FBI triệt phá một băng nhóm Đông Âu bán nguyên liệu hạt nhân cho IS

Thứ Năm, 15/10/2015, 20:20
Những cuộc điều tra tiết lộ Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) vừa phá vỡ được 4 âm mưu do các băng nhóm ở Đông Âu tìm đường bán nguyên liệu hạt nhân cho tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) cũng như các nhóm cực đoan ở Trung Đông trong vòng 5 năm qua.

Vụ mới nhất diễn ra vào tháng 2/2015, khi đó một tên buôn lậu rao bán một lượng lớn chất phóng xạ cesium - đủ để gây ô nhiễm chết người tại khu vực rộng lớn trong một thành phố - và đặc biệt tìm kiếm khách hàng từ IS.

Theo cuộc điều tra của FBI, các băng nhóm tội phạm này điều hành những thị trường đen nguyên liệu hạt nhân tại quốc gia nghèo và nhỏ bé Moldova. Tuy nhiên, các cuộc khám xét không mang lại hiệu quả gì do bọn chủ mưu đã kịp bỏ trốn. Theo hồ sơ điều tra của Cảnh sát và Cơ quan tư pháp Moldova, sự hợp tác giữa Nga và phương Tây bị gián đoạn sau khi bán đảo Crimea được tái sáp nhập vào Liên bang Nga và sau đó là khủng hoảng Ukraine.

Constantin Malic, cựu sĩ quan cảnh sát Moldova tham gia điều tra 4 vụ án, cho biết: "Chúng tôi mong muốn sẽ phá thêm nhiều vụ án như thế này. khi mà bọn buôn lậu nghĩ rằng chúng có thể kiếm bộn tiền mà không bị tóm cổ, bọn chúng sẽ không từ bỏ hoạt động bất hợp pháp".

Số uranium tịch thu được trong một chiến dịch.

Qua 4 vụ án từ năm 2010 đến tháng 2/2015, người ta thấy rõ mối đe dọa từ thị trường đen nguyên liệu hạt nhân ở vùng bán đảo Balkan là không thể kiểm soát được. Các nhà điều tra Moldova cũng không thể biết chắc chắn các băng nhóm tội phạm có bán được nguyên liệu hạt nhân cho IS hay không, khi mà tổ chức đáng sợ này bộc lộ rõ tham vọng chế tạo và sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Để điều tra, lực lượng hành pháp Moldova phải cố gắng cài người vào các tổ chức tội phạm. Những người cung cấp thông tin và một sĩ quan cảnh sát giả làm tội phạm lái ôtô Mercedes Benz do FBI cung cấp để xâm nhập vào các băng nhóm buôn lậu hạt nhân. Cảnh sát sử dụng chiến thuật cổ điển kết hợp với công nghệ hiện đại, từ quần áo cài sẵn máy ghi âm cho đến các thiết bị dò phóng xạ cực kỳ tinh vi.

Trong đó, Constantin Malic giả làm người mua hạt nhân và ông thật sự căng thẳng thần kinh đến mức phải uống chút rượu trước khi vào cuộc họp với tên buôn lậu để giữ bình tĩnh. Trong một vụ án, tên buôn lậu Valentin Grossu chào bán chất phóng xạ cesium cho người mà hắn tưởng là đại diện cho IS với giá 2,5 triệu euro và cuộc gặp mặt diễn ra trong cuộc họp tại hộp đêm ở thủ đô Chisinau của Moldova. Cuộc điều tra cũng đã phát hiện âm mưu bán uranium đủ để chế tạo bom cho một đối tượng ở Trung Đông.

Từ trái qua: Alexandr Agheenco;  Constantin Malic; Valentin Grossu.

Vụ nghiêm trọng nhất bắt đầu vào đầu năm 2011, với cuộc điều tra một nhóm buôn lậu, đứng đầu nhóm này là một người Nga bí ẩn tên là Alexandr Agheenco, được  đồng bọn gọi là "Đại tá". Đây là nhân vật nguy hiểm mà chính quyền Moldova tin là sĩ quan của FSB. Theo tiết lộ từ một vài sĩ quan cảnh sát Moldova, một người đàn ông trung niên làm việc cho "Đại tá" được giao nhiệm vụ sắp xếp cuộc thương lượng bán uranium U-235 và các bản thiết kế chế tạo bom bẩn. Các bản thiết kế được phát hiện trong cuộc đột kích vào căn nhà của người đàn ông trung niên này. Toàn bộ những băng ghi âm về âm mưu buôn lậu nguyên liệu hạt nhân được Cảnh sát Moldova gửi đến FBI. Theo đó, uranium chủ yếu bán cho người Arập.

Constantin Malic cho biết, cựu chỉ điểm KGB của Liên Xô cũ tên là Teodor Chetrus dính líu đến âm mưu bán 1kg uranium-235 cho người mua là bác sĩ người Sudan Yosif Fiasal Ibrahim với giá 32 triệu euro. Gheorghe Cavcaliuc, Phó giám đốc Tổng cục Cảnh sát Moldova (GPI), phát biểu trong một cuộc phỏng vấn của báo chí ở Chisinau: "Cho đến khi thủ lĩnh băng nhóm tội phạm bị tống vào tù, cho đến khi chúng tôi biết chắc chắn những chất phóng xạ bị bắt giữ ở châu Âu xuất phát từ đâu và được bán đi đâu, đến lúc đó chúng tôi mới có thể chắc chắn rằng mối nguy hiểm vẫn còn tồn tại".

Sau chiến công thầm lặng của mình, Constantin Malic nhận được bằng khen từ FBI. Eric Lund, người phát ngôn cho cơ quan phụ trách về vấn đề hạt nhân của Bộ Ngoại giao Mỹ, đánh giá: "Moldova đã thực hiện được nhiều bước quan trọng để tăng cường khả năng chống buôn lậu nguyên liệu hạt nhân. Những vụ bắt giữ mà chính quyền Moldova tiến hành vào năm 2011 chứng minh họ đã làm tốt chức trách".

Duy Ân (tổng hợp)
.
.