“Hoàng đế” Bokassa của Đế chế Trung Phi: Chết không đồng xu dính túi

Thứ Sáu, 16/01/2015, 12:15
Cuối năm 1960, không chỉ ở miền Nam Việt Nam mà hầu như cả thế giới đều xôn xao trước việc Tổng thống Bokassa của “Đế chế Trung Phi” (nay là Cộng hòa Trung Phi) tìm được giọt máu rơi - là một cô con gái - kết quả của sự chung đụng giữa ông và một phụ nữ người Việt trong thời gian ông là lính lê dương trong quân đội viễn chinh Pháp tại Việt Nam.

Trước khi tìm được cô con gái “thật”, một nhóm lừa đảo ở Sài Gòn đã đưa một thiếu nữ khác vào đóng giả con gái của Bokassa. Tuy nhiên, khi phát hiện ra sự giả mạo, Bokassa không những không đuổi cô con gái “giả” về nước mà còn nhận làm con nuôi. Một số cận vệ của Bokassa sau này tiết lộ rằng cô gái ấy ban ngày là con nuôi, còn ban đêm là… “con vợ”!

Đầu tháng 12 vừa qua, 19 năm sau ngày Bokassa chết, tờ Le Figaro, Pháp đã cho đăng tải một bài viết, kể lại những chuyện chưa bao giờ công bố về những thâm cung bí sử trong suốt cuộc đời của Bokassa…

1. Họ tên đầy đủ của Bokassa là Jean Bedel Bokassa, thuộc bộ tộc M'Baka. Ông sinh ngày 22/2/1921 tại làng Bobangui, cách thủ đô M'Baiki của nước Châu Phi xích đạo khoảng 80km về phía bắc. Ông là con của một công nhân làm việc cho Công ty Lâm nghiệp Pháp.

Năm 1927, cha Bokassa bị bắt và bị kết án tử hình với tội danh phá rối. Không lâu sau đó, mẹ ông tự tử chết vì tuyệt vọng. Thời điểm này, Bokassa đang là học sinh bậc tiểu học tại Trường Sainte Jeane d'Arc ở M'Baiki, rồi tiếp theo là Trường trung học Saint Louis ở Bangui. Khi Thế chiến II nổ ra, nước Pháp bị quân đội Đức Quốc xã chiếm đóng, Bokassa gia nhập lực lượng "Pháp tự do" do De Gaulle lãnh đạo. Ông được thăng cấp hạ sĩ khi tham gia chiến dịch giải phóng tỉnh Provence, Pháp rồi được cho đi học lớp đào tạo sĩ quan.

Năm 1950, Bokassa sang Việt Nam, là lính lê dương trong quân đội viễn chinh Pháp và được thưởng Huân chương Bắc Đẩu bội tinh. Thời gian ở Việt Nam, ông lấy bà Nguyễn Thị Huệ rồi có một đứa con gái, đặt tên là Martine Nguyễn.

Bokassa trong lễ phong Vương.

Năm 1960, Châu Phi xích đạo giành lại được độc lập từ tay người Pháp. Vị Tổng thống mới của quốc gia này là David Dacko - vốn có họ hàng xa với Bokassa - quyết định đổi tên nước thành Cộng hòa Trung Phi rồi mời Bokassa về nắm quyền chỉ huy quân đội.

Năm 1966, với lực lượng vũ trang trong tay, Bokassa tiến hành đảo chính, lật đổ David Dacko, lên làm "hoàng đế", đổi tên nước thành Đế chế Trung Phi. Ngày 20/9/1979, sau những cuộc biểu tình liên tiếp của sinh viên, học sinh, tố cáo ông đã đích thân giám sát vụ giết chết 100 học sinh chỉ vì họ từ chối mua đồng phục được sản xuất tại một nhà máy do ông sở hữu, Bokassa phải bỏ chạy sang Bờ biển Ngà (Ivory Coast) rồi sau đó là Pháp, nơi ông có nhiều lâu đài nguy nga. Ông bị chính quyền mới kết án tử hình vắng mặt.

