Hành trình hơn 70 năm đi tìm tung tích “Kỳ quan thứ tám”

Thứ Ba, 30/01/2018, 11:35
Cách đây hơn 300 năm, tiết trời băng giá vây quanh khuôn viên cung điện Charlottenburg của nước Phổ đã hoàn toàn bị xua tan khi hơn 500 cây nến lớn đồng loạt thắp lên làm bừng sáng ánh vàng rừng rực như những ngọn lửa của căn phòng Hổ phách. Đấy cũng là thời khắc bắt đầu Kỳ quan thứ tám chất chứa nhiều huyền thoại của nhân loại.

Sau đúng 230 năm hiện diện để đón nhận bao nhiêu lời trầm trồ, tụng ca, căn phòng Hổ phách đã bị phát xít Đức cướp lấy và biến mất đến tận bây giờ.

Món quà tình yêu của "nhà bảo trợ nghệ thuật vĩ đại"

Friedrich I - Vị vua đầu tiên của Vương quốc Phổ, trị vì từ năm 1701 đến khi qua đời năm 1713, xuất thân từ gia tộc giàu có và quyền thế Hohenzollern. Ông cũng là cha của vua Friedrich Wilhelm I và là ông nội của Friedrich II Đại đế.

Khác với các tiền bối lỗi lạc của gia tộc Hohenzollern, Friedrich I nổi tiếng trong lịch sử là người ưa chuộng lối sống xa hoa nhưng đồng thời cũng được xưng tụng là một nhà bảo trợ vĩ đại của nền nghệ thuật và giáo dục khi ông không ngần ngại sử dụng cả ngân sách của hoàng gia Phổ. 5 năm trước khi chính thức đăng quang, Friedrich I đã sáng lập "Akademie der Künste" - tức Viện Hàn lâm Nghệ thuật tại thành phố Berlin.

Bức ảnh chụp Căn phòng Hổ phách năm 1932.

Ông cũng là vị quân vương đặt viên đá khởi công xây dựng Trường Đại học Halle. Năm 1700, ông cho thành lập Hiệp hội Khoa học Hoàng gia Phổ. Ông cũng khuyến khích những người Huguenot sang định cư tại Phổ để thiết lập ngành công nghiệp tiên tiến. Cháu nội ông, Friedrich II Đại đế sau này đã nhận định về ông: "Thời tiên vương Friedrich I, kinh thành Berlin không khác nào một Athens của phương Bắc".

Hoàng hậu Sophia Charlotte, người xứ Hanover, là người vợ thứ hai của ông (sinh hạ cho ông Friedrich Wilhelm I) cũng là người yêu chuộng nghệ thuật, thích tổ chức trong cung đình những buổi đàm luận triết học và thi phú, vì thế, cung điện Charlottenburg mà Friedrich I xây dành riêng cho bà một thời được ví von là tòa "Cung điện của thi ca".

Hết mực sủng ái người vợ xinh đẹp của mình, năm 1701, Friedrich I ra lệnh xây dựng căn phòng hổ phách, một tặng phẩm đặc biệt cho cung điện Charlottenburg thêm nguy nga tráng lệ.

Thời đó, hổ phách là thứ nguyên liệu vô cùng quý hiếm, đắt giá hơn vàng gấp chục lần. Người lên ý tưởng thiết kế căn phòng vô giá là Andreas Schluter, nhà điêu khắc bậc thầy của nước Đức bấy giờ đang đảm nhận việc trùng tu các lâu đài thành phố Berlin, được cho là người đầu tiên trong lịch sử dùng hổ phách trong trang trí nội thất và việc xây dựng căn phòng do nghệ nhân tài năng người Đan Mạch Gottfried Wolfram đảm trách.

Có nhiều huyền thoại về nguồn gốc hổ phách: Khi Phaethon (con trai của Helios-thần Mặt trời), điều khiển xe ngựa xuyên qua bầu trời trong một ngày làm ảnh hưởng đến Trái đất. Để bảo vệ Trái đất, Vương thần thần Zeus đánh Phaethon chết bằng một tiếng sét. Mẹ và chị gái của Phaethon đau buồn thương tiếc khóc cạn nước mắt. Những giọt nước mắt của họ khô cạn dưới ánh mặt trời và chúng biến thành hổ phách...

