Hầm ngầm bí mật của Nhà trắng

Thứ Hai, 25/09/2006, 08:00
Mount Weather là một tổ hợp hầm trú ẩn cực kỳ bí mật nằm sâu dưới mặt đất, chỉ cách Washington khoảng 1 giờ lái xe. Tại đây, còn có cả chính quyền, cảnh sát, lực lượng cứu hỏa và những đạo luật riêng.

Trong lịch sử, Mount Weather có tên gọi chính thức là Trung tâm Tác chiến khẩn cấp của Cơ quan điều hành tình trạng khẩn cấp toàn liên bang (FEMA - Federal Emergency Management Authority). Nhưng kể từ khi chính quyền Bush phát động cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố, Mount Weather được coi là một vị trí dành cho cái gọi là “chính phủ dự phòng” (shadow government), bao gồm các quan chức cao cấp của Washington được bổ nhiệm tạm thời trong tình huống khẩn cấp. 

Kể từ khi Liên Xô sụp đổ, Mount Weather chỉ được coi là một “tàn tích đắt giá” của chiến tranh lạnh. Nhưng sau sự kiện 11/9, địa điểm đặc biệt này đã hồi sinh với việc xuất hiện thêm một loạt các công trình mới. Dù trên nguyên tắc luôn được giữ bí mật, nhưng nếu theo dõi trên báo chí, có thể nhận thấy nhiều đoạn tin nói bóng gió về công trình bí mật này.

Chẳng hạn như các thông tin nói rằng, “các quan chức hàng đầu của Quốc hội đã được đưa tới một công trình của chính phủ ở vị trí an toàn nằm cách Washington 120 km”. Còn trong một phóng sự khác có nói về việc tập trung một số lớn các xe Limousine mang biển số chính phủ tại đây. Chỉ mới hai tháng trước, một cuộc diễn tập phòng chống thảm họa có tên Forward Challenge 06 được chính quyền tổ chức tại đây. Mount Weather và một số vị trí xung quanh trở thành nơi triển khai của hàng ngàn nhân viên liên bang tham gia diễn tập.

Việc tìm ra Mount Weather hoàn toàn không có gì phức tạp. Từ Nhà Trắng chỉ cần đi theo tuyến đường 66 về phía tây, trước khi cắt ngang tuyến đường số 50. Sau khi rẽ vào đường 601 được khoảng 80 km, sẽ bắt gặp một con đường nhỏ uốn lượn sâu vào phía các dãy núi, nhìn bề ngoài có vẻ như chẳng dẫn tới đâu.

Nhưng khi vượt qua một đỉnh đồi, người ta bất ngờ bắt gặp một khoảng thung lũng quang đãng, được bao bọc bởi hai tuyến rào dây thép gai có dòng chữ “US Property. No Trespassing” (Tài sản của nước Mỹ - Cấm vượt qua). Đằng sau lớp rào có thể nhìn thấy nhiều nhà để máy bay có mái nhôm và một vài chiếc ôtô đang đậu.

Cho tới giờ, chưa có một ai được chính thức tham quan khu vực ngầm dưới đất của Mount Weather, cũng như được phép kể về nó. Chiếm một diện tích lên tới khoảng 200 hécta, Mount Weather có thể coi là một “công quốc” thực sự với chính quyền, cảnh sát, lực lượng chữa cháy cũng như các đạo luật riêng. Vị trí này có thể được quan sát rõ ràng và tổng quát hơn cả từ những ảnh chụp qua vệ tinh.

Qua đó, có thể nhận rõ những con đường dẫn vào sườn ngọn đồi (lối vào hầm ngầm), những bãi cất - hạ cánh dành cho trực thăng và một loạt các công trình sinh hoạt theo phong cách quân đội. Dựa theo việc theo dõi các tấm ảnh theo trình tự thời gian, cũng như tiết lộ của những người dân gần đó, có thể Mount Weather đang diễn ra những thay đổi rất quan trọng nào đó. 

Lần đầu tiên, cái tên Mount Weather được cả nước Mỹ biết đến là vào ngày 1/12/1974, khi chiếc máy bay số hiệu 727 của TransWorld Airlines trên đường tới Dallas do mưa to gió lớn đã đâm đầu xuống một ngọn núi nằm chỉ cách vị trí này có 2,5 km. Vụ va chạm này đã tác động mạnh tới hệ thống cảnh báo khẩn cấp dưới đất tại đây, khiến các máy điện báo trên toàn nước Mỹ thi nhau phát đi những tín hiệu cảnh báo sai.

