Hồ sơ Tây Phi - Những bí mật được phanh phui

Thứ Năm, 31/01/2019, 20:08
Quan chức chính phủ, giới buôn bán vũ khí và các tập đoàn đã làm “bốc hơi” hàng triệu đô la từ các quốc gia Tây Phi đói nghèo thông qua những thiên đường thuế ở nước ngoài. Đây là khám phá từ một cuộc điều tra do Liên đoàn nhà báo điều tra quốc tế phối hợp với các nhà báo Tây Phi thực hiện.

Cuộc điều tra mang tên West Africa Leaks, tạm dịch “Hồ sơ Tây Phi” này đã phanh phui nhiều vụ việc, trong đó nổi cộm là hiện tượng thiết lập các công ty “ma” ở nước ngoài để làm ăn phi pháp. Những phát hiện này được đúc kết từ hồ sơ gồm gần 30 triệu tài liệu chứa đựng những báo cáo tài chính bị rò rỉ mà liên đoàn các nhà báo điều tra quốc tế thu thập được và chia sẻ từ năm 2012. 

Hồ sơ Tây Phi nằm trong số hàng triệu dữ liệu điều tra của liên đoàn nhà báo nói trên, thiết lập nên 4 hồ sơ chính gồm Offshore Leaks (công bố ngày 4-4-2013 tiết lộ hàng trăm ngàn cá nhân và doanh nghiệp lợi dụng các thiên đường thuế để trốn thuế và rửa tiền), Swiss Leaks (công bố tháng 2-2015 về rửa tiền và trốn thuế ở Thụy Sĩ), Hồ sơ Panama và Hồ sơ Paradise.

Quyền lực không thể chạm tới và các thương vụ mờ ám

Hồ sơ Tây Phi đã cung cấp cái nhìn cận cảnh hiếm hoi về những thế lực chuyên quyền "không thể bị động đến sợi lông chân" lâu nay đã "làm giàu" cho bản thân nhờ lợi dụng hệ thống thực thi chính sách thuế yếu kém và hệ thống pháp lý kém hiệu quả ở những nước mà chính phủ phải vật lộn để tìm cách truy cứu trách nhiệm đối với các thế lực này.

Tại Chad, quốc gia Trung Phi, ông David Abtour, kết hôn với chị gái của cựu phu nhân Tổng thống Idriss Déby, đã lập 2 công ty ở nước ngoài sau khi tham gia vào công việc buôn bán máy bay trực thăng với các lực lượng vũ trang Chad.

Hồ sơ Tây Phi - một trong những điều tra lớn nhất từ trước đến nay ở Tây Phi.

Theo nhà báo Pháp Jacques-Marie Bougret, ông Abtour đã "ăn cánh" với Tư lệnh lực lượng không quân Chad để thực hiện phi vụ mua máy bay trực thăng của Nga hồi năm 2006. Đây là phi vụ đánh dấu sự khởi đầu của mối làm ăn đầy lợi nhuận giữa giới lãnh đạo Chad và Abtour. Chad, vốn được coi là một trong 10 quốc gia kém phát triển nhất trên thế giới, lúc đó đang trong cuộc chiến chống lại các nhóm phiến quân do Sudan hậu thuẫn. 

Vào thời điểm đó, Chad được coi là quốc gia có chỉ số "tham nhũng cao" nhất trong danh sách xếp hạng mức độ tham nhũng toàn cầu của Tổ chức minh bạch quốc tế. Chính phủ Deby bỏ bê không đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng trọng điểm như điện, đường, trường, trạm song lại mạnh tay dốc hàng triệu USD vào quân đội.

Theo nhà báo Pháp Bougret, sau khi thiết lập cơ sở hoạt động ở Chad, Dubai và Paris, ông Abtour và các mối làm ăn của ông còn bán cả đạn dược cho Chad hồi năm 2007. Tuy nhiên, Abtour mất uy thế vào năm 2008 sau khi Thủ tướng Chad thay thế vị trí bộ trưởng quốc phòng.

