Đức điều tra vụ xuất khẩu thiết bị công nghệ hạt nhân cho Iran

Thứ Tư, 10/10/2012, 13:40

Một ngày tháng 8/2012, một nhóm cảnh sát Đức mặc áo chống đạn được lệnh khám xét khẩn cấp một căn nhà ở quận Poppenbuttel thành phố Hamburg và bắt giữ chủ nhà tên là Gholamali K. và con trai Kianzad K.. Hai người Đức gốc Iran này bị nghi ngờ hoạt động trong nhóm buôn lậu các thiết bị van phục vụ chương trình hạt nhân của Iran.

Cùng lúc đó, các nhà điều tra Đức cũng lục soát nhiều văn phòng tại các thành phố lớn khác - như Oldenburg, Weimar và Halle - và bắt giữ thêm 2 người khác. Tất cả 4 nghi can được coi là những người ủng hộ các nỗ lực trở thành cường quốc hạt nhân của Tehran. Các cuộc điều tra cho thấy nước Đức vẫn còn là trung tâm phân phối hàng cấm cho chương trình hạt nhân của Iran, bất chấp những biện pháp trừng phạt cứng rắn của Liên Hiệp Quốc.

Không minh bạch thì sẽ không ngừng tranh cãi

Sự hợp tác giữa hai nước Đức và Iran có lịch sử lâu đời. Trong nhiều năm, các công ty Đức như Siemens từng đóng vai trò quan trọng trong dự án xây dựng lò phản ứng hạt nhân ở thành phố Bushehr của Iran. Các công ty công nghệ và cơ khí Đức nằm trong số những công ty nổi tiếng nhất thế giới về chất lượng cao và các sản phẩm của họ rất được giới kỹ sư Iran thèm muốn.

Theo một báo cáo mới đây của Cơ quan Điều tra tội phạm Hải quan Đức (ZKA), nước Đức là "tâm điểm" trong hoạt động xuất khẩu thiết bị công nghệ hạt nhân cho Iran. Báo cáo cũng cho biết nỗ lực ngăn chặn hoạt động xuất khẩu bất hợp pháp này là "thách thức to lớn" của ZKA. Việc bán những sản phẩm công nghệ cao giúp phát triển chương trình hạt nhân của Iran đồng thời cũng đe dọa chính sách kiểm soát xuất khẩu hết sức chặt chẽ của Đức nhằm ngăn chặn một cuộc chiến tranh nổ ra ở Trung Đông.

Điều đó có nghĩa là Berlin muốn gây sức ép buộc Tehran minh bạch hơn trong chương trình hạt nhân của mình, trong khi Thủ tướng Đức Angela Merkel từng cam kết với thế giới rằng, những biện pháp trừng phạt Iran luôn là ưu tiên hàng đầu của nước Đức, cũng như hứa hẹn với thế giới vào tháng 11/2007 rằng Đức bảo đảm giao dịch thương mại với Iran "sẽ không tìm kiếm những con đường mới". Đây là chính sách mà chính quyền Đức luôn đeo đuổi trong những cuộc đàm phán với Iran cũng như Israel. Chính sách của bà Merkel cũng nhằm chống lại kế hoạch tấn công Iran của Nhà nước Do Thái hiếu chiến. Nếu các công ty Đức lén lút bán sản phẩm cho Iran thì điều đó có nghĩa là họ gần như đang hợp tác với chế độ của Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad.

Tình ngay lý gian

Các sản phẩm xuất khẩu được phát hiện lần này là thiết bị van, thành phần chủ yếu để khởi dộng các lò phản ứng nước nặng và đưa chúng vào vòng kiểm soát. Một lò phản ứng nước nặng như thế được xây dựng tại thành phố Arak ở miền Bắc Iran với dân số vào khoảng 470.000 người, nằm cách Tehran 280 km. Lò phản ứng Arak được thiết kế để sản xuất các chất đồng vị phóng xạ sử dụng trong y khoa, song cũng dùng để điều chế được plutonium và tritium - hai chất có thể được dùng để sản xuất quả bom hạt nhân!

Ví dụ, với sự trợ giúp của lò phản ứng nước nặng, Ấn Độ có thể sản xuất chất liệu phân hạt nhân để cho ra đời đầu đạn hạt nhân đầu tiên của nước này. Lò phản ứng Arak - trụ cột của chương trình hạt nhân Iran - đang nằm trong sự theo dõi của Cơ quan Năng lượng nguyên tử thế giới (IAEA) và sẽ nằm trong số các mục tiêu ưu tiên hủy diệt nếu Israel quyết định tấn công phủ đầu Iran.

Cảnh bắt giữ hai cha con Gholamali K. và Kianzad K.

