Hệ thống an ninh Trung Quốc hoạt động ra sao?

Thứ Năm, 17/11/2005, 08:30
Hệ thống an ninh của nước CHND Trung Hoa bao gồm hai bộ phận chính là Tình báo quân đội và Bộ An ninh quốc gia. Tình báo quân đội có Tổng cục 2 (mạng lưới điệp viên và bộ máy điều hành các cơ sở tình báo) và Tổng cục 3 (tình báo điện tử).

Cơ cấu tổ chức

Bộ An ninh quốc gia nước CHND Trung Hoa trực thuộc Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, bao gồm các cơ quan sau:

-Tổng cục 1 (hoạt động tình báo nội địa).

-Tổng cục 2 (hoạt động tình báo ở hải ngoại).

-Tổng cục 3 (hoạt động ở Hồng Công, Ma Cao và Đài Loan).

-Tổng cục 4 (Tổng cục kỹ thuật).

-Tổng cục 5 (phối hợp hoạt động của các cơ quan địa phương của Bộ An ninh quốc gia).

-Tổng cục 6 (Phản gián).

-Tổng cục 7 (xử lý và phân tích các thông tin tình báo đã thu thập được).

-Tổng cục 8 (tức Viện Quan hệ quốc tế hiện đại, chuyên về công tác nghiên cứu).

-Tổng cục 9 (an ninh nội bộ và phối hợp hoạt động của những cục đặc biệt trong quân đội).

-Tổng cục 10 (thu thập thông tin khoa học kỹ thuật).

-Tổng cục 11 (tình báo điện tử và an ninh mạng).

-Tổng cục Ngoại vụ (duy trì các mối quan hệ chính thức với các cơ quan an ninh nước ngoài).

-Tân Hoa Xã.

 Bộ trưởng Bộ An ninh quốc gia Trung Quốc từ năm 1998 tới nay là đồng chí Hứa Vĩnh Dược. Đồng chí sinh năm 1942 tại huyện Zhenping, tỉnh Henan. Năm 1997, đồng chí được bầu làm Ủy viên dự khuyết Đảng Cộng sản Trung Quốc và năm 2002, đồng chí được bầu làm Ủy viên chính thức Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc... Tháng 3/2005, từ ngày 20 tới ngày 23, đồng chí Hứa Vĩnh Dược đã sang thăm Việt Nam và làm việc với Bộ Công an nước ta.

Nhảy vọt kỹ thuật

Trung Quốc hiện nay đặc biệt quan tâm tới việc áp dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật hiện đại nhất vào ngành Tình báo. Lãnh đạo quốc phòng và an ninh Trung Quốc đã không chỉ một lần thừa nhận rằng về các phương tiện vũ khí thông thường thì rất khó có thể đuổi kịp và vượt được Mỹ. Vì thế, cần biết cách đi tắt để vươn lên bằng những đầu tư thỏa đáng vào công nghệ thông tin. Cũng bởi vậy nên hiện nay ở Trung Quốc, tác chiến điện tử đang trở thành một trong những lĩnh vực có những biến đổi khả quan nhất.

Tháng 5/1999, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc và Bộ trưởng Quốc phòng Cuba đã cùng nhau ký hiệp định về việc lập ra trên "hòn đảo Tự do" một trung tâm bắt sóng radio và theo dõi các vệ tinh của Mỹ (Trước đó ở Cuba chỉ có một trung tâm với tính năng tương tự do Liên Xô cũ xây dựng và điều hành)...

Cũng từ năm 1999, Trung Quốc đã cho phóng 4 vệ tinh chụp ảnh và hai vệ tinh bắt sóng radio ở châu  Á. Theo một số nguồn tin tình báo, từ năm 1994 Trung Quốc đã thuê của Myanmar ba hòn đảo để triển khai trên đó các trung  tâm do thám điện từ (địa bàn hoạt động của các Trung tâm này bao phủ Ấn Độ Dương, vịnh Bengal và eo biển Malacca). Theo thông tin của các cơ quan tình báo Mỹ, từ năm 1995, tất cả những trung tâm bắt sóng radio của Trung Quốc ở châu Á đều đã được hiện đại hóa theo những tiêu chuẩn cao nhất (một trong những trung tâm này được đặt trên đảo Hải Nam)...

Kế hoạch dài lâu

Một cựu quan chức tình báo Mỹ đã có lần phải thốt lên đầy khâm phục, đại ý rằng, người Hoa là một dân tộc có nền văn minh cổ kính và họ biết cách lập kế hoạch hành động rất nhìn xa trông rộng. Các điệp viên Trung Quốc đã khai thác được không ít thông tin mật ở ngay cả những cường quốc có ngành An ninh hoạt động ở mức độ siêu hạng. Các nguồn tin phương Tây cho rằng, tình báo Trung Quốc hiện đã thiết lập được quyền kiểm soát thông tin đối với không ít ngân hàng lớn ở các quốc gia - con rồng châu Á.

Đồng thời với việc đầu tư vào công nghệ, Trung Quốc vẫn như trước đây đặt nhiều niềm hy vọng vào hoạt động của các mạng lưới điệp viên. Các cộng đồng đông đảo Hoa kiều ở nhiều quốc gia đã tạo những điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng các mạng lưới điệp viên ở hải ngoại. Nhờ thế mà ngành Tình báo Trung Quốc được giới chuyên môn quốc tế đánh giá là lực lượng mạnh vào hàng thứ ba trên thế giới

M.H (Tổng hợp theo tư liệu nước ngoài)
.
.