Hồ sơ NSA tiết lộ biệt kích Israel ám sát tướng tình báo Syria

Thứ Bảy, 25/07/2015, 20:20
Ngày 1/8/2008, một đội biệt kích Hải quân Israel bí mật xâm nhập thành phố cảng Tartus của Syria và bắn chết tướng Muhammad Suleiman khi ông đang dùng bữa tối trong căn biệt thự ở khu nghỉ dưỡng bãi biển Rimal al Zahabiya (Cát vàng). Sau khi bắn vào đầu và cổ Suleiman, cố vấn an ninh hàng đầu của tổng thống Syria Bashar al-Assad, nhóm biệt kích Israel lặng lẽ thoát ra hướng biển.

Trong khi giới chức Israel chưa bao giờ lên tiếng về vụ việc, hồ sơ mật của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) do Edward Snowden cung cấp khẳng định chính lực lượng ám sát đặc biệt của Israel thực hiện nhiệm vụ này.

Vụ ám sát người đóng vai trò hàng đầu của chương trình hạt nhân Syria

Tài liệu mật NSA là sự khẳng định chính thức lần đầu tiên về việc biệt kích Israel ám sát Muhammad Suleiman và kết thúc nghi vấn về cái chết của vị tướng gây tranh cãi nội bộ chính quyền Syria trong suốt nhiều năm dài. Tài liệu trên trang nội bộ gọi là Intellipedia theo kiểu Wikipedia của cộng đồng tình báo Mỹ mô tả vụ ám sát mà "đội biệt kích hải quân Israel" thực hiện tại thành phố cảng Tartus của Syria là "trường hợp đầu tiên được biết đến về mục tiêu quan chức chính quyền hợp pháp của Israel".

Tổng thống Bashar al-Assad cùng các tướng lĩnh tại buổi lễ kỷ niệm lần thứ 38 cuộc chiến tranh Arập - Israel tháng 10/1973.

Các chi tiết về vụ ám sát được nêu rõ ở phần "Thời gian biểu săn người" trong kho hồ sơ tình báo của NSA. Theo 3 cựu quan chức tình báo Mỹ giấu tên có nhiều kinh nghiệm về khu vực Trung Đông, sự phân loại "tuyệt mật" cho thấy NSA biết được vụ ám sát thông qua hệ thống gián điệp tín hiệu của họ. Thông tin trong tài liệu mật NSA về vụ ám sát tướng Syria được dán nhãn là "SI" nghĩa là nó được thu thập qua giám sát các tín hiệu giao tiếp điện tử.

Một trong 3 cựu quan chức tình báo cho biết: “Đôi khi chúng tôi cũng do thám những cuộc giao tiếp trong quân đội Israel". Tuy nhiên, người này cũng nhấn mạnh nhiệm vụ gián điệp quân đội Israel là vô cùng nhạy cảm bởi vì bên trong trụ sở NSA ở Fort Meade bang Maryland cũng có mặt một số sĩ quan tình báo Israel hợp tác làm việc.

Tướng Muhammad Suleiman bị nghi ngờ đứng đằng sau những nỗ lực của chính quyền Damascus giúp Iran cung cấp vũ khí và huấn luyện quân sự cho chiến binh Hezbollah ở nước Liban láng giềng của Syria. Suleiman cũng chịu trách nhiệm giữ gìn an ninh và xây dựng cơ sở hạt nhân Al Kibar nằm bên bờ sông Euphrates của Syria, khu vực bị Israel phá hủy năm 2007 trong một cuộc không kích. Theo hồ sơ NSA, Suleiman được đánh giá là người chuyên trách "những vấn đề quân sự nhạy cảm".

Thành phố cảng Tartus, nơi diễn ra vụ ám sát Suleiman.

Sự dính líu của Israel trong vụ ám sát tướng Suleiman dẫn đến câu hỏi về mục đích giết người cũng như việc Israel đã vi phạm luật quốc tế khi thực hiện chiến dịch ám sát như thế nào. Bà Mary Ellen O'Connell, giáo sư Khoa Luật quốc tế Đại học Notre Dame (Mỹ), phân tích: "Người Israel có lẽ có lý do chính đáng để giết Suleiman. Song, theo luật quốc tế về chiến tranh thì rõ ràng là vào năm 2008 ở Syria không có xảy ra xung đột vũ trang cho nên người Israel không có quyền ám sát tướng Suleiman".

Chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad giữ bí mật thông tin về vụ ám sát tướng Suleiman 4 ngày trước khi có thông báo chính thức. Ngay sau đó, người Israel không phủ nhận hay khẳng định sự liên quan của họ. Năm 2009, tạp chí Der Spiegel của Đức cho rằng Suleiman bị giết chết do vai trò hàng đầu của ông trong chương trình hạt nhân của Syria.

