Giải mã bí ẩn nửa thế kỷ về bi kịch đèo Dyatlov năm 1959

Thứ Ba, 23/02/2021, 14:38
Kết quả nghiên cứu mới vừa được công bố cuối tháng 1-2021 về một trận bão tuyết bất thường là thủ phạm tước đi sinh mạng của 9 nhà leo núi người Nga trong một sự kiện được biết đến dưới cái tên Bi kịch đèo Dyatlov năm 1959. Phóng viên Meilan Solly, làm việc cho tạp chí Smithsonian, là tác giả của bài viết này.


Lều hoang trên núi 

Tháng 2-1959, sinh viên đại học Mikhail Sharavin đã có một khám phá sửng sốt trên sườn rặng Ural. Được cử làm thành viên của một toán tìm kiếm điều tra một nhóm 9 người đi leo núi nhiều kinh nghiệm và bỗng dưng họ bị mất tích, Sharavin và toán cứu hộ đã phát hiện một góc lều nhô lên trên mặt tuyết khi ông tường thuật lại cảnh này cho phóng viên Lucy Ash của hãng tin BBC News vào năm 2019.

Trong lều, họ tìm thấy một số đồ dùng cá nhân bao gồm 1 bình rượu vodka, 1 tấm bản đồ và 1 đĩa Salo (mỡ lợn trắng), tất cả dường như bị bỏ lại mà không định trước. Một vết chém ở một bên lều cho thấy có ai đó đã dùng dao để khoét ra nhằm tìm lối thoát, trong khi đó có những dấu chân nằm cách lều không xa ngụ ý chỉ ra rằng những người leo núi đã mạo hiểm đi chân trần trong điều kiện nhiệt độ dưới 0 độ C, hoặc giả là họ cuốc bộ chỉ với ủng và tất.

Nhóm cứu hộ đã tìm thấy lều của nhóm các nhà leo núi ở đèo Dyatlov vào ngày 26-2-1959. Ảnh nguồn: Public domain via Wikimedia Commons

Bối rối, nhóm tìm kiếm đã quyết định tự thưởng cho sự an toàn của nhóm người thất lạc bằng cái bình Vodka mà họ tìm thấy trong lều. Ông Sharavin nhớ lại: "Chúng tôi chia nhau cùng uống: 11 người, bao gồm cả hướng dẫn viên. Rồi có một anh bạn quay sang tôi tỏ vẻ thận trọng: "Tốt nhất đừng uống vì sức khỏe của họ mà nên vì sự an toàn của họ".

Trong vòng vài tháng tiếp đó, toán cứu hộ đã tìm thấy xác 9 nạn nhân. Theo BBC News, 2 người đàn ông trong số các nạn nhân được tìm thấy đi chân trần và chỉ mặc độc quần lót. Phần lớn các nạn nhân đã chết vì bị hạ thân nhiệt, nhưng cũng có 4 người đã trải qua những chấn thương khủng khiếp (và không thể giải thích được khi đó), gồm nứt sọ, gãy xương sườn và một cú húc vào đầu. Một nạn nhân nữ trạc tuổi 20 tên là Lyudmila Dubinina thì bị văng cả nhãn cầu.

Theo những tài liệu sau này được thu thập bởi Thời báo St Petersburg thì một bác sĩ từng khám nghiệm tử thi các nạn nhân đã giải thích: "Những vết thương tương đương với tác động của một tai nạn xe hơi". Hôm nay, cái gọi là Bi kịch đèo Dyatlov (được đặt theo tên của trưởng nhóm leo núi là Igor Dyatlov năm qua đời mới 23 tuổi) là một trong những bí ẩn dai đẳng nhất nước Nga, nó tạo ra nhiều lý thuyết âm mưu như sự che đậy của quân đội Nga, hiện trường UFO, cuộc tấn công của sinh vật người Tuyết, bụi phóng xạ từ việc thử nghiệm các loại vũ khí bí mật hay chạm trán với người thổ dân Mansi. Nhưng theo các báo cáo của ông Robin George Andrews cho tạp chí National Geographic thì đã chỉ ra một cách giải thích nghe có vẻ hợp lý hơn: một trận bão tuyết mạnh đã "phong kín" định mệnh của các nhà leo núi.

Trập trùng bí ẩn hoài nghi  

Ông Johan Gaume, trưởng nhóm nghiên cứu, cũng là người đứng đầu Phòng thí nghiệm mô phỏng tuyết và tuyết lở tại Viện công nghệ liên bang Thụy Sỹ (ETH Zurich), phát biểu với phóng viên Brandon Specktor của hãng tin LiveScience: "Chúng tôi không tuyên bố rằng đã giải quyết bí ẩn đèo Dyatlov, cũng như không ai trong số các nạn nhân còn sống sót để kể lại câu chuyện. Nhưng lần đầu tiên chúng tôi muốn cho thấy tính hợp lý của một bi kịch do tuyết lở".

