hiển thị với màu đỏ. Chẳng hạn như Trung Đông mang màu đỏ, bởi vì đây là khu vực xung đột dữ dội. Nhưng bây giờ, đối với Frank Haun thì hoàn toàn không còn vấn đề màu "xanh" hay "đỏ" nữa. Haun nói: "Màu đỏ, vàng hay xanh là chuyện do chính quyền Đức quyết định". Nhưng bây giờ bất ngờ màu đỏ chuyển sang xanh: Ủy ban An ninh Liên bang Đức, một nhóm quyết định vấn đề cấp phép xuất khẩu vũ khí, nay đã bật đèn xanh cho việc bán hơn 200 chiếc xe tăng Leopard model 2A7+ cho Arập Xêút.

Thông tin về hợp đồng buôn bán vũ khí giữa Đức với Arập Xêút đã làm dấy lên cuộc tranh cãi ở Đức về chính sách xuất khẩu vũ khí và ngoại giao của nước này vốn yên lặng một thời gian. Hợp đồng bán xe tăng cho Arập Xêút đã lôi ra ánh sáng một ngành công nghiệp vốn thích làm ăn trong bóng tối hơn. Trên thực tế, ngành này chỉ nổi sóng gió một lần trong năm khi mà Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố báo cáo xếp hạng thường niên về những nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới.

Nước Đức đứng hạng thứ 3 trong số những nhà cung cấp vũ khí lớn nhất thế giới, chỉ đứng sau Nga và Mỹ, qua mặt Pháp và Anh. Vũ khí của các cường quốc này có mặt trên khắp thế giới - từ xe tăng của KMW và Rheinmetall; tàu ngầm của ThyssenKrupp; máy bay chiến đấu, trực thăng và drone (máy bay không người lái) của EADS; tên lửa và đạn dược của Diehl; súng trường của Heckler & Koch; ngư lôi của Atlas Elektronik; đến ống ngắm kính viễn vọng của Carl Zeiss.

Máy bay chiến đấu "Eurofighter" của EADS.

Lãnh đạo Công ty KMW Klaus Eberhardt thừa nhận: "con số những điểm nóng trên toàn cầu đang tăng lên", song ông không nói đó là điều thú vị mặc dù công ty của ông hưởng lợi từ thực trạng này. Cũng giống như những công ty vũ khí khác của Đức, Rheinmetall luôn thích nghi với sự thay đổi của thời gian. Cách đây một thập niên, các công ty Đức cung cấp hàng cho quân đội trong nước, gọi là Bundeswehr. Nhưng hiện tại, có đến 70% sản phẩm của họ bán cho khách hàng nước ngoài.

Nước Đức nổi tiếng với vũ khí công nghệ cao và chất lượng tối ưu. Ví dụ, tàu ngầm của Công ty ThyssenKrupp được đánh giá tốt nhất thế giới vì khả năng không bị phát hiện của nó. Các công ty Đức cũng hưởng lợi từ sự thay đổi của xung đột quân sự trên thế giới. Đã qua rồi thời gian mà những đội quân đông đúc đối đầu với nhau. Ngày nay, cuộc chiến diễn ra cùng lúc tại nhiều địa điểm khác nhau và thường chỉ với những toán binh sĩ nhỏ. Chiến trận như thế đòi hỏi những giải pháp công nghệ cao, bao gồm drone, vệ tinh, radar cũng như thiết bị điện tử cực kỳ tinh xảo. Mà đó lại là sở trường của các nhà chế tạo vũ khí Đức!

Xe tăng "Leopard" của Công ty Krauss-Maffei Wegmann (KMW).

Thêm nữa, người Đức biết cách ứng dụng sản phẩm dân dụng vào những dự án quân sự. Lấy ví dụ Carl Zeiss, công ty quang học có lịch sử lâu năm và nổi tiếng với sản phẩm thấu kính đầu tiên dùng cho kính đeo mắt và ống nhòm. Thông qua công ty con Carl Zeiss Optronics, công ty này hiện cung cấp loại ống ngắm kính viễn vọng cho xạ thủ và hệ thống ngắm cho xe tăng "Leopard 2" cho phép bắn chính xác dù đang chạy với tốc độ cao.

Optronics là chi nhánh vũ khí quốc phòng của Carl Zeiss Group và nằm trong số những công ty hàng đầu thế giới về hệ thống quang học. Tập đoàn này sản xuất rất nhiều loại sản phẩm, từ camera hồng ngoại dùng để giám sát biên giới, hệ thống đa cảm biến cho drone, hệ thống giao tiếp bằng laser không thể bị nghe lén cho đến các thiết bị quan sát về đêm có thể dùng trên biển, đất liền và trên không.

