Hoạt động của tình báo Israel tại Iraq

Thứ Ba, 02/05/2006, 08:00

Với chiến lược “phòng ngừa an ninh từ xa” của mình, Israel từ lâu đã cho triển khai nhiều hoạt động tình báo nhằm ngăn ngừa và chống lại các nỗ lực phối hợp của các nước Arập.

Báo cáo đặc biệt của các cơ quan mật vụ Pháp cho biết, chỉ riêng trong năm 2004, khu vực miền Bắc Iraq là nơi tập trung của gần 1.200 nhân viên Mossad và các cơ quan mật vụ quân sự Israel để giám sát hoạt động của các quốc gia như Iran, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ; cũng như huấn luyện cho các đơn vị cảnh sát người Kurd tại các thành phố Suleimani và Erbel. Một số tài liệu khác tại Jordan còn khẳng định, tình báo Israel vẫn tiếp tục chiến dịch sát hại các nhà khoa học, viện sĩ và giảng viên Iraq, những người đã được liệt kê trong các bản “danh sách đen” (trong đó có tới hơn 1.000 cái tên). Cuộc săn lùng tầng lớp trí thức tiên tiến của Iraq vẫn được tình báo Israel tiến hành, cho dù chiến tranh đã kết thúc tại quốc gia này từ 3 năm trước.

Mới đây, tạp chí xuất bản tiếng Pháp Le magazine de Israel trong phụ trương đặc biệt của mình đã tiết lộ rất nhiều về các chiến dịch của tình báo Israel tại Iraq. Tạp chí này cho biết, từ thời điểm chế độ Saddam Hussein sụp đổ vào mùa xuân năm 2003, Israel rất tích cực tuyển mộ các nhà khoa học Iraq trong các lĩnh vực năng lượng, vật lý, vũ khí để làm việc cho mình và đã lôi kéo được một số người. Còn những ai khước từ hợp tác với Israel sẽ được các cơ quan mật vụ nước này mặc nhiên công nhận là “mối đe dọa về an ninh” đối với quốc gia Do Thái, nếu như họ bắt đầu làm việc cho các quốc gia Arập hay Hồi giáo nào đó.

Kết quả là mật vụ Israel đã lập ra một danh sách hơn 1.000 các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu và cả các tư tưởng gia để dần dần tiêu diệt họ. Ước tính cho tới giờ, tình báo Israel đã tiêu diệt 550 nhà khoa học của Iraq, trong đó có 350 chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân và 200 giảng viên đại học.

Còn theo một số nguồn tin trong cộng đồng tình báo Pháp, nhiệm vụ quan trọng khác của Mossad tại Iraq là thành lập các đơn vị đặc nhiệm kiểu “commando”, với thành phần những người có hộ chiếu Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Anh, Mỹ v.v... có khả năng chống lại lực lượng kháng chiến, đặc biệt là những người ủng hộ thủ lĩnh người Shiite, giáo sĩ Muqtada As Sadr. Ngoài ra, Mossad còn triển khai nhiều chiến dịch đặc biệt khác ngay tại miền Bắc Iraq.

Tất cả những dữ kiện trên cho thấy, Israel đang tập trung sức mạnh về tình báo của mình tại Iraq sau khi chế độ của Saddam Hussein bị tan rã dưới đủ mọi hình thức hoạt động – từ tuyên truyền thông tin, chính trị, tình báo cho tới quân sự. Các điệp viên mật vụ Israel và Mỹ còn nhúng tay vào những âm mưu gây chia rẽ giữa các cộng đồng sắc tộc tại quốc gia vốn đã rất loạn lạc này. “Lãnh thổ quốc gia Do Thái cần phải trải dài từ sông Nile cho tới sông Evrat” – đó là lời khẳng định của các lãnh tụ tinh thần Do Thái giáo, được trích trong cuốn sách có tựa đề “Cuộc chiến của Israel tại Iraq” của nhà nghiên cứu Novaf az-Zura.

Dựa vào chiến lược an ninh và tham vọng trên, quốc gia Do Thái đã tập trung nhiều nỗ lực để xây dựng các đơn vị quân sự chiến lược, có đủ khả năng đối đầu với liên quân của các nước Arập. Mục tiêu quan trọng của tình báo Israel là phải bằng mọi cách làm suy yếu các sức mạnh quân sự có thể đe dọa đến an ninh của người Do Thái, đặc biệt là trong lĩnh vực các loại vũ khí hạt nhân, hóa học hay sinh học. Chính vì vậy, việc đưa các quốc gia Arập vào tình trạng “chia năm xẻ bảy” như tại Iraq là một nhiệm vụ quan trọng của Mossad.

Tình báo Israel cũng đặc biệt đầu tư trong cuộc chiến tuyên truyền. Công cụ tuyên truyền quan trọng nhất của họ chính là kênh truyền hình vệ tinh Al Iraqia. Được thành lập bởi Công ty Marmey của người Do Thái tại Baghdad, Al Iraqia đã có quan hệ chặt chẽ với Cơ quan Tình báo Mossad để triển khai các hoạt động tuyên truyền có lợi cho Israel. Chính công ty này đã ký một thỏa thuận với cựu toàn quyền của Mỹ tại Iraq là Paul Bremer để thuê một đài phát cũ của Chính phủ Iraq với giá 60 triệu USD/năm.

Trong thỏa thuận có nói rõ về quyền của công ty này trong việc dựng các chương trình chính trị để phát cho người dân Iraq. Nội dung chính của những chương trình này nhằm tuyên truyền cho người dân Iraq tư tưởng về trách nhiệm của các quốc gia Arập và chính phủ cũ dưới thời Saddam Hussein trong “những hành động đàn áp người dân Iraq” trước đây, qua đó gieo rắc tư tưởng chống đối các quốc gia Arập khác (đặc biệt là Palestine) trong dân chúng Iraq

Thái Quân (tổng hợp)
.
.