"Giàn đồng ca đỏ" ra đời như thế nào?

Thứ Năm, 17/11/2005, 08:46

"Giàn đồng ca đỏ" là cách gọi của binh lính phát xít Đức dành cho các giàn tên lửa mặt đất (trong cuộc chiến thường được gọi là pháo phản lực) BM-13 của quân đội Xôviết. Cuộc đời của Anđrây Grigôriêvích Kôxticốp- cha đẻ của "Giàn đồng ca đỏ" chỉ có 52 năm (1899-1951), nhưng cũng có rất nhiều huyền thoại.

Điều chắc chắn nhất là vào tháng 2/1938, tại Học viện Nghiên cứu khoa học số 3 (gọi tắt là Học viện 3) A.G.Kôxticốp đã lãnh đạo công tác chế tạo giàn pháo phản lực đầu tiên. Trong thời gian này Tổng cục Pháo binh đã đặt hàng Học viện 3 chế tạo giàn phóng tên lửa hạng nhẹ, có thể vận chuyển đến trận địa bằng ôtô và lắp đặt bằng tay tại tiền tuyến trong thời gian không quá 1 giờ. Tháng 6/1938, công trình sư E.X.Pêtơrốp đã thiết kế trên bản vẽ giá phỏng theo sơ đồ truyền thống để sớm đưa vào thí nghiệm. Tuy nhiên, bản thiết kế đã bị Hội đồng kỹ thuật của Học viện và Tổng cục Pháo binh bác bỏ vì không đạt yêu cầu.

Tháng 7/1938, Giám đốc Học viện là B.M.Xlônhimer đã tổ chức cuộc thi thiết kế giàn phóng, theo các điều kiện mà Tổng cục Pháo binh đã đề ra. 18 chuyên gia của Học viện đã tham gia cuộc thi này. Ngày 27/8/1938, kỹ sư I.I.Gvai đưa ra bản thiết kế giàn pháo phản lực bắn đồng loạt. Bản thiết kế chỉ ra cấu tạo giàn pháo và cả những nguyên tắc áp dụng trong thực tế như thiết bị cho phép bí mật nạp đạn trên trận địa, thời gian chuẩn bị bắn mất từ 3 - 4 phút, thời gian bắn đồng loạt 24 viên đạn mất vài chục giây, di chuyển khỏi trận địa sau khi bắn...

Theo công thư chính thức của Giám đốc Học viện B.M.Xlônhimer gửi Ủy viên nhân dân phụ trách đạn dược Liên Xô I.P.Xecghêép thì người có sáng kiến chế tạo thiết bị cơ khí phóng đạn, đồng thời mở ra khả năng áp dụng thiết bị này vào binh chủng bộ binh là kỹ sư trưởng của Học viện A.G.Kôxticốp.

Sau khi chiến tranh qua đi có nhiều lời đồn đại về Kôxticốp, thậm chí có người đã xem ý tưởng về chế tạo giàn pháo phản lực là của người khác. Ông A.B.Sirôcôrát, một nhà nghiên cứu pháo binh đã bỏ ra 40 năm để tìm hiểu về lý lịch các giàn pháo phản lực, khẳng định: Cha đẻ của các giàn Kachiusa nổi tiếng, người đề ra ý tưởng chế tạo các giàn pháo này chính là Kôxticốp.

Năm 1933, Kôxticốp đã vào Học viện Nghiên cứu khoa học phản lực và công tác ở Khoa Động cơ phản lực chất đốt lỏng. Năm 1936, Kôxticốp trở thành người đứng đầu của Ban Động cơ phản lực chất đốt lỏng. Lúc này Giám đốc Học viện là Klâymênốp bị kết tội “phản cách mạng” bị bắt giam vào tháng 11/1937. Đồng thời người ta cũng bắt giam kỹ sư trưởng Langhêmắc. Tháng 1/1938, họ bị đem ra xử bắn. Giám đốc mới được bổ nhiệm của Học viện 3 là B.X.Xlônhimer, không quan tâm lắm đến kỹ thuật phản lực, còn kỹ sư trưởng mới là A.G.Kôxticốp.

"Giàn đồng ca đổ" lên tiếng.

Trong năm 1938, người ta bắt giam cả hai chuyên gia tương lai là Gluscô và Kôrôliốp. Có nhiều giả thuyết nói rằng họ bị bắt giam do Kôxticốp tố cáo. Thực tế công tác của hai chuyên gia này có những mâu thuẫn, xung đột với Kôxticốp. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Sirôcôrat khẳng định “biên bản giám định” chống lại Gluscô và Kôrôliốp không hề có chữ ký của Kôxticốp. Chúng ta chỉ có thể nói rằng các nhà khoa học thời kỳ đó, kể cả Kôxticốp đã trải qua một thời gian hết sức khó khăn. Kôxticốp rốt cuộc đã vượt qua  cơn bão “thanh trừng” để đưa ý tưởng chế tạo giàn pháo phản lực trở thành hiện thực.

