Hồ sơ chiến dịch “Feuerzauber”: 7 phút sinh tử

Thứ Bảy, 02/11/2019, 09:51
Cũng như Damascus, Syria, Baghdad, Iraq, sân bay Dubai, Tiểu vương quốc Arab Thống nhất từ chối cho phép chiếc Boeing LH 181 hạ cánh.


Trên đường băng, xe cứu hỏa, xe vận tải hàng hóa đậu chật kín. Rõ ràng là họ cố ý ngăn cản. Cho máy bay lượn vòng, cơ trưởng Schumann thông báo với đài kiểm soát không lưu rằng máy bay đã cạn nhiên liệu. Nếu không đáp xuống, nó sẽ rơi trong vài phút nữa. 

Vì thế, khi LH 181 quay đầu lại thì đường băng đã trống. Nó tiếp đất lúc 5 giờ 40 phút sáng ngày 14-10…

Cú hạ cánh liều mạng

Vài phút sau khi chiếc LH 181 tiến vào bãi đậu, nhóm không tặc yêu cầu được cung cấp thức ăn, nước uống và mấy tờ báo. Từ đó cho đến khuya ngày 16,  khoang máy bay nóng như lò lửa vì hệ thống điều hòa đã tắt. Mọi người bị cấm không được sử dụng nhà vệ sinh.

Đã vậy, tên cầm đầu nhóm không tặc là Akache liên tục dọa bắn con tin nếu những yêu sách của y không được đáp ứng khiến tình hình càng lúc càng bi đát.

Lợi dụng khoảnh khắc Akache tập trung quan sát những thùng thức ăn, nước uống đang được chuyển lên, cơ trưởng Schumann nhanh tay thả 4 điếu xì gà từ cửa sổ buồng lái xuống đất. Theo đại tá Ulrich Wegener, trưởng nhóm giải cứu GSG-9 thì điều đó có nghĩa là bọn không tặc gồm 4 tên. 

Ông nói: “Lúc ấy, tôi đang cố gắng thuyết phục Hoàng gia Tiểu vương quốc Arab thống nhất đồng ý cho chúng tôi tấn công giải cứu nhưng chiếc Boeing đã được nạp đầy nhiên liệu, và nó cất cánh đi Salalah, Oman lúc 0 giờ ngày 17-10…”.

Một lần nữa, sân bay Salalah, Oman cũng lại từ chối cho phép chiếc Boeing LH 181 hạ cánh. Căn cứ vào lượng nhiên liệu trên máy bay, cơ trưởng Schumann cho Akache biết phải xuống Aden, Yemen. 

Cơ phó Vietor tường thuật giây phút kinh hoàng này: “Lúc ấy Schumann giao cho tôi lái chính. Giống như ở Dubai, trên đường băng sân bay Aden đầy những chướng ngại vật trong lúc nhiên liệu đã gần cạn. Chẳng còn cách nào khác, tôi cho máy bay đáp xuống một dải đất chạy song song với đường băng. Khi bộ bánh xe của chiếc LH 181 vừa chạm đất, nó nảy lên rồi rơi xuống và lại tiếp tục nảy lên. Điều sợ nhất của tôi lúc ấy là càng bánh xe bị gãy hoặc máy bay bị lật vì đường hạ cánh có quá nhiều những đoạn mấp mô, lồi lõm. May mắn là cuối cùng, nó dừng lại”.

Cơ phó Vietor, nữ tiếp viên Anna Maria Staringer và nữ tiếp viên trưởng Gabriele Dillmann bên chiếc LH 181 lúc nó đã về Đức.

Ngay khi chiếc LH 181 vừa dừng lại trên dải đất bên cạnh đường băng chính, đài kiểm soát không lưu Aden yêu cầu LH 181 phải cất cánh nhưng cơ trưởng Schumann cho biết ông cần kiểm tra tình trạng của máy bay sau cú hạ cánh liều mạng vừa rồi, đồng thời xin thêm nhiên liệu. 

Cơ phó Vietor kể: “Được phép của Akache, Schumann rời khỏi máy bay suốt 4 tiếng đồng hồ với lý do xem xét tình trạng của bộ bánh xe nhưng không ai biết ông đi đâu, làm gì. Lúc ông quay lại, Akache bắt ông quỳ xuống sàn máy bay trong khoang hành khách rồi bắn vào đầu ông trước sự chứng kiến của tất cả mọi người. Schumann chết ngay lập tức, xác ông bị nhét vào tủ quần áo của tiếp viên”. 

Chiếc LH 181 được chuyển về Đức sau 40 năm.

Một nhân viên của đài kiểm soát không lưu Aden cho biết qua ống nhòm, ông thấy một người đàn ông mặc quần áo như phi công xuống khỏi máy bay, đi vòng quanh bộ càng đáp rồi dừng lại rất lâu ở hai bên cánh và đuôi máy bay nhưng nhân viên này chẳng biết ông ta làm gì.