Tuy nhiên, năm 2011, Wikileaks tiết lộ tình báo Pháp tin rằng Suleiman bị ám sát do cuộc chiến tranh giành quyền lực đẫm máu trong nội bộ chính quyền Syria. Đây được coi là 2 giả thuyết hàng đầu về cái chết bí ẩn của tướng Muhammad Suleiman. Đến năm 2014, lãnh đạo tổ chức Hezbollah Hassan Nasrallah tiết lộ với giới báo chí rằng Suleiman bị ám sát do dính líu vào cuộc chiến tranh tháng 7/2006 giữa Israel và Hezbollah.

Vụ ám sát Suleiman diễn ra chưa đầy 6 tháng sau chiến dịch phối hợp giữa Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) và Tình báo Mossad của Israel giết chết Imad Mughniyeh - thủ lĩnh quân sự tối cao của Hezbollah - ngay giữa thủ đô Damascus của Syria.

Từ lâu, CIA đã coi Mughniyeh có vai trò trong các vụ tấn công khủng bố chống người Mỹ, trong đó có vụ đánh bom doanh trại lính thủy đánh bộ Mỹ năm 1983 ở thủ đô Beirut của Liban giết chết 241 người. Sau 2 mục tiêu hàng đầu này trong danh sách ám sát của Israel còn có 3 nhân vật tiếp theo bao gồm tướng Hassan Tehrani Moghaddam, lãnh đạo chương trình phát triển tên lửa cho lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo  Iran (IRGC) và cung cấp tên lửa cho Hezbollah, Hamas cũng như Thánh chiến Hồi giáo Palestine. Thứ hai là Mahmoud al-Mabhouh, quan chức Hamas chịu trách nhiệm xây dựng mối quan hệ chiến thuật với Iran; và cuối cùng là Hassan Lakkis (hồ sơ Cục Điều tra liên bang Mỹ - FBI - gọi là Haj Hassan Hilu Laquis).

Ngay từ đầu thập niên 90 thế kỷ trước, tổ chức tình báo quân đội Aman của Israel đã xác định Hassan Lakkis là chuyên gia phát triển vũ khí cực kỳ lợi hại của Hezbollah. Trong một bài viết về cái chết của Lakkis, tờ Daily Star của Liban gọi ông ta là "nhân vật chủ chốt trong chương trình máy bay không người lái của Hezbollah".

Theo hồ sơ mật Bộ Ngoại giao Mỹ được Wikileaks tiết lộ, cuộc điều tra cái chết của Suleiman dẫn đến việc chính quyền Syria tình cờ tìm thấy số tiền mặt khổng lồ 80 triệu USD trong căn nhà của ông. Phát hiện bất ngờ đã gây sốc cho Tổng thống Bashar al-Assad.

NSA gián điệp các mục tiêu chính trị và tài chính hàng đầu Brazil trong nhiều năm

Hồ sơ tuyệt mật từ NSA do Wikileaks cung cấp cho báo chí tiết lộ cơ quan tình báo giám sát điện thoại di động và các thiết bị giao tiếp khác của hơn chục quan chức chính trị và tài chính Brazil, trong đó có cả Tổng thống Dilma Rousseff, trong nhiều năm. Đây là tiết lộ mới nhất từ Wikileaks đe dọa mối quan hệ ngoại giao giữa Brazil và Mỹ có nguy cơ đóng băng trở lại.

Ảnh chụp màn hình từ Intellipedia.

Năm 2013, chương trình Fantastico của mạng truyền hình Brazil Globo Rede đã tiết lộ NSA đã giám sát thành công điện thoại di động của bà Dilma Rousseff. Không dừng lại ở đó, hồ sơ mật NSA còn phơi bày sự việc cơ quan này giám sát hàng trăm triệu công dân Brazil và nhắm mục tiêu vào Công ty Dầu khí nhà nước Petrobras cũng như Bộ Khai khoáng và Năng lượng nước này. Tiết lộ gây choáng đã dẫn đến sự rạn nứt to lớn trong mối bang giao giữa Brazil và Mỹ.

Nhưng trong tình hình hiện nay, Tổng thống Dilma Rousseff đang phải đối mặt với sự suy yếu kinh tế là hậu quả của hàng loạt vụ bê bối nghiêm trọng trong nước cho nên bà đành phải gác lại chuyện gián điệp trước đây để thực hiện chuyến viếng thăm cấp nhà nước đến Washington gặp gỡ Tổng thống Barack Obama. Chuyến đi này bà đã trì hoãn 2 năm do giận dữ trước những tiết lộ về việc NSA gián điệp công dân Brazil. Tuy nhiên, những tiết lộ mới đây từ Wikileaks còn nghiêm trọng hơn những tiết lộ trước và có nguy cơ dẫn đến căng thẳng trầm trọng hơn nữa giữa Brazil và Mỹ.

