Greenhalgh – “Bậc thầy” làm giả các tác phẩm nghệ thuật

Thứ Ba, 08/05/2018, 16:13
Bỏ học năm 16 tuổi và dĩ nhiên chưa có bằng tốt nghiệp cấp 3 nhưng Shaun Greenhalgh, sinh năm 1960 tại Bolton, Anh Quốc, được xem là bậc thầy làm giả các tác phẩm nghệ thuật.

Với sự trợ giúp đắc lực của cha mẹ và người anh trai, trong vòng 17 năm (1989 - 2006), Greenhalgh đã cho ra đời nhiều tác phẩm điêu khắc, các bức tranh và những món đồ thủ công mỹ nghệ quý hiếm rồi bán cho một số viện bảo tàng, các nhà đấu giá cùng những nhà sưu tập, kiếm được hơn 10 triệu bảng Anh…

Chuyên gia cũng bị lừa

Sự việc bắt đầu vào năm 1989, ông George, chủ một cửa hàng trưng bày tác phẩm nghệ thuật nằm trên đường The Crescent, thị trấn Bromley Cross, cách trung tâm thành phố Bolton, Anh Quốc khoảng 3,5 km về phía bắc, mua được một bản danh mục liệt kê các tác phẩm nghệ thuật dự kiến sẽ bán đấu giá tại lâu đài Silverton Park, thành phố Devon, Anh Quốc..

Từ trái qua: Shaun Greenhalgh cùng cha và mẹ là George và Olive.

Nghiên cứu bản danh mục, Shaun Greenhalgh - con trai ông George - nhận thấy trong số các tác phẩm nghệ thuật bán đấu giá, có bức tượng Công chúa Amarna, là một trong những người con gái của Pharaoh Akhenaten và nữ hoàng Nefertiti, Ai Cập. Bức tượng ra đời từ năm 1530 trước Công nguyên. Tìm hiểu thêm, Greenhalgh biết rằng trên thế giới chỉ có 2 bức tượng như vậy.

Lập tức, Greenhalgh nảy ra ý định làm giả. Trong 3 tuần, bằng cách sử dụng đá vôi, Greenhalgh tạo hình bức tượng Công chúa Amarna đúng như nguyên mẫu rồi phủ bên ngoài một hỗn hợp trộn lẫn giữa nước trà và đất sét. Sau đó, Greenhalgh để nó nằm im trong nhà kho suốt 17 năm.

Năm 2002, ông George - cha của Greenhalgh đến Viện bảo tàng thành phố Bolton. Tại đây, Geogre nói với Angela Thomas, giám đốc bảo tàng rằng gia đình ông có 1 bức tượng cổ, nằm trong bộ sưu tập của cố nội ông đã hơn 100 năm nhưng Geogre không biết giá trị thật của nó. Tiến hành tham khảo ý kiến của các chuyên gia Bảo tàng Anh Quốc và nhà đấu giá Christie,  Bảo tàng Bolton mua bức tượng Công chúa Amarna giả với giá 439.767 bảng Anh. Nó được trưng bày đến tháng 2-2006, khi những trò giả mạo của Greenhalgh bị lật tẩy.

Bức “La Bella Principessa” do Greenhalgh vẽ nhưng ký tên Leonardo da Vinci - là danh họa đã cho ra đời kiệt tác Mona Lisa.

Thắng lợi quá rực rỡ, George bán tiếp mô hình một con tàu nhỏ làm bằng gỗ và bạc, do Greenhalgh  “sáng tác” năm 1990 nhưng được giới thiệu là ra đời từ thế kỷ thứ 10, trong cuộc Thập tự chinh ở Jerusalem. George cho biết ông nội ông tìm thấy nó tại lưu vực sông Preston. Sau đó, nó được Đại học Manchester thẩm định rồi mua với giá 100.000 bảng Anh trong lúc theo một chuyên gia của trường đại học này: “Nó là thật, nhưng vẫn không chắc chắn lắm về chất liệu gỗ”.

Cũng trong năm 1990, Viện Bảo tàng Anh Quốc mua một tấm khiên bằng bạc, được George giới thiệu là “của các chiến binh La Mã sử dụng hồi thế kỷ thứ 6” với giá 100.000 bảng Anh. Về sau, khi đã bị bắt, Greenhalgh khai rằng ông ta vào trang web Google, tìm kiếm những hình ảnh về các đồ tạo tác từ thế kỷ thứ 6 đến thế kỷ thứ 10. Sử dụng kỹ thuật dựng ảnh 3 chiều để có số liệu chính xác về kích thước và các hoa văn, Greenhalgh cho ra đời chiếc khiên La Mã “y như thật”.

