F83 - Căn cứ tình báo điện tử lớn nhất của Cục An ninh quốc gia Mỹ tại châu Âu

Chủ Nhật, 25/12/2005, 15:57

Trung tâm Gián điệp điện tử F83 của Cục An ninh quốc gia Mỹ (NSA) tại châu Âu vẫn không ngừng được mở rộng nhằm “nhòm ngó” Nga, một số nước Đông Âu thậm chí cả các đồng minh châu Âu của Mỹ.

Tọa lạc giữa những cánh đồng hoang ở bắc Yorkshire, Anh, căn cứ F83 - còn được biết đến với tên gọi Menwith Hill - hiện ra với hàng chục mái vòm khổng lồ màu trắng. Về đêm, căn cứ này sáng rực bởi ánh đèn từ những phòng chiến dịch hoạt động 24/24 giờ và các thiết bị nghe trộm công nghệ cao trị giá hàng chục tỉ USD.

Theo các nguồn tin, ban đầu khu đất này được Hoàng gia Anh mua vào cuối những năm 50 của thế kỷ XX để chăn nuôi đàn ngựa cho các thành viên và đội kị binh trong Hoàng gia. Đến năm 1966, lô đất này được chuyển nhượng trực tiếp cho NSA và nó chính thức trở thành căn cứ tình báo điện tử F83.

Căn cứ này ra đời là sản phẩm của một hiệp ước bí mật có tên UKUSA giữa NSA và GCHQ (cơ quan tương tự NSA) của Anh được ký năm 1948, cho phép NSA được rảnh tay hoạt động gián điệp điện tử từ nước Anh. Tất nhiên, phía Anh cũng được NSA chia sẻ một phần thông tin tình báo thu được từ căn cứ này.

Theo báo chí Anh, những cái đằng sau hàng rào F83 bí mật đến nỗi nó còn ít được biết đến hơn cả hai cơ quan tình báo MI-5 và MI-6 của nước chủ nhà. Tuy nhiên, nhờ những nguồn thông tin bị rò rỉ cùng với tiết lộ của chính những cựu nhân viên từng làm việc trong căn cứ F83, bức màn bí mật xung quanh căn cứ gián điệp điện tử này phần nào được lộ ra.

Trong thời gian đầu, hệ thống nghe trộm dưới mặt đất của F83 gồm các đĩa thu vệ tinh và cột ăngten thu sóng radio được bao bọc bởi những mái che hình quả bóng golf chỉ có 4 chiếc. Nhưng đến nay những “quả bóng” này đã lên đến con số 28, biến nó trở thành căn cứ nghe trộm lớn nhất của NSA trên thế giới.

Nhiệm vụ của F83 là thu thập các thông điệp dưới dạng giọng nói hay dữ liệu được truyền bằng hệ thống thông tin liên lạc vệ tinh và thông tin siêu sóng ngắn. F83 còn điều hành hệ thống vệ tinh gián điệp Vortex, giám sát toàn bộ châu Âu và một phần diện tích châu Á. Vào bất kỳ thời gian nào, 3 vệ tinh Vortex nằm trên đường xích đạo luôn hoạt động.

Gần đây, F83 điều hành thêm các vệ tinh thuộc 2 thế hệ vệ tinh gián điệp mới, Magnum và Orion, cùng với căn cứ F91 có quy mô nhỏ hơn cũng của NSA tại Bad Aibling, Đức. So với các thế hệ vệ tinh gián điệp trước đó, Magnum và Orion có đường kính lớn hơn, do đó phạm vi hoạt động cũng rộng hơn và các tính năng hoạt động gián điệp được hoàn thiện hơn.

Hoạt động thu thập, xử lý tín hiệu và thông tin tình báo của F83 dựa trên chương trình nhận dạng được máy tính hóa, theo đó các trạm nghe trộm tìm cách thu lọc các từ khóa từ các cuộc điện thoại, fax và e-mail. Ngay khi các từ khóa này được nhận diện, cuộc liên lạc lập tức được bộ phận xử lý thông tin qua hệ thống máy tính với dung lượng lớn và tốc độ nhanh, phân tích, xử lý và sau đó làm thành báo cáo chuyển về tổng hành dinh NSA tại Fort Meade, bang Maryland.

Từ lâu, các quan chức nhiều nước châu Âu thường xuyên chỉ trích NSA đang sử dụng trung tâm gián điệp điện tử F83 để thu thập thông tin tình báo ngoại giao và kinh tế quan trọng của những nước này. Các công ty châu Âu cũng nhiều lần thẳng thừng cáo buộc F83 đang tiến hành hoạt động gián điệp phục vụ cho các công ty của Mỹ.

Điển hình trong các trường hợp này là vụ Hãng xe hơi Đức Volkswagen tố cáo NSA đã giúp Hãng General Motors của Mỹ có được thông tin về chiến lược kinh doanh mới của hãng bằng cách nghe trộm các cuộc đàm thoại của Ban lãnh đạo Volkswagen năm 1999.

Tập đoàn Thomson - CSF của Pháp, chuyên sản xuất các thiết bị điện tử quân sự, cáo buộc bị mất một hợp đồng trị giá 1,4 tỉ USD cung cấp hệ thống rađa cho Brazil năm 2002 do tình báo điện tử của Mỹ đã nghe trộm được chi tiết các cuộc đàm phán giữa họ và đối tác, sau đó chuyển chúng cho Raytheon, một công ty thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ. Thực tế sau đó Raytheon đã giành được hợp đồng này. Airbus cũng từng tuyên bố mất một hợp đồng trị giá 1 tỉ USD vào tay Boeing và McDonnell Douglas do các thông tin của hãng đã bị Tình báo Mỹ nghe trộm.

Nhiều nguồn tin đáng tin cậy từ cộng đồng tình báo Mỹ tiết lộ từ lâu trong Bộ Thương mại Mỹ đã tồn tại một đơn vị bí mật có tên “Văn phòng liên lạc tình báo”, chuyên nhận các thông tin tình báo thương mại nhạy cảm do tình báo Mỹ cung cấp, trong đó có cả NSA và sau đó phân phát chúng cho những công ty của Mỹ được đánh giá là có “quan hệ tốt”

Chu Anh Tuấn (theo Sunday Times)
.
.