Đức đang tiến hành cuộc điều tra hoạt động xuất khẩu bất hợp pháp trong chiến dịch có tên mã là "Ventilator", đặt tên theo từ Đức cho thiết bị van là Ventile. Các nhà điều tra cho biết: Giao dịch mua bán thiết bị van bắt đầu hình thành vào khoảng năm 2007 khi một người Iran tên là Hossein T. gặp kỹ sư người Đức tên Rudolf M, 78 tuổi, ở thành phố Weimar miền Đông nước Đức. Rudolf M. sở hữu một công ty chế tạo máy từ năm 1995 và ông nổi tiếng là chuyên gia trong lĩnh vực này.

Theo các công tố viên liên bang, Hossein T., 48 tuổi, điều hành nhiều công ty có mối liên kết chặt chẽ với chương trình hạt nhân Iran. Năm 2007, Hossein T. đã nhận đơn đặt hàng quan trọng từ một công ty Iran tên là Modern Industries Technique Company (MITEC). Công ty này là nhân tố chính trong trò "mèo vờn chuột" giữa chính quyền Iran với cộng đồng quốc tế. MITEC chịu trách nhiệm xây dựng lò phản ứng gần Arak.

Tháng 6/2010, Liên Hiệp Quốc đưa MITEC vào danh sách đen các công ty tích cực trợ giúp chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran. Vào một tháng sau đó, Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục có quyết định cấm làm ăn với MITEC; và kể từ đó bất cứ ai giao dịch với MITEC đều bị coi là vi phạm biện pháp trừng phạt của EU.

Hossein T. bị nghi ngờ là người cung cấp các sản phẩm phục vụ chương trình hạt nhân cho MITEC. Theo hồ sơ điều tra của Đức, trong số 1.800 thiết bị van với 3 mẫu khác nhau - một số được rèn và số khác được đúc - có một số có vẻ như vô thưởng vô phạt song số khác đặc biệt "được thiết kế vào mục đích sử dụng trong các lò phản ứng hạt nhân". Số van này là thành phần cốt yếu cho lò phản ứng Arak, và 1.800 van đủ để trang bị cho toàn bộ lò phản ứng đồng thời mở đường cho sự thành lập một cơ sở hạt nhân hoàn chỉnh. Việc giao dịch mua bán số thiết bị van này trị giá 6 triệu euro (khoảng 7,7 triệu USD).

Các nhà điều tra Đức cho biết, Rudolf M. và Hossein T. có những cuộc gặp mặt thường xuyên để thương lượng giao dịch, cụ thể khoảng tháng 5/2009. Kianzad K., 25 tuổi, con trai của Gholamati K., được cho là cũng có mặt trong những cuộc đàm phán bí mật và thành công này. Trong khi Gholamati K., 59 tuổi, điều hành công ty chuyên xuất khẩu thiết bị van và máy bơm. Theo hồ sơ điều tra, chuyến hàng thiết bị van đầu tiên rời Đức vào ngày 29/10/2010 và đến Thổ Nhĩ Kỳ trước khi tới Iran.

Vào mùa xuân năm 2009, giới chức Đức đã cảnh báo với Rudolf M. rằng các công ty Iran đang cố gắng sở hữu cho bằng được công nghệ tiên tiến của Đức. Nhưng Rudolf M. trả lời ông chỉ nhận được yêu cầu miệng về việc cung cấp thiết bị cho lĩnh vực công nghiệp dầu mỏ của Iran. Sau đó, Cơ quan Liên bang kiểm soát xuất khẩu và kinh tế Đức (BAFA) ra thông báo đến Rudolf M. nhấn mạnh hoạt động xuất khẩu đến Iran, "thậm chí thông qua các quốc gia thuộc thế giới thứ 3", có thể bị trừng phạt.

Ngân hàng thương mại Iran - châu Âu (EIHB).

Theo các nhà điều tra, Rudolf M. cung cấp các thiết bị van cho người mua không có thật ở Azezbaijan và ông ta biết rõ "số van sẽ được sử dụng ở Iran". Dieter Bolz, luật sư của Rudolf M., lại khẳng định thân chủ của mình chỉ "giao hàng cho Azerbaijan theo thỏa thuận trong hợp đồng". Luật sư cũng tuyên bố Rudolf M. không tiếp xúc với MITEC cũng như không có cơ quan nào của Đức cảnh báo với thân chủ của ông về quy định cấm giao dịch với MITEC.

Hơn nữa, luật sư Bolz cho biết Rudolf M. không hề biết rằng, các thiết bị van do mình cung cấp được sử dụng để chế tạo bom hạt nhân và chúng thích hợp cho sử dụng bên trong lõi lò phản ứng. Trong khi chờ phiên tòa xét xử, Rudolf M. được tại ngoại với số tiền bảo lãnh là 40.000 euro.

