Heled Al Masri, người bị tù oan ở Macedonia

Thứ Tư, 29/03/2006, 08:55

Heled Al Masri chỉ là một trong nhiều người vô cớ trở thành nạn nhân của các ngành đặc biệt Mỹ, trong đó có CIA. Cuối năm 2003, trên đường từ Đức sang Macedonia, anh đã bị bắt giam, hỏi cung, đánh đập và ép nhận có quan hệ với Al – Queda. 4 tháng sau, Heled mới được trả tự do không một lời giải thích.

Haled al Masri sinh ra ở Kuwait, lớn lên ở Liban. Năm 1985, vừa tròn 20 tuổi, anh chuyển sang sống ở Đức và năm 1995 được nhập quốc tịch nước này. Từng làm thợ mộc, lái xe tải, buôn bán máy móc, nhưng cuối cùng Masri lâm vào cảnh thất nghiệp cùng vợ và phải nuôi 5 đứa con nhỏ.

Không rõ cuối năm 2003, Masri từ Đức sang Macedonia để làm gì. Trong tài liệu được trình ra tòa án Mỹ, các luật sư của Masri chỉ thông tin một cách vắn tắt rằng thân chủ của họ đến đó dự “lễ hội”. Các báo chí viết rằng Masri đã cãi nhau với vợ và bỏ đi “giải khuây”. Nhưng có điều chắc chắn là ngày 31/12/2003, Masri đã lên xe buýt ở Uma đi về Skoplje thủ đô của Macedonia.

Như vậy là Masri sẽ phải đi qua lãnh thổ của một số nước: Áo, Slovenia, BosniaSerbia. Mọi lần việc kiểm tra giấy tờ rất thuận tiện. Nhưng ở biên giới SerbiaMacedonia các nhân viên biên phòng Macedonia đã thu hộ chiếu của Masri và giữ anh lại đó vài giờ, cho tới khi có một nhóm người mặc thường phục tới đưa anh về Skopje.

Masri được bố trí ở tại khách sạn, có lính canh gác 24/24 giờ. Suốt thời gian đó, Masri bị hỏi cung nhiều lần. Điều tra viên đều là người Macedonia nhưng lại nói tiếng Anh. Họ quan tâm xem Masri làm gì ở Ulma, người quen của anh là ai, cũng như ai đã đến thăm thánh đường Ulma và Trung tâm văn hóa Hồi giáo.

Tới ngày thứ 7, một người có vẻ là nhóm trưởng đưa ra cho Masri lời đề nghị: Nếu Masri thừa nhận có quan hệ với Al-Qaeda người ta sẽ đưa anh về Đức ngay. Masri từ chối. Sang ngày thứ 13, Masri tuyên bố tuyệt thực. Việc đó kéo dài 10 ngày. Đến ngày 23/2/2004, tại phòng của Masri ở khách sạn xuất hiện một toán đàn ông mặc thường phục mà trước đó Masri chưa hề thấy họ. Một trong số những người mới đến bật máy quay camera, họ yêu cầu Masri nói rằng anh được đối xử tốt, không bị gây phiền hà và rằng anh sắp trở về Đức.

Khi vừa quay xong, ngay lập tức Masri bị còng tay, bịt mắt. Người ta đưa anh lên xe buýt. Sau mấy tiếng đi ôtô và máy bay, Masri được đưa vào một phòng, vẫn bị còng tay và bịt mắt, người ta lột quần áo anh ra, bắt đầu đấm đá và đánh anh bằng gậy.

Rồi cuộc tra tấn cũng kết thúc. Masri được tháo băng bịt mắt. Anh nhìn thấy những người đàn ông mặc đồ đen, mũ trùm kín mặt. Một người mặc cho Masri bộ áo liền quần, bịt mắt anh lại và đưa lên máy bay. Trên máy bay họ xích chân, tay anh vào ghế, tiêm cho anh hai mũi thuốc làm anh bất tỉnh.

Qua một số lần đỗ, cuối cùng máy bay cũng hạ cánh ở điểm đã định. Masri cảm thấy ở đây nóng hơn ở Macedonia. Anh nghĩ đây có thể là căn cứ của Mỹ ở vịnh Guantanamo mà cũng có thể đây là Iraq.

