Gibraltar - mảnh nhượng địa cuối cùng ở Châu Âu

Thứ Hai, 11/01/2010, 15:25
Gibraltar - "mỏm đá", hay "ghềnh đá" - theo tiếng Tây Ban Nha, được Hoàng đế Utreht dâng cho nước Anh qua một thỏa thuận ký vào năm 1715, trong giai đoạn cuối của cuộc chiến được mệnh danh một cách mỉa mai là "cuộc đấu tranh vì các di sản Tây Ban Nha".

Tâm trạng người Gibraltar bây giờ được viên trợ lý kỳ cựu Bill Hartsorn của Cao ủy Anh tại "ghềnh đá" phơi bày: "Một điều nực cười, là sau lệnh phong tỏa hoàn toàn Gibraltar của Thống chế Franko vào năm 1969 - mãi đến ngày 20/4/1982 mới được bãi bỏ nhờ một thỏa hiệp giữa Vương quốc Anh và Hoàng triều Tây Ban Nha - không đáp ứng được thực tế lịch sử. Ngược lại là đằng khác, sự "cách ly" khiến người Gibraltar tự cho mình là một dân tộc riêng biệt mang dáng dấp quốc gia, một điều chưa từng xảy ra trong quá khứ".

"Cánh cổng" ngăn cách mảnh đất tô nhượng Gibraltar với các vùng đất Tây Ban Nha kế cận đã được mở rộng trước những áp lực bên ngoài, sau khi Madrid quyết định gia nhập Liên minh châu Âu (EU) đầu những năm 80 thế kỷ trước. "Thực ra chúng tôi là một sắc dân thống nhất - luật sư Hose Manuel Tria, một người gốc Gibraltar chính cống nói - Chúng tôi luôn ủng hộ những chính sách cởi mở của chính phủ hiện hữu tại Madrid, nhưng đồng thời chúng tôi cũng luôn lo sợ rằng một ngày nào đó người Tây Ban Nha và người Anh sẽ đạt được một "thỏa thuận đen tối" ngay trên lưng chúng tôi".

Quan điểm này cũng được thủ lĩnh Jo Bosano của Công đảng Gibraltar - người chỉ chịu xếp thứ hai trong các cuộc bầu cử địa phương mới đây, sau Bộ trưởng Thứ nhất Johnswa Hasan - bày tỏ sự đồng tình.

Toàn cảnh Gibraltar.

Còn đích thân viên Bộ trưởng Thứ nhất (chức danh quyền lực cao nhất dành cho người Gibraltar) J.Hasan quả quyết: "Bán đảo Gibraltar là một vùng mang tính chất chiến lược trọng yếu trong các đường lối địa chính trị quốc tế. Bởi vậy người Anh sẽ không nhân nhượng giống như Hongkong hay Macau thuở nào; vả lại người Mỹ cũng không muốn bị "hụt hẫng" khi không bỗng dưng mất một cơ sở tối quan trọng - trong hệ thống "chuỗi mắt xích" các căn cứ quân sự "tiền tiêu - hải ngoại" của họ".

Sau khi chính phủ của Thủ tướng Gordon Brown lên cầm quyền ở London, người ta đã công bố chủ trương cắt giảm ngân sách quân sự hải ngoại. Ngay lập tức 3.000 người Gibraltar mất việc làm trong các xưởng sửa chữa tàu chiến, cũng như tại các tổng kho hậu cần khổng lồ vốn dĩ đã tồn tại hàng thế kỷ nay. Tuy vùng lãnh thổ nhỏ bé này hưởng quy chế tự trị hoàn toàn như Hongkong trước kia, nhưng 60% ngân sách của Gibraltar là do London cung cấp - chủ yếu trang trải cho các chi phí quân sự.

Lực lượng Anh đồn trú ở Gibraltar luôn là một con số bí mật, nhưng người ta ước đoán có từ 3.000 - 4.000 binh sĩ Anh thường xuyên hiện hữu tại đây; trong khi cả vùng Gibraltar chỉ có chừng 200 giáo viên. Điện được người Gibraltar tự sản xuất theo sáng kiến độc đáo và duy nhất trên thế giới này: lọc nước biển, hứng nước mưa và nước đọng trên các vách đá tạo thành nguồn động lực quay các tuốc-bin thủy điện.

"Trong mọi trường hợp - anh Diego Estrada, nhân viên bảo vệ một khách sạn địa phương, khẳng định - Chúng tôi có câu ngạn ngữ  "cửa miệng" mà người Tây Ban Nha vẫn thường rêu rao: "Đường rộng ra biển cả là của ngài, còn đường bộ chật hẹp xin dành cho tôi". Dân Gibraltar chúng tôi sẽ không lùi bước. Chúng tôi muốn theo hình mẫu của nhà nước Andorra bây giờ, trở thành một vùng tự do phát triển và thông thương kinh tế trên nền tảng du lịch, ngay người Anh cũng ủng hộ phương án này”

T.Q.Long (theo The Observer)
.
.