Giải Nobel Hoà bình có thật sự vì hoà bình?

Thứ Hai, 22/10/2012, 10:25

Mùa giải Nobel 2012 đang đến. Trong số các giải thưởng mang tên Nobel, giải Nobel Hòa bình được chú ý nhiều nhất, không chỉ vì số tiền thưởng cao, vì cái tên “Hòa bình” và ý nghĩa mà nó mang đến, mà còn vì lịch sử trao giải từng có những chuyện “lùm xùm” liên quan đến quyết định trao giải. Dư luận chung cho rằng, giải Nobel Hòa bình đang ngày càng xa rời tiêu chí ban đầu, xa rời tâm nguyện của nhà sáng lập giải thưởng: Alfred Nobel.

Trao giải cho người tận tâm tận lực vì hòa bình

Trước khi qua đời vào năm 1896, Alfred Nobel - kỹ sư hóa học, nhà phát minh ra thuốc nổ người Thụy Điển - đã để lại di chúc, trong đó viết rằng một phần lớn tài sản của ông sẽ dùng cho việc trao giải thưởng hòa bình, và giải thưởng này sẽ được trao cho những ai "hoạt động nhiều nhất hoặc tốt nhất cho tình hữu nghị giữa các quốc gia, cho việc xóa bỏ hoặc cắt giảm quân đội thường trực và thúc đẩy hòa bình".

Theo di nguyện của ông Nobel, Ủy ban xét trao giải Nobel Hòa bình bao gồm 5 người do Quốc hội Na Uy chọn lựa. Người ta không rõ vì sao ông Nobel lập ra giải thưởng hòa bình, trong di chúc ông cũng không giải thích rõ.

Theo Ủy ban Nobel Na Uy, sinh thời ông Nobel kết thân với một phụ nữ hoạt động vì hòa bình tên là Bertha von Suttner (bà này về sau đã nhận giải thưởng Nobel Hòa bình), và chính Suttner đã tác động sâu sắc lên quyết định của ông Nobel lập giải thưởng hòa bình. Có ý kiến cho rằng, việc ông Nobel lập ra giải thưởng hòa bình có thể là cách ông bù đắp cho việc đã phát minh ra những thứ gây chết chóc cho nhân loại là thuốc nổ và đầu đạn, những thứ đã từng gây ra nhiều thương vong ngay trong thời gian Nobel còn sống (những năm 1880) khiến ông hối hận mãi.

Ngoài ra, người ta cũng không hiểu rõ vì sao giải Nobel Hòa bình lại do người Na Uy điều hành. Theo Ủy ban Nobel Na Uy, vào thời gian Nobel còn sống, Na Uy và Thụy Điển là một liên minh, và Nobel xem Na Uy thích hợp hơn Thụy Điển cho việc điều hành giải thưởng hòa bình, đơn giản vì Na Uy không có quân đội truyền thống như Thụy Điển. Vả lại, Quốc hội Na Uy khi đó cũng đang tham gia một liên minh nghị viện giải quyết xung đột bằng hòa giải, đàm phán hòa bình thay cho vũ lực chiến tranh.

Việc chọn đề cử và ra quyết định trao giải cũng khá phức tạp. Quy chế của Tổ chức Nobel có quy định rõ 7 nhóm cá nhân có tư cách đề cử người nhận giải Nobel Hòa bình, bao gồm: đại biểu Quốc hội các nước thành viên Liên minh Liên nghị viện; thành viên Tòa án Hòa giải Quốc tế tại La Haye, thành viên Tòa án Công lý Quốc tế; thành viên Viện Droit Quốc tế; giáo sư đại học các ngành khoa học xã hội, triết học, lịch sử, thần học, luật, hiệu trưởng đại học, giám đốc các viện nghiên cứu hòa bình, quan hệ quốc tế; những người từng nhận giải Nobel Hòa bình; thành viên, các cựu thành viên Ủy ban Nobel Na Uy; và các cựu cố vấn Viện Nobel Na Uy. Với thành phần đề cử đa dạng và giàu uy tín như thế, không có gì lạ khi các đề cử giải Nobel Hòa bình đều được đánh giá là xứng đáng, hoặc chí ít cũng gần như thế.

Theo quy định thì danh sách đề cử phải được gút vào ngày đầu tháng 2 hàng năm. Riêng đề cử bởi các thành viên Ủy ban Nobel Na Uy có thể trễ hơn thời hạn này đến tận phiên họp thứ nhất của Ủy ban. Cũng giống như các giải Nobel thuộc các lĩnh vực khác, quá trình chọn người trao giải Nobel Hòa bình diễn ra theo trình tự rút ngắn dần danh sách đề cử, và danh sách được rút ngắn này sẽ được các cố vấn của Viện Nobel Na Uy xem xét, chọn lọc, loại bỏ ai và lấy ai.

Công việc của các cố vấn này kéo dài nhiều tháng, từ tháng 2 cho đến tận tháng 9 hàng năm, cho đến khi tất cả đạt được đồng thuận về một ứng viên nào đó, nhưng thường thì ứng viên được chọn phải chờ đến quyết định cuối cùng của Ủy ban Nobel Hòa bình tại phiên họp vào giữa tháng 9, thậm chí tại phiên họp cuối cùng trước khi công bố giải vào đầu tháng 10.