Năm 1986, Bokassa trở lại Cộng hòa Trung Phi rồi bị đưa ra xét xử tội phản quốc, giết người. Bị kết án tù chung thân nhưng chỉ 6 năm sau, Bokassa được tha. Những năm cuối đời, Bokassa sống ở Bangui, thủ đô cũ của Đế chế Trung Phi. Ông chết ngày 3/11/1996, không một đồng xu dính túi.

2. Trong thời gian làm "hoàng đế", Bokassa có máu mê sưu tập vàng bạc, đá quý. Trong số những đồ châu báu mà ông thu thập được, có 2 viên kim cương thô rất lớn nhưng chưa bao giờ ông đồng ý cho mài giũa. Để mua chuộc các chính trị gia - trong đó có cả Tổng thống Pháp Valéry Giscard d'Estaing, Bokassa đã dùng kim cương làm vũ khí. Sau này, Bokassa tố cáo Tổng thống d'Estaing đã đứng sau cuộc đảo chính lật đổ ông và cuỗm mất Hoàng hậu Cathérine của ông (?!).

Bokassa với bộ quân phục Thống chế.

Để thể hiện quyền lực của một "hoàng đế", Bokassa đặt tên cho nhiều công trình ở thủ đô Bengui bằng tên mình như Cung thể thao Jean Bedel Bokassa, Đại lộ Bokassa, Đại học Tổng hợp Jean Bedel Bokassa… Bên cạnh đó, Bokassa còn cho xây dựng nhiều "dinh tổng thống" như Villa Kolongo, Villa Berengo, đồng thời là chủ của nhiều nhà hàng ăn uống, xưởng dệt vải, trang trại nuôi gia súc, hai hãng hàng không dân sự, một hãng mua bán ngà voi... Theo báo Le Figaro, Bokassa đã tự phong cho mình là "đệ nhất nông dân và đệ nhất thương gia của Đế chế Trung Phi". Những người từng có thời gian thân cận với Bokassa kể lại rằng ông ta tự cho mình có quyền làm hoàng đế suốt đời, kiêm Bộ trưởng Tư pháp, Quốc phòng, Nội vụ và các bộ khác.

Ở Pháp, Bokassa làm chủ nhiều bất động sản như lâu đài Villemorant ở Saint Louis Chavanon, lâu đài Handicourt de La Cottencière ở ngoại ô thủ đô Paris, lâu đài Mezy sur Seine, lâu đài Nice và nhà hàng khách sạn Le Montagne ở Romorantin.

Và dĩ nhiên, bên cạnh các bất động sản là các "động sản" gồm nhiều bà vợ bé (nguyên văn lời Bokassa gọi họ). Đó là vũ nữ Martine N'Douta, kẻ vẫn thường ganh tị với các bà vợ bé người Gabon, Tunisie, Pháp, Bỉ, Lybie, Cameroon, Đức, Thụy Điển, Zaire, Trung Quốc. Nhiều người trong số họ được các nhà lãnh đạo sở tại "tặng" cho Bokassa khi ông ta công du các quốc gia này, chẳng hạn như bà vợ bé người Tàu là "quà tặng" của Tưởng Giới Thạch, lúc ấy cầm quyền ở Đài Loan. Tại Gabon, trong phái đoàn ra sân bay đón tiếp Hoàng đế Bokassa, ông ta đặc biệt để ý đến một cô gái tên là Joelle. Bỏ qua tất cả mọi nghi lễ ngoại giao, Bokassa dặn Joelle "đừng đi đâu hết" rồi tiến đến trước mặt Tổng thống Omar Bongo: "Hồi nãy tôi đến với tư cách quốc khách, bây giờ tôi gặp anh với tư cách riêng để xin cưới một công dân của anh làm vợ".

