Hệ thống đường hầm bí mật của chính quyền Đài Loan

Thứ Hai, 16/11/2009, 12:50
Vào đầu tháng 10/2009, Tối cao Pháp viện Đài Loan đã mở phiên tòa chung thẩm xét xử cựu lãnh đạo chính quyền Trần Thủy Biển - nguyên Chủ tịch đảng Dân tiến về tội tham nhũng và rửa tiền.

Tại tòa, để bào chữa cho tội trạng sử dụng những khoản tài chính bất minh, ông Trần Thủy Biển đã bất ngờ tiết lộ một bí  mật xưa nay rất ít người biết đến, đó là trong khu quân sự đặc biệt “Đại Trực yếu cơ khu” ở Đài Bắc (thủ phủ của Đài Loan), là nơi ở của giới lãnh đạo Đài Loan hiện nay, có những hệ thống đường hầm  thuộc loại “bí mật quốc gia”.

Theo ông Trần Thủy Biển thì hệ thống đường hầm bí mật này bắt đầu  được xây dựng từ thời Tưởng Giới Thạch còn lãnh đạo Đài Loan từ năm 1949 đến 1975 với tên gọi “kế hoạch Vạn Quân” nhằm bảo vệ sự an toàn cho Tưởng Giới Thạch khi có những tình huống nguy hiểm bất ngờ xảy ra. Sau đó các thế hệ lãnh đạo Đài Loan tiếp tục củng cố, duy trì và mở rộng  hệ thống đường hầm bí mật này.

Trong suốt thời gian 8 năm Trần Thủy Biển làm “tổng thống” đã phải chi ra những khoản tiền không nhỏ để duy tu bảo dưỡng hệ thống đường hầm, mà trong đó có những “đường thang trượt” dài nhất thế giới, nhưng do nguyên tắc bí mật, nên những khoản tiền này không được thể hiện trên sổ sách. Lời khai bất ngờ của Trần Thủy Biển tại tòa đã khiến dân Đài Loan sửng sốt, còn giới chức Đài Loan thì bối rối. Và tòa án phải ra lệnh điều tra thực hư về hệ thống đường hầm bí mật mà ông Trần Thủy Biển đã khai.

Sau những cố gắng tìm hiểu, tờ Thời báo tuần san cho biết: Khu “quân sự đặc biệt” Đại Trực bao gồm  diện tích khá lớn: phía tây bắt đầu từ mặt sau công viên Viên Sơn, chạy theo  hướng  đông, đi qua Kiếm Đàm Sơn, Kê Long Sơn tới Phúc Sơn. Đây là nơi đặt các cơ quan đầu não và cũng là nơi trú ngụ  của giới lãnh đạo cao cấp của chính quyền  Đài Loan trước đây cũng như hiện nay. Dưới lòng đất của khu này  có tới ít nhất 3 hệ thống đường hầm “tuyệt mật” được sử dụng cho những mục đích khác nhau.

Hệ thống “đường hầm số 1”  có tên “đường hầm thoát hiểm” được xây dựng tại khu công viên Viên Sơn, bắt đầu từ  khách sạn (KS) Viên Sơn.

Cửa thoát hiểm phía Tây.

KS Viên Sơn được khởi công xây dựng vào năm 1952  bao gồm  ngôi lầu chính có tên Kim Long dinh và  hệ thống “hầm thoát hiểm bí mật”. Toàn bộ công trình được hoàn thành sau 3 năm xây dựng. Đến năm 1970 thì người ta xây thêm trong khuôn viên khách sạn  một tòa nhà 14 tầng, đồng thời nâng cấp và hiện đại hóa hệ thống “hầm thoát hiểm” nói trên. Toàn bộ công trình được hoàn thành vào năm 1973.

Những tài liệu lưu trữ cho thấy khi  KS Viên Sơn được khởi công xây dựng,  chính quyền Đài Loan lúc đó tuyên bố đây là KS quốc tế chuyên dùng làm nơi  đón tiếp và lưu trú của những chính  khách nước ngoài khi tới Đài Loan. Vì vậy người bản xứ tuyệt đối không được bén mảng tới. Nhưng sau khi xây dựng xong  thì trên thực tế không hoàn toàn như vậy.

