Góc khuất cuộc chiến chống thuốc lá toàn cầu

Thứ Bảy, 10/11/2018, 07:55
Ngành công nghiệp thuốc lá toàn cầu muốn “phát minh” lại thứ mà họ tuyên bố là “những sản phẩm ít gây ô nhiễm”. Thậm chí Hãng Philip Morris còn tài trợ cho một quỹ chống thuốc lá nhằm giúp người ta ngừng hút thuốc lá. Nhưng thực sự công ty này có thiện chí đến như thế? Có những mưu toan gì đang ẩn giấu đằng sau những điếu thuốc lá?


Tuyên bố của “trùm” Philip Morris

Nghe có vẻ rất kêu. Hiện tại bất kỳ ai truy cập vào trang web của Philip Morris International đều sẽ đọc được thông tin rằng “hoàng đế thuốc lá”, công ty giàu nhất và quyền lực nhất trên thế giới đang muốn bán ít đi các sản phẩm thuốc lá trong tương lai, không sớm hơn hay muộn hơn. 

Sau hàng thập kỷ lũng đoạn ngành công nghiệp chất gây nghiện nicotine và để lại hậu quả kinh hoàng, gần đây Philip Morris tuyên bố hùng hồn: “Xã hội mong đợi chúng ta hành động có trách nhiệm hơn. Đó là điều mà chúng ta cần làm: Tạo ra tương lai không khói thuốc”, dẫn lời của ông André Calantzopoulos, CEO của Philip Morris. 

Calantzopoulos đã đoạn tuyệt với thuốc lá và khuyến nghị khách hàng cũng nên làm như thế. Hơn thế nữa, ông Calantzopoulos đã quyết định xúc tiến chiến dịch không hút thuốc lá. Ông Calantzopoulos hứa hẹn rằng Công ty Philip Morris sẽ chi 1 tỷ USD mỗi năm để tài trợ cho quỹ mới.

Đặt tại thành phố New York, Quỹ Vì một thế giới không thuốc lá (FSFW) đang hành động để chống hút thuốc lá trên trái đất, không những chống các quảng cáo thuốc lá mà còn cung cấp những phương pháp cai thuốc lá tốt hơn. Không có tổ chức nào khác có đủ tiền để phân phối trong lĩnh vực này. 

Một người đàn ông đang hút thuốc trong quán. Theo báo cáo của quỹ FSFW thì có 16 triệu người hút thuốc lá ở Việt Nam, hầu hết đều hút trước tuổi 20. Ảnh: EPA-EFE.

Nhưng làm thế nào để có thể song hành: Công ty thuốc lá trong mặt trận không hút thuốc? Liệu đây có phải là một canh bạc tinh vi? Nhìn vào lịch sử sẽ thấy có rất nhiều thứ rất tinh quái. Tại phòng hội nghị (tầng thứ 11) của Trung tâm Rockefeller ở Manhattan, có sự hiện diện của ông Derek Yach, 62 tuổi, một nhà dịch tễ học đến từ Nam Phi. Ông Derek Yach là nhà sáng lập và là Chủ tịch do Quỹ FSFW chỉ định.

Ông Yach nói rằng Quỹ FSFW hiện mới chỉ có 5 nhân viên, nhưng ông muốn tăng nhân viên đến 30 người nhằm chuẩn bị cho cuộc chiến. Vì thuốc lá mà ông Yach đã mất 2 bà cô và 1 ông bác. Hôm nay, ở tuổi 87, mẹ ruột của ông Yach vẫn đang phì phèo thuốc lá. Yach đã làm mọi cách để ngăn ngừa việc tái hút thuốc của mẹ, thậm chí ông còn học châm cứu ở Hồng Công để cai nghiện cho mẹ nhưng không thành công.

Không ai có nhiều công lao trong cuộc chiến chống hút thuốc lá hơn ông: Derek Yach là “nhạc trưởng” làm nên Công ước khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC) năm 2003. Đó là cú đánh nặng nhất mà ngành công nghiệp thuốc lá đã kinh qua. Cùng với đó, WHO cũng tuyên chiến chống hút thuốc lá và đánh thuế thuốc lá cao hơn, ra các cảnh báo, chống quảng cáo và giới hạn hút thuốc lá ở nơi công cộng.