Từ xa xưa, con người đã phát hiện bản chất kỳ diệu ở hổ phách - thứ nhựa cây hóa thạch có độ tuổi hàng triệu năm nên là linh vật hội tụ những sinh khí của trời đất. Các sản phẩm đầu tiên của loại đá quý này được con người chế tác từ thời kỳ đồ đá mới. Một món đồ trang sức làm từ đá hổ phách còn có giá trị hơn một người nô lệ trẻ được đem bán ở thành Rome. Thời nước Nga cổ, hổ phách được phổ biến rộng rãi. Các nhà khoa học nói rằng, ngày nay không có thị trấn cổ nào của Nga lại không khai quật thấy hổ phách.

Được chế tác hoàn toàn từ hổ phách, vàng và đá quý, căn phòng Hổ phách là một kiệt tác nghệ thuật theo trường phái baroque được các nghệ nhân miệt mài chế tác trong 10 năm và hoàn thành vào năm 1711.

Ngày khánh thành, căn phòng được thắp sáng bởi 565 cây nến, ánh nến càng làm cho chất liệu hổ phách và vàng sáng bừng rực rỡ, phản chiếu lấp lánh trong những tấm gương trong suốt lồng trong những bộ khung vàng thếp lên nét chạm trổ hoa mỹ. Tiếng đồn về căn phòng Hổ phách đến tai Sa hoàng Peter Đại đế của đế quốc Nga khiến ông không thôi khao khát sở hữu căn phòng này để trang trí ở viện bảo tàng Kunstkamera của mình bằng mọi giá.

Năm 1716, nhằm thắt chặt mối giao kết đồng minh và chống lại Thụy Điển, Friedrich Wilhelm I (con trai Friedrich I) đã tặng căn phòng hổ phách cho Peter Đại đế. Năm 1717, người ta tháo rời căn phòng để vận chuyển tới kinh đô Saint Petersburg. Nhận được món quà vô giá này, Peter Đại đế đã đặt căn phòng tại Cung điện Catherine như món quà cho người vợ yêu quý của mình.

Vào năm 1755, Nữ hoàng Nga Elizabeth đã chuyển phòng hổ phách vào Cung điện Mùa Đông và sau đó lại chuyển về Cung điện Catherine (nay thuộc thành phố Puskin, ngoại ô Saint Petersburg). Căn phòng đã được trùng tu 5 lần, lần đầu tiên vào năm 1770 theo lệnh của Nữ hoàng Catherine, được mở rộng và trang trí thêm nhiều bảo vật khác, nó bao gồm 12 bức vách, 12 cột trụ, tiêu tốn 6 tấn hổ phách, vàng và đá quý có tổng trị giá khi ấy lên đến trên 500 triệu bảng.

Hoàn toàn mất dấu sau một trận bom thời Thế chiến

Tháng 6-1941, Đức tấn công Liên Xô. Những người có trách nhiệm quản lý căn phòng Hổ phách đã cố gắng tháo rời các tấm vách trong căn phòng để cất đi, nhằm tránh khỏi sự nhòm ngó của quân Đức. Qua năm tháng, hổ phách trở nên khô, giòn và dễ gãy. Khi tháo dỡ, một vài bức vách đã bị vỡ. Không muốn để cho bảo vật bị tổn hại, người ta đã che giấu toàn bộ căn phòng bằng cách… bọc giấy dán tường.

Hệ thống đường sắt thời Thế chiến thứ II nối vùng lãnh thổ Konigsberg do Đức kiểm soát đến khu hầm mỏ ở Saxony (Đức). Ảnh: Viện lưu trữ quốc gia Mỹ.