Không chỉ làm giả các đồ tạo tác, Greenhalgh còn làm tranh giả. Năm 1994, thông qua người cha, Greenhalgh bán bản phác thảo một bức tranh màu nước mà theo lời ông ta là của danh họa Thomas Moran cho Viện bảo tàng thành phố Bolton với giá 100.000 bảng Anh, đồng thời còn nhã ý tặng thêm cho bảo tàng này một bức tranh khác, tất cả đều do ông ta vẽ nhưng ký tên Thomas Moran.

Một trong những cú làm ăn đình đám nhất của cha con Geogre - Greenhalgh là tác phẩm điêu khắc bằng gốm Forged Faun của danh họa người Pháp Paul Gauguin, ra đời hồi thế kỷ 19, được xác nhận là “hàng thật” bởi Viện nghiên cứu nghệ thuật Wildenstein. Trình độ làm giả của Greenhalgh siêu đến nỗi nhà đấu giá nhiều kinh nghiệm Sothebys cũng bị lừa. 

Bức tượng gốm Forged Faun của họa sĩ Paul Gauguin bị Greenhalgh làm giả.

Năm 1994, Sothebys bán bức tượng này với giá 20.700 bảng Anh cho đại lý nghệ thuật Howie & Pillar ở London, Anh Quốc. Đến năm 1997, Viện Nghệ thuật thành phố Chicago, Mỹ, mua lại nó với giá 125.000 USD! Vernon Rapley, điều tra viên của Cảnh sát Anh (Scotland Yard) cho biết Greenhalgh là người cực kỳ tài. Bức phác thảo màu nước của danh họa Thomas Moran, ông ta chỉ vẽ trong… 30 phút!

Vẫn theo điều tra viên Rapley, lúc khám nhà Greenhalgh, cảnh sát Anh vô cùng kinh ngạc khi nhìn thấy những khối đá vôi, đá cẩm thạch chưa được tạo hình, một lò nấu bạc, nhiều tác phẩm điêu khắc đã hoàn chỉnh, những bức tranh sơn dầu, do Greenhalgh  vẽ nhưng ký tên những danh họa nổi tiếng thế giới như Leonardo da Vinci, Picasso, Van Gogh, Renoir, Paul Cezan mà trong đó, chỉ riêng họa sĩ Thomas Moran, Greenhalgh đã “nhái” xong 24 bức, đang chờ đưa đi tiêu thụ. 

Chưa kể bức tượng bán thân tổng thống đầu tiên của nước Mỹ George Washington bằng đồng mà dù đã nhìn rất kỹ, các điều tra viên vẫn không tin rằng nó mới chỉ được đúc cách đó hơn 2 năm vì nó như đã ra đời từ hồi nước Mỹ mới độc lập! Vernon Rapley nói: “Ngoài bút pháp rất điêu luyện, để làm giả một bức tranh hồi thế kỷ 19, Greenhalgh sử dụng nhựa thông trộn với bột màu - là chất liệu mà các họa sĩ hồi ấy vẫn dùng chứ không xài sơn dầu hiện đại. Vải vẽ cũng vậy, ông ấy đặt người ta làm loại vải dệt từ cây gai dầu rồi sau đó, đem ngâm dưới bùn vài tháng để nó cũ đi rồi mới vẽ. Chưa hết, vẽ xong nó còn được cất trong kho ít nhất là 3 năm để sơn khô hẳn nên khi các chuyên gia nghệ thuật xem xét, họ không thể nghi ngờ…”.

Kiếm được nhiều tiền, nhưng gia đình Greenhalgh sống rất đạm bạc trong một ngôi nhà được mô tả là “tồi tàn”. Khi cảnh sát Anh tiến hành khám xét, ngoài những tác phẩm nghệ thuật giả mạo, họ chỉ thấy có 1 chiếc tivi cũ, mấy chiếc ghế sứt sẹo và một chiếc xe hơi hiệu Ford Focus. Mẹ của Greenhalgh là bà Olive cho biết bà chưa bao giờ bước chân ra khỏi thành phố Bolton. Ông George, cha của Greenhalgh ngồi trên chiếc xe lăn, luôn miệng phân trần rằng ông chẳng liên quan gì đến việc giả mạo vì ông không phải là chuyên gia nghệ thuật.

Ông nói: “Họ đã thẩm định rất kỹ lưỡng rồi mới mua đấy chứ. Tôi chỉ là người bán giùm thôi”. Andrew Nutall, luật sư bào chữa cho Greenhalgh biện hộ trước tòa rằng: “Greenhalgh là người hướng nội và có một tình yêu mãnh liệt với nghệ thuật. Việc giả mạo là nỗ lực để Greenhalgh hoàn thiện tình yêu ấy nhưng không may, nó đã dẫn đến hậu quả…”.

