Hậu quả của những dục vọng thấp hèn

Thứ Bảy, 28/04/2007, 11:30
Vì những dục vọng thấp hèn, Oleg Lyalin đã bị bắt buộc hợp tác với Cơ quan Tình báo Anh và về sau trở thành một công cụ tuyên truyền chống Liên Xô của người Anh...

Trong lịch sử của Cơ quan Tình báo đối ngoại Xôviết, có điệp viên đã phản bội Tổ quốc vì những tham vọng về nghề nghiệp và tiền bạc. Nhưng cũng có một số điệp viên đã bị sa bẫy tình ái của các cơ quan tình báo nước ngoài trước khi trở thành kẻ phản quốc. Trường hợp của điệp viên Oleg Lyalin là một điển hình trong số này.

Quá trình sa ngã và sập bẫy

Ngay từ khi còn ở Liên Xô, Oleg Adolfovich Lyalin đã được các đồng nghiệp xếp vào hạng “sát gái”. Những người thân quen còn nói rằng, anh chàng nhân viên tình báo có ngoại hình hấp dẫn và cách ăn mặc đỏm dáng này có một danh sách những người tình lên tới... hơn 300 cô.

Nhưng về mặt công tác, Lyalin chỉ được coi là một nhân viên ở hạng trung bình. Lyalin sinh ngày 24/6/1937. Sau khi tốt nghiệp Trường Hàng hải, Lyalin làm việc 3 năm trên những con tàu của Công ty Vận tải biển Odessa, nơi mà anh ta đã tận dụng thời gian để trau dồi được khả năng tiếng Anh khá tốt. Lọt vào mắt xanh của các nhân viên tuyển chọn của KGB, Lyalin được cử đi đào tạo tại một số khóa huấn luyện đặc biệt về tình báo.

Lyalin được cử tới làm việc tại Ban “B” trong Tổng cục I của KGB sau khi hoàn tất khóa học. Nhờ có kinh nghiệm đi biển  Lyalin được cử tới hoạt động tại London với nhiệm vụ tìm hiểu và lên kế hoạch tấn công các mục tiêu chiến lược trên biển của Anh trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Vỏ bọc cho việc hoạt động của Lyalin tại Anh chính là cương vị kỹ sư chính trong Cơ quan đại diện thương mại của Liên Xô.

Ngay từ thời điểm tới London, Lyalin đã rơi vào tầm ngắm của Cơ quan Phản gián Anh, cũng như chi nhánh tác chiến đặc biệt của Scotland-Yard. Theo truyền thống, phản gián Anh theo dõi rất kỹ tình hình trong nội bộ Đại sứ quán Liên Xô cũng như hoạt động của nhân viên tại đây.

Người Anh bắt đầu để ý tới những chuyện cãi cọ thường xuyên trong gia đình Lyalin. Bà vợ Tamara của anh ta đã không thể làm quen và tìm được tiếng nói chung với bạn bè và những người xung quanh. Để tránh khả năng gây bất hòa ảnh hưởng tới hoạt động của Lyalin cũng như những người khác, Tamara theo thỏa thuận được tạm thời triệu hồi về Moskva. Thế là Lyalin lâm vào tình cảnh của một anh chàng “độc thân”.

Tất nhiên với bản tính trăng hoa ngay từ thời còn ở nhà, Lyalin đã nhanh chóng tận dụng thời gian để cặp kè với rất nhiều cô gái khác. Tình báo Anh chỉ sau một thời gian ngắn theo dõi đã có trong tay địa chỉ tất cả những người tình của Lyalin. Vấn đề tiếp theo chỉ đơn thuần về mặt kỹ thuật.

Các cô tình nhân của Lyalin đã nhanh chóng được thuyết phục phải cộng tác với cơ quan tình báo. Thế là nhiều căn phòng của họ được bí mật trang bị những camera và máy ghi âm để ghi nhận lại mọi bằng chứng nhạy cảm nhất về hoạt động tình ái của Lyalin để có thể sử dụng đe dọa anh ta sau này. Công việc tiếp theo là chỉ chờ đợi thời điểm thuận lợi nhất.