Tại đây, họ đưa Masri vào một phòng, lại tiếp tục đánh đập rồi bỏ anh lại một mình. Đó là buồng giam đơn, nền bêtông bẩn thỉu, chật chội, không có giường. Qua cửa sổ căn buồng, Masri thấy mặt trời đang lặn. Về sau Masri biết được đây là Afghanistan.

Theo một nguồn tin thì hiện có khoảng 30 người tị nạn từ các nước Cận Đông, Bắc Phi mang hộ chiếu Anh, Australia, Canada đã bị tước mất tự do. Họ bị đưa từ nước này sang nước khác mà không hề nghe một lời buộc tội nào và không được phép liên hệ với luật sư.

Còn những kẻ mặc đồ đen hành động trên cơ sở chỉ thị tuyệt mật PDD-39 (Presidential Decision Directive) do Tổng thống Mỹ Bill Clinton ký ngày 21/6/1995. Tài liệu này đến nay vẫn là cơ sở pháp lý cho những hành động của các ngành đặc biệt Mỹ chống lại bọn khủng bố. Riêng CIA đã thành lập Trung tâm chống khủng bố do Copher Blek đứng đầu. Ông ta có mối thù riêng với Al-Qaeda tại Khartum, ở đó Blek lãnh đạo nhóm tình báo của CIA và những người của Bin Laden đã tổ chức săn lùng ông ta.

Sau vụ 11/9, Trung tâm chống khủng bố ở Mỹ được tăng cường rất mạnh. Biên chế của nó tăng gấp 4 lần từ 300 đến 1.200 người. Trong biên chế của Trung tâm xuất hiện “những người mặc đồ đen” - đội đặc nhiệm chuyên làm nhiệm vụ chuyên chở những kẻ tình nghi, y như kịch bản với Masri.

Masri bị giam 4 tháng trời, không hề được ra ngoài đi dạo, không có sách báo để đọc, với những điều kiện vệ sinh không bảo đảm. Masri tiếp tục tuyệt thực, sức khỏe anh giảm sút đi nhanh chóng. Masri tuyệt thực tới ngày 37, người ta mới mang vào buồng giam cho anh một số đồ hộp và sách vở. Kết quả, từ khi bị bắt đến lúc đó anh đã hao mất hơn 60 pounds (1 pound= 0,454 kg).

Ngày 28/5/2004, Masri bị bịt mắt, còng tay và đưa ra sân bay. Cuối cùng họ đưa anh đến Albani rồi ra sân bay mang tên Mẹ Teresa ở Tiran và lên máy bay. Lúc này Masri mới tin rằng mình đang thực sự được trở về Đức.

Tại Trung tâm văn hóa Hồi giáo, Masri biết được do hiểu lầm anh bỏ đi chơi, vợ anh giận quá đã đưa các con về nhà bố mẹ đẻ ở Liban để sinh sống. Sau đó, Masri đã nhờ luật sư cầu cứu Tòa Thị chính Munich khiếu nại vì việc anh bị bắt trái pháp luật...

Kết quả là sau khi có kết luận điều tra của Tòa án, Masri được Liên minh vì tự do công dân của Mỹ ủng hộ, đã khởi kiện cựu Giám đốc CIA George Tenet, Hãng sở hữu và điều hành Boeing và những người lạ mặt đã đưa anh lên máy bay chở đến Afghanistan, ra tòa.

Các luật sư của Masri đã tổ chức họp báo tại Mỹ, công bố việc anh bị nghi ngờ liên quan tới khủng bố và bị bắt oan và bị đánh đập, tù đày. Masri xin nhập cảnh vào Mỹ để dự họp báo, nhưng Lãnh sự quán Mỹ không cấp thị thực. Cuối cùng Masri đành xuất hiện trên tàu biển dự họp báo thông qua hệ thống truyền hình... Nhưng kết quả buổi họp báo này tác động đến CIA như thế nào vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng

Đoàn Thị Phương (Theo Tuyệt mật)
.
.