Đường dây nóng trao đổi tình báo giữa Mỹ và Đức

Chủ Nhật, 11/04/2021, 11:05
Những năm gần đây, mối bang giao giữa Đức và Mỹ đã có một số khoảng thời điểm khó khăn sau khi Đức phát hiện việc Thủ tướng Đức Angela Merkel từng là mục tiêu bị gián điệp có trong danh sách theo dõi của Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA).

Nhưng còn có một phần mối quan hệ giữa Đức và Mỹ chưa từng được công khai từ trước đó, là sự tồn tại của Đường dây nóng trao đổi tin tình báo giữa Nhà Trắng và Văn phòng Thủ tướng Đức. Tài liệu được giải mã dưới đây cũng là lần đầu tiên tiết lộ thiết bị điện thoại dùng cho những cách thức liên lạc cấp cao nhất này.

Văn phòng thủ tướng Helmut Kohl đặt trong tòa nhà Kanzleramt ở Bonn vào năm 1991. Ảnh nguồn: Ulrich Baumg.

Nguồn gốc ra đời đường dây nóng Washington - Bonn

Đường dây nóng giữa 2 thành phố Washington và Bonn được chính thức thiết lập vào ngày 16-3-1962 sau khi Thủ tướng Đức khi đó là ông Konrad Adenauer tiếp kiến với Tổng thống Mỹ John Kennedy tại Washington vào khoảng tháng 11- 1961. Tháng 10- 1966, tờ báo Đức General Anzeiger đã tường thuật rằng ngoài cuộc gọi ban đầu giữa 2 nguyên thủ, thì Kennedy và Andenauer chưa từng sử dụng đường dây nóng, và rằng tại văn phòng Đại sứ quán Mỹ không ai hay biết có tồn tại một đường dây điện thoại như thế.

Điều này đã dẫn tới một tình huống kỳ lạ vào ngày 27-9-1966, khi Thủ tướng Ludwig Erhard và Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson (cũng không hề mảy may hay biết về đường dây nóng được thiết lập từ thời Kennedy) đã nhất trí đồng thành lập một đường dây điện thoại trực tiếp nối kết giữa Nhà Trắng và Palais Schaumburg, nơi đặt văn phòng của Thủ tướng Đức (Kanzleramt) hoạt động từ năm 1949 đến năm 1976.

Sau khi báo giới Đức đồng loạt đưa tin về thỏa thuận này thì cựu Thủ tướng Adenauer vội vàng thanh minh rằng thật sự đang có sự hiện hữu của một đường dây nóng, ông đã dùng nó suốt 4 năm với các cuộc gọi khá thường xuyên cho Kennedy. Nhiều phát ngôn viên chính phủ sau đó đều tuyên bố rằng ông Adenauer đã sai, cho đến khi có một nhân chứng ra mặt và xác nhận ông cựu thủ tướng nói không ngoa.

Không rõ 2 ông Erhard và Johnson có sử dụng đường dây nóng thường xuyên không khi một nguồn nói rằng họ sử dụng nó vài lần; nguồn khác thì khẳng định rằng họ chưa từng rờ tới, cả Johnson lẫn Erhard cũng như Johnson và Kurt Georg Kiesinger (người kế nhiệm ông Erhard vào tháng 12-1966) cũng không đụng tới. Dưới thời Adenauer và Erhard, đường dây nóng bao gồm một đường dây điện thoại bình thường mà không có mã hóa.

Văn phòng thủ tướng Helmut Kohl đặt trong tòa nhà Kanzleramt ở Bonn vào năm 1985. Ảnh nguồn: Archiv Friedrich/Interfoto.

Điện thoại STU-I

Tháng 3-1969, Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã đề nghị Thủ tướng Kiesinger thiết lập một đường dây điện thoại an toàn giữa Mỹ và Đức. Có lẽ nào họ không hay biết về một đường dây điện thoại từ trước đó, hoặc một liên kết được mã hóa mang tính an toàn hơn? Vào những ngày đó, việc mã hóa các thông điệp điện thoại có vẻ dễ dàng hơn nhiều so với một kênh điện thoại.

Có vẻ như đường dây nóng Washington-Bonn cũng hao hao giống với đường dây nóng Washington-Moscow với một loại máy điện báo tiêu chuẩn được chế tạo bởi Tập đoàn Teletype (Teletype Corp), và chức năng mã hóa được thực hiện bởi Máy trộn bộ lặp tái sinh điện báo điện tử (ETCRRM II). ETCRRM II sử dụng mật mã dòng Vernam trong đó dòng thông điệp văn bản thuần túy sẽ được trộn lẫn với một dòng dữ liệu ngẫu nhiên có cùng độ dài để tạo ra bản mã. Nếu được sử dụng đúng cách thì phương pháp này đã được chứng minh là không thể phá vỡ.