Đa dạng hóa và chính trị hóa

Theo di nguyện của Alfred Nobel, giải Nobel Hòa bình phải được trao cho người tận tâm tận lực vì hòa bình. Do đó, giai đoạn đầu, giải đã được trao cho những người đã thật sự kiến tạo hòa bình, như bà Bertha von Suttner kể trên, được trao giải vì đã viết tác phẩm "Hãy hạ vũ khí xuống" (Lay Down Your Arms) và tác động để ông Nobel lập ra giải thưởng hòa bình.

Trong danh sách những người nhận giải Nobel giai đoạn đầu còn có những cái tên nổi bật như Tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt (được trao giải năm 1906) vì có công hòa giải giúp chấm dứt cuộc chiến Nga - Nhật năm 1904-1905; Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson (năm 1919), với vai trò trong Hội nghị hòa bình Paris chấm dứt Chiến tranh thế giới lần I, mà kết quả là sự ra đời Hội Quốc liên, tiền thân của Tổ chức Liên Hiệp Quốc ngày nay; và Tổ chức Ủy ban Hội Chữ thập đỏ Quốc tế (1917) được trao giải vì đi đầu trong cuộc chiến nhân đạo toàn cầu.

Ông Mohamed ElBaradei đồng nhận giải Nobel Hòa bình 2005 với Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA).

Giai đoạn sau này cũng có những người được trao giải rất xứng đáng, như cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela và Frederik Willem de Klerk (nhận giải năm 1993), cố Chủ tịch Palestine Yesser Arafat, cố Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin và đương kim Tổng thống Israel Somon Peres (cùng nhận giải năm 1994), cựu Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung (năm 2000), ông Mohamed ElBaradei (người Ai Cập) và Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế IAEA (năm 2005), cựu Tổng thống Phần Lan Martti Ahtisaari (năm 2008),…

Tuy nhiên, theo thời gian, chính trị và những biến động thời cuộc đã khiến cho giải Nobel Hòa bình ngày càng bộc lộ những vấn đề gây bức xúc trong dư luận. Một trong những quyết định trao giải gây tranh cãi nhiều nhất là quyết định trao giải Nobel Hòa bình năm 1973 cho ông Lê Đức Thọ của Việt Nam và ông Henry Kissinger của Mỹ. Cuộc tranh cãi gay gắt đến độ 2 trong số các thành viên Ủy ban Nobel Na Uy đã tức giận mà từ chức. Sau đó, ông Lê Đức Thọ đã từ chối nhận giải vì lý do giải thưởng đồng thời được trao cho đại diện Mỹ - kẻ đi gây chiến, gieo đau thương chết chóc cho dân tộc Việt Nam, tàn phá đất nước Việt Nam. Và trên thực tế vào thời điểm đó, hòa bình vẫn chưa thật sự đến với người dân Việt Nam.

Nhìn lại các giải Nobel Hòa bình trong những năm gần đây, không thiếu những kỳ trao giải có thiên hướng đi chệch mục tiêu ban đầu của ông Nobel. Phải chăng thế giới này không thể tìm ra một người hoạt động vì hòa bình, hay không còn ai đủ can đảm, đủ bản lĩnh và đủ sức để tạo lập hòa bình đích thực, cho nên giải Nobel Hòa bình buộc phải mở rộng ý nghĩa và đối tượng trao giải? Không kể những cái tên đình đám như cựu Phó tổng thống Mỹ Al Gore (Nobel Hòa bình năm 2007 về lĩnh vực bảo vệ môi trường), một "nhà hoạt động vì dân chủ và phát triển bền vững" như Wangari Muta Maathai, người Kenya, cũng được nhận Nobel Hòa bình.

Giải Nobel Hòa bình năm 2011 được trao cho 3 người phụ nữ gồm Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf và Leymah Gbowee, nhà hoạt động nữ quyền nước này, người phụ nữ còn lại là bà Tawakel Karman, người Yemen. Lý do trao giải là "đấu tranh bất bạo động vì sự an toàn của phụ nữ và quyền của phụ nữ tham gia tích cực vào hoạt động xây dựng hòa bình"!?

Ngược lại, khá nhiều tên tuổi, những nhà hoạt động vì hòa bình đích thực thì lại bị bỏ sót, bị loại hoặc không đề cử trao giải. Trong số những người bị bỏ sót này có những người nổi tiếng như nhà cách mạng Ấn Độ Mohandas Gandhi, cựu Tổng thống Mỹ Eleanor Roosevelt, Ken Saro-Wiwa, Sir Fazle Hasan Abed, cựu Tổng thống Philippines Corazon Aquino, Giáo hoàng John Paul II.

