FBI sử dụng người Mỹ gốc Somalia làm gián điệp trong cộng đồng

Thứ Tư, 08/06/2016, 11:30
Abdirahman Bashir, người Mỹ gốc Somalia, 20 tuổi, từng cam kết trung thành với IS sau nhiều giờ miệt mài xem hàng loạt video tuyên truyền của nhóm khủng bố, lắng nghe giáo sĩ Hồi giáo cực đoan Anwar al-Awlaki giảng đạo và nhìn thấy 4 đứa cháu lên đường chiến đấu cho IS ở Syria.

Bashir ấp ủ ước mơ gia nhập IS từ đó nhưng vào tháng 12-2014 kế hoạch rời khỏi Mỹ lần đầu tiên của hắn thất bại. Bashir tiếp tục nhận được tin 4 đứa cháu bị IS giết chết trong một cuộc không kích. Cuối cùng, Bashir tìm được lối thoát cho mình sau khi đồng ý làm gián điệp cho Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) trong cộng đồng người Mỹ gốc Somali ở thành phố Minneapolis thuộc bang Minnesota miền Nam nước Mỹ.

Abdirahman Bashir ra làm chứng trong một phiên tòa xét xử 10 bị cáo cùng gốc gác với hắn và cố tránh cái nhìn của họ bởi vì đó là những người bạn từng dự định trốn khỏi nước Mỹ để gia nhập tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Abdirahman Bashir đã giấu microphone trong người suốt nhiều tháng để ghi âm những cuộc trò chuyện với nhóm bạn bè khi họ bàn kế hoạch rời khỏi Minneapolis và bay đến Syria gia nhập hàng ngũ IS.

Những người ủng hộ và gia đình của các bị cáo người Mỹ gốc Somalia bị buộc tội âm mưu gia nhập IS đang biểu tình phản đối bên ngoài Tòa án liên bang ở Minneapolis.

Bashir nghe lén nhóm bạn tại nhà riêng của họ, bên trong các thánh đường Hồi giáo, tại những khu mua sắm và cả trong khi đang ngồi trong ôtô. Tài liệu ghi âm do Bashir cung cấp là bằng chứng quan trọng trong vụ truy tố 6 trong số 10 người Mỹ gốc Somali ở Minneapolis được cho là những người thành lập mạng lưới IS bên trong thành phố. Số bị cáo này, đều trong khoảng tuổi 20, đang đối mặt với những cáo buộc âm mưu giết người bên ngoài nước Mỹ và cung cấp hỗ trợ vật chất cho IS.

Bằng chứng ghi âm của Bashir đã làm lộ ra chương trình bí mật của FBI sử dụng chính người Somali để làm gián điệp trong cộng đồng này ở Mỹ. Sự xuất hiện của Bashir tại tòa án cũng gây chia rẽ trong cộng đồng người Mỹ gốc Somalia ở Minneapolis, nơi có nhiều thanh niên rời bỏ thành phố vào giữa những năm 2007 và 2011 để gia nhập nhóm khủng bố Al-Shabaab tham gia chiến đấu ở Syria.

Một số người buộc tội Bashir và bẫy rập của FBI đã làm tăng thêm sự mất lòng tin giữa cộng đồng Somalia và chính quyền. Phát biểu trước phiên tòa ở Minneapolis, Bashir nói hắn lo sợ bị tấn công trả thù sau khi những phần tử chủ chốt của mạng lưới IS bên trong thành phố bị bắt giữ hồi tháng 4 2015.

Năm 2015, Abdirahman Bashir bắt đầu nghe lén và ghi âm bạn bè trong khoảng 4 tháng khi nhóm bạn bắt liên lạc với Abdi Nur, 22 tuổi - bị cáo thứ 10 trong tòa án Minneapolis và là người rời khỏi đất Mỹ thành công để gia nhập IS vào 1 năm trước đó. Nhóm bạn trẻ bị Bashir ghi âm lén khi họ bàn luận về các video tuyên truyền thánh chiến của IS và sau đó cùng nhau bày mưu mua hộ chiếu giả để rời khỏi đất Mỹ qua biên giới miền nam nước này sang Mexico.