Không có báo cáo hoặc nguồn tài liệu nào khác đề cập đến đường dây nóng giữa Bonn và Washington kể từ sau năm 1969. Nhưng nhờ quan sát cận cảnh một số bức ảnh ngay trên bàn làm việc tại văn phòng Thủ tướng Đức, nhóm tác giả tài liệu mật này đã cho thấy mức độ tinh vi của bộ điện thoại Mỹ cho phép tạo ra một liên kết thông tin liên lạc trực tiếp và an toàn với Nhà Trắng. Đường dây nóng bằng điện báo an toàn đã được thay thế bằng một đường dây điện thoại an toàn, có lẽ là thay vào cuối thập niên 1970 sau khi Thủ tướng Đức dọn văn phòng làm việc của ông tới tòa nhà Thủ tướng liên bang được xây dựng mới toanh vào năm 1976. Tòa nhà văn phòng màu nâu sẫm có vẻ ngoài hiện đại với vách tường bằng kính nằm ở gần sông Rhine, ngay bên phải tòa nhà Palais Schaumburg.

Ngay trên kệ phía dưới bức tranh nằm bên phải của bức tường văn phòng Thủ tướng Đức là 2 bộ điện thoại: bên trái là một cái điện thoại thông thường màu xám và không có nút quay số, có lẽ nó là một phần của một mạng lưới điện thoại tinh vi dùng cho chính phủ hoặc liên lạc quân sự. Bên phải là một bộ điện thoại tiêu chuẩn Mỹ với một số nút bấm được thêm vào mà có thể được nhận dạng là bộ điện thoại an toàn STU-1: STU-I do NSA phát triển và được giới thiệu hồi năm 1977. Nó là hệ thống điện thoại an toàn đầu tiên được sử dụng ở Trung tâm Phân phối khóa (KDC) cũng như Mã hóa dự đoán tuyến tính (LPC) nhằm có được chất lượng giọng nói tốt hơn.

Việc mã hóa được tiến hành thông qua thuật toán Saville (đã được phân loại) vốn được phát triển hồi cuối thập niên 1960. Dự định ban đầu khi chế tạo là STU-I sẽ càng nhỏ gọn càng tốt, song rốt cục là nó biến thành một hệ thống gồm 2 đơn vị: 1 bộ điện thoại Western Electric được chuyển đổi thành thiết bị đầu cuối dùng cho kiểm soát và thoại, còn đơn vị mã hóa thì lại có kích cỡ bằng cái tủ lạnh nhỏ.

Vì khá cồng kềnh nên STU-1 thường được đặt trong một căn phòng ở phía đối diện, với một sợi cáp dày màu xám dẫn tới thiết bị đầu cuối thoại. Giá thành để trang bị cho một hệ thống STU-I là 35.000 USD. Tại Mỹ, hệ thống STU-I được thay thế bằng STU-II, đến năm 1987 thì NSA đã tung ra hệ thống STU-III. Loại hệ thống điện thoại an toàn một mảnh này đã trở nên rất thành công và được sử dụng rộng rãi trong khắp các cơ quan quân sự và Chính phủ Mỹ.

Đối với các lực lượng NATO và chính phủ những quốc gia thân thiện với Mỹ thì còn có một phiên bản điện thoại an toàn đã được tinh chỉnh gọi là STU-IIB. Có vẻ như đối với đường dây nóng nối với Bonn thì hệ thống điện thoại an toàn cũ STU-I vẫn tiếp tục hoạt động khi mà đầu cuối thoại vẫn có thể được nhận ra trong bức ảnh chụp tại văn phòng làm việc của Thủ tướng Helmut Kohl năm 1991.

Thủ tướng Angela Merkel trong văn phòng làm việc của bà trong Phủ thủ tướng ở Berlin năm 2016, có 2 điện thoại văn phòng, 1 cái dùng cho các cuộc điện đàm bảo mật . Ảnh nguồn: Reuters.

