Đức: Xét xử "gián điệp trực thăng"

Thứ Ba, 15/03/2011, 12:35
Tại thành phố Munich của Đức vừa diễn ra một phiên tòa xét xử Harald Alois S., kẻ được báo chí nước này mệnh danh là "gián điệp trực thăng". Theo số liệu của Viện kiểm sát liên bang Đức, công dân áO này bị buộc tội thu thập và cung cấp cho Cơ quan tình báo đối ngoại Nga (SVR) nhiều tài liệu mật về loại máy bay trực thăng hiện đại "Tiger" cùng những thông tin kinh tế quan trọng khác...

Theo báo chí Đức, Tòa án tối cao Munich từ hôm 14/2 đã bắt đầu phiên tòa xét cử công dân Áo Harald Alois S. (54 tuổi) với tội danh hợp tác với SVR để cung cấp nhiều bí mật kinh tế quan trọng của Đức. Phiên tòa đặc biệt trên được diễn ra công khai nhưng lại ngăn cấm mọi người quay phim chụp ảnh cũng như ghi âm.

Những người tới dự phiên tòa đều được khám xét kỹ lưỡng gắt gao hơn thủ tục an ninh tại bất kỳ sân bay nào, trước sự giám sát của đông đảo cảnh sát và nhân viên cơ quan mật vụ. Ngoài ra, bị cáo lại không bị giam giữ, mà hàng ngày tới phiên tòa xét xử mình bằng phương tiện giao thông công cộng. Ông ta không phải ngồi trong một buồng ngăn cách riêng, mà trên một chiếc ghế xếp ngay đằng sau chiếc bàn dài của các luật sư.

Theo hồ sơ của Viện Kiểm sát CHLB Đức, bị cáo trong giai đoạn 1997-2002 đã khai thác và cung cấp cho SVR những trang bị và thông tin liên quan quá trình thiết kế, chế tạo và khai thác các loại trực thăng hiện đại của Đức. Hồ sơ từ bên công tố cho biết, phía tình báo Nga quan tâm đến tất cả mọi thứ tưởng như nhỏ nhất - từ dữ liệu về hãng chế tạo hay thành phần của một loại chất lỏng chống đóng băng mới. Cụ thể Viện Kiểm sát còn khép tội bị cáo đã bán cho người Nga nhiều tài liệu quan trọng khác như các hướng dẫn về bảo dưỡng trực thăng, các chương trình huấn luyện phi công và nhân viên kỹ thuật v.v...

Tuy nhiên, trọng tâm hàng đầu trong hoạt động tình báo công nghiệp của Harald Alois S. là thu thập thông tin kỹ thuật về các máy bay trực thăng dân dụng và quân sự của Hãng Eurocopter (đặc biệt là các kiểu NH 90 và Tiger). Chưa hết, theo như nhận định của Viện Kiểm sát CHLB Đức, anh ta còn làm trung gian móc nối giữa tình báo Nga với các chuyên gia của Đức trong lĩnh vực này. Chỉ riêng cho việc trung gian trên, Harald Alois S. đã nhận được gần 10,5 ngàn USD.

Nhờ sự giúp đỡ của một chuyên gia từ Hãng Eurocopter là Werner G, bị cáo đã nhận và chuyển giao cho điệp viên của SVR nhiều linh kiện thiết bị cụ thể cũng như các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật. Có điều theo như Viện Kiểm sát, tay kỹ sư Werner G. đã nhanh chóng nhận ra đối tác của mình đang làm gì nên từ chối làm việc cho tình báo Nga, trước khi thông báo và tích cực hợp tác với Cơ quan Bảo vệ hiến pháp (đảm trách nhiệm vụ phản gián tại Đức). Chính nhờ vậy mà vào năm 2008, Werner chỉ bị kết án 11 tháng tù treo.