Bashir nói với nhóm bạn rằng, hắn tìm thấy một người đàn ông ở San Diego bang California có thể cung cấp hộ chiếu giả. Người đàn ông, được nhóm bạn gọi là Miguel, chính là điệp viên ngầm của FBI. Hai thành viên trong nhóm tên là Abdirahman Daud và Mohamed Farah (đều 22 tuổi) lái xe suốt 3 ngày từ Minneapolis đến San Diego vào tháng 4-2015. Trên đường đi, cả bọn gồm cả Bashir lắng nghe băng ghi âm Anwar al-Awlaki - giáo sĩ cực đoan Hồi giáo bị giết chết ở Yemen năm 2011 trong cuộc không kích máy bay không người lái (drone) của quân đội Mỹ - giảng đạo.

Khi nhóm bạn đến điểm hẹn là căn nhà kho nhỏ ở vùng ngoại ô thành phố, một nhóm đặc vụ vũ trang FBI bất ngờ xuất hiện tấn công bắt giữ. Bashir giả vờ bị thương và cũng kể từ ngày đó nhóm bạn không còn nhìn thấy hắn nữa.

Trước tòa án, Bashir báo cáo hắn được FBI trả hơn 100.000 USD vào mùa hè năm 2015 đễ hỗ trợ cơ quan hành pháp điều tra bằng công việc dịch và sao chép những băng ghi âm do hắn cung cấp. Mặc dù chương trình người chỉ điểm bên trong các cộng đồng Hồi giáo của FBI không có gì lạ song các bị cáo có mặt tại phiên tòa ở Minneapolis hết sức bất ngờ khi điệp viên của FBI lại chính là Bashir, một gương mặt quen thuộc trong cộng đồng Somalia.

Hassan Ali - sinh viên 23 tuổi cũng là một thành viên trong nhóm bạn của Bashir - chỉ trích chương trình gián điệp của FBI đã gây mất lòng tin giữa những người bạn mà anh mô tả là tín đồ Hồi giáo ôn hòa. Hassan Ali phát biểu: "Sau khi được quay trở lại cộng đồng, chúng tôi không còn tin tưởng nhau nữa. Người da trắng luôn coi chúng tôi là những phần tử khủng bố nguy hiểm và bây giờ FBI lại khiến cho tình hình càng thêm tồi tệ".

Abdihamid Farah Yusuf, cha của bị cáo Mohamed Farah, cũng bày tỏ sự giận dữ với báo chí về chứng cứ của Bashir: "Bashir thường đến nhà tôi, ăn uống với các con trai tôi. Đây là cái bẫy của chính quyền". Bất chấp chứng cứ rõ ràng, Yusuf - người đến Mỹ năm 1992 để thoát khỏi cuộc nội chiến đẫm máu ở Somalia - vẫn khăng khăng con trai ông không bị cực đoan hóa và không hề có ý định bay đến Syria bởi vì "con trai tôi không hề nói chuyện về IS và chúng tôi đã chạy trốn cuộc nội chiến thì tại sao nó lại muốn dấn thân vào một cuộc chiến khác?"

Đối với Abdirizak Bihi, nhà tổ chức cộng đồng người Mỹ gốc Somalia ở khu Cedar-Riverside của Minneapolis, lý do khiến cho nhóm bạn của Bashir rơi vào con đường cực đoan hóa chính là sự nghèo khó và thất nghiệp. Cộng đồng Somalia ở bang Minnesota - chính thức ước tính khoảng 46.000 người nhưng thực tế có lẽ đông hơn - có tỷ lệ người nghèo cao nhất so với bất cứ nhóm thiểu số nào khác của bang.

Theo nghiên cứu được công bố từ Trung tâm Nhân khẩu Bang Minnesota (MSDC), 58% người Somalia sống trong nghèo khó với 26% sống gần mức nghèo và 40% người lớn thất nghiệp.

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.