Điều gây tranh cãi nhất chính là tình trạng chính trị hóa ngày càng nặng nề trong các quyết định trao giải Nobel Hòa bình. Một Aung San Suu Kyi (Nobel Hòa bình 1991), người Myanmar được trao giải để khuyến khích "tinh thần đấu tranh vì dân chủ". Nực cười hơn, giải năm 2010, "nhà hoạt động" Lưu Hiểu Ba (năm 2010) - kẻ bị chính quyền Trung Quốc bắt giam vì tội hoạt động chống nhà nước - lại được trao giải vì "đấu tranh bền bỉ vì nhân quyền ở Trung Quốc", khiến cho Nhà nước Trung Quốc kịch liệt phản đối(?). Hay như Shirin Ebadi - người Iran, được trao giải năm 2003 vì "những nỗ lực vì dân chủ và nhân quyền, đặc biệt là quyền phụ nữ và trẻ em".

Rõ ràng là bà Aung San Suu Kyi, Lưu Hiểu Ba hay bà Shirin Ebadi đều không phải là những người "tận tâm tận lực vì hòa bình", vì các hoạt động của họ ít nhiều tạo nên sự mất ổn định chính trị trong nước, và mục đích đấu tranh của họ cũng chẳng thỏa mãn được tiêu chí mà Alfred Nobel di chúc lại. Do vậy, khi quyết định trao giải cho những người này, Ủy ban Nobel Hòa bình đã lồng vào đấy một thông điệp mang đậm tính chính trị, một sự can thiệp lộ liễu vào công việc nội bộ của các quốc gia liên quan.

Khi Tổng thống Mỹ Barack Obama được trao giải Nobel Hòa bình năm 2009, giới phê bình khắp thế giới không còn khả năng chịu đựng nữa, đã đồng loạt phê phán đó là "trò đùa" hay "trò hề" của gải Nobel Hòa bình. Người ta đặt câu hỏi: Ông Obama đã đóng góp gì cho hòa bình thế giới chưa mà trao giải? Trả lời: Do "tầm quan trọng trong tầm nhìn và nỗ lực của Obama vì một thế giới không có vũ khí hạt nhân", và "Obama, với tư cách Tổng thống, đã tạo nên một bầu không khí mới trong chính trị quốc tế…".

Tổng thống Mỹ Barack Obama - nhận Giải Nobel Hòa bình 2009 gây nhiều tranh cãi.

Thực tế, Obama vừa lên nhậm chức được 12 ngày thì đã được đề cử và sau đó chính thức được trao giải; trong khi nước Mỹ thì đã gây ra các cuộc chiến đẫm máu ở Iraq, Afghanistan và Pakistan, đang đe dọa tấn công Iran. Cho nên giới nghiên cứu, phê bình không thể chấp nhận lối giải thích của Ủy  ban Nobel Hòa bình, quyết liệt đòi các cơ quan chức trách Thụy Điển điều tra làm rõ những tiêu chí lệch lạc nào trong việc xét trao giải Nobel Hòa bình cho những "kẻ gây chiến" và những "nhà hoạt động" không liên quan gì đến hòa bình thay vì những người thúc đẩy hòa bình đích thực như di nguyện của ông Alfred Nobel. Và kết quả là đầu tháng 2/2012, chính quyền Thụy Điển đã chấp thuận yêu cầu điều tra đó.

Tuy nhiên, cuộc điều tra hiện vẫn chưa đưa ra kết luận cuối cùng, và dư luận cho rằng, khó có chuyện Ủy ban Nobel Hòa bình sẽ công khai các thông tin khác liên quan đến quá trình xem xét các giải thưởng và các tiêu chí để trao các giải. Quy chế của Tổ chức Nobel (Thụy Điển) không cho phép tiết lộ công khai các thông tin liên quan đến việc đề cử, việc xem xét chọn lựa hoặc thông tin điều tra về người được đề cử trong khoảng thời gian ít nhất 50 năm sau khi giải thưởng được trao.

Nobel Hòa bình 2012 có gì mới?

Thông tin từ Ủy ban Nobel Na Uy cho biết, danh sách gút số lượng đề cử nhận giải Nobel Hòa bình năm 2012 tuy không bằng vài năm trước, nhưng cũng đủ thành phần, rất đa dạng. Năm nay chỉ có 231 người được đề cử, nhiều hơn năm 2009 (205 người) nhưng ít hơn năm 2010 (237 người) và năm 2011 - năm đạt kỷ lục với 241 đề cử. Trong danh sách đề cử năm nay có nhiều cái tên quen thuộc đã từng được đề cử những năm trước  nhưng chưa "đậu", như cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, cựu Thủ tướng Đức Helmut Kohl, nhà sáng lập Hãng Microsoft Bill Gates…

Điều đáng nói là trong danh sách đề cử còn có cả những nhân vật như Bradley Manning, cựu Thủ tướng Ukraina đang bị tù Yulia Tymoshenko, nhà hoạt động "nhân quyền" Nga Svetlana Gannushkina,… Đến cả những người này cũng được xem là đáng đề cử trao giải Nobel Hòa bình, chả trách giải thưởng vốn dĩ cao quý này đang ngày càng mất đi ý nghĩa ban sơ của nó - "vì hòa bình"

An Tôn - Nguyên Khang tổng hợp)
.
.