Chuyến hàng thứ 2 gồm 655 thiết bị van trị giá gần 1 triệu euro cung cấp cho một doanh nhân ở thành phố Halle miền Đông nước Đức - người có quan hệ thân thiết với hai cha con Gholamali K. và Kianzad K. - và trong đó 51 van đã đến được Iran. Doanh nhân ở Halle và hai cha con K. cũng đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp mẫu van thứ 3 được thiết kế đặc biệt cho các cơ sở hạt nhân sử dụng. Đơn đặt hàng được giải quyết tại Đức, các thiết bị van được sản xuất tại Ấn Độ và sau đó chuyển giao cho một công ty có trụ sở ở Thổ Nhĩ Kỳ. Theo giới chức hải quan, mùa thu năm 2010 và mùa xuân năm 2011, có tổng cộng 4 chuyến hàng được gửi đến Thổ Nhĩ Kỳ rồi sau đó đến Iran, song đã có những phàn nàn về chất lượng sản phẩm - có vẻ như các thiết bị van không đạt tiêu chuẩn.

Các nhà điều tra Đức hy vọng họ có thể khai thác các mối quan hệ của Hossein T. để làm rõ toàn bộ mạng lưới các công ty Đức cung cấp thiết bị công nghệ cao cho công nghiệp hạt nhân Iran. Hoạt động xuất khẩu thiết bị sử dụng cho công nghệ hạt nhân Iran đang là vấn đề gây bối rối cho chính quyền Đức hiện nay. Cứ vài tháng, các phái đoàn của Cơ quan tình báo Mossad của Israel và Bộ Ngoại giao Israel đều có cuộc viếng thăm giới chức ở Berlin để đưa ra những tài liệu chứng minh các công ty Đức đang ngấm ngầm hỗ trợ cho chương trình hạt nhân của Tehran. Điều đó cho thấy rõ sức ép đến Berlin đang ngày một tăng.

Năm 2008, Israel cố gắng hết sức để có được lệnh cấm xuất khẩu xe tải hạng nặng của Đức đến Iran. Năm 2011, sau nhiều tháng chịu sức ép nặng nề từ Israel và Mỹ, chính quyền Đức và EU buộc phải ra lệnh đóng cửa Ngân hàng thương mại Iran - châu Âu (EIHB) đặt trụ sở tại thành phố Hamburg của Đức. EIHB được cho là thể chế tài chính cuối cùng mà Tehran có thể sử dụng cho các giao dịch với châu Âu.

Một sự kiện xảy ra vào tháng 2/2011 còn cho thấy Iran đã lao đao như thế nào trước những đòn trừng phạt liên tiếp của cộng đồng thế giới. Để đáp lại hành động trả tự do cho hai nhà báo người Đức làm việc cho tờ Bild am Sonntag, Ngoại trưởng Đức Westerwelle đã đích thân viếng thăm Tehran. Những bức ảnh chụp cảnh vị Ngoại trưởng Đức bắt tay thân thiện với Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad sau đó đã chu du khắp thế giới! Đương nhiên, đây là cái giá mà Westerwelle phải trả.

Đằng sau những cánh cửa đóng kín, người Iran mong muốn ở chính quyền Đức nhiều điều hơn chỉ là cái bắt tay. Họ muốn người Đức bảo đảm máy bay của Iran một lần nữa được tiếp dầu tại các sân bay của Đức. Các quan chức ngoại giao hàng đầu của Iran cũng thúc bách Berlin giải ngân khoảng 1 tỉ USD trong các tài khoản đóng băng ở EIHB. Tại cuộc họp vào tháng 2/2011, Ngoại trưởng Westerwelle đồng ý xem xét cả hai khả năng mà Tehran yêu cầu, song một năm rưỡi sau đó, những biện pháp trừng phạt Iran càng được siết chặt hơn bao giờ hết.

Xem ra những biện pháp cấm vận thắt chặt hơn của châu Âu và Liên Hiệp Quốc có lẽ quá muộn để chặn đứng những chuyến hàng thiết bị van hướng đến Iran để cung cấp cho lò phản ứng Arak. Đầu tháng 8 vừa qua, đoàn thanh tra của IAEA đã có chuyến bay đến Vùng Vịnh để kiểm tra dự án xây dựng lò phản ứng ở Arak của Iran và họ ghi nhận rằng, một hệ thống ống dẫn làm lạnh và điều tiết áp suất mới được thiết lập có lẽ với các thiết bị van đến từ nước Đức!

Di An (tổng hợp)
.
.