"Mức độ tổn thất do anh ta gây ra không thể xác định chính xác, nhưng chắc chắn hoạt động tình báo công nghiệp đã gây tổn hại đáng kể cho quyền lợi của CHLB Đức" - Tờ Deutsche Welle tường thuật lại lời phán xét khi đó của quan tòa. Trong phiên tòa xét xử, Werner G. thừa nhận đã đồng ý khai thác thông tin cho SVR vì rất cần tiền. Ông ta đã được trả 13 ngàn euro cho một số tài liệu về máy bay trực thăng. Khi được yêu cầu cung cấp thông tin về trực thăng quân sự, ông ta đã từ chối và thông báo tất cả cho nhà chức trách Đức.

Còn điệp viên người Nga của SVR được nhắc tới trong bản cáo trạng là Vladimir V. Theo báo chí Áo, Vladimir là nhân viên của Roscosmoc, từng là đại diện của Nga tại Tuần lễ vũ trụ toàn thế giới (World Space Week 2000) tại New York và trụ sở Liên Hiệp Quốc. Điệp viên này làm quen với Harald Alois S. từ năm 1995 trong thời gian một cuộc triển lãm hàng không. Theo Viện Kiểm sát Đức, hoạt động tình báo của Harald Alois S. bắt đầu từ năm 1997.

Harald Alois S. đã cung cấp cho tình báo Nga nhiều thông tin quan trọng về loại trực thăng Tiger của Đức.

Báo chí Đức còn điều tra được thêm rằng, tên tuổi của Vladimir và Harald Alois S. đã được cơ quan tư pháp của Áo nhắc tới từ năm 2007 cũng vì tội hoạt động cho tình báo Nga. Harald khi đó quả quyết mình chỉ là một nạn nhân của Cơ quan Mật vụ và Bộ Quốc phòng Áo trong một vụ bê bối khá ầm ĩ liên quan đến việc vận động hành lang vì quyền lợi của một số công ty cung cấp máy bay lớn. Tên của Vladimir còn được nhắc tới trong một vụ vận động của Nga nhằm bán máy bay MiG-29 cho Áo.

Vladimir cũng từng bị bắt giữ tại Áo khi đang có mặt trong một đoàn đại biểu của Nga tham dự một hội nghị về đề tài vũ trụ. Nhưng anh ta cuối cùng đã nhanh chóng được trả tự do và trục xuất khỏi Áo với lý do có quyền miễn trừ ngoại giao. Việc bắt giữ Vladimir có liên quan đến vụ của Harald Alois S., cụ thể là âm mưu nhằm khai thác thông tin bí mật về loại trực thăng quân sự "Tiger" do người Pháp và Đức hợp tác sản xuất tại Hãng Eurocopter.

Theo báo chí Áo khẳng định thì từ năm 2008, cơ quan phản gián nước này đã chấm dứt việc điều tra về Harald Alois S. một cách rất khó hiểu. Nhưng người Đức vẫn tiếp tục quan tâm và tìm cách bắt bằng được Harald khi ông này đặt chân lên đất Đức. Phản ứng của Harald cũng tỏ ra khác thường khi không nhờ cậy tới sự giúp đỡ của Lãnh sự Áo tại Munich. Do đó, các nhà ngoại giao nước này chỉ biết được về phiên tòa đang diễn ra qua báo chí.

Bản thân bị cáo đã khước từ trả lời nhiều câu hỏi liên quan đến hoạt động gián điệp của mình, trong khi lại thành thật khai về cuộc sống riêng tư. Chẳng hạn như qua những lời khai, tòa án mới biết được tay kỹ sư này có hai con gái lớn và đặc biệt rất ham mê những loại xe hơi đắt tiền - trong một năm từng thay tới 2 chiếc Chevrolet Corvette, 2 chiếc Lamborghini và 1 chiếc Porsche mới. Nhưng từ năm 2003, tình trạng kinh tế của Harald đã xuống dốc nhanh chóng, khiến ông ta phải đi lại bằng chiếc xe BMW cũ đã 12 năm tuổi, trong khi các khoản nợ của gia đình lên tới 230 ngàn euro

Linh Nga (tổng hợp)
.
.