Giải mật chiến dịch đánh cắp trực thăng Mi-25

Thứ Năm, 02/01/2020, 18:01
Ngày 3-4-1988, hai trực thăng CH-47D và một máy bay phản lực vận tải hạng nặng C-5 Galaxy cùng 75 người thuộc Lực lượng đặc nhiệm đường không, Mỹ (SOAG) cất cánh từ căn cứ Fort Campbell, bang Kentucky đến căn cứ White Sands, bang New Mexico.

Họ sẽ ở lại đó trong 60 ngày để huấn luyện nhằm đánh cắp chiếc trực thăng vũ trang Mi-25 Hind do Liên Xô chế tạo, lúc ấy nằm ở Ouadi Doum, Chad, châu Phi…

Lịch sử của chiếc Mi-25 Hind

Là thuộc địa cũ của Pháp ở châu Phi, năm 1960 Chad giành được độc lập sau 15 năm xung đột với Libya. Đến đầu thập niên 1970, Chính phủ Chad khởi động một chiến dịch quân sự quy mô nhằm chiếm lại phần đất phía nam đất nước, lúc ấy vẫn nằm dưới quyền kiểm soát của Libya. Ở phần phía nam này có dải Aozou, chứa nhiều quặng uranium và dầu mỏ.

Chiếc Mi-25 Hind bị bỏ lại sau khi quân Libya rút khỏi lãnh thổ Chad.

Tháng 8-1987, với sự hỗ trợ của quân đội Pháp, người Chad đánh bật quân Libya ra khỏi biên giới. Trong số hàng nghìn thiết bị quân sự do phía Lybia bỏ lại, có chiếc trực thăng chiến đấu Mi-25Hind sản xuất bởi Liên Xô, vẫn còn đầy đủ các ống phóng tên lửa, súng đại liên 4 nòng. Thời điểm ấy, nó là loại trực thăng vũ trang mạnh nhất thế giới, được phương Tây định danh là “Cá sấu”.

Phát triển từ khung thân của loại trực thăng vận tải Mi-8 và là biến thể của trực thăng Mi-24, chiếc Mi-25 Hind bay thử lần đầu ngày 19-9-1969 rồi chính thức biên chế trong quân đội Liên Xô năm 1972. Nó hoạt động nhờ 2 động cơ tuốc bin trục Isolov với tổng công suất 4.400 mã lực, giúp máy bay đạt đến vận tốc 335km/g. 

Về vũ khí, Mi-25 Hind có 1 đại liên 12,7mm 4 nòng gắn dưới mũi, mỗi phút bắn ra 4.000 viên đạn, 1 súng 12,7mm khác đặt ngay cửa lên xuống. Phía ngoài máy bay có 6 giá treo chia đều ra hai bên, mang được 1.500kg bom và tên lửa. 

Bên cạnh đó, Mi-25 Hind còn chở được 8 người lính vũ trang đầy đủ hoặc 4 cáng cứu thương. Theo nhận định của các chuyên gia hàng không quân sự phương Tây, cho đến năm 1988, Mi-25 Hind vẫn là loại trực thăng đáng gờm bởi lẽ ngày 8-8-1982, một chiếc Mi-25 Hind của Syria đã bắn rơi 1 máy bay phản lực Phantom F4 của Israel bằng cách bay ngoặt ngang hông đối phương rồi phóng 2 quả tên lửa Molniya R-60 từ khoảng cách 8km. 

Kết quả là 2 tên lửa đều trúng đích, phi công chẳng kịp nhảy dù để thoát ra ngoài. Còn nếu kể thêm thì tính năng ưu việt của Mi-25 Hind đã được chứng minh trong cuộc chiến ở Ethiopia và ở Afghanistan khi Liên Xô can thiệp quân sự vào quốc gia này.

Thời điểm ấy, loại trực thăng vũ trang được coi như mạnh nhất của Mỹ là chiếc Cobra Bell 209 (đã từng tham chiến ở Việt Nam), còn trực thăng UH-1B, 1D thì khỏi cần phải kể. 