Ngoài cá nhân bà Dilma Rousseff, Wikileaks còn phơi bày các mục tiêu "hàng đầu" trong Chính phủ Brazil mà NSA nhắm đến - bao gồm: Nelson Barbosa (cựu Thứ trưởng Tài chính và hiện là Bộ trưởng Kế hoạch), Luiz Awazu Pereira da Silva (Phó lãnh đạo Ngân hàng Trung ương Brazil và hiện là Phó tổng giám đốc điều hành Ngân hàng Thanh toán Quốc tế - BIS), Luis Antonio Balduino Carneiro (lãnh đạo kinh tế và tài chính Bộ Ngoại giao), Luiz Alberto Figueiredo Machado (cựu Ngoại trưởng và đại sứ ở Mỹ) v.v… Cạnh mỗi cái tên trong bản danh sách mà Wikileaks công bố là mật mã thể hiện mục đích gián điệp và nhóm chuyên gia phân tích NSA chịu trách nhiệm. Các mật mã xuất hiện dưới một cột ghi là "TOPI" - nghĩa là "Chức vụ mục tiêu quan tâm hàng đầu".

Tài liệu giám sát bà Dilma Rousseff của NSA.

Ngoài ra, bên cạnh số điện thoại của các quan chức Chính phủ Brazil còn có những ký hiệu như là "S2C42" (tương ứng với một bộ phận NSA có nhiệm vụ thu thập thông tin từ giới lãnh đạo Brazil) hay "S2C51" (tương ứng với bộ phận phụ trách chính sách tài chính quốc tế của NSA). Mã "S2C42" cũng được nhìn thấy trong tài liệu NSA về Dilma Rousseff trong tiết lộ trước đây cũng từ Wikileaks. Người Brazil đặc biệt nhạy cảm trước hoạt động gián điệp kinh tế từ chính quyền Mỹ vì 2 lý do: sự áp đặt của người Mỹ trong khu vực và mối lo ngại về kinh tế đất nước.

Tiết lộ mới nhất từ Wikileaks đã khiến một vài quan chức Chính phủ Brazil thật sự giận dữ. Ông Gilberto Carvalho, Tham mưu trưởng của cựu Tổng thống Lula da Silva và hiện là trợ lý cho Dilma Rousseff, mô tả hành động gián điệp này đã "vi phạm chủ quyền Brazil". Carvalho cũng tuyên bố chắc nịch rằng mặc dù Brazil đang cố gắng cải thiện mối quan hệ với Mỹ nhưng không vì thế mà "xem nhẹ mức độ trầm trọng của những tiết lộ mới này". Các mục tiêu khác trong bản danh sách NSA mới được tiết lộ cũng bao gồm 2 nhà ngoại giao hàng đầu Brazil - André Amado và Fernando Meirelles de Azevedo Pimentel.

Trong bản danh sách NSA cũng có tên của các đại sứ Brazil ở Paris (Pháp), Berlin (Đức) và Geneva (Thụy Sĩ). Vào thời gian công bố hoạt động gián điệp đáng hỗ thẹn này, giới chức NSA từ chối trả lời những câu hỏi của giới truyền thông. Trong khi đó, Giám đốc Tình báo Quốc gia (DNI) James Clapper phát biểu rằng "không có gì là bí mật trong chuyện cộng đồng tình báo thu thập thông tin về các vấn đề kinh tế và tài chính" và đồng thời nhấn mạnh hoạt động gián điệp không nhằm "đánh cắp các bí mật thương mại của các công ty nước ngoài  để phục vụ lợi ích cho các công ty Mỹ"!

Danh sách mà Wikileaks có được xuất phát từ một cơ sở dữ liệu của NSA và số liệu ngày tháng cho thấy hoạt động gián điệp các quan chức Chính phủ Brazil được thực hiện từ đầu năm 2011 và mở rộng đến nhiều quan chức khác vào năm 2010 lúc Lula da Silva - người tiền nhiệm của bà Dilma Rousseff - còn giữ chức tổng thống. Tuy nhiên, sau đó không có dấu hiệu nào cho thấy hoạt động gián điệp Brazil của NSA ngừng lại. Cách đây không lâu, Wikileaks cũng tiết lộ các tài liệu NSA gián điệp giới chức tài chính và chính trị của Đức và Pháp trong nhiều năm.

Diên San (tổng hợp)
.
.