Georgi Dimitrov và dư âm phiên tòa lịch sử

Thứ Sáu, 21/09/2018, 10:57
Trong âm hưởng từ “vụ án thế kỷ” của nước Đức về cuộc hỏa hoạn “kinh hoàng”, đã thiêu cháy tòa nhà Nghị viện (Reichstag) ở thủ đô Berlin cách đây đúng 85 năm, bao trùm lên tất cả là hình ảnh của lãnh tụ Cộng sản Georgi Dimitrov (1882-1949) - người con vĩ đại của dân tộc Bulgaria, người chiến sĩ tiên phong của phong trào Cộng sản Quốc tế.

Trong tâm tưởng của hàng trăm triệu người yêu hòa bình trên hành tinh cho đến tận ngày hôm nay, G. Dimitrov vẫn luôn là một vĩ nhân kiệt xuất đậm chất anh hùng, bởi ông chính là người chiến thắng trong phiên tòa lịch sử ở Leipzig (Đức) vào mùa xuân năm 1933 đáng ghi nhớ ấy.

Chúng ta cùng quay lại với những thời khắc lịch sử ở cuối tháng 2 và đầu tháng 3 của năm 1933. Vào buổi tối ngày 27-2, khoảng giữa 21 giờ 10 phút và 21 giờ 15 phút, tòa nhà trụ sở Quốc hội Đức giữa thủ đô Berlin đột nhiên… bốc cháy.

Vụ hỏa hoạn lớn đến nỗi, người ta phải huy động tới 60 chiếc xe chữa cháy chuyên dụng mới dập tắt được ngọn lửa. Trong khi “bà hỏa” bắt đầu hoành hành, theo hệ thống “tín hiệu nội bộ siêu mật”, từ nhiều hướng khác nhau giới lãnh đạo đảng quốc gia xã hội cực hữu, cũng như những thành viên cộm cán nhất trong chính phủ phát xít đương nhiệm lập tức đổ tới “hiện trường”.

G. Dimitrov (đứng thứ 2 từ phải sang) hùng hồn biện luận trong phiên tòa ở Leipzig, vạch trần những âm mưu đen tối của chủ nghĩa quốc xã.

Tuy tồn tại nhiều nguồn tin đối kháng nhau về việc ai có mặt trước tiên, nhưng tất cả mọi “nhân chứng” đều quả quyết, rằng đích thân Hermann Goring là người đầu tiên nhìn thấy ngọn lửa phát ra từ tòa nhà Reichstag, bởi nhân vật quốc xã hàng đầu này thường ngủ qua đêm tại chỗ làm việc của mình trong văn phòng Chủ tịch Nghị viện. Đến sau chút ít là Adolf Hitler và Joseph Goebbels (bộ trưởng tuyên truyền của đế chế đệ tam)…

Trước khi ngọn lửa ở Reichstag được khống chế, “bộ tham mưu” của đảng quốc xã đã chính thức lên tiếng báo động về cái gọi là “sự khởi đầu của cuộc Cách mạng Cộng sản đang đe dọa dân tộc Đức”(!). Trong cuộc trả lời phỏng vấn sau “sự kiện Raihstage”, mà Hitler “hào phóng” dành cho ký giả Steven Delmer của tờ nhật báo thiên hữu Daily Express phát hành tại London (Anh), thể hiện niềm mong muốn tiềm ẩn của bè lũ quốc xã bằng câu nói: “Chính Chúa đã… xui những người Cộng sản làm vậy”.

Tem bưu chính của Việt Nam về phiên tòa lịch sử, ấn hành năm 1972 nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh ông G. Dimitrov.

Rồi hắn thêm: “Đây là ý Chúa. Giờ thì chẳng gì cản nổi việc chúng tôi dùng quả đấm sắt với phe Cộng sản nữa”(!). Cuối cùng của bài trả lời, trùm phát xít hàng đầu kết luận: “Sự kiện đậm chất khiêu khích ở Raihstage đã mở đầu cho một kỷ nguyên mới trong lịch sử Đức quốc”.

“Kỷ nguyên mới” ấy chính là sự công khai ruồng bố những ai ủng hộ ý thức hệ Cộng sản và dân chủ, chống lại tất cả các lực lượng có tư tưởng tiến bộ. Và quả thực tại Đức sau đó đã bùng lên một làn sóng khủng bố gắt gao đối với bất kỳ ai không hợp với chính kiến quốc xã. Chỉ riêng tại Berlin nội trong vòng một đêm, tới rạng sáng ngày 28-2-1933, lực lượng mật vụ quốc xã (Gestapo) đã lùng bắt hơn 11.500 người, bao gồm các đảng viên đảng Cộng sản và đảng Xã hội Dân chủ Đức.