6 giờ sáng ngày 17-10, cơ phó Vietor bằng những nỗ lực phi thường, đã đưa chiếc Boeing LH 181 từ dải đất ra đường băng sân bay Aiden rồi cất cánh đi Mogadishu, Somali. 6 giờ 22 phút, không báo trước với đài kiểm soát, Vietor cho máy bay đáp xuống sân bay Mogadishu. 

Phấn khích trước việc này và nhất là lúc được tin Chính phủ Tây Đức đồng ý phóng thích 10 tay súng RAF cùng 15 triệu USD tiền chuộc - nhưng phải đợi đến ngay hôm sau vì Tây Đức cần có thời gian di chuyển tù nhân ở nhà tù Stuttgart Stammheim đến Mogadishu - Akache cho phép Vietor được rời khỏi máy bay. 

Vietor kể: “Nghe Akache nói xong, nhất là xác cơ trưởng Schuman lúc ấy đã bị bọn không tặc ném xuống đường băng như một lời cảnh cáo, tôi từ chối. Tôi muốn ở lại với hành khách vì bây giờ tôi là cơ trưởng. Tôi không thể bỏ họ để thoát thân một mình”.

Thời điểm chiếc Boeing LH 181 nằm ở sân bay Mogadishu để đợi 10 tù nhân và 15 triệu USD thì Thủ tướng Tây Đức Helmut Schmidt tiến hành thảo luận với Tổng thống Somali là Siad Barre nhằm đạt được sự nhất trí trong việc tấn công giải cứu con tin. Cùng lúc ấy, đại tá Ulrich Wegener, chỉ huy đội GSG-9 và Hans Jurgen Wischnewski, đặc phái viên của Chính phủ Tây Đức cũng bí mật đến Mogadishu trong một chuyến bay thương mại để gặp gỡ những người đứng đầu quân đội Somali, bàn phương án phối hợp.

7 phút sinh tử

21 giờ ngày 17-10, tại sân bay quân sự Hangelar gần thủ đô Bonn, Tây Đức, 30 lính đặc nhiệm GSG-9 do thiếu tá Klaus Blatte chỉ huy đã tập trung tại một khu vực riêng, tránh xa sự dòm ngó của những người tò mò. Đến 21 giờ 30, họ lên một chiếc Boeing 707 không cửa sổ, trên thân sơn biểu tượng của hãng chuyển phát nhanh DH, bay tới Djibouti. 

Chiếc LH 181 đang được tiếp nhiên liệu sau cú hạ cánh liều mạng xuống sân bay Aden, Yemen.

Lúc đang ở trên không phận Ethiopia, thiếu tá Klaus Blatte nhận được tin Tổng thống Somali đồng ý cho Tây Đức tiến hành giải cứu nên lập tức, chiếc 707 chuyển hướng đến Mogadishu. Khi còn cách sân bay Mogadishu khoảng 60km, máy bay tắt hết mọi đèn hiệu. Nó hạ cánh ngay cạnh chiếc Boeing LH 181 rồi chui vào một nhà chứa máy bay. 

Bên trong buồng lái của LH 181, qua ô cửa kính, Akache thận trọng quan sát chiếc Boeing 707 rồi hỏi cơ phó Vietor đó là máy bay gì, có phải nó mang 15 triệu USD đến không. Khi biết chiếc Boeing 707 chỉ là máy bay chở hàng của Hãng DHL, Akache im lặng.

Trong lúc đội đặc nhiệm GSG-9 vận chuyển các thiết bị từ máy bay xuống nơi tập kết, còn đại tá Ulrich Wegener và thiếu tá Klaus Blatte tiến hành trinh sát vị trí của chiếc Boeing LH 181 bằng ống nhòm hồng ngoại thì ở Bonn, Tây Đức, các thông tin giả về việc “phóng thích 10 tù nhân RAF và 15 triệu USD tiền chuộc” cũng được công bố trên các phương tiện truyền thông đại chúng nhằm kéo dài thời gian. 

Theo lệnh Đại tá Ulrich Wegener, GSG-9 sẽ tấn công vào 2 giờ sáng ngày 18-10, 15 lính đặc nhiệm sẽ chia làm 3 đội, mỗi đội 5 người. Sử dụng những chiếc thang nhôm sơn đen để tránh phản xạ ánh sáng, 1 đội sẽ vào máy bay từ cửa phía đuôi, 1 đội vào từ cửa bên cánh phải và 1 đội vào bằng cửa bên cánh trái. 15 lính còn lại làm nhiệm vụ hỗ trợ.

Các con tin trên chiếc LH 181 xuống sân bay Frankfurt, Đức, khi cuộc giải cứu thành công.

23 giờ, Akache, tên cầm đầu bọn không tặc nhận được tin qua radio, rằng 10 tù nhân RAF và 15 triệu USD đã được đưa lên xe, tới sân bay Cologne, Tây Đức. 0 giờ 30, radio cho Akache biết máy bay đã hạ cánh ở sân bay Cairo, Ai Cập và đang tiếp nhiên liệu. Dự kiến họ sẽ đến Mogadishu khoảng 2 giờ sáng ngày 18. Cơ phó Vietor kể: “Nghe xong, Akache gằn giọng vào radio rằng nếu 2 giờ 30 mà tiền và con tin không đến, một nửa hành khách sẽ bị giết”.

