FBI tuyên bố phá vỡ mạng lưới gián điệp Nga ở New York

Thứ Sáu, 13/02/2015, 12:00
Ngày 26/1 vừa qua, Cục Điều tra L­iên bang Mỹ (FBI) thông báo đã phá vỡ một mạng lưới gián điệp Nga được cho là bí mật thu thập thông tin kinh tế bao gồm các chi tiết về thị trường Mỹ và kế hoạch trừng phạt nhằm vào hệ thống ngân hàng Nga.

Theo hồ sơ truy tố do đặc vụ FBI Gregory Monaghan thành lập gửi đến Tòa án Liên bang Manhattan, nghi can gián điệp Evgeny Buryakov đóng giả làm viên chức của một ngân hàng của Nga đặt văn phòng tại New York City.

Đặc vụ FBI cho Buryakov (mật danh "Zhenya") là "gián điệp ngầm" làm việc cho Cơ quan Tình báo đối ngoại Nga (SVR) chịu trách nhiệm thu thập thông tin tình báo và chuyển về Moskva. Để phá vỡ mạng lưới gián điệp Nga ở New York City, FBI sử dụng một người đưa tin có mật danh là “CS-1”.

Hồ sơ truy tố tiết lộ Evgeny Buryakov làm việc với hai người đàn ông Nga khác - đó là Victor Podobnyy và Igor Sporyshev - được cho là có dính líu đến các hoạt động tình báo của SVR.

Sporyshev là đại diện thương mại Nga ở New York, còn Podobnyy là tùy viên thường trực của Nga ở Liên Hiệp Quốc - cả hai người này hiện đều "không còn lưu trú ở Mỹ và chưa bị bắt giữ" đồng thời họ có được quyền đặc miễn ngoại giao để tránh bị bắt giữ, theo hồ sơ truy tố.

Theo điều tra của FBI, bộ ba gián điệp người Nga nói trên đều làm việc cho "một phân ban đặc biệt của SVR gọi là Giám đốc ER chủ yếu tập trung vào các vấn đề kinh tế".

Ngoài việc các báo cáo từ Buryakov được chuyển về Trung tâm Moskva - trụ sở SVR ở Nga - Podobnyy và Sporychev còn tiến hành một số hoạt động khác bao gồm "tuyển mộ người dân New York làm nguồn thông tin cho Nga".

Những ứng viên của tình báo Nga được đặc vụ Gregory Monaghan của FBI mô tả là "vài cá nhân làm việc cho các công ty lớn, và vài phụ nữ trẻ có quan hệ với một trường đại học ở New York" cũng như "nhiều người gốc Nga có liên quan đến một trường đại học không tiếng tăm".

Ngân hàng VEB ở Moskva.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ John Carlin tuyên bố Buryakov có nỗ lực "thu thập thông tin về kinh tế và những vấn đề khác".

Thứ trưởng John Carlin nhấn mạnh: "Nỗ lực của các quốc gia nước ngoài nhằm thu thập thông tin ở Mỹ thông qua gián điệp ngầm là mối đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia của Mỹ".

Buryakov bị buộc tội sử dụng các phương pháp bí mật và thông điệp mã hóa để giao tiếp với SVR, và người này thường trao "túi xách, tạp chí hay mảnh giấy cho Sporyshev".

Đặc tính của những cuộc họp này là diễn ra ngoài trời - môi trường tương đối ít bị gài thiết bị theo dõi hơn trong nhà.

Trong những cuộc giao tiếp bị FBI theo dõi, Sporyshev và Buryakov thường xuyên trao đổi về "nhu cầu chuyển giao những chiếc vé".

Có lúc, Sporyshev không gặp trực tiếp Buryakov mà hai người nói chuyện qua điện thoại liên quan đến việc thu thập thông tin cho cơ quan truyền thông Tass mà các cựu điệp viên SVR tiết lộ cơ quan này thật ra chỉ là vỏ bọc của tình báo Nga  Tuy nhiên, FBI không tiết lộ cụ thể những cá nhân nào của Tass tiếp xúc với hai điệp viên Nga nói trên.

Oleg Kalugin - cựu điệp viên cơ quan tình báo KGB cũ của Nga - khẳng định Tass dính líu đến hoạt động gián điệp trong thời Chiến tranh lạnh. Bản thân Kalugin cũng từng là điệp viên ngầm làm phóng viên cho Đài Phát thanh Radio Moskva tại Liên Hiệp Quốc từ năm 1959 đến 1964.

Thế nhưng, hiện nay mục tiêu chính là thông tin về tiền tệ và thị trường. Kalugin giải thích: "Để duy trì nền kinh tế nước Nga, tình báo tài chính và kinh tế là vô cùng quan trọng. Đó là những gì mà nước Nga đặc biệt quan tâm trong tình hình hiện nay".

Theo hồ sơ truy tố của FBI, Buryakov đòi hỏi Sporyshev đáp ứng mối quan tâm của cộng đồng tình báo kinh tế Nga, đặc biệt là về Sở Giao dịch chứng khoán New York cũng như mọi vấn đề liên quan đến các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga.

Mark Stout.

Yêu cầu đặt ra là thông tin phải được chuyển giao ngay - cụ thể là chỉ trong vòng 15 phút! Nhờ đó mà Buryakov nhanh chóng có được trong tay bản danh sách các ngân hàng Nga bị Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt.

FBI không nêu tên của ngân hàng mà Buryakov phục vụ, song trang web Ngân hàng Nga Vnesheconombank (VEB) xác định người này là "phó đại diện" của tổ chức ở khu Manhattan thành phố New York.

Do đó, Nga đã ra sức tìm kiếm tuyển mộ phụ nữ làm việc trong các công ty tư vấn tài chính nhưng không thành công.

Randall C. Coleman, trợ lý giám đốc phản gián của FBI, đánh giá cao vụ phơi bày hoạt động gián diệp của Nga ở New York City và mô tả là "tuyệt vời". Nhưng, nếu bị kết tội, cả 3 người Nga - Buryakov, Sporyshev và Podobnyy - có thể chỉ lãnh mức án tù đối đa là 5 năm.

Mark Stout - nhà phân tích tình báo và chuyên gia về Nga của Cục Tình báo trung ương Mỹ - cùng với một số cựu chuyên gia phản gián khác nhận định người Nga chắc chắn sẽ phản ứng mạnh mẽ đối với vụ bắt giữ Buryakov.

Mark Stout cho rằng: "Tôi chắc chắn rằng người Nga sẽ bắt giữ một ai đó từng làm gián điệp cho chúng ta. Đương nhiên có thể nghĩ ra người Nga sẽ có những biện pháp trả đũa".

Thục Miên (tổng hợp)
.
.