Hình tượng G. Dimitrov “phủ bóng” lên phiên tòa lịch sử (ảnh ghép của nghệ sĩ tiến bộ người Đức John Heartfield trong năm 1933. bên dưới là H. Goring, tên trùm quốc xã trực tiếp chỉ đạo phiên xử).

Cũng ngày hôm ấy, một nhóm Gestapo đặc nhiệm đã phục bắt quả tang tại hiện trường “thủ phạm” Marinus Van Der Lubbe (1909-1934), một công nhân xây dựng gốc Hà Lan đồng thời là một nhà hoạt động công đoàn nổi tiếng.

Dựa trên những “bằng chứng” hoàn toàn bịa đặt, Gestapo cũng bắt giữ “đồng phạm” của M. Lubbe là dân biểu Ernst Torgler (1893-1963) - đương kim thủ lĩnh nhóm nghị sĩ Cộng sản tại Reichstag. Nhưng chỉ 2 “kẻ cầm đầu” thôi thì chưa đủ “sức thuyết phục” cho lắm. Do vậy, tới ngày 9-3-1933 với kế hoạch định trước, cảnh sát phát xít đã ập vào Văn phòng Tây Âu thuộc Quốc tế Cộng sản (Comintern), với trụ sở đặt ở ngay trung tâm Berlin để bắt nhà lãnh đạo G. Dimitrov.

Cùng bị bắt với ông G. Dimitrov là 2 đồng chí Ủy viên Trung ương đảng Cộng sản Bulgaria gồm Blagoy Popov (1902-1968) và Vasil Tanev (1879-1041), những người vừa mới đặt chân tới Berlin trong một chuyến công cán. Cả 5 người nói trên đều bị chính quyền quốc xã trắng trợn quy tội “hoạt động tích cực cho việc phổ biến tư tưởng Cộng sản Quốc tế”, cũng như “chủ ý tổ chức đốt nhà Quốc hội có tính toán trước”(!).

Những tên quốc xã hàng đầu ngay lập tức xuất hiện để chứng kiến “hiện trường” vụ hỏa hoạn.

Ai cũng biết về việc chuẩn bị phiên tòa ở Leipzig kéo dài tới… 7 tháng ròng, với 8 lần định rõ ngày phán xử “vụ án thế kỷ” của nước Đức rồi lại đình hoãn(?!). Còn trong vai những “nhân chứng sống” quy kết tội danh chỉ rặt giới dân biểu quốc xã, lũ bồi bút phát xít, bọn tội phạm hình sự, trộm cắp và làm bạc giả, bè lũ vô chính phủ, tâm thần hoang tưởng buôn bán và tiêu thụ ma túy.

Chỉ ít phút sau khi ngọn lửa ở Reichstag bùng phát, phóng viên Hans Joakim Klaus của nhật báo đầy uy tín Hamburger Nachrichten, đã cùng với Victor Sifuentes - biên tập viên Tạp chí Forverts, cơ quan ngôn luận của đảng Xã hội Dân chủ Đức tìm cách lọt được vào bên trong tòa nhà đang ngùn ngụt cháy, nhằm kịp thời truyền qua điện thoại những tin tức “nóng hổi” đầu tiên về tòa soạn. V. Sifuentes cho biết tuy tòa nhà chính bị cháy có đường hành lang ngầm thông với nơi làm việc của Goring, nhưng văn phòng này lại chẳng bị hề hấn gì”(?!).

Vụ hỏa hoạn tại Reichstag là một trong những cái cớ “đẻ ra” chủ nghĩa phát xít.

Kế tiếp là thông tin của Willi Frischauer, ký giả kỳ cựu của tờ nhật báo Wiener Allgemeine Zeitung ấn hành ở Áo, khẳng định: “Chẳng còn nghi ngờ gì nữa, cuộc hỏa hoạn đang thiêu đốt trụ sở Nghị viện Đức, được tiến hành bởi bàn tay của những kẻ phá bĩnh chuyên nghiệp do chế độ Hitler thuê mướn”.

Tới ngày 28-2-1933, phóng viên gạo cội người Nam Tư Predrag Milosevic nhận định trên tờ Politika: “Khi giữa màn đêm u ám của tiết trời Berlin đầu xuân, chợt lóe lên những ngọn lửa đỏ rực quanh Reichstag, có nghĩa là đất nước này sẽ bắt đầu một cuộc chiến mù quáng và không khoan nhượng với những người bất đồng chính kiến. Một cuộc thanh trừng tổng lực mà lịch sử Đức quốc chưa hề trải qua…”.