Chính vì vậy, Mi-25 Hind luôn là mục tiêu săn lùng của Không quân Mỹ và các tập đoàn chế tạo máy bay trực thăng quân sự Mỹ bởi lẽ nếu có trong tay 1 chiếc Mi-25 Hind còn nguyên vẹn, sẽ giúp người Mỹ nắm được các ưu, nhược điểm của nó để từ đó, họ sẽ phát triển những loại vũ khí chống lại nó, cũng như chế tạo loại trực thăng vượt trội hơn.

Thế nên, lúc nghe tin một chiếc Mi-25 Hind vẫn trong trạng thái sẵn sàng tác chiến, đang được quân đội Chad giữ tại Ouadi Doum, một thị trấn nhỏ ở phía bắc Chad, giáp biên giới Libya, nơi có một sân bay do Libya xây dựng trong thời gian chiếm đóng vùng này thì Bộ Quốc phòng Mỹ quyết không bỏ lỡ cơ hội.

Sau nhiều cuộc đàm phán bí mật, Chính phủ Chad đồng ý cho phía Mỹ chiếm lấy chiếc Mi-25 Hind nhưng quân đội Chad sẽ đứng ngoài cuộc để tránh làm mất lòng Liên Xô và nhất là với Libya bởi lẽ phía Libya cũng đã có những cuộc tiếp xúc nhằm thu hồi số chiến cụ bỏ lại trên đất Chad khi tháo chạy, trong đó có chiếc Mi-25 Hind. Nếu việc lấy chiếc Mi-25 Hind thành công và nếu Libya, Liên Xô biết được thì Chad sẽ la làng lên rằng người Mỹ đã xâm nhập lãnh thổ Chad bất hợp pháp, còn nếu thất bại thì Mỹ… ráng chịu!

Về phía Mỹ, các quan chức ở Lầu Năm Góc thừa biết đây là hoạt động bí mật, diễn ra bên trong lãnh thổ của một quốc gia khác, các điều kiện hỗ trợ cho đơn vị thực hiện nhiệm vụ ấy gần như không thể thực hiện nên sau nhiều cuộc họp, họ quyết định chọn Lực lượng Đặc nhiệm đường không (SOAR) thay vì Lực lượng Đặc nhiệm hải quân (SEAL). Việc chiếm lấy chiếc Mi-25 Hind được đặt tên là Chiến dịch Núi Hy vọng III - Mount Hope III.

Chiến dịch núi hy vọng III

Sáng ngày 3-4-1988, một máy bay vận tải hạng nặng C-5 Galaxy cùng 2 trực thăng CH-47D sơn màu đen, không số hiệu, chở theo 75 người thuộc Lực lượng Đặc nhiệm đường không (SOAR), cất cánh từ căn cứ Fort Campbell, bang Kentucky đến căn cứ White Sands, bang New Mexico, nơi có địa hình và thời tiết tương tự như ở Chad. Tại đây, dựa vào những bức ảnh chụp từ máy bay trinh sát, một mô hình nơi có chiếc Mi-35 Hind ở Ouadi Doum, Chad, đã được dựng lên với kích thước y như thật. 

Theo thỏa thuận với Chính phủ Chad, chậm nhất là đến 30-6, phía Mỹ phải hoàn tất việc lấy chiếc Mi-25 Hind vì tin tình báo cho biết sau ngày này, nếu việc thương thuyết giữa Chad và Libya thất bại, rất có thể 1 trung đoàn Libya trấn đóng bên kia biên giới, cách đó 10km sẽ mở cuộc tấn công chớp nhoáng vào Ouadi Doum để thu hồi một số thiết bị quân sự, trong đó có chiếc trực thăng.

Chiếc Mi-25 Hind được đưa ra từ bụng chiếc C-5 Galaxy.

Vì thế, ngay khi đặt chân xuống căn cứ White Sands, nhóm SOAR lao vào tập luyện. Theo kế hoạch, sau khi đổ bộ xuống Ouadi Doum, nhóm SOAR sẽ chia ra làm 3 bộ phận, trong đó bộ phận A (mã danh là Chalk 1) có nhiệm vụ tháo rời cánh quạt máy bay, bộ phận B (Chalk 2) tháo giá treo vũ khí ở hai bên thân còn bộ phận C (Chalk 3) buộc dây vào máy bay để chiếc CH-47D cẩu nó lên. 

