Giải mật hồ sơ “Mig Allet” và “ngày thứ Sáu ảm đạm”

Thứ Năm, 16/11/2017, 09:13
Trong suốt cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950 – 1953), Không quân Mỹ đóng vai trò chủ lực trong việc ném bom phá hủy những mục tiêu quân sự, yểm trợ cho những đơn vị mặt đất, chống lại quân đội Cộng hòa dân chủ Nhân dân Triều Tiên (Bắc Triều Tiên) và Chí nguyện quân Trung Quốc.

Thời điểm đó - cũng như trong chiến tranh Việt Nam -  người Mỹ chỉ công bố số lượng máy bay bị bắn hạ một cách rất hạn chế nếu phi công không chết hoặc mất tích. Tuy nhiên, hồ sơ về các trận không chiến trên bầu trời Bắc Triều Tiên giữa một bên là phi công Mỹ và một bên là phi công Liên Xô mới được giải mật gần đây -  cụ thể là “Ngày thứ Sáu ảm đạm - Dark Friday” - đã cho thấy sự thiệt hại về phía Mỹ lớn hơn gấp nhiều lần…

 “Ngày thứ Sáu ảm đạm”

Khi cuộc chiến tranh Triều Tiên nổ ra vào ngày 25-6-1950, không quân Bắc Triều Tiên chỉ có một ít máy bay do Liên Xô chế tạo trong Thế chiến thứ II, hầu hết đã lạc hậu. Đã vậy, đa số phi công Bắc Triều Tiên đều chưa có kinh nghiệm không chiến trong lúc phía Mỹ với những chiếc máy bay tiêm kích cánh quạt P51 Mustang, pháo đài bay B29 cùng các loại máy bay phản lực chiến đấu F-80 Shooting Star, F-84 Thunderjet và F9F Panther cùng các phi công dạn dày kinh nghiệm qua những trận đánh nhau trên trời với phi công Đức Quốc xã và Phi công Phát xít Nhật nên gần như họ đã hoàn toàn kiểm soát bầu trời.

Trước tình thế này, ngày 25-10-1950, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc với danh nghĩa là Chí nguyện quân, chính thức tham chiến. Bên cạnh đó, Liên Xô trong một chương trình viện trợ bí mật, đã cung cấp cho Bắc Triều Tiên loại máy bay phản lực chiến đấu Mig15 -  mới được biên chế cho Không quân Liên Xô từ năm 1948 -  đồng thời huấn luyện phi công Bắc Triều Tiên các kỹ năng tác chiến trên không.

Chỉ hơn 2 tháng sau đó - ngày 1-11-1950 - trận chạm trán đầu tiên trên bầu trời Triều Tiên đã xảy ra khi 8 máy bay phản lực Mig15 thuộc Không đoàn 64, Không quân Liên Xô, do phi công Liên Xô cầm lái nhưng mang số hiệu của Không quân Bắc Triều Tiên, tiến hành đánh chặn 15 chiếc tiêm kích cánh quạt P51 Mustang của Không quân Mỹ khi toán này đang thực hiện một phi vụ yểm trợ mặt đất.

Thiếu úy Richard Horn, lái chiếc P51 nhớ lại: “Họ xuất hiện từ trong những đám mây, lao thẳng về phía chúng tôi với những luồng lửa đỏ rực thoát ra từ các họng súng máy”. Kết quả là 1 chiếc P51 Mustang bị bắn rơi, thiếu úy Fiodor Chizh, phi công phụ nhảy dù thoát được còn phi công chính là thiếu úy Aaron Abercrombie bỏ mạng.

2 chiếc Mig15 cất cánh từ sân bay dã chiến ở tỉnh Sinuiju, Bắc Triều Tiên.

Cũng trong ngày hôm đó, 3 chiếc Mig15 do phi công Liên Xô điều khiển đã tấn công 10 chiếc phản lực F80-C của Không quân Mỹ. Bằng chiến thuật ẩn náu rồi bổ nhào, họ đã bắn rơi một chiếc F80-C, giết chết trung úy Van Sickle, phi công chính và thiếu úy Semyon F. Jominich, phi công phụ. Hồ sơ đã được giải mật của Không quân Mỹ cho thấy chiếc F80-C trúng đạn bốc cháy. Cả Van Sickle Semyon F. Jominich đều không kịp nhảy dù.

Sau 2 trận thua nói trên, Bộ Chỉ huy Không quân Mỹ ở Nam Hàn liên tục tổ chức những buổi họp rút kinh nghiệm cho các phi công, đồng thời xây dựng lại các phương án hợp đồng tác chiến vì phía Mỹ không tin người Bắc Triều Tiên có thể nhanh chóng điều khiển được máy bay chiến đấu phản lực, mà phải là phi công Liên Xô nhưng họ chưa có bằng chứng cụ thể. Trung úy phi công John Stockwell, lái chiếc F80-C kể: “Chúng tôi buộc phải học ngày học đêm về các tính năng và yếu điểm của chiếc Mig15, đến nỗi khi ngủ tôi vẫn thấy nó hiện ra lù lù trước mắt”.