Theo Hồ sơ Panama, đến năm 2009, Abtour thiết lập 2 công ty bình phong ở Panama, một mang tên Bickwall Holdings Inc. có một tài khoản ngân hàng ở Thụy Sĩ với Ngân hàng tư nhân HSBC, công ty còn lại, Tarita Management Corp., dùng tài khoản ngân hàng Thụy Sĩ UBS. Cả hai công ty này được lập nên để cấp vốn cho Abtour theo cách không lộ danh tính của ông ta. Các luật sư của Panama tại Công ty luật Mossack Fonseca không nắm được thông tin gì về các hoạt động của hai công ty này, vốn bị đóng cửa năm 2013. Còn ông Abtour thì từ chối trả lời phóng viên.

Bất chấp khó khăn, các phóng viên đã truy tìm được mối liên hệ giữa nhiều nhân vật quyền lực ở Tây Phi với các công ty và tài khoản ở nước ngoài. Ví dụ, nữ dược sĩ đầu tiên của Liberia Clavenda Bright-Parker, là cổ đông và giám đốc duy nhất của Greater Putu Foundation Ltd., một công ty “ma” được đăng ký thành lập ở đảo quốc Seychelles hồi tháng 10-2008, theo tài liệu Hồ sơ Panama. Cần lưu ý là bà Bright-Parker là bạn “nối khố” thời trung học với cựu Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf, nữ lãnh đạo từng giành giải Nobel Hòa bình.

Hồ sơ Panama không miêu tả mục tiêu kinh doanh cụ thể của Greater Putu Foundation Ltd. cũng như không đề cập đến việc liệu công ty này có tài khoản ngân hàng nào hay không. Vai trò điều hành của bà Bright-Parker tại Công ty Greater Putu Foundation trùng hợp với thời gian xảy ra những bất đồng giữa một công ty khai thác quặng quý hiếm có trụ sở ở Canada, Mano River Resources, phụ trách hoạt động khai thác mỏ quặng sắt Putu ở Đông Nam Liberia và Chính phủ Liberia.

Đồng sáng lập Mano River Resources, ông Guy Pas, không miêu tả chi tiết công việc của bà Bright-Parker, song nói với phóng viên điều tra trong một thư điện tử rằng bà Bright-Parker "được đề xuất đảm nhiệm vai trò" quản lý mỏ Putu để "bảo vệ lợi ích ở mức cao nhất" trước sức ép của Bộ Đất đai, Khoáng sản và Năng lượng Liberia khi muốn một công ty khai mỏ lớn hơn thực hiện dự án này.

Trả lời qua điện thoại, bà Bright-Parker nói rằng không hề biết gì về công ty ở Seychelles. Sau đó, bà đã không phản hồi bất kỳ cuộc gọi hoặc thư điện tử nào. Còn cựu Tổng thống Johnson Sirleaf nói bà không biết gì về Công ty Greater Putu Foundation Ltd. và chưa từng thảo luận với bà bạn về dự án mỏ Putu.

Tiền “bốc hơi” ra bên ngoài

Ở Niger, các thư điện tử và hợp đồng từ hồ sơ Offshore Leaks của liên đoàn nhà báo điều tra quốc tế đã phát lộ một hợp đồng trị giá 31,8 triệu USD mà một nhà kinh doanh không tên tuổi người New Zealand ký với giới chức Niger để xây dựng một lò giết mổ gia súc đông lạnh hiện đại nhất Tây Phi. Lò giết mổ này được khởi công xây dựng song không được hoàn thiện. 

Bà Bright Parker trong ảnh chụp cùng cựu Tổng thống Liberia.

9 năm sau ngày khởi công, người ta vẫn không thể biết được người dân Niger đã phải bỏ bao nhiêu tiền túi của mình để xây một lò mổ gia súc không đi vào hoạt động, vì sao một công ty nước ngoài mờ ám lại giành được một hợp đồng xây lò mổ béo bở nhất khu vực và liệu bất kỳ khoản lợi nhuận nào mà giới chức và chủ thầu Niger kiếm được từ hợp đồng này có được đánh thuế hay không.