Tuy nhiên, mọi nỗ lực che giấu đều thất bại khi lính Đức tràn vào Cung điện Mùa hè với quyết tâm cướp lấy "bảo vật của Sa hoàng Nga". Vào ngày 14-10-1941, dưới sự chỉ huy của Rittmeister Graf Solms-Laubach, 27 kiện hàng chứa các bức vách căn phòng được tháo rời cùng các bảo vật trang trí được di chuyển về lâu đài Konigsberg. Việc tháo dỡ kéo dài 36 tiếng và được giám sát bởi 2 chuyên gia.

Tờ báo Koenigsberger Allgemeine Zeitung ra ngày 13-11-1941 từng đăng bài về việc trưng bày nhiều phần của căn phòng Hổ phách tại lâu đài. Trong đêm 26, rạng sáng 27-8-1944, lâu đài Konigsberg bị đánh bom tan tành. Khi Hồng quân Liên Xô chiếm thành phố Konigsberg vào tháng 4-1945, mọi dấu tích của căn phòng Hổ phách đã hoàn toàn biến mất.

Có rất nhiều giả thiết xuất hiện quanh số phận của căn phòng Hổ phách. Một giả thiết được chấp nhận rộng rãi là kho báu này đã bị pháo binh vô tình phá hủy khi Hồng quân Liên Xô đánh chiếm Konigsberg năm 1945. Nhưng cũng có ý kiến nói căn phòng đã được người Đức chuyển đi trước khi thất thủ ở Konigsberg. Năm 2003, một bộ phim tài liệu công chiếu ở Đức đặt nghi vấn xung quanh một nhân vật tên là Albert Popp, thiếu tướng - chỉ huy lữ đoàn bay của Đức Quốc xã trước Thế chiến thứ II.

Ông này là cháu của Martin Mutschmann, thủ hiến bang Saxony. Dựa trên tàng thư lưu trữ và lời kể của một số nhân chứng của sự kiện vây hãm Konigsberg, người ta ngờ rằng chính ông Albert Popp này là người đã di chuyển căn phòng Hổ phách theo lệnh của người chú đến một khu mỏ cũ và kho chứa dưới lòng đất ở thành phố Nordhausen.

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, các nhân viên an ninh quốc gia của Cộng hòa Dân chủ Đức cũng đã nỗ lực tìm kiếm căn phòng Hổ phách. Công cuộc tìm kiếm bí mật quốc gia này được ghi lại trong một tập hồ sơ dày 1.800 trang có tiêu đề "Hồ sơ Pushkin".

Có ít nhất là 100 nơi đã được khám xét hay khai quật, trong đó cũng có một phần của khu vực hầm "Chim én V". Cho tới ngày nay tổng thể kiến trúc rất rộng lớn này, theo lời của những người trong cuộc, vẫn còn có những nơi chưa được khai quật. Sau khi nước Đức thống nhất, nhiều người tìm kho tàng cũng như những công ty chuyên tìm báu vật đã đến vùng này tìm kiếm thế nhưng cho đến nay vẫn không có kết quả.

Tháng 3-2011, những người săn tìm kho báu phát hiện một hầm cát mà họ tin rằng, đang chứa đựng "kỳ quan thứ tám" đang mất tích. Chính kiến này thuộc về Matthias Gluba, một kiến trúc sư và là người đam mê sử học sau khi nghiên cứu những tài liệu thời chiến của thị trấn Auerswalde, gần thành phố Chemnitz của Đức. Auerswalde là nơi Hitler cho chế tạo hai khẩu pháo lớn nhất trong lịch sử - Dora và Gustav- hai con "quái vật khổng lồ" đặt trên đường ray xe lửa có khả năng thổi bay những đầu pháo nặng hàng tấn.

Khi tìm hiểu lịch sử của những khẩu thần công này, Gluba tình cờ phát hiện tài liệu về công trường bí mật dưới lòng đất. Sau đó Gluba tìm thấy thông tin chi tiết về việc vận chuyển bí mật từ thành phố Konigsberg (nay là Kaliningrad của Nga, trước Thế chiến là thành phố chính của Đông Phổ thuộc Đức).