Bia tưởng niệm khắc họa chân dung 9 nạn nhân của Bi kịch đèo Dyatlov. Ảnh nguồn: Public domain via Wikimedia Commons

Năm 2019, giới chức Nga loan tin về các kế hoạch tái điều tra sự cố mà họ cho rằng nó không phải do tội phạm gây ra mà là do một vụ lở tuyết, một phiến tuyết trên cao rơi xuống hoặc là bão tuyết quét qua nơi có cái lều. Năm 2020, cuộc điều tra đã nhấn mạnh đến cái chết của những nhà leo núi là sự kết hợp của một vụ lở tuyết và tầm nhìn kém.

Hãng tin nhà nước Nga, RIA, đã báo cáo hồi tháng 7-2020 rằng từ những phát hiện chính thức đã đề xuất rằng có các khối băng đã rơi xuống trong lúc các nạn nhân đang ngủ say và buộc họ phải đi tìm nơi trú ẩn tại một sườn núi ở gần đó. Không thể nhìn xa hơn 15m, những nhà leo núi đã chết cóng khi họ cố gắng tìm đường quay trở lại lều. Tác giả Johan Gaume phát biểu với hãng tin Live Science rằng: "Những nhà phê bình về giả thuyết tuyết lở đã viện dẫn 4 lập luận phản bác chính:

Thứ nhất, thiếu bằng chứng vật lý về một vụ lở tuyết khi toán cứu hộ đến hiện trường.

Thứ hai, khoảng trống hơn 9 tiếng đồng hồ khi những nhà leo núi dựng lều của họ, một quy trình buộc họ phải khoét sâu vào núi để tạo thành rào cản chống gió, và sự rời đi hoảng loạn của họ". 

Thứ ba, độ dốc nông của khu hạ trại (lều).

Thứ tư, những chấn thương khủng khiếp mà cả nhóm nhà leo núi phải gánh chịu. Tác giả Johan Gaume và đồng tác giả Alexander M. Puzrin (một kỹ sư địa kỹ thuật tại ETH Zürich) đã sử dụng các hồ sơ lịch sử để tái tạo ra môi trường rặng núi Ural vào ngay cái đêm xảy ra bi kịch đèo Dyatlov và cố gắng giải quyết những mâu thuẫn gây hoài nghi này. Các nhà khoa học đã viết trong cuộc nghiên cứu rằng họ đã mô phỏng về một trận lở tuyết dựa trên dữ liệu ma sát tuyết và địa hình địa phương (hé lộ sườn núi không thật sự nông như tưởng tượng) nhằm chứng minh rằng một vụ sạt tuyết nhỏ có thể quét bay cả khu vực trong khi chỉ để lại ít dấu vết lại phía sau.

Cuồng phong là thủ phạm?

Các tác giả đã đặt ra giả thuyết rằng cuồng phong Katabatic, một dạng phễu không khí chuyển động nhanh do lực đẩy hấp dẫn đã "chở" tuyết trên đỉnh núi lao xuống khu có nhóm nhà leo núi đang dựng lều.

Cấu hình lều của các nạn nhân Dyatlov được dựng trên một mặt phẳng sau khi khoét vào sườn núi. Ảnh nguồn: Gaume / Puzrin

Nhà báo Krista Charles của báo New Scientist dẫn lời tác giả Puzrin giải thích: "Hoàn toàn không thể có ai đó đã leo lên núi để xúc tuyết trên đó và đổ ngay trên sườn núi nơi có cái lều". Cuối cùng, tuyết chất đống dày đặc và bắt đầu trượt xuống dưới. Trong một thông cáo báo chí, tác giả Puzrin nhấn mạnh: "Nếu nó (tuyết) không cắt ngang con dốc thì sẽ không có chuyện gì xảy ra. Nhưng có một điểm chắc chắn là, một vết nứt đã hình thành và giãn ra khiến cho những đụn tuyết bắt đầu lao đi". Các nhà nghiên cứu đã làm sáng tỏ những vết thương không giải thích được của những nhà leo núi, với sự giúp đỡ từ bộ phim Frozen của hãng Disney công chiếu vào năm 2013.

Theo National Geographic, ông Johan Gaume đã dò hỏi những nhà sáng tạo bộ phim chia sẻ mã hoạt cảnh cho ông. Nhờ công cụ mô phỏng này kết hợp với dữ liệu thu được từ những xét nghiệm tử thi nạn nhân được thực hiện bởi hãng General Motors hồi thập niên 1970, từ đây họ đã chứng minh được rằng những đụn tuyết rắn chắc, nặng nề có thể đã đổ xuống cái lều nơi các nạn nhân đang ngủ, chà lên xương của họ và gây nên những vết thương chí mạng vốn không thể do tuyết lở gây ra.

Ông Jim McElwaine (một chuyên gia về hiểm họa địa lý tại Đại học Durham  ở Anh, người không tham gia vào nghiên cứu) nói với tạp chí National Geographic rằng những phiến tuyết phải cực kỳ cứng và di chuyển với tốc độ khá nhanh thì mới gây nên những vết thương khủng khiếp đến thế. Mặt khác, ông Johan Gaume phát biểu với Live Science rằng: "Khi những nhà leo núi quyết định đi vào rừng, họ đã chăm sóc những người bị thương và không ai bị bỏ lại. Tôi nghĩ nó là câu chuyện tuyệt vời về lòng dũng cảm và tình bạn khi con người đối mặt với sự cuồng nộ của thiên nhiên".

Nguyễn Thanh Hải (Tổng hợp)
.
.