Hệ thống Thư viện tổng thống Mỹ được xây dựng để làm gì?

Thứ Ba, 04/10/2011, 17:10

Hơn 70 năm sau khi hệ thống Thư viện tổng thống Mỹ do Cục Văn thư lưu trữ liên bang (NARA) quản lý ra đời, một câu hỏi bỗng dưng được đặt ra: “Các thư viện Tổng thống Mỹ được xây dựng để làm gì?”.

Sở dĩ người ta đặt câu hỏi này là bởi vừa qua, các ứng cử viên Tổng thống Mỹ 2012 thuộc đảng Cộng hòa đã tổ chức một cuộc tranh luận ngay tại Thư viện và Bảo tàng Tổng thống Ronald Reagan. Trong khi đó, tại Thư viện Tổng thống Richard Nixon ở Yorba Linda thuộc quận Cam, bang California, người ta cũng đang tổ chức một cuộc triển lãm về sự kiện Watergate để tưởng nhớ ông Nixon.

Thư viện tổng thống Mỹ được quản lý như thế nào?

Theo con số thống kê chính thức của NARA, hiện tại trên toàn nước Mỹ có 13 thư viện tổng thống do Văn phòng Quản lý thư viện tổng thống thuộc NARA quản lý. Các thư viện tổng thống nằm trong hệ thống này được tính từ Thư viện Tổng thống Herbert Hoover (Tổng thống thứ 31) trở về sau. Thư viện tổng thống là cách gọi chung thống nhất.

Song song đó, mỗi thư viện được đặt tên riêng, chẳng hạn như Thư viện và Bảo tàng Tổng thống Abraham Lincoln, Trung tâm Tổng thống Wlilliam J. Clinton và Công viên, Trung tâm Tổng thống George W. Bush, Thư viện và nơi sinh Tổng thống Richard Nixon,…

Trước khi hệ thống thư viện tổng thống ra đời, các tổng thống Mỹ và người thừa kế thường phân tán các giấy tờ, hồ sơ công việc của tổng thống đi cất giữ ở nhiều nơi khác nhau, sau khi vị tổng thống mãn nhiệm. Điều này là do quan niệm khi đó cho rằng tất cả các loại giấy tờ và hiện vật do tổng thống và bộ sậu thuộc cấp tạo ra trong thời gian đương chức thuộc quyền tài sản của vị tổng thống mãn nhiệm đó cho nên phải do chính ông ta quyết định.

Bên trong Thư viện Tổng thống Ronald Reagan.

Chính vì sự phân tán này mà một phần không nhỏ các giấy tờ, hồ sơ và các kỷ vật của tổng thống Mỹ đã bị thất lạc hoặc bị tiêu hủy, chỉ có một số được thu hồi trưng bày tại Khu Di cảo trong Thư viện Quốc hội Mỹ, số khác nằm trong tay các thư viện tư nhân, các hội nghiên cứu lịch sử và các nhà sưu tầm cá nhân.

Thời gian trước Tổng thống Hoover cũng có ít nhất 6 vị tổng thống - gồm: Tổng thống thứ 6 John Quincy Adams, Tổng thống thứ 16 Abraham Lincoln, Tổng thống thứ 19 Rutherford Hayes, Tổng thống thứ 25 William McKinley, Tổng thống thứ 28 Woodrow Wilson và Tổng thống thứ 30 Calvin Coolidge xây dựng thư viện và nhà bảo tàng để lưu giữ giấy tờ, hồ sơ công việc và các hiện vật, kỷ vật của tổng thống. Các thư viện này chủ yếu được quản lý và điều hành bởi chính quyền địa phương, tiểu bang hoặc Cục Quản lý Công viên Quốc gia (NPS) và Hiệp hội Bảo tồn Lịch sử miền Tây (WRHS).

Năm 1939, hệ thống Thư viện tổng thống Mỹ bắt đầu được hình thành sau khi Tổng thống Franklin Delano Roosevelt quyết định hiến tặng các giấy tờ, hồ sơ cá nhân và tổng thống của mình cho chính quyền liên bang. Roosevelt cho rằng, các giấy tờ, hồ sơ tổng thống là một phần quan trọng trong di sản quốc gia, cho nên chúng phải được công khai cho công chúng tiếp cận.

Song song đó, ông Roosevelt cũng hứa hiến một phần đất đai riêng ở khu Hyde Park, New York cho chính quyền Mỹ, và bạn bè người thân của ông hình thành một tổ hợp phi lợi nhuận nhằm vận động gây quỹ xây dựng thư viện và nhà bảo tàng.

Thư viện Tổng thống Bill Clinton.

Năm 1955, đánh dấu một sự kiện được xem là cột mốc bùng nổ sự ra đời các thư viện tổng thống Mỹ sau này: Luật Thư viện tổng thống Mỹ 1955 xác định một cơ chế trong đó tư nhân đứng ra xây các thư viện, sau đó chuyển giao cho nhà nước (NARA) quản lý, điều hành.

