Hầm ngầm bí mật của Thống chế Josip Tito

Thứ Ba, 27/09/2011, 14:55

Chính phủ Cộng hòa Bosnia và Herzegovina đã quyết định mở cửa khu boongke đồ sộ ẩn dưới lòng đất với mật danh "D-O", một trong những công trình tuyệt mật thời Chiến tranh lạnh cho du khách tham quan.

Đây là công trình trú ẩn chống bom nguyên tử hàng đầu do lực lượng công binh Nam Tư xây dựng ròng rã hơn 1/4 thế kỷ, được khởi công từ đầu năm 1953 và kết thúc vào cuối năm 1979 cùng khoản kinh phí lên tới 4,5 tỉ USD.

Địa điểm "D-O" tọa lạc trong lòng núi Belasnica, cách thị trấn gần nhất Konjic chừng 10km và cách thành phố Sarajevo 50km về phía tây nam. Những tòa nhà đơn điệu bao quanh bởi tường rào sơn màu trắng đục, cốt ngụy trang cho 3 lối vào bí mật dẫn tới khu hầm ngầm rộng 6.500m2 nằm ở độ sâu 280m so với mặt đất.

Lối vào khu hầm ngầm tuyệt mật.

Quần thể boongke gồm 12 khối nhà liên kết theo cấu trúc hình móng ngựa, có thể chịu được một quả bom nguyên tử với sức công phá 25 kiloton, gấp đôi trái bom Mỹ ném xuống thành phố Hiroshima ở Nhật Bản hồi Thế chiến II.

Trong trường hợp đứng trước nguy cơ xảy ra đòn tấn công hạt nhân, Ban lãnh đạo Liên bang Nam Tư do Thống chế Josip Broz Tito (1892-1980) đứng đầu cùng các nhân vật trọng yếu khác sẽ được di tản khẩn cấp đến "D-O", nơi có thể chứa được 350 người theo thiết kế cùng đồ ăn thức uống dự trữ đủ dùng trong một thời gian dài. Phân bổ lần lượt dọc theo tuyến hành lang từ ngoài vào là các khu vực tẩy xạ, bệnh viện, phòng kiểm soát, phòng điều hành, phòng họp cùng các khu nghỉ ngơi nằm xen kẽ nhau.

Gần phòng làm việc của Thống chế Tito là một phòng lớn đặt 4 tuốc-bin điều hòa không khí do Đức sản xuất, bảo đảm nhiệt độ toàn khu boongke luôn ổn định ở mức từ 21-23oC, còn độ ẩm không khí xê dịch trong khoảng từ 60-70% tạo điều kiện tối đa cho việc sinh sống và làm việc dưới lòng đất.

Những căn phòng liên hoàn ẩn sâu 280 mét dưới lòng đất.

Một gian lớn khác đặt 2 bồn dầu diezel với sức chứa tổng cộng 50 tấn, cung cấp nhiên liệu cho 2 máy phát điện có tổng công suất là 1.100KW, tự động vận hành 18 giây sau khi mất điện lưới nhằm bảo đảm sự cung ứng điện không bị gián đoạn.

Theo đánh giá của binh nhất Almir Gakich, người phụ trách chính hiện nay thì mọi thiết bị nằm bên dưới lớp đất sâu vẫn hoạt động rất hữu hiệu.

Người hướng dẫn khách tham quan là ông Serif Grabovisa 63 tuổi, một cựu Đại tá về hưu thường ôn lại quá trình 13 năm canh giữ khu địa danh bí mật, kể từ thời điểm "D-O" hoàn thiện cho đến khi mở màn cuộc chiến ở Bosnia trong năm 1992. "Chúng tôi có 15 người, bao gồm 6 quân nhân và 9 nhân viên dân sự được giao trọng trách bảo quản toàn bộ khu boongke ngầm - ông S.Grabovisa cho biết - Thậm chí ngay cả người thân cũng không biết công việc tôi đang làm, bởi chúng tôi đã long trọng tuyên thệ phải tuyệt đối giữ bí mật quốc gia".

 Máy phát điện tự động do Đức sản xuất.

Đồng thời ông cũng ngậm ngùi thổ lộ, rằng thật đáng tiếc lúc sinh thời lãnh tụ Tito chưa một lần ghé thăm khu căn cứ liên hoàn đủ tiện nghi này. Còn binh nhất A.Gakich luôn tỏ thái độ khâm phục S.Grabovisa, bởi chính ông này đã đặt trước 3 cổng vào một  lượng thuốc nổ TNT lên đến 4.500kg - theo lệnh của quân đội liên bang trước khi triệt thoái khỏi Bosnia, nhưng ông đã kịp cắt dây cháy chậm dẫn tới ngòi nổ giúp bảo toàn nguyên vẹn "D-O".

Được biết, dưới thời chính thể Liên bang Nam Tư trước đây nhiều công trình quân sự bí mật rải khắp đất nước đã được xúc tiến xây dựng, cốt để phục vụ cho nhà lãnh đạo J.B.Tito cũng như Ban lãnh đạo tối cao. Riêng hầm ngầm chống bom nguyên tử mang mật danh "D-O" là công trình lớn nhất, với thời gian xây cất lâu nhất cũng như tốn kém nhất

Thu Hường (theo Deutsche Welle)
.
.