Ngành công nghiệp vũ khí Đức nổi tiếng toàn cầu với những tên tuổi lớn như Siemens và SAP chuyên cung cấp những giải pháp phần mềm cho quân đội. Karchner, công ty cỡ trung của Đức có tiếng với thiết bị tẩy cao áp, cũng đứng hàng đầu thế giới với sản phẩm xử lý nước và bảo vệ NBC (hạt nhân, sinh học và hóa học). Nhưng cho dù lớn hay nhỏ, các công ty Đức đang nhìn thấy tương lai xuất khẩu của họ. Stefan Zoller, lãnh đạo Cassidian (công ty quốc phòng, một nhánh của EADS - Cơ quan không gian và quốc phòng hàng không châu Âu), nói: "Sự tăng trưởng không đến từ châu Âu nữa".

Tên lửa của Diehl.

Ngân sách quốc phòng ở châu Âu đang bị đình trệ, Zoller giải thích, và những cơ hội lớn nhất được tìm thấy ở Trung Đông, Ấn Độ và Brazil. Trong thập niên tới, Cassidian hy vọng sẽ tăng gấp đôi khối lượng hàng hóa bán ra đến 12 tỉ euro. Tuy nhiên, các nhà chế tạo vũ khí Đức cũng cần đến sự hỗ trợ của chính quyền. Theo Zoller, lĩnh vực chế tạo vũ khí Đức "cần nhận được sự hỗ trợ của chính quyền liên bang trong cuộc chạy đua toàn cầu này".

Công ty của Zoller cực kỳ hy vọng vào vấn đề an ninh biên giới và một chi nhánh của công ty mới đây rất thích thú trước sự quan tâm đặc biệt. EADS ký hợp đồng với Arập Xêút cung cấp radar, thiết bị cảm biến, camera cùng với hệ thống điện tử cho công việc bảo đảm an ninh cho đường biên giới dài 9.000km cũng như toàn bộ sân bay và cảng biển.

Thành công của Cassidian đem đến hợp đồng trị giá 2 tỉ euro. Thành công này có được nhờ chính quyền Đức mới đây đã ký kết một hiệp ước hợp tác với Arập Xêút về mọi vấn đề liên quan đến an ninh, trong đó có thỏa thuận cảnh sát Liên bang Đức huấn luyện cho cảnh sát biên giới Arập Xêút.

Những quy định về xuất khẩu vũ khí của Đức

Zoller mới đây cho biết chính quyền Arập Xêút "đã đặt an ninh đất nước vào tay của chúng tôi ở mức độ lớn". Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng Arập Xêút không chỉ phụ thuộc vào Cassidian, mà cũng vào KMW, nhà chế tạo xe tăng "Leopard 2". Hầu như một nửa số hàng bán ra của Công ty KMW là từ "Leopard 2", loại xe tăng được phát triển đầu tiên trong thập niên 1970. Mà trong phần lớn những trường hợp, quân đội hiện đại cần loại xe tăng khác.

Xe thiết giáp của Rheinmetall.

Như trang web của KMW nhận định, "Chiến tuyến của thời kỳ Chiến tranh lạnh đã được thay thế bởi rất nhiều điểm nóng nằm rải rác khắp nơi trên toàn cầu, đòi hỏi triển khai quân đội hiện đại". Đáp lại nhu cầu đang thay đổi này, KMW nâng cấp "Leopard 2" thành "Leopard 2A7+". Kết quả là model xe tăng nâng cấp "Leopard 2A7+" đã chinh phục được người Arập Xêút và nó được đánh giá vượt xa xe tăng do Pháp và Mỹ sản xuất.

Cứ mỗi năm vào tháng 12, chính quyền Liên bang Đức có báo cáo về xuất khẩu vũ khí trong năm. Báo cáo bao gồm danh sách tất cả giấy phép xuất khẩu vũ khí và khí tài quân sự khác. Từ năm 2000, Arập Xêút được xếp hạng trong Top 20 khách hàng mua vũ khí của Đức. Các giao dịch bao gồm xuất khẩu những bộ phận tên lửa, súng máy, đạn được và đạn pháo cho Riyadh (thủ đô Arập Xêút) đều được phê chuẩn - ngay cả trong những năm nước Đức nằm dưới sự lãnh đạo của chính quyền liên minh gồm đảng trung tả Dân chủ Xã hội và đảng Xanh (1998 - 2005). Tuy nhiên, hợp đồng mua bán xe tăng đã bước sang mức độ mới.