Tại đây không những có nhiều tòa lầu được dùng làm nơi ở của các nhân vật chóp bu của Đài Loan, mà còn có nhiều khu vực được khoanh thành những địa điểm với những cái tên rất mơ hồ, như “Khu chiêu đãi sở tư nhân”, mà xung quanh lại được bố trí dày đặc quân cảnh vũ trang đến tận răng canh gác ngày đêm. Tất cả những điều trên khiến KS Viên Sơn nhuốm nặng một màu thần bí.

Trong đường hầm.

Theo một kỹ sư (giấu tên) đã tham gia xây dựng KS, thì “đường hầm thoát hiểm” trong  KS Viên Sơn gồm hai đường hầm bí mật, một theo hướng đông, một theo hướng tây với mục đích bảo vệ sự an toàn của Tưởng Giới Thạch. Sở dĩ như vậy vì Tưởng phải thường xuyên  đến đây dự các buổi đón tiếp hoặc tiệc tùng chiêu đãi khách nước ngoài, nếu khi đó  xảy ra sự cố, thí dụ như bị không kích hoặc ám sát, thì Tưởng sẽ nhanh chóng thoát xuống “hầm thoát hiểm” qua những cửa bí mật được bố trí ngay tại các phòng. Khi xuống hầm, tùy theo tình hình cụ thể Tưởng sẽ thoát ra theo hầm phía đông hoặc phía tây, mà ở mỗi cửa lên đã được  bố trí sẵn một xe đặc chủng .

Theo Trì Hán Càn, Tổng giám đốc KS Viên Sơn hiện nay, thì hai đường hầm này bắt đầu từ phần ngầm của căn lầu số 2. Ngoài mục đích chính dùng làm đường thoát hiểm cho Tưởng, nó còn được dùng làm đường thoát hiểm cho các chính khách cao cấp cả của Đài Loan cũng như của khách nước ngoài. Khi đã xuống hầm khách sẽ nhanh chóng theo đường hầm tới cửa thoát hoặc ẩn trong những căn hầm bên trong với đầy đủ tiện nghi, thời gian có thể kéo dài tới hàng tháng.

Dựa vào lời khai của Trần Thủy Biển trước tòa, một số phóng viên đã tìm cách đột nhập vào hệ thống đường hầm bí mật của KS Viên Sơn. Họ phát hiện ra rằng, hai đường hầm đều bắt đầu từ KS Viên Sơn, nhưng theo hai hướng ngược nhau. Một chạy về hướng đông, kéo dài tới tận công viên Bắc An với chiều dài lên tới 780 mét có 86 bậc thang để đi lên. Dọc theo đường này có hệ thống chiếu sáng gồm 45 đèn cao áp.

Còn đường hầm chạy theo hướng tây tới công viên Kiếm Đàm với chiều dài hơn 800 mét, có 75 bậc thang để đi lên. Chiều rộng của đường hầm là hơn 3 mét, cao 1,2 mét, được cấu tạo theo hình ống theo chiều dốc xuống để người có thể trượt đi như trượt trên một máng nghiêng. Chiều rộng của hầm đủ để cho 2 hoặc 3 người cùng trượt một cách dễ dàng trong trường hợp cần thoát hiểm nhanh cho số lượng lớn. Do “hầm máng trượt” dài như vậy nên các phóng viên đã nói đùa rằng “đây là máng trượt bằng ximăng dài nhất thế giới!”.

Tại mỗi đường hầm còn có những căn phòng rộng với đầy đủ tiện nghi nằm sâu trong lòng đất để đề phòng trường hợp phải lưu lại hầm dài ngày. Nếu căn cứ vào tiêu chuẩn thiết kế của các đường hầm phòng tránh khi bị không kích thì đường hầm ở khu Viên Sơn có thể đủ chỗ cho khoảng 13.000 người lánh nạn. Cửa ra của mỗi đường hầm hiện nay được đóng kín bằng cửa sắt đóng mở tự động, rất dày. Trước cửa hầm còn được chắn bởi một bức tường đá cao 5 mét, dày 3 mét. Người đứng bên ngoài không thể biết được đây lại là cửa hầm bí mật. 

