Hệ thống giám sát quang điện vũ trụ "Windows" của Nga

Thứ Tư, 24/10/2007, 10:20
Hệ thống giám sát quang điện vũ trụ "Windows" được xây dựng năm 1979, lúc đó công trình này có số hiệu là 7680. Người chịu trách nhiệm chính trong việc xây dựng công trình bí mật này là 2 tổng công trình sư Chernov và Kolinko.

Quá trình xây dựng

Hệ thống này được xây dựng ngay cạnh thành phố Nurek của Tajikistan và chỉ cách con đập nổi tiếng của Nurek có 16km, nên nó còn được mọi người gọi bằng một cái tên khác là Hệ thống điện quang vũ trụ Nurek.

Không phải ngẫu nhiên mà Chính phủ Liên Xô chọn xây dựng hệ thống hết sức quan trọng này tại cao nguyên Pamir, thành phố Nurek của Tajikistan, tất cả đều được quyết định qua hai yếu tố vị trí địa lý đặc biệt và điều kiện khí hậu ở khu vực này.

Ở độ cao trên 2.200m so với mực nước biển, khí hậu trên cao nguyên Pamir hết sức lý tưởng, do được dãy núi cao bao bọc, có độ sáng rất cao nên rất thuận lợi cho các hoạt động quan sát, thăm dò vũ trụ về đêm. Đây là nơi duy nhất tại Liên Xô có điều kiện khí hậu lý tưởng như vậy.

Ở độ cao này, bất kỳ con tàu vũ trụ nào bay ở quỹ đạo trên 2.000 km và được phóng đi từ bất kỳ một bãi phóng nào trên thế giới cũng không thể lọt qua được tầm quan sát của hệ thống này.

Năm 1986, hệ thống giám sát này được xây dựng xong và bắt đầu đưa vào sử dụng. Thế nhưng do các quốc gia phương Tây, đứng đầu là Mỹ ra sức phản đối, hơn nữa do nhiều nguyên nhân khác như thiếu hụt về kinh phí và tình hình chính trị của Liên Xô có nhiều biến động, nên việc xây dựng hệ thống này gặp phải rất nhiều khó khăn.

Phải đến tận năm 1991, các chuyên gia trong Nhà máy chế tạo cơ khí Charles Nuogeer mới bắt đầu tiến hành lắp đặt các trang thiết bị chuyên dùng cho nó. Không lâu sau đó, tình hình chính trị nội bộ Liên Xô và quốc tế có sự thay đổi mạnh nên từ năm 1992 đến năm 1996, Hệ thống "Windows" bị ngừng xây dựng, và liên tục bị các phần tử khủng bố quốc tế và bọn tội phạm địa phương tấn công, phá hoại, điều này đã buộc Bộ Quốc phòng Nga phải nhiều lần nhờ Chính phủ Tajikistan tăng cường các biện pháp bảo vệ quân sự cho hệ thống này.

Tháng 4/1999, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergeizev đến thị sát việc xây dựng công trình này. Ngày 19/11/1999, hệ thống giám sát quang điện này được đưa vào vận hành thử nghiệm, sau đó chính thức được đưa vào biên chế hệ thống giám sát vũ trụ của Nga. Lực lượng Hàng không vũ trụ mới được thành lập do quân đội Nga trực tiếp quản lý.

Tháng 1/2002, hệ thống giám sát này đã được Ủy ban An ninh quốc gia Nga - nghiệm thu. Sau một thời gian dài nghiên cứu tình hình chính trị của Tajikistan và phản ứng của cộng đồng quốc tế, đến cuối năm 2003, đầu năm 2004, Bộ trưởng Quốc phòng Nga ra lệnh cho hệ thống giám sát vũ trụ này chính thức bước vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu.

Tháng 10/2004, Tổng thống Putin và Tổng thống Tajikistan - Rakhmonov ký một hiệp định có ý nghĩa chiến lược vô cùng quan trọng đối với nước Nga. Theo đó, phía Tajikistan đồng ý chuyển giao hệ thống giám sát quang điện vũ trụ này cho phía Nga.