Sau đạo luật này còn có vài đạo luật nữa, như Luật Hồ sơ tổng thống ban hành năm 1978 quy định các hồ sơ ghi chép quá trình thực thi nhiệm hiến định, pháp định và nghi thức của tổng thống là tài sản của Chính phủ Mỹ.

Vì vậy, sau khi tổng thống rời nhiệm, Cục trưởng Cục Văn thư lưu trữ (người đứng đầu NARA) sẽ tiếp quản các hồ sơ đó và chịu trách nhiệm quản lý chúng cho đến khi thư viện và bảo tàng tổng thống được xây dựng xong, và các hồ sơ sẽ tiếp tục được lưu trữ tại Thư viện tổng thống.

Năm 1986, Luật Thư viện tổng thống 1986 được Quốc hội Mỹ thông qua, tiếp tục bổ sung thêm những thay đổi, chủ yếu là về phạm vi, quy mô xây dựng các hạng mục riêng tư của tổng thống trong khuôn viên thư viện nhằm khống chế chi phí quản lý, điều hành.

Như vậy, việc xây dựng, quản lý, điều hành các thư viện và bảo tàng tổng thống Mỹ đều phải tuân thủ theo luật và hoạt động trong khuôn khổ quản lý của NARA. Tháng 11/2004, Trung tâm Tổng thống William J. Clinton và Công viên đã trở thành Thư viện Tổng thống thứ 11 trong hệ thống thư viện tổng thống Mỹ. Còn Trung tâm Tổng thống George W. Bush - thư viện tổng thống thứ 13 thì mới khởi công xây dựng từ ngày 16/11/2010.

Một trường hợp cá biệt là Thư viện và Bảo tàng Tổng thống Richard Nixon mặc dù được xây dựng xong và đi vào hoạt động hơn 20 năm, sau khi các luật chi phối Thư viện tổng thống ra đời, nhưng lại do một tổ chức tư nhân quản lý và mãi cho đến tháng 7/2007, tổ chức này mới chính thức chuyển giao quyền quản lý về cho NARA, trở thành Thư viện Tổng thống thứ 12 trong hệ thống.

1001 chuyện về Thư viện tổng thống Mỹ

Triển lãm về vụ Watergate tại Thư viện Tổng thống Richard Nixon.

Theo NARA, 13 thư viện tổng thống Mỹ trong hệ thống do NARA quản lý hiện lưu giữ tổng cộng 400 triệu trang tư liệu bản giấy, gần 10 triệu tấm ảnh chụp, hơn 5.000km phim ảnh động, gần 100.000 giờ băng, đĩa ghi âm và ghi hình, cộng với xấp xỉ nửa triệu hiện vật bảo tàng.

Nếu tính luôn các thư viện trước thời Tổng thống Hoover và các tư liệu lưu trữ trong Thư viện Quốc hội Mỹ, thì chắc chắn kho tư liệu các đời tổng thống Mỹ vô cùng phong phú, dồi dào. Trong đó, kho tài liệu lưu trữ Thư viện Tổng thống Bill Clinton được xem là lớn nhất, chứa đến 80 triệu trang tài liệu, 21 triệu e-mail và 79.000 hiện vật của Tổng thống.

Các thư viện tổng thống Mỹ sau này thường được xây dựng ở quê nhà của vị tổng thống. Hầu hết đều tọa lạc trong khuôn viên rộng từ vài hécta cho đến hàng chục hécta, xung quanh có trồng nhiều cây xanh, thậm chí có cả công viên sinh thái với sông nước, ao hồ, rừng cây, như Thư viện Tổng thống Bill Clinton.

Về chi phí xây dựng, tùy theo thời giá, dao động khác nhau. Có thư viện được xây dựng với chi phí khá khiêm tốn, như Thư viện Tổng thống John F. Kennedy  (20 triệu USD), Thư viện Tổng thống Richard Nixon (25 triệu USD),Thư viện Tổng thống Harry S. Truman (1,7 triệu USD thời giá năm 1957). Kỷ lục về chi phí xây dựng tính đến thời điểm hiện nay, có lẽ là thư viện tổng thống Bill Clinton, tiêu tốn đến 165 triệu USD, do 112.000 người đóng góp ủng hộ.

Điều đáng quan tâm là việc xây dựng các thư viện tổng thống Mỹ cũng có tác động không nhỏ đến đời sống kinh tế - xã hội tại địa phương.

Xin đơn cử, việc xây dựng Thư viện Tổng thống Bill Clinton tại thành phố Little Rock đã tạo nên một làn sóng đầu tư phát triển khu vực xung quanh, với hàng loạt cửa hàng, nhà hàng, chợ, các dự án đầu tư mới trị giá hàng tỉ USD phục vụ nhu cầu của du khách đến tham quan thư viện.