Nhằm mô phỏng trọng lượng của chiếc Mi-25 Hind, nhóm SOAR đổ đầy 6 bồn cao su, mỗi bồn 2.300 lít nước rồi móc nó vào dưới bụng của chiếc CH-47D. 

Trong chiến dịch Núi Hy vọng, CH-47D là loại trực thăng đầu tiên của Không quân Mỹ được lắp đặt kính hồng ngoại nhìn đêm, máy phóng bẫy mồi chống tên lửa tầm nhiệt, radio liên lạc qua vệ tinh để tránh bị nghe trộm và hệ thống lái tự động, dẫn đường bằng máy tính. Bên cạnh đó, động cơ của nó còn được cải tiến để có thể mang một trọng lượng gấp rưỡi trọng lượng thiết kế ban đầu.

Việc cẩu 6 bồn cao su chứa 13.800 lít nước (tương đương 13, 8 tấn) thành công trong lúc tổng trọng lượng của chiếc Mi-25 Hind nếu chất đầy vũ khí chỉ là 12 tấn. Để chắc ăn, nhóm SOAR còn sử dụng một trực thăng H-34 đã loại khỏi biên chế, hình dáng gần giống chiếc Hind để chiếc CH-47D cẩu thử sau khi đã chất thêm một số sắt thép cho bằng với chiếc Hind. Không chỉ bay ban ngày, phi hành đoàn của chiếc CH-47D còn thực hành bài tập bay đêm với chiếc H-34 treo lủng lẳng dưới bụng.

Ngày 21-5, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan chính thức ký lệnh, cho phép quân đội thực hiện Chiến dịch Núi Hy vọng III. Ngày 30-5, việc huấn luyện kết thúc. Để bay đến Ouadi Doum và để giữ bí mật tuyệt đối, nhóm SOAR áp dụng chiến thuật “mẹ bồng con”. 

Nhóm phi công CH-47D và chiếc Mi-25 Hind bị đánh cắp.

Bằng cách chất 2 chiếc CH-47D vào bụng chiếc C-5 Galaxy cùng 75 người, ngày 9-6, nó bay đến Chad rồi hạ cánh xuống sân bay quốc tế N'Djamena, ngụy trang như một phi vụ vận tải hàng hóa bình thường.

9 giờ đêm 11-6-1988, hai trực thăng CH-47D được kéo ra khỏi bụng “mẹ”. 75 người thuộc nhóm SOAR chia đều lên hai chiếc. Cả hai cất cánh trong tình trạng đèn đuốc tắt hết và không cần xin lệnh đài kiểm soát không lưu sân bay N'Djamena còn đài kiểm soát không lưu thì xem như chẳng biết gì về sự có mặt của hai chiếc máy bay lạ. Từ đó đến Ouadi Doum là 800km, tổ lái dựa vào hệ thống tự động dẫn đường, lập trình bởi máy tính. 

Tin tình báo mới nhất cho biết chiếc Mi-25 Hind vẫn còn nằm yên ở Ouadi Doum, trên một bãi cát. Trước đó 2 tuần, một nhóm biệt kích Mũ nồi xanh, Mỹ, đã tiến hành các cuộc trinh sát trong bán kính 30km tính từ sân bay Ouadi Doum. Và vì Chad trước kia là thuộc địa của Pháp nên Chính phủ Pháp hỗ trợ Chiến dịch Núi Hy vọng III  bằng cách cử 2 đại đội lính dù và 4 máy bay phản lực chiến đấu Mirage F-1 làm nhiệm vụ đánh chặn quân Libya nếu vụ đánh cắp chiếc Mi-25 Hind bại lộ.

Gần 12 giờ khuya, qua kính hồng ngoại, phi công trên chiếc CH-47D, mã danh Nightstalker nhìn thấy chiếc Mi-25 Hind nằm ngay trên nền cát, xung quanh không hề có một bóng người. Lập tức, anh ta thông báo cho chiếc CH-47D thứ hai rằng mình sẽ hạ cánh. 