Trong giai đoạn đỉnh điểm của cuộc chiến Việt Nam cũng như vụ Watergate, công trình bí mật tại Mount Weather cũng được nhắc tới nhiều. Tạp chí The Progressive vào năm 1976 cho đăng một bài báo mang tên “The Mysterious Mountain” (Ngọn núi bí ẩn), đã nhắc tới Mount Weather như một địa điểm tuyệt mật không được mấy người biết tới, kể cả trong Quốc hội. Đây không chỉ là nơi bố trí của một chính phủ mini, mà còn lưu giữ hồ sơ của ít nhất 100 ngàn người Mỹ.

Toàn cảnh Mount Weather nằm ở phía bắc thung lũng Shenandoah.

Đến năm 1991, tạp chí Time dựa trên việc phỏng vấn các cựu kỹ sư đã cho công bố thông tin chi tiết hơn về Mount Weather. Căn cứ này được mô tả như một tổ hợp khổng lồ dưới đất, được trang bị những máy tính tốt nhất, hệ thống quạt thông hơi lớn, cùng với các thiết bị phát thanh truyền hình để tổng thống có thể tuyên bố với người dân ngay cả sau một vụ nổ bom nguyên tử. 

Thật ra, Mount Weather chỉ là một mắt xích trong hệ thống di tản toàn liên bang bao gồm những công trình ngầm kiên cố trang bị tiện nghi, đảm bảo độ an toàn về không khí ngay cả sau những vụ nổ hạt nhân, cũng như các thiết bị đảm bảo liên lạc được với nhau.

Cụ thể như tổng thống có thể ẩn náu tại Mount Weather; Quốc hội sẽ an toàn trong một boongke bí mật phía dưới khách sạn Greenbrier ở Virginia; Cơ quan Dự trữ liên bang được bố trí tại một hầm ngầm ở Culpepper, Virginia; Lầu Năm Góc sẽ chuyển qua một khu vực đồi núi hiểm trở có mật danh là "Site R" nằm ở dãy núi phía tây nam Pennsylvania; còn lực lượng phòng không quốc gia sẽ được điều hành từ Bộ Tư lệnh phòng thủ không gian Bắc Mỹ (NORAD -  North American Aerospace Defence Command) nằm tại vùng núi Cheyenne.

“Trong kỷ nguyên hạt nhân, tất cả được bố trí sao cho những người lãnh trọng trách này có thể hoàn thành nhiệm vụ của mình từ những vùng núi đá kiên cố và an toàn” - Bộ Chỉ huy Quốc phòng Mỹ đã diễn giải về hệ thống này như vậy.

“Tôi không hề ngạc nhiên về khả năng Dick Cheney cũng như Donald Rumsfeld đã từng đến đây, do họ là người trực tiếp tham gia vào một kế hoạch lớn hồi những năm 80 của thế kỷ trước” - nhà văn John Weisman, tác giả của nhiều tiểu thuyết về đề tài quân sự và tình báo đã nói như vậy về Mount Weather.

Weisman có ngụ ý nói đến một loạt các chương trình bí mật đã được phóng viên James Mann mô tả trong tác phẩm “Rise of the Vulcans” (Sự bùng phát của những núi lửa), trong đó Cheney và Rumsfeld được giới thiệu như hai nhân vật chủ chốt. Theo lời của Mann, sự căng thẳng ngày càng tăng trong quan hệ với Liên Xô trước đây đã khiến chính quyền Reagan có sự ưu tiên đặc biệt đối với các chương trình kiểu này. Và sự kiện 11/9 theo Mann chỉ có tác dụng “kích hoạt” lại một bộ máy đã được chuẩn bị sẵn từ trước.

Người dân địa phương cũng cho biết về nhiều yếu tố quan trọng liên quan đến Mount Weather. Chẳng hạn như vào đúng một ngày sau sự kiện 11/9, tại đây đã tập trung vô số các binh lính mới được điều tới. Họ được bố trí khắp nơi và kiểm soát gắt gao giấy tờ của người qua lại trên đường. Còn một số người dân khác cho biết, họ đã nhìn thấy người ta vận chuyển nhiều tên lửa tới đây.

Khi được các phóng viên hỏi về Mount Weather, thư ký báo chí của FEMA là John Jacks chỉ trả lời chung chung: “Trong thời gian gần đây, mức độ an ninh đã được nâng cao nhiều tại các căn cứ quan trọng của toàn liên bang. Mount Weather chỉ là một trong những điểm như vậy. Chúng tôi sẽ không nói gì thêm về Mount Weather. Vấn đề không phải là chuyện tôi không thể, mà chúng tôi chỉ đơn giản là không nói về điều này!”

 

Linh Nga (Tổng hợp)
.
.