Trong khi đó, hoạt động tình báo của Lyalin tại Anh được đánh giá là khá suôn sẻ. Lyalin tỏ ra là một điệp viên có khả năng điều hành tốt những nguồn tin được giao, hơn thế nữa còn biết khai thác thêm một số nguồn tin mới chỉ trong một thời gian ngắn. Kịch bản được người Anh nhanh chóng thúc đẩy, sau khi họ được biết Lyalin còn là một con sâu rượu.

Thời cơ đã tới vào ngày 30/8/1971, khi Lyalin đã nốc say bí tỉ tại một quán rượu trong thành phố. Lúc 3 giờ sáng, anh ta bị cảnh sát bắt giữ vì tội lái xe trong tình trạng say rượu và được áp giải về đồn.

Phản gián Anh đã dự tính từ trước – hoặc là Lyalin buộc phải chấm dứt sớm thời hạn phục vụ tại nước ngoài của mình khi KGB biết được về tất cả những chuyện không hay của anh ta (từ việc say rượu cho tới những chuyện tình ái), hoặc là nhân vật này phải đồng ý cộng tác với người Anh. Tại đồn cảnh sát, Lyalin đã yêu cầu họ phải gọi điện về sứ quán.

Viên đồn trưởng đã đích thân gọi điện, nhưng tại đó chỉ có một nhân viên trực vì khi đó đã là nửa đêm. Anh ta đã đề nghị người Anh chờ cho tới sáng hãy giải quyết. Đó chính là sai lầm nghiêm trọng đầu tiên khiến phía Liên Xô về sau đã phải trả giá đắt. Thế là các nhân viên phản gián Anh nhanh chóng vào cuộc. Sau một cuộc trò chuyện ngay trong đêm đó, Lyalin đã đồng ý cộng tác với MI-6 trong vòng 6 tháng.

Hồ sơ về vụ viên kỹ sư trưởng 34 tuổi Oleg Lyalin bị buộc tội lái xe trong tình trạng say rượu đã được xem xét tại tòa án khu vực ở Malboro Street chỉ sau có vài ngày. Tất nhiên, dưới sự tác động của phản gián Anh, mọi chuyện đã diễn ra nhanh chóng và êm đẹp. Lyalin được trả tự do sau một tuần để có thể tiếp tục hoàn thành phận sự của mình. Phiên tòa này cũng chỉ được báo chí Anh nhắc tới rất sơ sài trong phần tin vắn.

Đó có thể coi là một bước “thử phản ứng” từ phía ban lãnh đạo KGB. Không may cho người Anh là sau khi hỏi ý kiến của trung tâm, tình báo Xôviết đã quyết định triệu hồi Lyalin về Moskva. Đến nước này, Lyalin đã quyết định xin được cư trú chính trị tại Anh và chính thức tuyên bố sẽ không quay về Liên Xô. Dường như hắn đã hiểu rõ, sự nghiệp của mình cơ bản đã chấm hết với những sai lầm nghiêm trọng như vậy. Lyalin còn lôi kéo theo người tình của hắn là Irina Tepliakova, một nhân viên người Nga khác, cùng chạy trốn theo mình. 

Cần nói thêm là ban đầu, MI-6 dự định sử dụng Lyalin cho một chiến dịch lâu dài nhằm xâm nhập sâu vào bộ máy của tình báo Xôviết. Nhưng khi người Anh hiểu rằng, việc Lyalin bị triệu hồi về là không tránh khỏi, cũng đồng nghĩa với cơ hội được hoạt động tình báo của anh ta đã chấm hết, họ quyết định sử dụng Lyalin để tạo ra một vụ bê bối chính trị.

Những hậu quả nặng nề

Đầu tiên, tình báo Anh bắt đầu khẩn trương khai thác Lyalin tại một căn hộ bí mật ở số 27, Downtown, sau đó là một biệt thự ở số 24, Collinham Garden. Trong giai đoạn này, tham gia vào cuộc thẩm vấn những kẻ đào tẩu luôn có mặt chuyên gia  Edward Walles từ Bộ Quốc phòng Anh (khi đó MI-6 trên danh nghĩa chỉ là một bộ phận nằm trong Bộ Quốc phòng).

Những cuộc thẩm vấn diễn ra liên tục cả ngày lẫn đêm với một loạt ảnh của các điệp viên Xôviết được đưa ra để kiểm chứng. Kết quả là cựu nhân viên ban “B” của Tổng cục I KGB đã khai rất chi tiết về biên chế của chi nhánh KGB và Cơ quan Tình báo quân sự (GRU) tại London, cũng như các chiến dịch của KGB mà hắn được biết tại Anh.

