Hồ sơ vụ Pháp bán chiến hạm Mistral cho Nga

Thứ Ba, 15/04/2014, 06:40

Ngày 17/3, EU và Mỹ đã quyết định chế tài Nga bằng cách đóng băng tài khoản và hạn chế cấp chiếu khán cho một số nhân vật Nga và Ukraina.

Tuy nhiên, dự định chế tài quân sự do Quốc hội EU đề nghị đã không được biểu quyết. Điều này khiến Pháp nhẹ nhõm vì không phải giải quyết một vụ việc nhạy cảm. Paris đã bán cho Nga nhiều chiến hạm hiện đang được đóng. Hợp đồng này được ký kết vào tháng 6/2011 dưới thời Tổng thống Sarkozy trị giá 1,2 tỉ USD, bao gồm 2 chiến hạm loại Mistral, nhiều tàu đổ bộ và chỉ huy của các hãng STX và DCNS ở Saint-Nazaire và xưởng đóng tàu OSK của Nga.

Chiếc "Vladivostok" đã được đóng hoàn tất vào mùa hè 2013, chạy thử nghiệm trên biển từ đầu tháng 3 này và sẽ được bàn giao cho Nga vào cuối năm. Chiếc thứ hai tên "Sebastopol" sẽ được giao vào năm 2016. Có biệt danh là "Con dao Thụy Sĩ", loại tàu Mistral được xem như là "một trong các viên châu ngọc của Hải quân Pháp, mang đặc tính chiến lược đích thực mà nhiều quân đội phải ghen tị", nói theo tờ Le Figaro.

Phát biểu trên Đài TF1 hôm 17/3, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius đã nhắc đến vụ việc này. Ông đe dọa rằng Pháp có thể tính đến việc hủy bỏ hợp đồng bán các chiến hạm cho Nga "nếu Tổng thống Putin tiếp tục hành động", đồng thời nói thêm rằng, sự chọn lựa này "thuộc mức chế tài thứ 3. Hiện thời chúng ta chỉ ở mức 2". Ông cũng nhấn mạnh rằng việc hủy bỏ hợp đồng tùy thuộc vào lập trường của các nước phương Tây.

"Chúng tôi sẽ tính đến việc hủy bỏ hợp đồng nhưng cũng yêu cầu các nước khác, đặc biệt là Anh, cũng phải có hành động tương tự với tài sản của những nhân vật Nga tại London. Sự chế tài phải liên quan đến tất cả mọi người". Đây là một sự cẩn trọng cần thiết, vì Ngoại trưởng Pháp nói rằng việc hủy bỏ hợp đồng cũng có ảnh hưởng tiêu cực đến người dân Pháp". "Một mặt chúng ta không thể tính đến việc thường xuyên cung cấp vũ khí, nhưng mặt khác còn một thực tế về công việc làm và kinh tế".

Chiến hạm Mistral của Pháp.

Quả thật khi nói đến hợp đồng là nói đến việc làm. Trong trường hợp này, các xưởng đóng tàu giúp cho 1.000 người có việc làm trong 4 năm. Trong năm 2011, việc ký hợp đồng với Nga đã giúp cho xưởng STX ở Saint-Nazaire ngoi lên sau những khó khăn nghiêm trọng. Tuy nhiên, các nghiệp đoàn đã phản ứng với thông báo của Ngoại trưởng Fabius.

"Nếu điều này được xác nhận, không thể để cho các công nhân là biến số hiệu chỉnh vì họ không phải chịu trách nhiệm" - Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Pháp Joel Cadoret lên tiếng trên Đài AFP.

"Chính phủ phải có biện pháp để những hợp đồng đó không đè trên tay xí nghiệp và công nhân không phải gánh chịu các quyết định của chính phủ. Trong bất kỳ trường hợp nào cũng không nên để hậu quả cho việc làm của công nhân" - Jean-Marc Perez của Lực lượng Công nhân tuyên bố.

Mặt trận Tổ quốc cũng phản ứng ngay. "Chúng ta không có một ngoại trưởng mà là một kẻ phá hoại ngành công nghiệp Pháp và hàng ngàn việc làm. Làm như thế ông ta đã mắc sai lầm nghiêm trọng, xâm phạm trực tiếp đến quyền lợi cơ bản của đất nước" - Phó chủ tịch Florian Philippot cho biết trong một bản tin.