Vài phút trước khi cuộc giải cứu bắt đầu, theo kế hoạch phối hợp giữa đại tá Ulrich Wegener và quân đội Somali, 2 người lính Somali đổ xăng đốt mấy cái lốp xe, tạo thành đám cháy lớn trước mũi chiếc LH 181 khoảng 200m. 

Thấy chuyện bất thường, Akache cùng Wabil Harb chạy lên buồng lái để quan sát. Đúng lúc này, 3 nhóm GSG-9 tiếp cận 3 cánh cửa kỹ thuật. Khi tất cả đã vào được bên trong, nhóm GSG-9 còn lại dưới đất đồng loạt ném những quả lựu đạn “Stunt” - là loại chỉ gây ra tiếng nổ chứ không sát thương vào thân máy bay để phân tán sự chú ý của bọn không tặc.

2 giờ 7 phút sáng 18-10, lúc nhìn thấy mấy người lính đặc nhiệm Tây Đức đột ngột xuất hiện từ hàng ghế nằm giữa cánh máy bay, Hind Alameh, người tình của Akache hốt hoảng giương khẩu súng lục bắn hú họa một phát rồi vội vã chạy xuống phía đuôi, nơi đặt chiếc túi chứa chất nổ. Một lính đặc nhiệm GSG-9 lập tức hạ gục cô này bằng một viên đạn duy nhất vào giữa đầu. 

Nữ không tặc thứ hai là Suhailah Sayeh lao về phía buồng lái trong lúc Wabil Harb cũng từ buồng lái chạy ra khiến cả hai đâm sầm vào nhau. Trước khi Wabil Harb kịp ngã xuống sau cú va chạm, một đặc nhiệm GSG-9 xả nửa băng đạn tiểu liên UZI vào người gã, còn Suhailah Sayeh trốn được vào nhà vệ sinh

Xử lý xong Wabil Harb, nhóm đặc nhiệm tiến về buồng lái rồi dùng búa chuyên dụng phá tung cánh cửa. Nhìn thấy Akache, 4 khẩu UZI đồng loạt nhả đạn. Tên cầm đầu nhóm không tặc khuỵu xuống, hai bàn tay cầm 2 quả lựu đạn buông ra. Nhanh như chớp, 4 lính đặc nhiệm lăn xuống sàn máy bay. Một tiếng nổ khủng khiếp vang lên nhưng phía sau buồng lái là khoang hạng nhất, hành khách đã được lùa xuống khoang phổ thông từ trước nên chẳng ai hề hấn gì.

Tại phòng vệ sinh, giữa những tiếng la hét hoảng loạn của hành khách, đặc nhiệm GSG-9 kêu gọi Suhailah Sayeh đầu hàng nhưng được đáp trả bằng mấy phát đạn. Một lính đặc nhiệm chĩa khẩu UZI vào cửa, bắn nguyên một băng 20 viên. Sayeh trúng 7 viên nhưng còn sống. Lúc ấy là 2 giờ 14 phút, người chỉ huy nhóm giải cứu nói rất nhanh một ám ngữ vào máy bộ đàm: “Springtime” - có nghĩa là đã thành công.

Tái hợp sau 40 năm

Sau cuộc tấn công giải cứu con tin, chiếc LH 181 nằm lại ở sân bay Mogadishu suốt 8 năm với lý do “xâm phạm không phận Somali bất hợp pháp”. Đến năm 1985, nó được bán cho Presidential Airways, một công ty hàng không Mỹ rồi sau đó, nó lại được bán cho Công ty dịch vụ hàng không Transmille, Malaysia. Cuối cùng, Transmille bán nó cho Hãng Hàng không TAF Linhas Aereas, Brazil nhưng do TAF không có tiền trả nên từ năm 2008, chiếc LH 181 nằm phơi mưa phơi nắng ở sân bay Fortaleza, Brazil.

Tháng 6-2017, Bộ Ngoại giao Đức mua lại chiếc LH 181 với giá 75.936 USD. Đến ngày 21-9,  nó được vận chuyển về Đức và chính thức được trưng bày tại Bảo tàng Hàng không Friederichshafen ngày 23-9-2017.

Với Suhailah Sayeh, nữ không tặc duy nhất còn sống, cô bị tòa án Somali tuyên phạt 20 năm tù giam nhưng chỉ sau 1 năm, Sayeh được phóng thích. Chuyển đến Beirut, Liban rồi sau đó là Oslo, Na Uy, sinh sống nhưng năm 1994, cô này bị dẫn độ về Đức.

Năm 1995, Tòa án tối cao Cộng hòa Liên bang Đức kết án Suhailah Sayeh 12 năm tù với tội danh không tặc nhưng 3 năm sau đó, cô được tha vì vấn đề sức khỏe. 7 vết đạn trên người Sayeh đã khiến cô phải chống nạng suốt đời…

Vũ Cao (Theo Global Witness)
.
.