Người khổng lồ và gã tí hon

Hầu hết các luật bảo vệ người không hút thuốc tại các quốc gia phương Tây đều có công của ông Derek Yach. Yach đang bắt tay với những người cùng chí hướng như Calantzopoulos – người được xem là nhân vật phản diện trong bối cảnh chống thuốc lá. Hao hao như James Bond chống mafia, Yach từng cảnh báo chống lại những người như ông. Năm 2001, Yach từng kêu gọi các nhà nghiên cứu chớ bị lóa mắt bởi đồng tiền và bị các đại công ty “mua chuộc”. Bây giờ Yach đang ngồi trong miệng hùm, nhưng ông quả quyết: “Lần này, nó khác. Tôi vẫn giữ vững lập trường của mình, ngành công nghiệp thuốc lá phải thay đổi”.

Các ông trùm trong ngành công nghiệp thuốc lá thừa hiểu rằng: thuốc lá cổ điển đang bị loại bỏ tại nhiều nơi trên thế giới. Bởi vì chúng quá nguy hiểm. Cứ một người hút thì người hít khói cũng sinh bệnh. Mỗi năm khói thuốc lá đầu độc chết hơn 7 triệu người trên thế giới. Để tránh sụt giảm doanh số và các lệnh cấm của chính phủ, tất cả các công ty thuốc lá đang đầu tư hàng tỷ USD vào các sản phẩm được cho là ít gây hại hơn như thuốc lá điện tử.

Bằng giọng nói run rẩy, ông Derek Yach tuyên bố: “Họ đang tinh lọc những tên sát thủ từ thứ gây nghiện. Đây là một sự thay đổi nền tảng. Nếu người hút thuốc vẫn không cai, thì số lượng con nghiện vẫn tiếp tục cao, mặt khác số lượng người chết sẽ diễn ra nhanh hơn so với trước”. Yach cũng không rõ rằng các sản phẩm thuốc lá mới có thật sự giảm từ 90% đến 95% rủi ro như các công ty đang tuyên bố.

Về phần ông André Calantzopoulos, Hãng Philip Morris tin rằng khó có thể tìm thấy ai làm công tác truyền thông hiệu quả hơn Calantzopoulos. Số tiền 1 tỷ USD mà hãng này chi ra cho Quỹ FSFW mỗi năm chỉ bằng đúng 1% lợi nhuận của công ty. Philip Morris vẫn bị cáo buộc là đang tìm cách níu kéo thêm người hút hơn là nỗ lực kiềm chế hút thuốc.

Yach nói rằng ông không thể ngừng hay thay đổi bất kỳ chương trình nghiên cứu nào, không có quyền để phủ quyết, hủy hay giảm số tiền theo hợp đồng. Dữ liệu của tất cả nghiên cứu sẽ được quỹ FSFW thanh toán, ai cũng có thể tiếp cận, và dĩ nhiên là các nghiên cứu của Philip Morris cũng sẽ xuất hiện. Có 3 vấn đề cấp thiết mà ông Yach muốn Philip Morris hiểu để không phải bận tâm khi lấy tiền của công ty này: Làm thế nào để nông dân trồng cây thuốc lá chuẩn bị tốt hơn nếu như nguồn cung thuốc lá ít hơn? Làm thế nào để kích thích cai nghiện thuốc lá thành công? Rủi ro thực sự của thuốc lá trong tương lai là gì, đến từ chính Philip Morris hay các nhà sản xuất khác?

Thuốc lá điện tử có thật sự an toàn?

Có vẻ như Philip Morris đang rung đùi tự tin rằng các sản phẩm của họ sẽ an toàn trong các thử nghiệm. Sản phẩm mới và quan trọng nhất của tập đoàn này được gọi tên là Iqos, nó được phát triển trong một cung điện bằng kính ở Neuchâtel (Thụy Sỹ) nơi có sự hiện diện của hơn 400 nhà nghiên cứu. Nhiều người trong số họ đang làm trong các ngành công nghiệp dược và sinh hóa, và đang tìm kiếm các công nghệ ít độc hại hơn đối với não người hút thuốc lá có nhận nicotine. 