Về phía Nga, lời đe dọa đó dường như không được xem trọng. "Người đồng nghiệp của chúng tôi  không biết rằng có bao nhiêu việc làm đã được tạo ra tại Pháp nhờ sự hợp tác làm ăn với Nga. Nước Pháp bắt đầu phản bội lại niềm tin của chúng ta về một nhà cung cấp đáng tin cậy" - Phó Thủ tướng Nga Dmitri Rogozine viết trên trang Twitter của ông và kêu gọi "các đồng nghiệp châu Âu không nên làm trầm trọng thêm tình hình".

Ngoài hậu quả về việc làm tại xưởng đóng tàu Saint-Nazaire, việc hủy bỏ một hợp đồng quân sự như thế không thể làm trong một cái búng tay. "Việc này về chính trị có vẻ hợp lý nhưng về pháp lý và kinh tế lại rất phức tạp. Phải bồi thường số tiền đã cam kết hoặc Pháp mua lại các chiến hạm đó, mà điều này thì Pháp không đủ điều kiện" - nhà nghiên cứu Frédéric Coste giải thích.

Hơn nữa, cần biết rằng việc đóng một chiến hạm cho một nước phải có các điều chỉnh cho thích hợp với đặc tính của quân đội nước đó. "Giữa nước Pháp và nước Nga, các hệ thống vũ khí hay liên lạc không giống nhau" - Frédéric Coste nhắc lại.

Một phương cách khác là "bán lại cho quốc gia khác". Nhưng còn phải tìm được đối tác. "Không phải mọi quốc gia đều cần loại chiến hạm đó và nhất là đều có điều kiện để mua chúng". Hơn nữa, phương cách này sẽ buộc chính phủ phải bán tống bán tháo các chiến hạm.

Nói rộng hơn, về mặt kinh tế, hủy bỏ hợp đồng với Nga sẽ là bỏ đi một thị trường quan trọng. Nga là một trong những quốc gia nằm trong tầm ngắm của ngành công nghiệp quốc phòng Pháp, đặc biệt là do ngân sách quốc phòng nước này không ngừng gia tăng: +40% trong vòng 3 năm. Tuy đang lên án Nga nhưng Pháp không muốn làm tổn hại đến nền công nghiệp quốc phòng xuất khẩu, một trong những ngành mũi nhọn để giảm bớt mức thâm hụt ngoại thương.

Giả định rằng Pháp sẽ cao giọng về mặt quân sự, nhưng một kịch bản khả dĩ là Pháp sẽ không hủy bỏ hợp đồng mà chỉ hoãn lại. Lợi điểm của đường lối này là "gởi một thông điệp chính trị nhưng không cần phải đi quá xa" - Frédéric Coste giải thích. Hoãn cung cấp chiến hạm cũng giúp kéo dài thời gian để Pháp tìm được một đường hướng khác hay một đối tác khác. Nhưng nhiều khả năng là Paris sẽ làm mọi thứ để không phải đi đến cực điểm đó.

Điều trớ trêu của số phận, hợp đồng mua bán giữa Pháp và Nga đã gây ra căng thẳng giữa Pháp với các đồng minh Mỹ và châu Âu. Thật vậy, hợp đồng này được ký kết chỉ chưa đầy 2 năm sau cuộc chiến Nga - Gruzia. "Vào năm 2008, căng thẳng giữa Gruzia và Nga chung quanh vùng Nam Ossetia đã dẫn đến cuộc chiến 5 ngày. Sau đó Moskva đã công nhận nền độc lập của Nam Ossetia và Abkhazia, cho hàng ngàn binh sĩ đồn trú tại đấy. Tbilissi và phương Tây đã lên án một sự chiếm đóng đã rồi.

Để đáp lại những kẻ phản đối hợp đồng bán chiến hạm Mistral cho Nga, Tổng thống Sarkozy lúc ấy trả lời: "Cuộc Chiến tranh lạnh đã chấm dứt rồi"

Minh Luân (tổng hợp)
.
.