FIA: Dự án thất bại nặng nề nhất trong lịch sử Tình báo Mỹ

Thứ Hai, 02/06/2008, 17:00
FIA được mong đợi là sẽ mang đến một kỹ thuật chụp ảnh tiên tiến, hiệu quả và cho chất lượng hình ảnh như mong đợi. Tuy nhiên, dự án này đã tiêu tốn của Chính phủ Mỹ cả bạc tỉ nhưng đến tận năm 2002, vẫn chưa thể trở thành hiện thực. Thậm chí, Chính phủ Mỹ còn phải rót thêm vốn đầu tư 3 tỉ USD nữa kèm theo là sự thúc ép nhưng 2 năm sau thì dự án chính thức bị khai tử.

Dự án công nghệ hình ảnh tương lai (Future Imagery Architecture - thường được viết tắt FIA) là chương trình thiết kế vệ tinh do thám thế hệ mới cho Cục Do thám quốc gia Mỹ (National Reconnaissance Office - NRO) nhằm mục đích xác định, thu thập thông tin và vận hành kỹ thuật hình ảnh chụp từ vệ tinh với chất lượng cao.

FIA được mong đợi là sẽ mang đến một kỹ thuật chụp ảnh tiên tiến, hiệu quả và cho chất lượng hình ảnh như mong đợi. Tuy nhiên, dự án này đã tiêu tốn của Chính phủ Mỹ cả bạc tỉ nhưng đến tận năm 2002, vẫn chưa thể trở thành hiện thực.

Thậm chí, Chính phủ  Mỹ còn phải rót thêm vốn đầu tư  3 tỉ USD nữa kèm theo là sự thúc ép nhưng 2 năm sau thì dự án chính thức bị khai tử. Những ngày cuối năm 2007, tờ The New York Times đã gọi dự án này là “Sự thất bại ngoạn mục và đắt giá nhất trong lịch sử vệ tinh do thám 50 năm trở lại đây của Mỹ”.

Đây là dự án hợp tác giữa NRO và Tập đoàn Boeing được ký kết vào cuối năm 1992. Hợp đồng có giá kỷ lục là 25 tỉ USD, kéo dài trong 20 năm. Phạm vi hoạt động và nhiệm vụ chính xác của FIA được giữ trong vòng bí mật.

Người đứng đầu NRO chỉ tuyên bố ngắn gọn vào năm 2001 rằng, dự án này sẽ tập trung vào việc thiết kế ra những vệ tinh do thám kích thước nhỏ. Nhưng nhiều chuyên gia trong lĩnh vực công nghiệp tin rằng mục tiêu chính của dự án là thiết kế những vệ tinh nhân tạo khó bị tấn công hơn hiện tại, đưa chúng lên quỹ đạo xa hơn phía trên trái đất.

Căn cứ vào quy mô và ngân quỹ dự án cũng như số lượng nhân công phục vụ, các chuyên gia so sánh dự án này có tầm cỡ tương đương với dự án Manhattan nổi tiếng trong những năm 40 của thế kỷ trước.

FIA được mong đợi là sẽ trở thành đối tác của tất cả các cơ quan tình báo và được tham gia vào nhiệm vụ không gian của NRO. Các vệ tinh nhân tạo cải tiến sẽ có thể vận chuyển nhiều dữ liệu và giảm thời gian chờ đợi chuyển dữ liệu về.

Đây cũng là dự án có thể mang đến một cuộc cách mạng trong việc sử dụng lực lượng quân sự. Tất nhiên, nếu dự án này thành công, nó sẽ góp phần ngăn chặn nguy cơ khủng bố, buôn lậu vũ khí cũng như ngăn chặn thảm họa vũ khí nhằm bảo vệ an ninh quốc gia.

FIA chính thức được NRO đề nghị vào năm 1998 với hy vọng thu thập được gấp 8-20 lần khối lượng hình ảnh so với hệ thống hiện hành. Trước FIA, đã có một nhóm nghiên cứu dự án mang tên Imagery Architecture Study (IAS) do Robert Herman lãnh đạo tìm cách giảm kích cỡ của các vệ tinh do thám quốc gia.

Trong giai đoạn đầu tiên FIA từng bị hoãn vì vượt quá ngân sách cho phép và cả ngân sách dự kiến đến 25%. Nhưng sau sự kiện 11/9/2001, nước Mỹ bị đặt vào thế không thể không tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động do thám hình ảnh vệ tinh. Họ buộc phải tiếp tục rót vốn.