Năm 2009, các hợp đồng xuất khẩu vũ khí đến Arập Xêút. được chính quyền Đức bật đèn xanh trị giá tổng cộng 167,9 tỉ euro! Riêng hợp đồng cung cấp 200 chiếc xe tăng "Leopard 2A7+" trị giá xấp xỉ 2 tỉ euro. Tổng cộng, Berlin phê chuẩn cho xuất khẩu vũ khí ra toàn cầu khoảng 7 tỉ euro.

Súng tiểu liên của Heckler & Koch.

Những quy định của Đức về xuất khẩu vũ khí được tìm thấy trong Luật Thanh toán và Ngoại thương (AWG) và Luật kiểm soát vũ khí chiến tranh (KWKG). Có một danh sách về những gì mà chính quyền Liên bang Đức định nghĩa là thiết bị quân sự, gồm từ phần mềm phục vụ quân sự cho đến hóa chất. Xuất khẩu vũ khí cần giấy phép của Cơ quan kiểm soát xuất khẩu và kinh tế Liên bang Đức (BAFA). Quy định giới hạn với 62 món hàng trong danh sách vũ  khí chiến tranh, bao gồm xe tăng, tên lửa và trực thăng tấn công.

Quyết định về xuất khẩu những hàng hóa này thường được thông qua Ủy ban An ninh Liên bang Đức, tổ chức do thủ tướng làm chủ tịch. "Nguyên tắc chính trị" mà Chính phủ Đức thắt chặt vào ngày 19/1/2000 có nghĩa là cung cấp đường lối cho Ủy ban An ninh Liên bang căn cứ vào đó mà ra quyết định. Những đường lối chỉ đạo này được cho là nhằm tăng cường "sự quan sát nhân quyền ở quốc gia xuất khẩu đến". Chỉ riêng tiêu chuẩn này cũng đủ ngăn cản xuất khẩu xe tăng đến Arập Xêút. Đường lối chỉ đạo cũng có nghĩa ngăn chặn phê chuẩn xuất khẩu vũ khí đến các quốc gia "mà ở đó có nguy cơ xung đột vũ trang bùng nổ".

Trung Đông được coi là điểm nóng rối ren, thế nên chuyện Arập Xêút không được phép mua xe tăng Đức là hợp lý. Song, những "nguyên tắc chính trị" này cũng có vài lỗ hổng mà do đó "xuất khẩu vũ khí chiến tranh không được phép, trừ phi…". Ví dụ, một ngoại lệ có thể được chấp nhận là khi có sự liên quan đến chính sách đối ngoại hay an ninh. Đây chính là ngoại lệ cho phép Ủy ban An ninh Liên bang cho phép ký hợp đồng bán xe tăng cho Arập Xêút. Các công ty quốc phòng Đức - như là Krauss-Maffei Wegmann, Rheinmetall và nhiều công ty cung cấp khác - đang hy vọng ký được hợp đồng trị giá hàng tỉ euro với Arập Xêút bởi vì quốc gia này thích mua những chiếc xe tăng phiên bản mới hơn những chiếc cũ.

Ban đầu Riyadh thương lượng với Tây Ban Nha, nơi Công ty Santa Barbara sản xuất xe tăng Leopard dưới sự ủy quyền của Đức. Nhưng bây giờ Arập Xêút muốn mua số lượng lớn "Leopard" được chế tạo ngay tại nước Đức. Khi Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc tổ chức biểu quyết về việc có nên thiết lập một vùng cấm bay ở Libya hay không, nước Đức đã bỏ phiếu trắng. Lý do là Đức không muốn đưa quân tham gia chiến tranh.

Mặc dù vậy, Đức vẫn đóng một vai trò trong cuộc chiến Libya, với dấu hiệu "Made in Germany" trên nhiều loại vũ khí được sử dụng ở cả hai phía đối đầu ở Libya. Ví dụ, binh sĩ của Gaddafi sử dụng thiết bị làm nhiễu sóng của Đức để phá hoại sự giao tiếp của phe nổi loạn. Quân của Gaddafi cũng sử dụng tên lửa chống tăng "Milan 3" hợp tác Pháp - Đức để bắn rơi những chiếc máy bay bay thấp. Bệ phóng của "Milan 3" được chế tạo tại một nhà máy ở thành phố Schrobenhausen bang Bavaria phía đông nam nước Đức. Phe nổi loạn ở Libya cũng sử dụng vũ khí Đức...

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.