Bài ca chiến thắng

Tháng 12/1938, Học viện 3 chế tạo 2 thiết bị phóng tên lửa 132mm đầu tiên. Thiết bị được đặt trên khung xe ôtô ZIS-5. Từ tháng 12/1938 - 1/1939, người ta bắn thử đạn pháo phản lực 132mm ở Trường bắn quân sự Trung ương Moskva. Chủ tịch Ủy ban thí nghiệm V.Đ.Grenđan đã đánh giá cao về hệ thống giàn pháo này: “... Tư tưởng bắn tên lửa với số lượng lớn là hoàn toàn kịp thời và đúng đắn... Khi kết cấu thiết bị thích đáng thì đây chính là phương tiện mạnh mẽ của pháo binh trong tấn công”.

Ủy ban cũng chỉ ra những thiếu sót cần nhanh chóng khắc phục. Như khi phóng đạn ngọn lửa phụt ra từ đuôi viên đạn gây tác hại đến ôtô lắp giá phóng. Xe ôtô ZIS-5 vượt chướng ngại vật kém, cấu trúc giàn phóng còn có thiếu sót làm đạn không tập trung vào mục tiêu... Tập thể các nhà khoa học ở Học viện Nghiên cứu khoa học số 3 đã tập trung sức lực, trí tuệ khắc phục các nhược điểm này. Nhiều cải tiến có giá trị được áp dụng để nâng cao khả năng tác chiến của giàn pháo phản lực.--PageBreak--

Ủy ban Quốc phòng đặt hàng các nhà khoa học và các nhà máy tích cực sản xuất, đến ngày 1/5/1941 đã sản xuất được 10.788 đạn pháo phản lực M-13. Giàn phóng đạn được lắp đặt trên khung xe ZIS-6 có sức cơ động hơn. Trong những năm chiến tranh giàn tên lửa được lắp đặt trên nhiều phương tiện khác nhau như xe lửa, tàu chiến, xe tăng, xe tự hành tạo ra hệ thống hỏa lực phong phú cho quân đội Xôviết.

Trận đánh đầu tiên của pháo phản lực BM-13 diễn ra vào ngày 17/7/1941. Đội pháo do Đại úy I.A.Flêrốp chỉ huy theo lệnh của Thiếu tướng pháo binh G.X.Kariôfilli đã tập trung hỏa lực bắn vào xe tăng và quân giặc ở vùng Orsa, lúc 15h15.  Loạt thứ hai lúc 17h20 đã phóng 94 viên đạn, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của quân Đức. Việc xuất hiện đội pháo của Đại úy Flêrốp gây bất ngờ lớn cho quân Đức. Chỉ huy trưởng Lực lượng Bộ binh Đức kêu lên hoảng loạn: Người Nga có loại vũ khí cực mạnh, chúng tôi không biết gì về loại pháo này".

Từ đó, trên khắp chiến trường, người ta thường gặp những trận bão lửa từ giàn BM-13 giội xuống quân Đức. Kachiusa đã theo các chiến sĩ đến tận Berlin, tiêu diệt con thú dữ phát xít ngay tại hang ổ của nó. Sau chiến tranh, các kỹ sư Xôviết tiếp tục cải tiến Kachiusa, lắp đặt giá phóng trên những loại xe có sức cơ động lớn hơn như ZIS-151, ZIL-157, ZIL-131. Kachiusa và những thế hệ anh em của nó đã tham gia vào những cuộc chiến tranh giải phóng, trong đó có Việt Nam.

Vào những năm 80 của thế kỷ XX, các nhà làm phim Xôviết đã dựng bộ phim “Chế ngự lửa”, nhân vật chính là Tổng công trình sư Anđrây Baskiép, có mượn hình tượng của X.P.Kôrôliốp và A.G.Kôxticốp. Các nhà làm phim muốn người xem ngày nay hiểu rằng: trong cuộc đời thực có thể X.P.Kôrôliốp và S.G.Kôxticốp còn có chỗ mâu thuẫn, va chạm nhưng ý chí muốn phục vụ Tổ quốc của họ là luôn thống nhất, tất cả là để nâng cao sức mạnh quốc phòng của đất nước, là xây dựng đất nước mãi mãi mạnh giàu

Đào Phi Khanh
.
.