Theo giải thích của Thủ tướng Niger ở thời điểm đó là Seyni Oumarou, công ty Agriculture Africa của doanh nhân Bryan Rowe được chọn cho hợp đồng này vì "vốn kinh nghiệm và kỹ thuật" cũng như "danh tiếng toàn cầu" của họ. Đem lời giải thích này đến Giáo sư David Love, chuyên gia về lĩnh vực xây dựng và quản lý lò giết mổ gia cầm, các phóng viên điều tra nhận được câu trả lời ngắn gọn: "Chưa bao giờ nghe nói về họ". Giáo sư Love làm việc với các chính phủ và tổ chức quốc tế, trong đó có ở châu Phi.

Theo dữ liệu rò rỉ từ quần đảo Virgin thuộc Anh (lãnh thổ hải ngoại của Anh), doanh nhân Rowe người New Zealand này đã lập 7 công ty ở quần đảo này, trong đó có Agriculture Africa Ltd., được lập hồi tháng 2-2009 và chỉ 2 tháng sau, công ty này của ông ký hợp đồng với Niger về xây dựng lò giết mổ nói trên.

Ông Rowe, người có vốn hiểu biết chủ yếu về dịch vụ viễn thông ở các thị trường đang nổi, giải thích quá trình xây lò mổ vẫn diễn ra theo đúng tiến độ cho đến khi xảy ra cuộc đảo chính quân sự lật đổ chính phủ hồi tháng 2-2010. Quá trình xây dựng phải ngừng lại. Ban lãnh đạo mới từ chối chi trả cho Công ty Agriculture Africa của ông các phần việc mà nhân viên đã hoàn thành kể từ năm 2009. Tuy nhiên, ông từ chối tiết lộ số tiền mà công ty của ông đã được chính quyền cũ thanh toán, viện dẫn yếu tố bí mật. Ông cũng từ chối giải thích lý do thành lập các công ty ở nước ngoài, mà chỉ có 2 trong số 7 công ty thực sự hoạt động, là Agriculture Africa và Global Development Holdings International Ltd.

Trong hồ sơ Tây Phi, các phóng viên cũng phát hiện nhiều vụ việc khác trong đó các công ty nước ngoài “ăn” lợi nhuận nhưng lại sử dụng mánh khóe để giảm số tiền thuế mà họ phải trả. Ví dụ, SNC-Lavalin của Canada, một trong những tập đoàn chuyên về lĩnh vực xây dựng lớn nhất thế giới đã được hưởng lợi từ một thỏa thuận gây tranh cãi để không phải trả số tiền thuế lên đến 8,9 triệu USD cho Senegal.

SNC-Lavalin đã sử dụng một công ty "ma" của Mauritius, không nhân viên, không văn phòng, như một bên trung gian để một công ty Senegal thanh toán khoản tiền trị giá 44,7 triệu USD trong suốt cả năm 2012. Số tiền này để chi trả cho công trình xây dựng nhà máy chế biến cát khoáng sản do SNC-Lavalin thực hiện.

Theo giới chuyên gia về lĩnh vực thuế, thường thì Senegal sẽ phải truy thu 20% thuế đối với khoản thanh toán trên. Tuy nhiên, một thỏa thuận giữa Senegal và Mauritius cho phép các công ty đa quốc gia như SNC-Lavalin không phải trả thuế cho số tiền lợi nhuận mà họ nhận được thông qua một công ty đăng ký kinh doanh ở Mauritius. Liệu giới chức Senegal không “ăn” được lợi lộc gì từ cách thức quản lý thuế này chăng?

