Felix Bloch - Điệp viên nội gián trong ngành ngoại giao Mỹ

Thứ Tư, 14/11/2007, 06:35
Từ 7 năm nay, Felix Bloch luôn chăm chỉ hành nghề lái xe buýt tại thành phố nhỏ Chapell Hill, bang Bắc Carolina, Mỹ. Ít ai biết rằng người tài tế này vào năm 1990 đã bị buộc tội làm điệp viên nội gián cho tình báo Liên Xô, bị bắt giữ, đào thải khỏi ngành ngoại giao và bị tuyên phạt 10 năm tù giam. Năm 2000, sau khi mãn hạn tù, Bloch phải đến thành phố Chapell Hill để trốn tránh dư luận và cũng để hành nghề lái xe nuôi thân.

Felix Bloch sinh năm 1943 tại thành phố Houston, bang Texas. Năm 1961, sau khi tốt nghiệp trung học, theo lời khuyên của cha, Bloch theo học ngành quan hệ quốc tế tại Đại học Georgetown. Do tốt nghiệp loại giỏi nên Bloch được nhận làm thực tập sinh tại Bộ Ngoại giao Mỹ.

Năm 1967, Bloch được Bộ Ngoại giao tuyển dụng. Do hiểu biết về văn hóa, lịch sử của nhiều quốc gia châu Âu và am hiểu 4 ngoại ngữ nên Bloch lần lượt được bổ nhiệm làm việc tại Sứ quán Mỹ ở Pháp, Italia, Tây Ban Nha, Anh, Bỉ và sau cùng là Áo.

Tháng 5/1984, ở cương vị phó đại sứ Mỹ tại Áo, khi được mời đến tham dự Hội chợ Tem thư quốc tế tổ chức tại thủ đô Vienne, Bloch tình cờ làm quen với một người sưu tập tem mang quốc tịch Phần Lan xưng tên là Reino Gikman. Gikman cho biết hiện đang làm quản lý cho hệ thống các nhà sách có tên gọi Suomalainen Kirjakauppa ở Phần Lan nhưng lại có thú đam mê sưu tập tem và cũng thường xuyên đến thủ đô Vienne.

Nhưng trên thực tế Gikman là điệp viên nằm vùng của tình báo Liên Xô, có mật danh Finn hay Pierre Beart, làm việc tại chi nhánh của tình báo Liên Xô ở thủ đô Helsinki của Phần Lan.

Gikman được giao nhiệm vụ thường xuyên có mặt tại thủ đô Vienne, vốn được xem là ngã ba giao lưu nhộn nhịp của các cơ quan tình báo quốc tế vào thời kỳ Chiến tranh lạnh, để thu thập thông tin và tuyển dụng điệp viên nội gián. Và nhiệm vụ của Gikman vào thời kỳ đó là phải tìm cách tuyển dụng cho bằng được Phó đại sứ Mỹ Felix Bloch.

Tuy nhiên cũng phải đợi đến mùa xuân năm 1985, sau chuyến nghỉ đông của Bloch tại thủ đô Helsinki của Phần Lan, theo lời mời của Gikman, Bloch mới chấp thuận làm điệp viên cho Liên Xô và mang mật danh Hagan.

Reino Gikman.

Theo giao ước, Bloch và Gikman chỉ trao đổi thông tin, tài liệu theo một chiều bằng con đường thư tín của ngành ngoại giao Mỹ. Ngược lại Bloch cũng nhận được chỉ thị từ Gikman thông qua các cuộc điện đàm theo đường dây đặc biệt dành riêng cho đại sứ và phó đại sứ Mỹ. Trong trường hợp cần thiết, Bloch và Gikman giao ước chỉ gặp mặt tại Hội chợ Tem thư quốc tế được tổ chức hàng năm luân phiên tại nhiều quốc gia.

Với cung cách hoạt động kín kẽ như thế, chỉ từ năm 1985 đến năm 1989, Bloch đã chuyển giao trót lọt cho tình báo Liên Xô nhiều thông tin, tài liệu quan trọng liên quan đến hoạt động của Mỹ tại châu Âu nhằm chuẩn bị cho việc triển khai các kế hoạch phá rối, kích động gây mất ổn định trong nội bộ các quốc gia XHCN Đông Âu.