Không những vậy, họ còn cho phép Nga thuê khu đất mà hệ thống này đứng chân trong 49 năm với giá tượng trưng là 30 USD/năm. Đổi lại, Nga đồng ý xóa tất cả các khoản nợ của Tajikistan với Nga, đồng thời đồng ý giao quyền kiểm soát và quản lý khu vực biên giới giữa Nga và Tajikistan trước năm 2006 cho lực lượng Biên phòng Tajikistan.

Chức năng giám sát

Hệ thống giám sát quang điện vũ trụ Windows là một khối tổng hợp giám sát và theo dõi quang điện mặt đất điển hình của lực lượng Hàng không Nga và cũng là hệ thống chi viện không thể thiếu trong hệ thống cảnh báo từ xa chiến lược của hàng không vũ trụ nước này, có vai trò tương tự như hệ thống giám sát vũ trụ GEODSS của Mỹ, điểm khác biệt là hệ thống giám sát của Nga dùng để theo dõi những khu vực cục bộ đồng bộ với quỹ đạo của vệ tinh, trong khi đó hệ thống GEODSS lại dùng để giám sát và theo dõi toàn bộ khu vực đồng bộ với vệ tinh.

Hệ thống giám sát của Nga có thể bao quát được cả một khu vực rộng lớn trong vũ trụ, có thể theo dõi và giám sát được tất cả các vệ tinh, các thiết bị bay và vật thể bay ở quỹ đạo từ 2.000 đến 4.000 km so với mặt đất, đồng thời có thể phán đoán chính xác phương vị của các vật thể bay ở quỹ đạo đồng bộ với mặt đất, xác định chính xác các tham số của quỹ đạo, phân biệt được kích thước các loại vệ tinh và vật thể bay, hình dạng và quốc tịch của nó..., bên cạnh đó nó còn có khả năng phân tích và chọn lựa những thông tin mà nó thu được từ vũ trụ, sau đó chuyển về trung tâm chỉ huy tác chiến thuộc lực lượng tên lửa hàng không.

Hệ thống này cũng có thể tiến hành giám sát và theo dõi có hiệu quả các vệ tinh có quỹ đạo thấp, vận hành ở độ cao từ 120 - 2.000 km theo lệnh của Bộ chỉ huy.

Hệ thống giám sát Windows được trang bị 10 kính viễn vọng quang điện lớn, mỗi chiếc nặng 36 tấn, được chia làm hai loại cận cự và viễn cự. Kính viễn vọng cận cự có thể theo dõi được các mục tiêu ở độ cao từ 200 đến 1.000 km, còn kính viễn cự có thể theo dõi chính xác được các loại vật thể bay trong vũ trụ ở quỹ đạo cao như trạm không gian vũ trụ, các vệ tinh đồng bộ với trái đất.

Tuy nhiên, hiện nay do bị hạn chế về mặt kỹ thuật và trang thiết bị, nên khả năng giám sát ở quỹ đạo cao của hệ thống giám sát này mới chỉ phát huy được 2/3 khả năng vốn có của nó. Do đó, ngành hàng không Nga đã đưa ra kế hoạch nhằm hoàn thiện Hệ thống giám sát Windows này nhằm nâng cấp toàn diện hệ thống, từ đó khai thác được tất cả khả năng vốn có của nó.

Phạm vi bán kính theo dõi, giám sát các vật thể bay trong vũ trụ ở vị trí cận cự (khoảng cách gần) và viễn cự (khoảng cách xa) sẽ được mở rộng hơn, độ chính xác trong quá trình trinh sát và dự báo quỹ đạo vận hành của các vật thể bay trong vũ trụ và khả năng phân tích thông tin thu được cũng được nâng cao hơn

Vũ Hạ(theo Quân sự hiện đại)
.
.