Theo một tài liệu, 40 toa tàu từ Konigsberg đã tới Auerswalde "một cách bí mật nhất". "Tôi tìm thấy tài liệu nói rằng hàng trăm tù binh Liên Xô được chỉ đạo tháo dỡ những thùng hàng từ xe lửa và đưa tới một căn cứ dưới lòng đất ở trong rừng bên ngoài thị trấn. Tôi còn tìm thấy ghi chép về việc cử một phân đội S.S để bảo vệ hoạt động này", báo Anh Guardian dẫn lời ông Gluba.

Gunter Richter, một lão nông địa phương đã hơn 80 tuổi, sống ở Auerswalde, kể với Gluba rằng, ông nhớ ở rừng Muna ngoài thị trấn có một khu hầm khổng lồ được xây dựng với mục đích quân sự mà ông từng tới đó khi còn nhỏ. Ông lão nhớ căn hầm đó rất rộng, đủ để cho xe tải chạy bên trong. Ông lão và Gluba đã tìm thấy một đường thông khí dẫn tới một cấu trúc ngầm bí mật mà họ tin đó chính là căn hầm ngày xưa. Tuy nhiên, các thông tin khả quan hơn về căn phòng Hổ phách chỉ dừng lại ở đó.

Đến tháng 9-2015, những người săn kho báu tuyên bố tìm thấy đoàn tàu chở vàng của Đức Quốc xã, và có thể Căn phòng Hổ phách nằm trong đó. Bộ trưởng Văn hóa Ba Lan Piotr Zuchowski nói rằng, ông đã thấy hình ảnh radar thăm dò lòng đất về một đoàn tàu dài hơn 100m. 3 tháng sau đó, giới chức Ba Lan thông báo họ tìm thấy một đường hầm, nhưng không phải đoàn tàu chở vàng của Đức Quốc xã như thông tin dự đoán từ trước!

Tháng 10-2017, tờ Bild của Đức đưa tin: Ba cụ ông mê thám hiểm bao gồm nhà khoa học Gunter Eckard (67 tuổi), chuyên gia radar địa chất Peter Lohr (71 tuổi) và bác sĩ Leonhard Blume (73 tuổi) tuyên bố đã "phát hiện dấu tích căn phòng Hổ phách" tại một địa danh gọi là Hang động Hoàng tử nằm ở Đồi Hartenstein, tây nam thành phố Dresden (Đức), cách không xa biên giới Ba Lan. Theo một quan chức Cơ quan Địa chất bang Saxony (Đức), những tài liệu còn sót lại ghi nhận Hang động Hoàng tử được đào lần đầu tiên vào năm 1455.

"Chúng tôi không còn giấy tờ nào nhắc đến hoạt động khai mỏ hoặc cơ sở dưới lòng đất của Đệ tam Đế chế" - vị quan chức này cho biết. Ông Peter Lohr, một trong ba thợ săn kho báu, phát biểu với tờ Bild: "Mọi tài liệu, chứng cứ đã phá hủy vì nơi đó cất giấu căn phòng hổ phách và kho báu của Kaiser Wilhelm II, vị hoàng đế cuối cùng của Đế quốc Đức và Vương quốc Phổ".

Nhóm thợ săn bắt đầu thăm dò khu Đồi Hartenstein hồi tháng 9-2017 vì họ khẳng định đã phát hiện ra các hệ thống bẫy và công sự dưới lòng đất. "Khu địa đạo này nằm dưới một đường ray xe lửa, nơi mà tháng 4-1945 một đoàn tàu từ Konigsberg dừng lại.

Konigsberg, bây giờ là Kaliningrad thuộc Nga, trước kia là thủ phủ của Đông Phổ, nơi căn phòng Hổ phách từng được cất giấu" - ông Lohr giải thích. Và cũng như những lần trước, thông tin quanh việc lần theo dấu tích "kỳ quan thứ tám" lại bị chìm lấp. Căn phòng Hổ phách (nguyên bản) vô giá vẫn thuộc về một trong những kho báu bí ẩn nhất của hai thế kỷ.

Q.H. (tổng hợp)
.
.