Điện thoại IST

Cuối cùng, đường dây nóng giữa Bonn và Washington đã được nâng cấp, và hệ thống STU-I đã được nâng cấp bằng Điện thoại dịch vụ tích hợp (IST). Nhưng không giống như điện thoại STU vốn có khả năng mã hóa âm thanh giọng nói thì điện thoại IST lại không có khả năng này mà thay vào đó nó sẽ được kết nối với một công tắc trung tâm có chức năng phân tách các dạng lưu lượng dữ liệu an toàn và không an toàn, sau đó lưu lượng an toàn sẽ được mã hóa hàng loạt bởi bộ mã hóa mạng.

Hệ thống điện thoại IST được thiết kế bởi hãng Electrospace Systems Inc (ESI) và được sản xuất bởi tập đoàn Raytheon để dùng làm thiết bị chuyên dụng cho Mạng chuyển mạch đỏ quốc phòng (DRSN), mạng điện thoại chuyên dụng cung cấp các dịch vụ liên lạc an toàn toàn cầu cho các cơ cấu chỉ huy và kiểm soát của lực lượng vũ trang Mỹ.

DRSN là mạng điện thoại an toàn chính dùng cho chỉ huy quân sự và kiểm soát thông tin liên lạc cũng như việc kết nối với tất cả các trung tâm chỉ huy Mỹ và nhiều cơ sở quân sự khác. Phiên bản nhỏ của IST thực sự hiếm thấy, tuy nhiên nó nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng điện thoại JKL ở Mountain Ranch (California). Cũng chính vì mục đích này mà điện thoại IST chỉ có thể được nhìn thấy tại phủ Thủ tướng Đức cũng như văn phòng Thủ tướng Anh Tony Blair năm 2003 – cũng như từng có một hệ thống điện thoại STU-I trong văn phòng của Thủ tướng Anh Margaret Thatcher vào năm 1987.

Bên cạnh đường dây nóng giữa Bonn với Washington thì còn có một liên kết liên lạc bằng fax khác nối kết giữa Bonn với Moscow vốn đi vào hoạt động từ năm 1989.

Một phiên bản nhỏ của điện thoại IST từng được trưng bày tại Bảo tàng điện thoại JKL ở California.

 “Sự cố điện thoại Berlin”

Ngày 3-10-1990, Đông và Tây Đức tái thống nhất và quyết định giữ lấy Berlin thành thủ đô chung. Sau khi đắc cử thủ tướng cuối năm 1998, năm 1999, ông Gerhard Schroder đã chuyển tới làm việc ở Berlin và “đóng đô” trong tòa nhà Thủ tướng từ tháng 5- 2001. Với hơn 300 văn phòng làm việc, đây được đánh giá là tòa nhà trụ sở chính phủ lớn nhất thế giới.

Có một số bức ảnh trong văn phòng thủ tướng đặt trong tòa nhà Kanzleramt (Berlin) nhưng không ai có thể nhận ra thiết bị nào ở đây dùng cho đường dây nóng. Nếu liên kết điện thoại này vẫn còn hoạt động thì nó sẽ là một phần của “Mạng lưới các nguyên thủ quốc gia” (HSN) vốn từng được sử dụng bởi Tổng thống Mỹ nhằm liên lạc với các nguyên thủ nước ngoài và được nâng cấp thành mạng lưới IP bởi Cơ quan truyền thông Nhà Trắng (WHCA) vào năm 2009.

Tháng 10- 2013, nguồn tin mật hé lộ rằng NSA đã cố gắng nghe lén điện thoại cầm tay không bảo mật của Thủ tướng Angela Merkel. Bà Merkel vốn được NSA đưa vào tầm ngắm ngay từ năm 2002 khi bà làm lãnh đạo đảng Liên minh dân chủ Ki Tô giáo (CDU) và bởi vì khi đó Thủ tướng Gerhard Schroder khước từ tham gia với Mỹ trong cuộc chiến chống lại Iraq.

Chính phủ Mỹ có lẽ rất quan tâm tới việc muốn biết về đối thủ chính trị đối lập lớn nhất của ông Schroder. Dù bà Merkel là một mục tiêu gián điệp rõ ràng, nhưng cách mà người Mỹ làm thế cũng khiến bà nổi đóa: “Dò xét bạn bè mình, việc không hay chút nào”.

Bà Merkel đã bày tỏ điều này với Tổng thống Obama trong một cuộc điện đàm vào ngày 23-10-2013, nhưng trước đó vào ngày 3-7-2013, bà Merkel đã tố với ông Obama về những tiết lộ không hay đối với nước Đức của Snowden. Không rõ những cuộc điện đàm này có dùng đường dây nóng của HSN hay không?

Nguyễn Thanh Hải (Tổng hợp)
.
.