Ngày 9-11-1950, lần đầu tiên phi công Mỹ mới bắn hạ được một chiếc Mig15. Hồ sơ giải mật của Liên Xô cũ cho thấy loạt đạn 20mm từ chiếc F9F-2B Panther do thiếu tá William T. Amen, phi công thuộc Hải quân Mỹ đã bắn trúng buồng lái của chiếc Mig15, giết chết đại úy Mikhail F. Grachev.

Nhằm đối phó với chiếc Mig15 có tính năng vượt trội so với những chiếc P51, F80, F84 và F9, đầu năm 1951, Bộ Chỉ huy Không quân Mỹ ở Triều Tiên nhận được những chiếc máy bay tiêm kích phản lực thế hệ mới nhất là chiếc F86 Saber. Ngày 7-1-1951, trung tá Bruce H. Hinton thuộc Phi đội chiến đấu 336 dẫn đầu 4 chiếc F86 bay tuần tra dọc theo sông Áp Lục. Bruce H. Hinton nhớ lại: “Nhằm đánh lừa Mig15, chúng tôi bay ở tốc độ 650km/giờ để tạo ấn tượng trên màn hình rada của Mig15 rằng máy bay của chúng tôi chỉ là loại cũ. 40 phút sau khi cất cánh, ở độ cao 9.800m, chúng tôi phát hiện 4 chiếc Mig15 bay phía dưới chúng tôi…”.

Phần còn lại của chiếc B29 bị Mig15 bắn hạ.

Lập tức, Bruce H. Hinton ra lệnh cho các phi công thả thùng dầu phụ, ngoặt sang bên trái rồi lao xuống. Phi công Liên Xô - đại úy Yakov Efromeenko lái chiếc Mig15 hôm đó kể: “Ngay lập tức, chúng tôi nhận ra đối thủ của chúng tôi không phải là những chiếc F80 hay F86 như trước, mà là một loại máy bay mới, bay nhanh hơn và cơ động hơn”. Theo lệnh của chỉ huy, Yakov Efromeenko cùng đồng đội cho máy bay hướng về phía lãnh thổ Trung Quốc nhưng Bruce H. Hinton đã bắt kịp. Khẩu đại liên 12,7mm trên chiếc F86 của ông ta nhả ra 1.500 viên đạn, trúng vào ống xả của chiếc Mig15. Một cuộn khói bùng lên, đại úy Yakov Efromeenko nhảy dù và rơi xuống đất Trung Quốc, 16km về phía nam sông Áp Lục.

Tuy nhiên, chỉ hơn 1 tháng sau đó, các phi công Liên Xô đã nhanh chóng tìm được cách chế ngự F86. Ngày 22-2, đại úy Lawrence V. Bach lái chiếc F86 bị một chiếc Mig15 bắn rơi chỉ bằng một loạt đạn ở độ cao 9.100m. Bach nhảy dù và bị Quân đội Nhân dân Bắc Triều Tiên bắt làm tù binh

 “Hành lang Mig”

Cuối tháng 3-1951, Đơn vị trinh sát đường không số 1 (1st Radio Squadron Mobile) thuộc Không quân Mỹ  đóng ở Nhật Bản đã thu được những cuộc liên lạc bằng tiếng Nga của phi công Liên Xô lái Mig15 với các đài hướng dẫn mặt đất. Kết quả phân tích cho thấy 90% máy bay Mig15 ở Bắc Triều Tiên đều do phi công Liên Xô điều khiển.

Bên cạnh đó, điệp viên Nam Triều Tiên hoạt động tại những vùng do Bắc Triều Tiên kiểm soát cũng gửi về những báo cáo cho thấy tất cả những chiếc máy bay Mig đều được sơn cờ và số hiệu của Không quân Bắc Triều Tiên. Phi công Liên Xô mặc quần áo của của Không quân Bắc Triều Tiên. Trong liên lạc, chỉ có một số ít từ ngữ thông dụng được nói bằng tiếng Triều Tiên, còn các từ kỹ thuật thì hoàn toàn là tiếng Nga.

Thứ sáu, ngày 12-4-1951, Bộ Chỉ huy Không quân Mỹ ở Triều Tiên quyết định tung ra đòn tấn công tổng lực mà mục tiêu là 18 sân bay, căn cứ của những chiếc Mig15 nằm trong một khu vực hình thoi, giới hạn bởi 4 tỉnh Changju, Huichon, Sinanju và Sinuiju, nơi con sông Áp Lục - biên giới tự nhiên giữa Bắc Triều Tiên và Trung Quốc - đổ ra vịnh Triều Tiên. Khu vực này được Không quân Mỹ gọi là “Mig Alley - Hành lang Mig”.

