Hoạt động của tình báo nước ngoài tại New Zealand

Thứ Tư, 24/01/2007, 15:30

New Zealand thu hút sự quan tâm của nhiều cơ quan tình báo nước ngoài do quốc gia này là thành viên của tổ chức tình báo thông tin lớn nhất hành tinh, có tên viết tắt là UKUSA bao gồm các nước Mỹ, Anh, Australia, New Zealand, Nhật, Đức, Thụy Sĩ, Đan Mạch, Canada...

Chiều ngày 14/7/2004, các nhân viên Cơ quan An ninh tình báo New Zealand (NZSIS) phối hợp với Cảnh sát New Zealand bắt giữ hai công dân Israel tên là Uriel Zosha Kelman và Eli Cara tại thành phố Auckland  về tội sử dụng thông hành giả, nhập cư bất hợp pháp vào lãnh thổ New Zealand để hoạt động tình báo.

Vụ bắt giữ này làm lộ ra một đường dây gián điệp báo của Cơ quan Tình báo hải ngoại Israel (Mossad) hoạt động tại New Zealand trong suốt một thời gian dài do Zev William Barkan, một nhà ngoại giao làm việc tại Sứ quán Israel ở thủ đô Wellington cầm đầu. Một công dân New Zealand tên là Tony Resnick cũng bị buộc tội làm điệp viên nội gián cho Mossad. Thế nhưng, cho dù có lùng sục cách mấy, Cảnh sát New Zealand vẫn không bắt giữ được cả Barkan và Resnick.

Vụ phá vỡ đường dây điệp báo của Mossad hoạt động trên lãnh thổ New Zealand đã khiến Thủ tướng Helen Clark tuyên bố  áp dụng  một số biện pháp trừng phạt Israel về mặt ngoại giao và đình chỉ mọi tiếp xúc cấp cao giữa hai quốc gia.

Chuyến công du của Tổng thống Israel Moshe Katzav dự kiến đến New Zealand vào tháng 8/2004 cũng bị hoãn vô thời hạn. Đến tháng 4/2005, sau 8 tháng bị giam giữ, với số tiền nộp phạt lên đến 32.500 USD, cả Kelman và Cara đều bị trục xuất về lại Israel. Cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Israel và New Zealand về vấn đề tình báo chỉ thật sự chấm dứt vào tháng 10/2005 sau khi Thổ Nhĩ Kỳ đứng ra làm trung gian hòa giải và Chính phủ Israel chính thức xin lỗi Chính phủ New Zealand.

Vụ phá vỡ đường dây hoạt động điệp báo của Mossad trên lãnh thổ New Zealand chỉ là một trong rất nhiều sự kiện liên quan đến hoạt động tình báo nước ngoài tại quốc đảo này.

Là một quốc gia nhỏ nằm cách Australia 1.200km về phía đông nam, New Zealand thu hút sự quan tâm của nhiều cơ quan tình báo nước ngoài do quốc gia này là thành viên của tổ chức tình báo thông tin lớn nhất hành tinh, có tên viết tắt là UKUSA bao gồm các nước Mỹ, Anh, Australia, New Zealand, Nhật, Đức, Thụy Sĩ, Đan Mạch, Canada... Đối với nhiều cơ quan tình báo nước ngoài, New Zealand được xem là “cửa sau” để thâm nhập và tổ chức thu thập thông tin về hoạt động của UKUSA.

Để đạt được mục đích này, trong thời kỳ chiến tranh lạnh, Liên Xô đã tổ chức hoạt động điệp báo tại New Zealand thông qua điệp viên nội ứng người New Zealand là Bill Sutch, một cố vấn cao cấp vê kinh tế của Chính phủ New Zealand.

Năm 1967, tình báo Liên Xô do muốn thông qua New Zealand để thu thập thông tin về tổ chức tình báo UKUSA nên đã giao nhiệm vụ cho Dimitri Razgovorov, tham tán thương mại của Sứ quán Liên Xô tại New Zealand, một điệp viên Liên Xô, tìm cách tiếp cận và tuyển dụng Sutch khi biết rằng ông này từng có cảm tình với đảng Cộng sản New Zealand và hiện là đảng viên đảng Xã hội New Zealand. Sutch chấp thuận làm điệp viên nội gián cho tình báo Liên Xô. Sutch đã cung cấp rất nhiều thông tin có giá trị về UKUSA.

Năm 1974, Paddy Costello, một điệp viên nội gián người New Zealand được tình báo Liên Xô tuyển dụng, làm việc tại Bộ Ngoại giao New Zealand bị NZSIS phát hiện và bắt giữ. Từ khai báo của Costello, NZSIS lần ra đường dây điệp báo của Sutch và tiến hành bắt giữ điệp viên nội gián này vào tháng 9/1974.

Vụ bắt giữ hai điệp viên nội gián Bill Sutch và Paddy Costello cũng đã gây khủng hoảng về ngoại giao giữa Liên Xô và New Zealand, khi New Zealand quyết định trục xuất Vesevelod Sofinsky, Đại sứ Liên Xô tại New Zealand cùng hai Tham tán Sergei Budnik (người đã tuyển dụng Paddy Costello) và Dimitri Razgovorov về tội tổ chức hoạt động tình báo trên lãnh thổ New Zealand.

Trong khi sự kiện điệp viên nội ứng Bill Sutch còn chưa yên ắng thì đến tháng 7/1985, tại New Zealand lại xảy ra một sự kiện khác liên quan đến hoạt động tình báo nước ngoài. Đó là vụ chiếc tàu thủy Rainbow Warrior của tổ chức Hòa bình xanh bị đánh đắm bằng chất nổ tại cảng Auckland, làm chết một phóng viên ảnh người Bồ Đào Nha tên là Fernando Pereira.

Tàu Rainbow Warrior bị đánh đắm tại cảng Auckland.

Các cuộc điều tra phối hợp giữa cảnh sát và NZSIS cho thấy chính Cơ quan Tình báo hải ngoại Pháp (DGSE) đã tổ chức đánh đắm chiếc Rainbow Warrior. Khi đó chiếc tàu này được phái tới đây để ngăn chặn cuộc thử bom hạt nhân của Pháp trên đảo Muroroa sau khi hai điệp viên DGSE dưới lốt một cặp vợ chồng người Pháp đến New Zealand du lịch là Thiếu tá Alain Mafart và Đại úy Dominique Prieur bị bắt giữ.

Vụ đánh đắm chiếc Rainbow Warrior không những làm xấu đi quan hệ ngoại giao giữa Pháp và New Zealand mà còn dẫn đến việc Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Charles Hernu phải từ chức và Giám đốc DGSE, Đô đốc Pierre Lacoste bị cách chức.

Chỉ sau khi Thủ tướng Pháp Laurent Fabius chính thức xin lỗi New Zealand và đền bù một số tiền lên đến 15 triệu USD cho phía New Zealand thì quan hệ ngoại giao giữa Pháp và New Zealand mới được khôi phục

Văn Hòa (theo Historia)
.
.