Dù muốn dù không, Tổng thống Omar Bongo cũng phải đồng ý. Khi công du một quốc gia khác, Bokassa gặp cô vũ nữ tóc vàng Gabriela Brimba trong một vũ trường. Ngỏ lời cầu hôn với cô ta nhưng bị từ chối, Bokassa liền "nói nhỏ" với lãnh tụ nước này. Chỉ hơn một tháng sau, Gabriela Brimba được đưa tới Bangui rồi được Bokassa đổi tên thành Martine N'Douta. Sau khi chế độ của quốc gia ấy sụp đổ, Brimba trở về cố quốc, bỏ lại đứa con gái tên là Anne de Berengo cho Bokassa nuôi dưỡng.

Trường hợp bà Nguyễn Thị Huệ cũng vậy. Năm 1953, do khiếp sợ đám lính Lê dương nên lúc Bokassa ngỏ lời "cầu hôn" với bà, bà đành gật đầu! Khi đứa con gái ra đời, Bokassa đặt tên cho con là Martine Nguyễn. Năm 1960, lúc Bokassa với sự trợ giúp của Chính phủ Pháp và chính quyền Sài Gòn tìm ra cô thì cô đang là công nhân của một hãng sản xuất xi măng ở quận 4.

Năm 1961, Bokassa đưa mẹ con cô Martine và cả cô con gái giả về Trung Phi. Một số cận vệ của Bokassa sau ngày ông ta bị lật đổ đã tiết lộ, rằng ngoài bà Huệ, Bokassa còn "làm thịt" luôn hai cô con gái - cả thật lẫn giả. Sau đó, ông ta rao tìm "hoàng tử" cho hai cô. Một đám cưới linh đình xa hoa được tổ chức giữa cô Martine "thật" với một bác sĩ. Khi quân đội tiến hành lật đổ Bokassa, chồng Martine Nguyễn bị bắn chết còn Martine Nguyễn phải chạy sang Pháp xin tị nạn và hiện giờ, cô  làm chủ một nhà hàng thức ăn Việt ở Paris.

Với cô Martine Nguyễn "giả", cô cưới một sĩ quan quân đội của Bokassa. Anh sĩ quan này bị cận vệ của Bokassa bắn chết trong một cuộc đảo chính nhưng bất thành, rồi chính Martine Nguyễn "giả" cũng bị giết một năm sau đó!

3. Sau một thập niên cai trị, Bokassa tổ chức lễ phong vương "Hoàng đế Bokassa Đệ nhất". Tuy nhiên, đa số các quốc gia đồng minh lân cận đều nghèo nên chẳng ai gửi tiền ủng hộ. Chỉ có nước Pháp tặng 22 triệu frăng để mua sắc phục cho hàng nghìn quan khách, một ngai vàng cao 3,5 mét, rộng 5 mét làm theo kiểu Napoléon có viền nạm vàng, 8 con ngựa trắng, một mũ triều thiên nạm vàng và kim cương do nhà kim hoàn nổi tiếng Arthus Bertrand của Pháp thực hiện với những viên kim cương mà có viên lên đến 8 carat!

Cô Martine Nguyễn “thật” và con trai.

Ngoài ra còn có 2 bức chân dung Bokassa Đệ nhất vẽ bởi họa sĩ Hans Linus, người Đức. Hơn 24.000 chai rượu vang cao cấp Moet et Chandon và 4.000 chai rượu vang siêu cao cấp Château Mouton Rothschild và Château Lafite Rothschild được mua về phục vụ thực khách cùng 60 chiếc ôtô Mercedes mang từ Tây Đức sang. 

Trước sự lạnh nhạt của các đồng minh, Bokassa rất buồn bực trong lòng về số lượng nguyên thủ quốc gia đến tham dự! Khác với lễ đăng quang của Vua Haile Selassie, xứ láng giềng Ethiopia hồi năm 1930 với hầu như toàn bộ các tổng thống, vua chúa, bộ trưởng các nước thân hữu đều hiện diện. Còn lễ đăng quang của "Bokassa Đệ nhất" chỉ có tướng Franco, Tây Ban Nha, Hoàng đế Hirohito, Nhật Bản, Vua Shah Reza Pahlavi, Iran, Idi Amin, Uganda, Mobutu Sese Seko xứ Zaire. Ngay cả bạn thân Omar Bongo, người từng tặng gái đẹp cho Bokassa cũng vắng mặt! Bokassa cho rằng những người "bạn thân" khác không đến dự vì ghen tuông! Đau nhất là Tòa thánh Vatican từ chối cho Bokassa làm lễ phong vương ở nhà thờ chính tòa Bangui.

