Hồ sơ mật tiết lộ NSA theo dõi cựu Tổng thống Iran

Thứ Tư, 30/09/2015, 13:30
Mới đây, một tài liệu tuyệt mật về chiến dịch tình báo của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) chống phái đoàn Iran tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (UNGA) ở New York hồi năm 2007 được tiết lộ cho thấy mức độ hoạt động gián điệp điện tử vô cùng căng thẳng trong quá khứ của tình báo Mỹ.

Tài liệu mật mà NBC News có được cho thấy tình báo Mỹ đã bí mật cài thiết bị nghe lén trong khắp các phòng khách sạn của Tổng thống Iran lúc đó là Mahmoud Ahmadinejad và toàn bộ 143 thành viên phái đoàn của ông để theo dõi hàng ngàn cuộc điện đàm và tìm hiểu "các mạng lưới xã hội" của lãnh đạo Iran.

Ahmadinejad nói chuyện tại Đại học Columbia, ngày 24/9/2007.

Tài liệu báo cáo mật dài 3 trang - có tiêu đề "Những chỉ dẫn cho khả năng phản ứng nhanh thành công" - mô tả chi tiết những gì đã xảy ra khi NSA đề nghị chính quyền Tổng thống George W. Bush lúc đó cho phép tiến hành một chiến dịch gián điệp toàn diện chuyến đi của Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad hồi tháng 9/2007 đến thành phố New York để tham dự khóa họp thường niên của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.

Lúc đó, Ahmadinejad đang trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên song rất nổi tiếng ở phương Tây do tuyên bố của ông là "sẽ xóa tên Israel ra khỏi bản đồ thế giới cũng như vấn đề chương trình hạt nhân của Tehran". Chiến dịch gián điệp của NSA đã "tranh thủ" được giấy phép hành động từ Tòa án Do thám Tình báo Đối ngoại Mỹ (FISA). Tòa án mật FISA bao gồm 11 thẩm phán có quyền cấp phép cho hoạt động gián điệp điện tử đối với chính quyền nước ngoài và thậm chí phê chuẩn hành vi khám xét tài sản hay bất động sản của chính quyền nước  ngoài.

Một phiên họp thường niên của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.

Theo tài liệu mật, những căn phòng trong khách sạn Intercontinental Hotel và các khách sạn khác ở khu trung tâm Manhattan được sử dụng làm nơi lưu trú cho Tổng thống Ahmadinejad và phái đoàn của ông đều bị NSA bí mật cài thiết bị nghe lén cũng như theo dõi hình ảnh. Chiến dịch của NSA sử dụng thành quả mới nhất trong "Công nghệ ngôn ngữ con người" để thu thập không chỉ thông tin về những gì Ahmadinejad đang suy nghĩ và nói với các trợ lý, mà còn đào sâu vào các mối liên kết cá nhân cũng như chính trị của nhóm giới chức cao cấp tháp tùng Tổng thống Iran đến New York.

Một hồ sơ về 143 thành viên phái đoàn Iran tham dự UNGA bao gồm thông tin về danh tính, số hộ chiếu, chức vụ cũng như lịch trình làm việc của Ahmadinejad và Ngoại trưởng Iran Manouchehr Mottaki. Thông tin về những căn phòng khách sạn và điện thoại di động của giới chức Iran thường xuyên được cập nhật và gửi đến trụ sở NSA cũng như Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI).

Bà Banafsheh Keynoush.

Các đội gồm 5 hay 6 chuyên gia phân tích tình báo từ 3 bộ phận chuyên môn khác nhau của NSA làm việc từ 4 giờ sáng cho đến 11 giờ đêm trong suốt quãng thời gian phái đoàn Iran ở New York để tiến hành ghi âm những cuộc đàm thoại. Ngoài việc giám sát những cuộc gọi điện thoại cũng như trò chuyện cá nhân, NSA còn sử dụng công nghệ bí mật "Blarney" cho phép họ thu tín hiệu từ những cuộc nói chuyện bằng ứng dụng Skype và cuộc họp video từ xa. NSA còn sử dụng công nghệ "Xác định người phát âm" để biết họ đang nghe ai nói chuyện.

Các công nghệ khác cũng được sử dụng như công nghệ "Dò tìm hoạt động lời nói" của NSA giúp tránh trường hợp bị mất tiếng nói khi cuộc nghe lén đang diễn ra. Hay công nghệ "VoiceRt" để phiên âm tiếng Farsi. Các đội do thám của NSA phân tích 2.000 cuộc đàm thoại mỗi ngày và các chuyên gia phân tích thường xuyên hỗ trợ công việc cho nhau. Các kết quả gián điệp cũng giúp NSA phát hiện những cá nhân nào trong phái đoàn Iran có thể được tình báo Mỹ tiếp xúc và khai thác.

NSA đặc biệt giám sát cuộc nói chuyện của Ahmadinejad tại Đại học Columbia ngày 24/9/2007, trong đó đề cập đến cuộc tàn sát người Do Thái của Đức Quốc xã và tuyên bố không có vấn đề đồng tính ở Iran. "Ban Phân tích mạng xã hội" của NSA cũng chịu trách nhiệm tái dựng mối quan hệ xã hội giữa các thành viên trong phái đoàn Iran và từ đó hiểu được suy nghĩ của họ về Ahmadinejad cũng như quyền lực của tổng thống.

Một phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon cho biết, ông không thể xác định hoạt động gián điệp của NSA đối với phái đoàn ngoại giao Iran hồi năm 2007 là có hay không và tuyên bố: "Chúng tôi mong muốn mỗi quốc gia thành viên tôn trọng quyền bất khả xâm phạm những cuộc giao tiếp đến và từ Liên Hiệp Quốc, dù bằng điện thoại hay Internet".

Chính quyền Iran cho đến giờ không bình luận gì về tài liệu mật được tiết lộ của NSA. Tuy nhiên, một nữ thành viên trong phái đoàn Iran  khi ấy, bà Banafsheh Keynoush - chuyên gia phân tích về Trung Đông và là người phiên dịch chính thức của Ahmadinejad ở New York - thừa nhận bà "không ngạc nhiên lắm" song không biết chiến dịch gián điệp của NSA đã thành công đến mức nào. Theo bà Keynoush, người Iran đã hết sức cẩn thận khi cho "dọn sạch sẽ" các phòng họp trước khi ngồi xuống làm việc.

Duy Ân (tổng hợp)
.
.