Cụ thể là Lyalin đã trao cho người Anh nhiều kế hoạch tác chiến của phía Liên Xô tại London trong trường hợp có chiến tranh, kể về mạng lưới điệp viên hắn biết tại nước này cũng như nhiều quốc gia khác ở phương Tây. Oleg Lyalin cũng tiết lộ nhiều chi tiết mà hắn được biết về chiến dịch khai thác thông tin về loại máy bay siêu âm Concord (một chương trình hợp tác quan trọng giữa Anh và Pháp) đang được tình báo Xôviết ráo riết triển khai.

Sau khi hoàn tất mọi thủ tục, Lyalin theo như thông lệ được đưa về hạt Sussex, một khu vực có nhiều địa điểm bí mật của MI-6 chuyên để che giấu những kẻ đào tẩu. Tình báo Anh sử dụng nơi này để tiếp tục khai thác thông tin từ những kẻ này, đồng thời kiểm tra lại xem đó có thể là một âm mưu cài cắm điệp viên hai mang của đối phương hay không. Cả MI-5 và MI-6 đã không tiết lộ cho các đồng nghiệp từ CIA và FBI về những kết quả khai thác được từ Lyalin, một thực tế về sau đã khiến cho người Mỹ hết sức bất bình.

Chưa thể khẳng định hết số phần trăm sự thực mà Lyalin đã khai báo cho phía Anh, nhưng ít nhất chính báo giới của nước này đã bày tỏ nhiều nghi ngờ về một làn sóng thanh trừng và lục soát liên quan tới những lời khai này.

Tháng 10/1971, tờ The Guardian trong bài báo có nhan đề “Có thể sẽ có nhiều lời buộc tội hoạt động gián điệp tiếp sau vụ Lyalin” có đoạn viết: “Các cơ quan mật vụ Anh bắt đầu một chiến dịch kiểm tra toàn diện các công dân nằm trong danh sách từng tiếp xúc với mạng lưới tình báo Xôviết.

Cảnh sát đã lục soát rất nhiều nhà, mà theo như nhiều nguồn tin từ phía Cơ quan an ninh, có thể dẫn tới những vụ truy tố ra tòa sau đó trên cơ sở đạo luật bí mật quốc gia. Nếu điều này xảy ra, những tài liệu được kẻ đào tẩu Oleg Lyalin từ KGB cung cấp cần phải được kiểm tra độ chính xác thật nghiêm túc”.

Đúng như nhận xét của báo chí, chiến dịch quy mô mang tên “Mạng lưới” kéo dài suốt 48 giờ của mật vụ Anh chẳng đem lại một kết quả nào. MI-5 không thể tìm ra một công dân Anh nào để có thể buộc tội hoạt động gián điệp cho KGB.

Dù sao với sự phối hợp tham gia của MI-5, Bộ Ngoại giao và Bộ Nội vụ Anh, chiến dịch tuyên truyền chống Liên Xô được chính thức khơi mào vào ngày 24/9/1971 với quyết định trục xuất 105 nhà ngoại giao Xôviết (chiếm 20% trong tổng số 550 nhân viên đại diện ngoại giao của Liên Xô tại London) vì nghi ngờ hoạt động tình báo cho KGB và GRU.

Về phần mình, Liên Xô vào ngày 8/10/1971 đã ra lệnh trục xuất 18 nhà ngoại giao Anh (20% trong tổng số các nhân viên Đại sứ quán Anh tại Moskva). Vụ bê bối trục xuất một loạt các nhà ngoại giao Xôviết đã khiến cho quan hệ Moskva- London trở nên u ám suốt một thời gian dài, và chỉ có thể khôi phục lại sau đó vài năm.

Sau này, Oleg Lyalin bí mật dọn tới một thị trấn nhỏ của Anh, sống lặng lẽ và chui lủi vì lo sợ bị trừng phạt. Chính vì tâm lý lo sợ trên, Lyalin đã lâm vào cảnh nát rượu thực sự và chết vào năm 1994 (khi mới 57 tuổi) vì một khối u ác tính

Thái Quân (Tổng hợp)
.
.