Tính đến nay, Thư viện Tổng thống Bill Clinton vẫn giữ kỷ lục về lượng du khách tham quan, hơn 1,65 triệu người kể từ khi khánh thành (năm đầu tiên 2004 là 500.000 người, năm 2008 là 273.108 người và 302.583 người trong năm 2009).

Mỗi thư viện là một bảo tàng phong phú về vị tổng thống Mỹ chủ nhân của nó, mỗi thư viện cũng có những nét đặc thù riêng và được xây dựng để trưng bày những thành tựu của vị tổng thống chủ nhân. Trên tầng thượng của Thư viện Tổng thống Lyndon Baines Johnson được thiết kế giống hệt như Phòng Bầu dục của Nhà Trắng thời ông Johnson làm Tổng thống, hơi nhỏ hơn chút xíu (tỉ lệ 7/8).

Tương tự, Thư viện Tổng thống George H.W. Bush (Bush-cha) sau khi tu sửa và khai trương trở lại vào tháng 11/2007 đã thiết kế khu trưng bày chính giống hệ như Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng.

Thư viện Tổng thống John Kennedy.

Thư viện Tổng thống Ronald Reagan được xem là nơi "tôn nghiêm" nhất trong các thư viện tổng thống thuộc đảng Cộng hòa. Chả thế mà vào những kỳ bầu cử tổng thống Mỹ, các ứng cử viên thường chọn nơi đây làm diễn đàn tranh luận vòng sơ bộ, như cuộc tranh luận sơ bộ ngày 7/9 vừa qua.

Tuy nhiên, bên cạnh các thành tựu, mỗi tổng thống Mỹ lại kèm theo những vấn đề, sự kiện gây dư luận ầm ĩ khi còn đương chức, cho nên việc trưng bày các sự kiện này cũng tạo được sự quan tâm đặc biệt.

Đến tham quan Thư viện Tổng thống Ronald Reagan, mọi người chắc chắn không thể bỏ qua những chi tiết triển lãm liên quan đến vụ Iran-Contra. Đây là vụ bê bối điển hình xảy ra trong thời gian ông Reagan làm Tổng thống Mỹ. Những câu chuyện được kể bằng hình ảnh, hiện vật, băng ghi âm và cả nội dung các giấy tờ, hồ sơ liên quan.

Ở phía khác, Thư viện Tổng thống Nixon thì gây chú ý bởi khu trưng bày ấn tượng về vụ tai tiếng Watergate; đặc biệt, cuộc triển lãm Watergate mở cửa từ ngày 31/3/2011 đã gây tranh cãi dữ dội. Thư viện Tổng thống Bill Clinton có rất nhiều thứ thu hút sự quan tâm của khách tham quan, ngoài các vật phẩm quà tặng độc đáo còn có những hồ sơ, hiện vật liên quan vụ bê bối tình dục Monica Lewinsky đình đám một thời,…

Hậu trường việc quản lý và tổ chức triển lãm tại các thư viện tổng thống cũng lắm chuyện đau đầu. Chủ yếu, những chuyện gay cấn phát sinh do những vấn đề liên quan đến vị tổng thống chủ nhân thư viện, và cả những vấn đề giằng co hậu trường xuất phát từ chuyện quyên góp tài chính.

Từng trải qua kinh nghiệm quản lý các thư viện tổng thống Mỹ, Larry Hackman, Giám đốc Thư viện và Bảo tàng Tổng thống Harry S.Truman giai đoạn 1995-2000, cho biết các giám đốc thư viện luôn phải đối phó với áp lực từ nhiều phía. Chẳng hạn, những người thân và người ủng hộ ông Nixon không muốn những tai tiếng của ông tiếp tục được phơi bày trước công chúng, vì thế họ phản đối việc trưng bày hồ sơ và hiện vật về vụ tai tiếng Watergate, trong khi các nhà nghiên cứu và khách tham quan thì yêu cầu ngược lại.

Bản thân ông Hackman cũng từng bị áp lực từ khách tham quan đối với những vấn đề của ông Truman. Nhưng Hackman cho rằng, áp lực từ các tổ chức, cá nhân tài trợ cho thư viện mới là điều đáng nói nhất. "Họ cho rằng họ có quyền quyết định do những khoản kinh phí họ mang đến".

Nói chung, các giám đốc thư viện tổng thống Mỹ đều ít nhiều cảm nhận được một "sợi dây" vô hình thòng đằng sau các khoản tiền tài trợ của các tổ chức tư nhân, và nhiều khi chính họ là những kẻ quyết định thư viện "được" trưng bày cái này hoặc "không được" trưng bày cái kia

An Tôn - Tiểu Khang (tổng hợp)
.
.