Sinh viên Ấn Độ giơ biểu ngữ chống hút thuốc lá nhân “Ngày thế giới không hút thuốc lá” ở Kolkata (Đông Ấn Độ), vào ngày 27-5-2018. Ảnh: Piyal Adhikary/ EPA-EFE.

Một chiến dịch quảng cáo khổng lồ cho sản phẩm Iqos giờ đang triển khai ở nhiều thành phố của Đức, còn những quảng cáo thuốc lá cổ điển đã biến mất trong thời gian qua. Theo tuyên bố của Hãng Philip Morris, thì hơn 3,7 triệu người trên thế giới giờ đang chuyển qua dùng Iqos. Philip Morris cũng gửi 2 triệu trang tài liệu cho FDA (Mỹ) nhằm xin phép được phổ biến Iqos tại Mỹ. Các nhà phân tích đang dự báo rằng sản phẩm mới của Philip Morris sẽ nhanh chóng cất cánh. Iqos là một thanh nhựa nhẹ với pin tích hợp.

Không giống như các sản phẩm thuốc lá điện tử khác, sản phẩm Iqos có chứa chất lỏng nicotine dễ bay hơi. Chất lỏng này sẽ được làm nóng ở nhiệt độ chỉ bằng một nửa điều kiện nhiệt độ so với thuốc lá thông thường. Theo Hãng Philip Morris thì quy trình này sẽ tạo ra hơn 90% lượng khói ít độc tố vì thuốc lá không được đốt cháy. Những sản phẩm không được đốt cháy như Iqos sẽ không tạo ra lửa và tro, không để lại mùi hôi trong miệng người hút. 

Và đối với người hút thuốc lá thì Iqos nhìn hay hơn thuốc lá điện tử vì cái bình xịt chứa nicotine của nó được đặt ngay trong sản phẩm và có cảm giác như khói thuốc lá bình thường. Các nghiên cứu độc lập về tác hại của thuốc lá điện tử vẫn còn khá hiếm. 5 nhà nghiên cứu Thụy Sỹ gần đây đã cho công bố công trình đầu tiên của họ trên Tạp chí Jama rằng: ngay cả với dạng thuốc lá Iqos khi được xét nghiệm trong phòng thí nghiệm thì vẫn để lộ ra những chất nguy hiểm khi chúng được đốt nóng bởi nhiệt độ cao.

Trong thuốc lá điện tử Iqos, các nhà khoa học tìm thấy có đến 84% nicotine, 74% formaldehyde và 295% Acenaphtens. Và các nhà nghiên cứu Thụy Sỹ hết sức bức xúc khi biết rằng: Philip Morris đang lừa dối khách hàng, rằng Iqos không tạo ra khói, nhưng khói tỏa ra vẫn là khói thuốc lá thứ thiệt. Ông Derek Yach nói rằng ông không đọc báo cáo trên Tạp chí Jama nên không bình luận về nó, song ông cũng bình luận rằng: “Iqos là sản phẩm mới”. 

Hiện một số dạng thuốc lá điện tử tốt hơn cũng đang được phát triển. Nhà dịch tễ học Derek Yach phát biểu: “Những gì đang diễn ra tại các phòng thí nghiệm nghiên cứu của các công ty thuốc lá với các gói đầu tư lên tới nhiều tỷ USD cho thuốc lá tương lai, hiện đang vượt xa sự tượng tượng của WHO cách đây 20 năm. Nó cũng giống như sự đảo lộn của ngành công nghiệp xe hơi khi xe hơi điện ra đời, các thiết bị hút nicotine mới cũng đã đẩy mạnh sự phát triển của ngành công nghiệp thuốc lá cùng phong trào chống hút thuốc lá”.

Thay đổi hay là chết?

