Hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ bị phá sản

Thứ Sáu, 18/03/2005, 08:09

Việc quân đội Nga thử nghiệm thành công một loại tên lửa xuyên lục địa khiến dự án xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của Mỹ tan thành mây khói.

Mùa Giáng sinh năm 2004, lực lượng chiến lược của Nga thử nghiệm thành công một phiên bản cơ động của loại tên lửa SS-27 Topol-M, một loại tên lửa đạn đạo vượt đại châu (ICBM). Thử nghiệm thành công này buộc chính phủ ông Bush phải xem xét lại toàn bộ nền tảng và công nghệ của hệ thống phòng thủ tên lửa mà họ đang hết mực theo đuổi và xây dựng, đồng thời nó đặt nghi vấn cho tính hiệu lực của các phương thức giải giới và kiểm soát vũ khí của chính quyền Mỹ.

Theo lời của Scott Ritter, cựu thanh sát viên vũ khí của Liên Hiệp Quốc tại Iraq, từ năm 1988 đến 1990, ông này là một trong những thanh sát viên vũ khí của Mỹ có mặt tại nhà máy Votkinsk, nơi quân đội Liên Xô chế tạo loại tên lửa SS-27 và SS-25.

Vào thời điểm đoàn thanh sát vũ khí của Mỹ tới nhà máy này làm việc, dưới con mắt của nhiều thành viên trong cộng đồng tình báo Mỹ lúc bấy giờ, SS-25 của Liên Xô là mối đe dọa chính đối với Mỹ  về mặt tên lửa đạn đạo vượt đại châu. Điều này buộc phía Mỹ phải huy động mọi cách để tìm hiểu loại tên lửa này cũng như khả năng của nó.

Nhờ vào việc thanh sát vũ khí tại Votkinsk và nhiều nơi khác trong đó có lần các thanh sát viên của Mỹ đã được quan sát tận mắt hệ thống tên lửa SS-25 của Liên Xô tại căn cứ tác chiến đặt tại Siberi, rất nhiều dữ liệu về loại tên lửa này đã được phía Mỹ thu thập. Nhờ vậy, lực lượng tình báo Mỹ hiểu hơn về cơ chế hoạt động cũng như khả năng của SS-25. Từ đây, phía Mỹ bắt đầu đề ra nhiều phương án phòng thủ, trong đó lớn nhất vẫn là các chiến dịch thiết lập khu vực cấm bay và các dự án phòng thủ tên lửa.

Sự sụp đổ của khối xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu đồng nghĩa với việc Mỹ cảm thấy ít có khả năng bị đe dọa. Trong giai đoạn này tại Votkinsk, các thanh sát viên của Mỹ chỉ nhìn thấy một nền công nghiệp quốc phòng cũ nát và đang trên đà diệt vong.

Tiến độ chế tạo các tên lửa SS-25 giảm đáng kể. Một dự án chế tạo loại tên lửa thế hệ tiếp theo của SS-25 với sự hợp tác giữa Nga và Ukraina cũng bị bỏ dở vì một số mẫu tên lửa loại mới này đã được sản xuất nhưng chưa bao giờ được phóng thử.

Sau chiến thắng vang dội của Đảng Cộng hòa trong kỳ bầu cử Quốc hội Mỹ năm 1994, Washington đưa ra một chương trình phòng thủ tên lửa mới, được biện minh là để chống lại 3 nguy cơ cụ thể từ những nguy cơ đơn giản (thế lực thù địch của Mỹ bắn cùng lúc 5 quả tên lửa, trong đó một quả mang đầu đạn hạt nhân, 4 quả còn lại mang đầu đạn giả để đánh lừa) cho tới những nguy cơ cực kỳ phức tạp (thế lực thù địch của Mỹ bắn cùng lúc 20 quả tên lửa loại SS-25, trong đó một quả mang đầu đạn hạt nhân, số còn lại mang đầu đạn giả để đánh lừa hoặc phá hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ) từ năm 1993 đến năm 2000, Mỹ đã chi cho chương trình này 10,8 tỉ USD.

Đến năm 2001, khi George W Bush lên cầm quyền, Chính phủ Mỹ tuyên bố rút khỏi hiệp ước hạn chế tên lửa đạn đạo (ABM), đồng thời gạt mọi cản trở để tiến đến xây dựng và phát triển bằng được hệ thống phòng thủ tên lửa của mình. Cùng trong thời gian này, Washington lập một bản kế hoạch đầy tham vọng dự định xây dựng một hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo ở nhiều cấp độ khác nhau.

Vì đã nghiên cứu kỹ loại tên lửa SS-25 của Nga trong nhiều năm liền, quân đội Mỹ nghĩ rằng, cuối cùng họ đã tìm ra được giải pháp phòng thủ, đó là một hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo được chia thành nhiều giai đoạn từ khâu can thiệp ngay vào lúc tên lửa đối phương được phóng lên (ngay khi phát hiện tên lửa đạn đạo vượt đại châu của đối phương được phóng đi, phía Mỹ sẽ cho phóng loại tên lửa chống tên lửa), cho tới các hệ thống laze được xây dựng nhằm vô hiệu hóa một quả tên lửa đang bay và cuối cùng là các hệ thống can thiệp chặng quyết định. Hệ thống này sẽ phá hủy tên lửa đối phương ngay khi nó bay vào bầu khí quyển trái đất.

Hệ thống phòng thủ tên lửa hiện nay mà Mỹ đang phát triển để chống tên lửa SS-25 của Nga và tất cả các loại tên lửa khác cùng loại hoặc kém tinh xảo hơn đến từ bất cứ nơi nào khác sẽ tiêu tốn thêm từ 800 đến 1.200 tỉ USD từ nay cho đến khi hệ thống này hoàn thiện vào năm 2015. Nhưng giấc mơ biến nước Mỹ thành một ốc đảo an toàn tuyệt đối của chính quyền Bush vừa bị tan thành mây khói sau khi Nga thử nghiệm thành công loại tên lửa đời mới SS-27 Topol-M.

Theo giới chức quân sự Nga, loại tên lửa đời mới SS-27 Topol-M được trang bị động cơ đẩy chạy bằng nhiên liệu rắn cho phép tên lửa này bay cực nhanh lên không trung và vô hiệu hóa mọi sự can thiệp bằng tên lửa khác đặt ngay cạnh bệ phóng.

Ngoài ra, SS-27 còn được gia cố các trang thiết bị có khả năng chống được các loại vũ khí bằng laze và còn được trang bị một phương tiện vận hành cực kỳ dễ dàng khi quả tên lửa quay trở lại khí quyển trái đất. Phương tiện này có cho phép SS-27 thoát khỏi mọi ý đồ đánh chặn bằng cách thả ra từ 3 đến 4 đầu đạn tinh xảo để đánh lừa.

Để chống lại sự đe dọa của SS-27, Chính phủ Mỹ giờ đây phải tùy cơ ứng biến, có sao chống vậy! Điều đó có nghĩa là tỉ lệ thành công rất thấp. Và có lẽ đến khi người Mỹ có thành công trong việc đánh chặn được loại tên lửa mới này, thì người Nga lại cho ra một thế hệ tên lửa mới, phức tạp hơn và luôn qua mặt được các hệ thống phòng thủ của Mỹ

Quốc Hùng (Tổng hợp)
.
.