Tham gia tấn công có 36 máy bay ném bom hạng nặng B29 (là loại đã ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki - Nhật Bản), được hộ tống bởi 100 chiếc phản lực tiêm kích F86 và F80. Đáp lại, Liên Xô chỉ có 30 chiếc F15 thuộc Sư đoàn không quân 303.

Thoạt đầu, khi rada Liên Xô phát hiện lực lượng hùng hậu của Không quân Mỹ đang hướng về sông Áp Lục, chỉ huy Không quân Nga ở Bắc Triều Tiên là tướng Lev Shchukin ra lệnh cho 30 chiếc F15 bay lên nghênh chiến, mục tiêu ưu tiên là những chiếc máy bay ném bom B29 nặng nề và chậm chạp, hơn 200 chiếc Mig15 còn lại thuộc hai Sư đoàn không quân là 303 và 324 lùi sâu về những sân bay giáp biên giới Trung Quốc, làm nhiệm vụ dự bị.

Chí nguyện quân Trung Quốc tiến vào tỉnh Changju.

11 giờ 15 phút trưa ngày 12-4, 20 chiếc Mig15 từ độ cao 9.000m bổ nhào xuống những chiếc B29 trong lúc 10 chiếc còn lại thực hiện kế nghi binh, dẫn dụ những chiếc F80 và F86 ra xa. Tấn công theo phương thẳng đứng, những loạt đạn 12,7mm trên những chiếc Mig15 xé toạc khung thân của những chiếc B29. Chỉ trong 3 phút, 10 chiếc B29 bị bắn rơi. Phi công Kramarenko nhớ lại: “Có những chiếc B29 bốc cháy rồi nổ tung ngay trước mắt tôi. Nhiều chiếc khác cắm đầu xuống đất rồi tiếp theo là một cuộn khói lẫn lửa bùng lên. Có chiếc bị bắn gãy cánh, mất thăng bằng, lảo đảo trên không như lá vàng trước gió, vài chiếc dù bung ra trước khi nó rơi…”.

Ở nhóm Mig15 nghi binh, hai bên quần thảo nhau trên bầu trời. Trung úy William Osborn, lái chiếc F86 kể: “Do máy bay của chúng tôi đông quá nên việc phối hợp tác chiến không hiệu quả vì sợ bắn nhầm nhau”.

Thiếu úy Luvchenko, lái chiếc Mig15 nói: “Máy bay Mỹ nhiều đến nỗi tôi không biết phải bắn chiếc nào. Hễ có một chiếc tôi vừa định đưa nó vào tầm ngắm thì ngay lập tức, lại có một chiếc khác lướt ngang, che khuất”. Kết thúc cuộc tấn công kéo dài gần 6 phút, 10 chiếc B29 bị bắn rơi, một số khác bị bắn hỏng nhưng thời điểm ấy, phía Mỹ chỉ xác nhận mất 3 chiếc B29, 7 chiếc trúng đạn và vẫn bay về được. Phía Liên Xô 30 chiếc Mig trở về đầy đủ. Không quân Mỹ gọi đây là ngày “Ngày thứ sáu ảm đạm”.

Từ đó đến ngày ký hiệp định đình chiến ở Bàn Môn Điếm, rất nhiều cuộc không chiến giữa Mig15 và F80, F86 đã diễn ra, trong đó đáng kể nhất là trân “Thứ ba đen - Black Tuesday”, 27-10-1951. Tài liệu giải mật của Không quân Mỹ cho thấy 20 máy bay ném bom hạng nặng B29 và 4 phản lực tiêm kích F86 bị Mig15 bắn rơi. Cũng kể từ đó, các phi vụ ném bom của B29 chuyển sang tiến hành vào ban đêm để đề phòng “ông kẹ” Mig 15.

Trong suốt quá trình không chiến giữa phi công Mỹ và phi công Liên Xô ở chiến trường Triều Tiên, lực lượng Không quân Liên Xô đã xuất hiện nhiều “át chủ bài - Ace”, đứng đầu là Nikolai Sutyagin. Ông đã bắn hạ 21 máy bay Mỹ, trong đó có 9 chiếc F-86, 1 chiếc F-84 và 1 Gloster Meteor của Anh Quốc trong vòng chưa đầy 7 tháng. Chiến công đầu tiên của ông diễn ra ngày 19-6-1951, chiếc Mig15 đã hạ gục chiếc F-86A của Robert H. Laier chỉ bằng 1 loạt đạn, còn lần cuối cùng là ngày 11-1-1952, cũng với chiếc Mig15, Nikolai Sutyagin đã biến chiếc F86-E do Thiel M. Reeves cầm lái thành đống sắt vụn.

Bên cạnh Nikolai Sutyagin, một số phi công khác của Liên Xô cũng nổi danh không kém: Yevgeni G. Pepelyayev, bắn hạ 19 máy bay Mỹ, Lev Kirilovich Shchukin, bắn hạ 17 chiếc mặc dù ông cũng bị phía Mỹ bắn rơi 2 lần.

Cao Trí (theo History)
.
.