Bài tủ của các công ty thuốc lá hiện nay là dùng một liều lượng vừa đủ nicotine để né nhà quản lý, cho phép họ giành lại những thị trường đã mất trước đó từ những người không hút thuốc lá hay khách hàng cũ. Từ quan điểm của các nhà sản xuất thuốc lá thì tương lai của hút thuốc lá cũng nằm ở thuốc lá không có nicotine và đó là lý do giải thích tại sao hàng tỷ euro đã được chi ra, mà theo ông Yach thì đó không phải là làm từ thiện mà là một khoản đầu tư có mục đích hẳn hoi. Các công ty thường hứa hẹn rằng sẽ phát triển thuốc lá lành mạnh hơn, nhưng nói một đằng lại làm một nẻo.

Ông Derek Yach là chủ tịch của quỹ vì một thế giới không hút thuốc lá (FSFW), cơ quan được trao ngân sách hoạt động bởi công ty sản xuất thuốc lá lớn nhất thế giới là Philip Morris International. Ảnh: FSFW.

Hồi năm 1997, CEO của Philip Morris khi đó là Geoffrey Bible đã mạnh miệng tuyên bố tại tòa án rằng sẽ cho đóng cửa công ty ngay tức khắc nếu ai đó có thể tìm thấy các nhà máy của ông có dính dáng tới hút thuốc lá gây ung thư phổi như báo cáo đã viết. Sự thật thì những nhà nghiên cứu từ các công ty thuốc lá đã nhận ra thảm họa ngay từ thập niên 1950 nhưng họ giữ kín chuyện này với thế giới bên ngoài.

Các công ty luôn tìm mọi cách thao túng ngành công nghiệp thuốc lá để lôi kéo càng nhiều người hút càng tốt. Cách đây 11 năm, một thẩm phán liên bang Mỹ từng mất kiên nhẫn khi bà lên tiếng tố cáo các công ty thuốc lá đã giấu giếm công luận bởi vô số lời nói giả tạo của họ. Suốt một thời gian dài các công ty thuốc lá thuê luật sư để đối phó với nhà chức trách và dư luận, nhưng mọi sự đã kết thúc vào tháng 11-2017 khi lần đầu tiên nhiều quảng cáo thuốc lá đã bị cấm trên các nhật báo Mỹ.

Một bài viết trên báo Mỹ tố cáo rằng: “Hút thuốc giết hại trung bình 1.200 người Mỹ mỗi ngày, số người chết hơn cả thảm sát, bệnh AIDS, tự tử, ma túy, tai nạn xe cộ và nghiện rượu”. Khi ông Derek Yach làm việc cho Quỹ FSFW của Philip Morris, thì nhiều tiếng la ó chống lại ông. Liên đoàn Tim mạch thế giới (WHF) và Hiệp hội Ung thư Mỹ (ACS) đã tránh xa ông. Gần đây trong một bài xã luận, tờ Lancet (Anh) cảnh báo Yach rằng ông đang bị tổn hại danh tiếng. Việc ra đời Quỹ FSFW có lẽ là sai lầm lớn nhất trong lịch sử chiến đấu chống các công ty thuốc lá.

Bất chấp các ý kiến chỉ trích mình, Derek Yach vẫn ung dung hành động. Sau cuộc chiến chống thuốc lá, ông đã dẫn đầu chiến dịch của WHO chống lại các nhà sản xuất nước chanh, họ bị quy là đồng lõa trong đại dịch béo phì. Năm 2007, Yach được thuê làm Phó chủ tịch cao cấp của PepsiCo, công ty này cũng là đối thủ của ông. Với cương vị của mình, Yach đã thúc giục các “tai to mặt lớn” của PepsiCo phải sản xuất ra những sản phẩm lành mạnh hơn, ít đường, ít muối và ít béo. 

Với uy tín và tầm ảnh hưởng của ông Yach mà ngày hôm nay PepsiCo đã tung ra các sản phẩm ít rủi ro cho sức khỏe người tiêu dùng. Stanton Glantz, một chuyên gia về thuốc lá tại Đại học California, San Francisco (UCSF) ví von: “Hành trình của ông Derek Yach đã hoàn tất ở một bên của thế giới ngầm”.

Nguyễn Thanh Hải (tổng hợp)
.
.