Sau cuộc đảo chính lật đổ Bokassa mang tên "Operation Barracuda" diễn ra ngày 20/9/1979, phần lớn tài sản của Bokassa đều bị tịch thu. Nhiều nước từ chối cho ông tị nạn. Chỉ có Tổng thống Bờ biển Ngà là Felix Houphouet Boigny chịu chứa chấp ông vì áp lực của Pháp. Đến lúc ấy, nhiều  tội ác của Bokassa mới bị phanh phui. Tại Villa Kolongo, ngoài hàng trăm viên kim cương và đồng hồ đeo tay bằng vàng ròng, còn có những chiếc tủ cấp đông bên trong chứa xác người, phần lớn là các lãnh tụ sinh viên tranh đấu chống Bokassa! Dưới hồ nước, cũng có rất nhiều xương người. Những lời tố cáo của phe đảo chính khẳng định rằng những bộ xương ấy là phần còn lại sau khi Bokassa đã ăn thịt họ để… trường sinh!

Về cuối đời, Bokassa viết cuốn hồi ký "Ma Verité" - Chân lý đời tôi - nhưng chưa kịp xuất bản thì đã bị Chính phủ Pháp thu hồi. Tết năm 1985, Bokassa làm lễ kỷ niệm 20 năm cầm quyền tại lâu đài Handricourt nằm ở phía tây Paris nhưng chỉ có ông và những đứa con.

Trên bức tường trong đại sảnh, Bokassa cho trưng bày chân dung Hoàng hậu Catherine, Hoàng đế Napoléon và bức ảnh trận Điện Biên Phủ. Vì không có tiền mua thức ăn nuôi 15 đứa con - mỗi đứa một mẹ khiến Bokassa than trời như bọng! Có lúc bí quá, Bokassa làm đơn xin Chính phủ Pháp tiền trợ cấp thời gian 6 tháng nằm điều trị vết thương tại một quân y viện ở Sài Gòn hồi thập niên 1950. May thay, vài tháng sau ngày gửi đơn, Bokassa được tòa án trả lại chiếc ôtô Corvette và một máy bay trị giá 6 triệu frăng. Lập tức, Bokassa rao bán để lấy tiền... đi trốn!

Trước khi bỏ trốn, Bokassa viết thư cho Tổng thống Pháp là Francois Mitterand, nội dung tự nhận mình là "công dân tự do" trở về Cộng hòa Trung Phi và sẵn sàng  phục vụ đất nước nếu có lời mời (?!). Lúc xuống sân bay Bangui, Bokassa định đọc một bài diễn văn, khẳng định mình vẫn là "Hoàng đế Bokassa Đệ nhất" thì bị an ninh Pháp phát hiện và bắt giữ. Tám tháng sau, Tòa án Cộng hòa Trung Phi tuyên bố xử tử hình ông ta. Biện hộ trước tòa, Bokassa nói ông bị buộc tội chỉ vì ông là người châu Phi. Được giảm xuống còn tù chung thân nhưng chỉ sau 6 năm nằm nhà đá, Bokassa được tha.

Bokassa chết ngày 3/11/1996 trong sự nghèo khó, túng quẫn. Vài năm trước khi mất, ông luôn mặc bộ quân phục "Thống chế Cộng hòa" với 7 hàng huy chương, huy hiệu thời Napoléon. Dù ở trong nhà hay ra đường, trên tay Bokassa lúc nào cũng có cây gậy chỉ huy mà ông ta gọi là "cây gậy công lý - canne de justice". Lúc chết, ngoài cây gậy, tài sản duy nhất của "Hoàng đế Bokassa Đệ nhất" chỉ là một bộ quần áo máu trắng mà Bokassa cho rằng nó có xuất xứ từ… Jerusalem!

Cao Trí
.
.