May mắn là những cố gắng này cũng được đền đáp một phần: Chính phủ Mỹ và các cục tình báo đã có trong tay nhiều hình ảnh đắt giá về các cuộc huấn luyện khủng bố, vũ khí hạt nhân, các cuộc diễn tập quân sự... trên thế giới được truyền về cơ quan đầu não.

Đây là những thông tin vô cùng quý giá đối với quân đội Mỹ không chỉ vào thời điểm cường quốc này muốn thực thi ngay lập tức các hoạt động trả đũa cho vụ khủng bố đẫm máu nhất trong lịch sử nhằm vào Mỹ mà còn về cả sau này.

Đáng tiếc là sau mốc thời gian lịch sử này, FIA lại một lần nữa bị chìm xuồng. Báo cáo của NRO chỉ ra rằng, FIA còn rất xa mới tiến đến kết quả cuối cùng và ngân quỹ dự kiến sẽ phải phình ra thêm từ 2-3 tỉ USD nữa. Tiếp tục một quãng thời gian im lặng.

Chính vì sự ngắt quãng để tìm giải pháp tài chính này khiến tiến độ dự án bị chậm lại nhiều tháng so với kế hoạch. Chính vì vậy, việc hoàn thành thế hệ vệ tinh hình ảnh mới bị ra mắt muộn mất một năm (trong khoảng năm 2004/2005 thay vì 2003/2004).

Đến tháng 9/2005, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Donald H. Rumsfeld và Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia John D quyết định thu lại nhiều tỉ USD trong dự án FIA với Hãng Boeing vì lý do vượt quá ngân quỹ tài chính và chậm hoàn thành so với hạn định. Phần lớn dự án được chuyển lại cho Hãng Lockheed Martin.

NRO yêu cầu Lockheed Martin sản xuất lại hệ thống những vệ tinh cũ nhưng có bổ sung yếu tố công nghệ mới và sẽ giao đợt hàng đầu tiên vào năm 2009. T

heo bản hợp đồng đã được sửa lại, Lockheed Martin xây dựng phần quang học điện tử cho các vệ tinh và đảm trách việc xây dựng một tàu vũ trụ từ những phần hỏng của thế hệ quang học điện tử của vệ tinh do thám hiện tại. Còn Boeing, dù vẫn là một nhà thầu hàng đầu nhưng sẽ giữ tỉ lệ nhỏ hơn trong hợp đồng: tiếp tục phần việc ít phức tạp hơn đó là phát triển radar hình ảnh tàu vũ trụ.

Năm 2005, Giám đốc NRO, là Donald Kerr ra chỉ thị chấm dứt dự án này nhưng phải đến tận tháng 9/2005, Giám đốc Cục Tình báo quốc gia là John Negroponte mới chính thức ra lệnh khai tử. Tờ The New York Times đã có bộ phận điều tra riêng và đưa ra con số lãng phí khoảng 4 tỉ USD. Với những bằng chứng sưu tầm được, The New York Times gọi dự án này là “Sự thất bại đắt giá nhất trong lịch sử vệ tinh do thám 50 năm trở lại đây của Mỹ”.

Điều khiến Chính phủ Mỹ đau đầu hơn cả là FIA tiêu tốn công sức, thời gian, tiền bạc nhưng lại chưa thể trở thành hiện thực. Và chính dự án đầy bất lực và bị chết yểu này đã bộc lộ sự yếu kém của chính phủ trong việc điều hành những hợp đồng phức hợp trong bối cảnh các yêu cầu về hoạt động quân sự và tình báo mỗi ngày một gia tăng.

Tuy vậy, NRO không thể không phát triển thế hệ vệ tinh do thám mới. Cuối năm 2007, Chính phủ Mỹ phải lao vào một dự án nhiều tỉ USD khác có tên là BASIC (Broad Area Satellite Imagery Collection). BASIC dự định sẽ hoàn thành vào năm 2011 và mất khoảng 2-4 tỉ USD.

Điều đặc biệt là NRO không còn toàn quyền quyết định đối với BASIC mà thay vào đó, BASIC sẽ được trao lại cho Phó giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia, là Alden Munson và Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, John Young

Hà Ninh (tổng hợp)
.
.