Theo điều tra của FBI, Bloch đã chuyển giao cho tình báo Liên Xô gần 2.000 tài liệu mật của ngành ngoại giao Mỹ thông qua điệp viên nằm vùng Gikman.

Vào ngày 27/4/1989, Trạm thu tín hiệu của Đơn vị Tình báo thông tin của Bộ Quốc phòng Pháp nhận được một cuộc điện đàm gọi từ Sứ quán Mỹ ở thủ đô Vienne cho một người có tên Pierre Beart ở quận 12, thủ đô Paris của Pháp. Lập tức đoạn băng ghi âm cuộc điện đàm này được gửi cho Cơ quan Tình báo thông tin quốc gia Mỹ (NSA).

Giải mã cuộc điện đàm, NSA biết rằng đó là cuộc hẹn gặp giữa Phó đại sứ Mỹ ở Áo, Felix Bloch, và một nhân vật tên Pierre Beart, tại Hội chợ Tem thư quốc tế tổ chức tại thủ đô Paris vào ngày 2/5/1989.

Thông tin này liền được NSA chuyển giao cho Bộ phận Phản gián của Cục Điều tra liên bang (FBI). FBI liền cử một toán nhân viên phản gián đến Paris để phối hợp với Cục Phản gián Pháp (DST) giám sát hành tung của Bloch.

Tại đây, vào hôm khai mạc hội chợ, FBI đã ghi hình và chụp ảnh cảnh Bloch mang một túi xách tay vào một nhà hàng bên trong khuôn viên hội chợ để gặp gỡ và trò chuyện trong chừng 30 phút với một người đàn ông lạ mặt, nhưng khi ra khỏi nhà hàng Bloch lại đi tay không.

Tiến hành nhận dạng và thẩm tra ảnh chụp về người đàn ông lạ mặt, FBI và DST xác định đó chính là Reino Gikman còn gọi là Pierre Beart, điệp viên nằm vùng của tình báo Liên Xô tại các quốc gia Tây Âu.

Từ tháng 5/1989, FBI tổ chức giám sát mọi hành tung của Bloch và phát hiện Bloch đã chuyển giao thông tin, tài liệu cho Gikman qua con đường thư tín ngoại giao.

Đến ngày 11/7/1989, FBI bí mật thẩm tra một bức thư của Bloch gửi qua đường thư tín ngoại giao đến địa chỉ là một cửa hàng sách ở thủ đô Helsinki của Phần Lan, là nơi mà Gikman vẫn làm việc.

Giải mã nội dung bức thư  và các tài liệu gửi kèm, FBI biết rằng đó là thông tin về việc Mỹ chuẩn bị triển khai một kế hoạch gây bạo động tại Rumani nhằm dấy lên phong trào chống đối để lật đổ chế độ XHCN tại quốc gia Đông Âu này.

Có được chứng cớ này, FBI yêu cầu Bộ Ngoại giao triệu hồi Bloch về lại thủ đô Washington. Trong thời gian lưu trú tại thủ đô Washington trước khi bị bắt giữ, vệ tinh tình báo của NSA còn thu nhận được một cuộc điện đàm gọi từ thủ đô Helsinki của Phần Lan cho Bloch, nội dung cuộc điện đàm cho biết Pierre Beart (điệp viên Gikman) đang bị “bệnh rất nặng” và không thể còn gặp lại Bloch được nữa, điều này có nghĩa là hoạt động nội gián của Bloch đã bị lộ và tình báo Liên Xô quyết định hủy tất cả các cuộc gặp gỡ hay trao đổi tài liệu, chỉ thị giữa Bloch và Gikman.

Chỉ 24 tiếng đồng hồ sau khi nhận được cuộc điện đàm, Bloch bị các nhân viên phản gián FBI bắt giữ về tội hoạt động nội gián. Bị thẩm vấn liên tục, cuối cùng Bloch đành thú nhận tội làm điệp viên nội gián để tránh bị tuyên án tù chung thân suốt đời.

Vào ngày 2/5/1990, một tòa án liên bang tại thủ đô Washington đã tuyên phạt Bloch 10 năm tù giam về tội hoạt động nội gián...

V.H. (theo CiCentre)
.
.