Ngoài ra các phóng viên còn biết được rằng, tại tầng thứ 12 của tòa nhà chính có một căn phòng được bố trí đặc biệt gọi là “Phòng Tổng thống”. Ngoài việc nội thất của căn phòng được trang hoàng kỳ khu, thì ngay cạnh cửa ra vào về phía tay phải của căn phòng là hệ thống  thang điện đặc biệt có thể đi thẳng xuống cửa hầm thoát hiểm bí mật nằm dưới sàn tầng trệt ngôi nhà. Hiện nay cửa xuống đường hầm từ “Phòng Tổng thống”  thường bị đóng kín bằng cửa sắt nên rất hiếm người được vào đường hầm.  

Các phóng viên còn phát hiện ra một hệ thống đường hầm bí mật thứ 2 trong “khu quân sự đặc biệt” Đại Trực,  được gọi là hệ thống đường hầm “nhất nhất linh” (110). Hệ thống đường hầm này chạy từ Kiếm Đàm Sơn đến Phúc Sơn,  thông tới khu doanh trại của lực lượng hiến binh và lực lượng tăng thiết giáp. Toàn bộ đường hầm được chia làm nhiều khu với những chức năng khác nhau. Thí dụ có khu dự trữ lương thảo, khu dầu khí, khu đạn dược, khu trú quân v.v...

Đặc biệt các phóng viên còn phát hiện ra “Tam quân thống soái chiến thời Ban công thất” (Văn phòng chỉ huy tối cao hải lục không quân khi chiến tranh xảy ra), Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng, Văn phòng Bộ Tổng tham mưu thời chiến v.v... Tất cả những văn phòng này đều ở trong những hầm ngầm cách mặt đất từ 3 đến 4 mét, được thông với nhau bằng hệ thống đường hầm rộng đủ cho 2 làn xe.   

Cũng theo lời khai của Trần Thủy Biển thì “Phủ Tổng thống” và Bộ Quốc phòng của Đài Loan hiện nay cũng được nối liền bởi một hệ thống đường hầm bí mật, được gọi là đường hầm số 3. Đi ngầm qua Bác Ái đại lầu, hệ thống đường ngầm số 3  có hình chữ H, một nhánh dùng để thông gió, một nhánh dùng cho đi lại. Chỉ có các quan chức của Phủ Tổng thống mới được phép dùng đường hầm để đi tới Bộ Quốc phòng, ngược lại những người của Bộ Quốc phòng tuyệt đối không được sử dụng đường hầm để sang Phủ Tổng thống.   

Theo khẳng định của giới lãnh đạo quân sự, thì 3 hệ thống đường hầm nói trên không hề có mối liên hệ nào. Thí dụ hệ thống 110 chỉ phục vụ cho việc bảo đảm an ninh khu vực, nhất là sự an toàn tuyệt đối của ban lãnh đạo cấp cao, còn đường hầm số 3 chỉ nhằm bảo đảm sự di chuyển giữa Bộ Quốc phòng và Phủ Tổng thống trong trường hợp khẩn cấp, không có bất cứ sự liên hệ nào với hệ thống đường hầm thoát hiểm nằm trong KS Viên Sơn. Tuy nhiên điều khẳng định này không thuyết phục, và dư luận đòi hỏi phải có kết luận từ một cuộc điều tra độc lập cả về quy mô lẫn mục đích thực sự của hệ thống đường hầm bí mật này.

Dư luận cũng cho rằng một trong những nguyên nhân khiến  hệ thống đường hầm nói trên nằm trong vòng bí mật suốt từ thập niên 50 của thế kỷ XX cho tới nay là do “Bộ Quốc phòng” Đài Loan đã đặt toàn bộ khu vực Đại Trực, trong đó có KS Viên Sơn, thuộc khu “quân sự đặc biệt”. Trong khu “quân sự đặc biệt” này, ngoài những tư dinh của các tướng lĩnh chóp bu ra còn có trụ sở “Bộ Quốc phòng” Đài Loan, Tổng hành dinh Hải quân, Tổng hành dinh Không quân và rất nhiều trụ sở cấp cao khác

Nguyễn Tiến Cử (theo báo chí nước ngoài)
.
.