Sự giả mạo do Greenhalgh thực hiện bắt đầu bị nghi ngờ khi ông ta bán một bức tranh sơn dầu của Samuel Peploe cho nhà sưu tập Williams Osborn với giá 20.000 bảng Anh mà theo lời giới thiệu, bà Olive - mẹ ông ta - thừa hưởng nó từ ông ngoại bà. Tuy nhiên, khi Osborn xem xét bức tranh và khi sờ vào thì một lớp sơn bong ra nên ông này không mua nữa. Theo điều tra viên Vernon Rapley,  lúc ấy Scotland Yard đã nắm được thông tin nhưng họ không hành động gì vì “Greenhalgh chưa gây hậu quả”.

Năm 1995, ông George bán một chiếc nhẫn được giới thiệu là từ thời Anglo-Saxon cho nhà sưu tập Phillips, nhưng Bảo tàng Anh Quốc nghi ngờ nó là đồ giả. Sự nghi ngờ càng tăng lên khi George bán 3 bức phù điêu Assyria, có từ thế kỷ năm 600 trước công nguyên nhưng chất liệu đất sét lại có cấu trúc giống như đất sét vùng York Shire. Lúc ấy, Scotland không nghĩ người làm giả là Greenhalgh, mà họ chỉ cho rằng ông George đã mua lại của một ai đó, và có thể ông ta cũng không biết đó là đồ giả.

Tuy vậy, Scotland Yard vẫn tiến hành theo dõi hành vi của tất cả mọi người trong gia đình George. Theo đó, vợ chồng ông George và bà Olive là người tiếp cận khách hàng, Gerge Jr., anh trai Greenhalgh quản lý tiền bạc còn Greenhalgh chỉ là một cái bóng mờ nhạt.

Bức phù điêu 3 người lính cưỡi ngựa Assyria bị làm giả.

Tháng 11-2005, ông George giới thiệu với Bảo tàng Anh Quốc phù điêu 3 người lính cưỡi ngựa Assyria, được cho là có xuất xứ từ cung điện Sennacherib ở Syria năm 600 trước công nguyên. Tiến hành thẩm định, Bảo tàng Anh Quốc kết luận đó là hàng thật, hoàn toàn phù hợp với những bức vẽ mô tả của nhà khảo cổ học Layard, in trong một công trình nghiên cứu về Syria của ông, nên bảo tàng muốn mua hết..

Tuy nhiên, khi gửi bức phù điêu Assyria cho nhà đấu giá Bonhams thì chuyên gia cổ vật Richard Falkiner khẳng định đây là hàng nhái. Theo Richard Falkiner, người làm ra nó đã dựa vào các hình vẽ mô tả của nhà khảo cổ học Layard - mà các hình vẽ này khi in lên sách lại khá nhỏ nên họ đã làm sai một số chi tiết, chẳng hạn như dây cương của 3 con ngựa không đồng nhất với nhau, dòng chữ “cuneiform” khắc trên phù điêu sai lỗi chính tả vì thiếu một dấu phụ.

Tiến hành kiểm tra chéo với nhà khảo cổ học Layard, chuyên gia cổ vật Richard Falkiner nhận được câu trả lời rằng phù điêu giả. Richard Falkinernói: “Sự nghi ngờ của chúng tôi càng được khẳng định khi ông George đưa ra một cái giá rất bèo. Bức phù điêu chỉ bán 600.000 bảng Anh trong lúc nó phải từ 1,2 triệu bảng trở lên…”.

Và phải mất thêm 18 tháng điều tra nữa, Scotland Yard mới xác định Shaun Greenhalgh, con ông George và bà Olive, là cha đẻ của những món “đồ đểu” kể trên.. Tháng 11-2007, lệnh bắt Greenhalgh được thi hành. 2 tài khoản của ông ta với số dư hơn 5 triệu bảng Anh bị phong tỏa. 

Theo Scotland Yard,  thông qua người cha là George, Greenhalgh đã bán tổng cộng 120 tác phẩm nghệ thuật giả, thu về hơn 10 triệu bảng Anh, trong đó ngoài 1 bức tranh giả họa sĩ Lowry, Greenhalgh còn giả luôn chữ viết của họa sĩ này trong 1 bức thư gửi cha mình nhằm tăng thêm độ tin tưởng cho người mua: “Thân gửi George, cảm ơn bạn rất nhiều vì món quà gần đây của bạn. Tôi đã hoàn thành bức tranh và tôi đã gửi nó cho bạn. Hy vọng bạn sẽ hài lòng…”. Bằng cái “bùa” ấy, ông George bán bức họa của Lowry 70.000 bảng Anh.

Cuối năm 2007, Shaun Greenhalgh ra tòa và bị kết án 4 năm 8 tháng tù giam. Ngày 23-1-2010, thành phố Victoria và Viện bảo tàng Albert ở Lomdon, Anh Quốc tổ chức một cuộc triển lãm, trưng bày các “tác phẩm” của Greenhalgh thu về từ các bảo tàng và các nhà sưu tập. Theo Scotland Yard, Greenhalgh là một “nghệ sĩ” làm hàng giả đa dạng nhất được biết đến trong lịch sử.”…

Vũ Cao (theo Vanity Fair)
.
.