Điều nguy hiểm nhất của họ lúc này là nếu phía Libya phát hiện thì chỉ cần một máy bay huấn luyện loại nhỏ như chiếc L-39 Albattros với 1 khẩu súng máy 7,62mm gắn dưới bụng, cũng có thể dễ dàng tiêu diệt cả hai chiếc CH-47D.

Khi bộ bánh xe của cả hai chiếc CH-47D chưa chạm đất, những người trong nhóm SOAR đã lao ra. Rất nhanh chóng, bộ phận Challk 1 dùng những chiếc thang xếp bằng nhôm, leo lên tháo bộ cánh quạt 5 lá và cánh quạt đuôi. Chalk 2 tháo hai giá treo ở hai bên thân cùng các ống phóng tên lửa và khẩu súng máy 4 nòng đặt trước mũi, tất cả đều được đưa vào chiếc CH-47D thứ hai trong lúc Chalk 3 luồn dây qua bụng chiếc Mi-25 Hind. 

Do đã được huấn luyện nhuần nhuyễn từ trước nên tất cả mọi việc hoàn thành trong 39 phút. Điều may mắn nhất là một đơn vị biên phòng Libya đóng quân bên kia biên giới, chỉ cách Ouadi Doum 10km vẫn chẳng hay biết gì dù rằng sân bay Ouadi Doum đã ngưng hoạt động kể từ lúc quân Libya tháo chạy, chưa kể tiếng nổ động cơ của hai chiếc CH-47D trong đêm khuya nghe rõ từ rất xa.

12 giờ 50, hai trực thăng CH-47D bốc lên. Dưới bụng chiếc CH-47D Nightstalker là chiếc Mi-25 Hind. Trên đường về, họ gặp một cơn bão cát kéo dài hơn 200km, cao 1km. Nó khiến Nightstalker mất thăng bằng vì những cơn gió mạnh đã làm chiếc Mi-25 Hind treo dưới bụng lắc lư dữ dội. Để có thể bay an toàn, phi công Nightstalker phải giảm tốc độ xuống còn 80km/giờ. 

Giữa đường, cả hai được tiếp nhiên liệu bởi hai chiếc C-130 Hercules. Chưa hết, lúc hạ cánh xuống sân bay quốc tế N'Djamena, Chad, một cơn bão cát thứ hai ập đến khiến việc đưa chiếc Mi- 25 Hind vào bụng chiếc C-5 Galaxy để không ai có thể nhìn thấy phải hoãn lại.

Sau khi bão tan và sau khi chiếc Mi-25 Hind nằm yên trong bụng chiếc C-5 Galaxy, nó cất cánh và đáp xuống một căn cứ bí mật, mã danh là FPEG rồi từ đó, bay về Mỹ. Riêng 2 chiếc CH-47D đã thực hiện thành công Chiến dịch Núi Hy vọng, Không quân Mỹ điều thêm một C-5 Galaxy nữa đến sân bay quốc tế N'Djamena, Chad, cả 75 người trong nhóm SOAR cùng 2 trực thăng lên máy bay này, trở về nhà.

Tại căn cứ không quân Davis Monthan, bang Arizona, Mỹ, chiếc Mi-25 Hind được tháo rời từng mảnh, hàng trăm kỹ sư hàng không vừa quân đội, vừa dân sự tập trung nghiên cứu từng chi tiết. Kết quả là không lâu sau đó, Hãng Bell cải tiến chiếc Cobra Bell 209 thành Cobra AH-1. 

Tiếp theo, Hãng McDonnell Douglas cho ra đời trực thăng tấn công AH-64 Apache còn Hãng Sykorsky thì trình làng chiếc UH-60 Balck Hawk. Cả 3 đều có tốc độ trên 350km/giờ với trang bị vũ khí vượt trội chiếc Mi-25 Hind. Riêng Hãng Boeing, cha đẻ của chiếc CH-47D, sau khi nâng cấp thành CH-47F, nó sẽ còn phục vụ quân đội Mỹ cho đến năm 2060 thì mới… về hưu!

Vũ Cao (Theo Aviation Weekly)
.
.