Còn bài bình luận trên tờ Tạp chí Rundschau uy tín xuất bản ở Vienna (Áo) viết: “Bàn tay khủng bố đẫm máu đã bao trùm nước Đức, nhằm bóp nghẹt sự thật về vụ đốt tòa nhà Reichstag, mà theo nguồn tin đáng tin cậy, thì cuộc hỏa hoạn đáng hổ thẹn ấy được thực thi theo lệnh của đích thân H. Goring”. Nhật báo Xôviết Pravda, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Liên Xô thẳng thắn bóc trần sự dối trá của các phần tử phát xít, rằng: “Chúng chỉ chăm chăm “kiếm cớ” cho việc tiễu trừ triệt để những người Cộng sản tiến bộ”.

Còn tờ Rude Pravo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Tiệp Khắc sau khi vạch trần việc Goring chính là kẻ phát hỏa, cho biết thêm: “Tại phiên tòa do bọn quốc xã mở mang tính bịa đặt lịch sử ở Leipzig, những người vô sản quốc tế do lãnh tụ G. Dimitrov đại diện, cùng với những lý lẽ hùng hồn khó phủ nhận, đã làm lu mờ hàng ngũ tư pháp Đức - những kẻ theo đuôi Hitler. Đây cũng chính là phiên tòa lịch sử quy tội chủ nghĩa tư bản với cuộc Đại chiến Thế giới lần thứ 2 đang cận kề”.

Thậm chí tờ báo theo chính kiến tư sản Le Monde của Pháp cũng phải lên tiếng chỉ rõ: “Vụ hỏa hoạn ở Reichstag không nhằm bất cứ điều gì khác, ngoại trừ việc đó là “đòn chỉ thiên” báo hiệu một cuộc tàn sát mới của chủ nghĩa phục thù… Chính các thế lực thân cận Hitler đã ra tay đốt Reichstag, bất chấp những lời tuyên truyền dai dẳng hòng muốn không một ai tỏ ý mảy may nghi ngờ, rằng đó là một “kế hoạch do những người Cộng sản xếp đặt trước”(!).

Hơn 8 thập niên đã trôi qua sau “vụ phóng hỏa Reichstag”, một sự thật luôn được lịch sử soi tỏ, rằng từ âm mưu ban đầu đốt tòa nhà Quốc hội Đức, bè lũ quốc xã đã khơi mào cho cuộc chiến thế giới khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại, đẩy loài người vào lò lửa chiến tranh.

Cá nhân ông G. Dimitrov trong quá trình biện tụng có vai trò đóng góp cực kỳ lớn lao trong việc bóc trần toàn bộ sự thật, qua những lời tố cáo chủ nghĩa phát xít tại chính phiên tòa do chúng mở ở Leipzig nhằm vu cáo các lực lượng yêu hòa bình; đồng thời thức tỉnh lương tri những người tiến bộ trước hiểm họa quốc xã bạo tàn, như lời nói cuối cùng của ông trước phiên tòa lịch sử: “Sự khai hỏa ở Reichstag chỉ nhằm mục đích duy nhất, rằng đó là tín hiệu mở đầu cho cuộc “tràn ngập lãnh thổ” vô nhân đạo của chủ nghĩa phát xít Đức chống lại làn sóng cách mạng của những người vô sản!”.

Thay lời kết, xin trích dẫn lời nhận định của vị cố Tổng Bí thư kỳ cựu của đảng Cộng sản Bulgaria Todor Zhivkov (1911-1998): “Trong tiềm thức của hàng triệu người tiến bộ, Georgi Dimitrov đã, đang và sẽ mãi mãi là một chiến sĩ tranh đấu không khoan nhượng cho ý thức hệ Cộng sản, nền dân chủ công bằng và chủ nghĩa nhân đạo. Người mãi mãi đi vào lịch sử với vai trò Tổng Bí thư Quốc tế Cộng sản trong những năm tháng cực kỳ gian truân, nhằm chống lại chủ nghĩa phát xít cùng mưu đồ phát động cuộc Đại chiến Thế giới mới. Chính bởi vậy nên tên tuổi, ý tưởng, những lời hiệu triệu trong sự nghiệp của nhà lãnh tụ Georgi Dimitrov không bao giờ bị quên lãng với thời gian”.

Quang Phú (theo Arguments & Facts)
.
.