Ông Ousmane Sonko, cựu thanh tra thuế Senegal và hiện là thành viên quốc hội cho biết nhiều quan chức ngành thuế ở các nước Tây Phi bị "hành". Nói cách khác, họ không có phương tiện để điều tra các vụ giao dịch nước ngoài phức tạp, và khi các nhà điều tra quyết tâm "vào cuộc", thì giới chính khách lại tìm cách để hủy hoại những thành công nhỏ bé của họ. Ông Sonko nói rằng tình hình biến chuyển theo chiều hướng tệ hơn do xu hướng xã hội nói chung là không coi trọng tầm quan trọng của việc đóng thuế doanh nghiệp hoặc bất kỳ loại thuế nào. "Khi người dân thậm chí không hiểu thuế là gì thì việc điều tra như kiểu Hồ sơ Paradise là một thách thức", Sonko nói. "Nếu bạn nói về 'thiên đường thuế' ở một số nước ở châu Phi, thì người ta sẽ nhìn bạn như kiểu bạn bị khùng".

Đất nước nghèo, lại nhiều tham nhũng

Từ những hòn đảo với những bãi biển cát trắng của quốc đảo Cape Verde đến những sa mạc rộng lớn của Niger, các nước Tây Phi đã bị “móc túi” bởi các công ty và cá nhân mà các chính phủ của họ “bất lực” trong việc ngăn chặn tình trạng này. Theo số liệu của Liên hợp quốc, trong số gần 50 tỷ USD không bị đánh thuế mỗi năm trên thế giới, Tây Phi chiếm phần lớn. 

Tài liệu từ Hồ sơ Panama liên quan các công ty của David Abtour.

Nhìn chung, tình trạng tham nhũng, buôn lậu ma túy, vũ khí và buôn người, cùng với các hoạt động xuất nhập khẩu “ngầm” khác đã lấy đi của châu Phi số tiền gấp từ 3 đến 10 lần số tiền mà châu lục này nhận được từ viện trợ quốc tế.

“Đối với những khu vực nghèo đói trên thế giới như Tây Phi, việc sử dụng các công ty bình phong, trốn thuế, tìm cách tính thuế ở mức thấp tối đa, thiên đường thuế và thiết lập các tài khoản ngân hàng ở nước ngoài có thể gây ra sự thất thoát và đói nghèo nhanh chóng”, Brigitte Alepin, Giáo sư về thuế tại Đại học Quebec đánh giá. Ông giải thích các nước Tây Phi cần nguồn tài chính công và việc để thất thoát thuế này ảnh hưởng việc cấp vốn cho các hoạt động dịch vụ cơ bản mà họ có thể cung cấp cho người dân của mình.

“Chúng tôi là một trong số 25 quốc gia nghèo nhất thế giới", Ousmane Sonko, nghị sĩ Senegal từng thốt lên như vậy. "Bệnh viện và trường học thì nhếch nhác, bẩn thỉu", Sonko chia sẻ "và những nam thanh niên thì lênh đênh trên những chiếc thuyền ọp ẹp để tìm đến đất Âu". “Chúng tôi có tiềm năng”, Sonko nói. “Song sự giàu có của chúng tôi bị “bán tháo" cho các công ty đa quốc gia vốn đã rất giàu có và các quốc gia quê hương của họ cũng rất giàu có”.

Giới chuyên gia nhận định rằng các nước châu Phi tụt hậu 20 năm so với các nước châu Âu và Bắc Mỹ trong việc ngăn chặn tình trạng lạm dụng thuế. Tuy nhiên, đã đến lúc cần phải ngăn chặn hoặc ít nhất làm chậm lại dòng tiền lũ lượt “tuột” khỏi lục địa đen này.

Tháng 3-2018, một tổ chức có tên là Diễn đàn quản lý thuế Tây Phi đã khởi động một chiến dịch toàn khu vực nhằm nâng cao sự hợp tác giữa các chính phủ và trấn áp tình trạng lạm dụng thuế. Một phần của chiến dịch này là một hội nghị được tổ chức ở Nigeria, trong đó, đông đảo quan chức đã thảo luận cách thức để đạt được mục tiêu trên. Đại diện của tổ chức này đã thổi vào buổi thảo luận một bầu không khí lạc quan khi nói rằng "Chúng ta có mặt ở đây vì chúng ta tin rằng có thể làm được điều này".

Hà Ngọc (tổng hợp)
.
.