Hội nghị về vấn đề hạt nhân Iran đã thất bại

Thứ Tư, 20/11/2013, 05:35

Trong khi tại hội nghị Geneve, các nhà ngoại giao phương Tây cố gỡ bỏ những chướng ngại cho một thỏa ước về vấn đề hạt nhân Iran, sự bướng bỉnh của Pháp bị chỉ trích là phá rối. Thêm vào đó là sự ngờ vực vào hảo ý của Iran từ phía Israel đã khiến cho hội nghị không đạt được một thỏa ước mong muốn.

Nước Pháp do Ngoại trưởng Laurent Fabius đại diện đã đòi hỏi một sự cam kết chắc chắn hơn từ phía Iran đối với một số chi tiết của chương trình hạt nhân. Điều này đã khiến các nhà ngoại giao phương Tây cũng như Iran bực dọc.

Sau khi thảo luận với Ngoại trưởng Iran, Ngoại trưởng Laurent Fabius đã nhận định rằng: "Nhiều vấn đề quan trọng vẫn còn đó, đặc biệt là về lò phản ứng Arak cũng như về kho hạt nhân và việc làm giàu uranium. Kho hạt nhân của Iran được làm giàu đến 20%, điều này rất nguy hiểm. Làm sao để hạ xuống 5%? Nếu các chi tiết đó không được giải quyết thì không thể có thỏa thuận. Hơn nữa chúng ta cũng phải quan tâm đến mối lo ngại về an ninh của Israel và khu vực. Chúng tôi muốn tránh sự hân hoan của chiếc ly chỉ đầy một nửa".

Ông ám chỉ đến thỏa thuận về việc ngưng chương trình làm giàu uranium của Iran năm 2003-2004 đã tan thành mây khói và cảnh báo về nguy cơ của một "trò lừa gạt".

Cần biết rằng, thỏa ước được dự kiến với thử thách trong 6 tháng nhắm đến sự giảm nhẹ các chế tài khi Iran cam kết ngưng một phần hoặc toàn phần chương trình làm giàu uranium. Lò phản ứng Arak (có khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân với plutonium) mà Ngoại trưởng Pháp nói đến sẽ đi vào hoạt động trong mùa hè tới. Theo các chuyên gia, một khi lò phản ứng Arak đã đi vào hoạt động sẽ rất khó ngưng lại.

Một quan chức cấp cao Israel cho biết rằng "chính phủ nước này đã bác bỏ hoàn toàn thỏa ước nếu có giữa Iran và các cường quốc phương Tây. Nếu thỏa ước này được ký kết, Iran sẽ được hưởng sự giảm nhẹ các chế tài mà không có một nhượng bộ thực sự nào trong chương trình hạt nhân cả".

Sau 3 ngày bàn thảo căng thẳng, đến cuối ngày 9/11 hội nghị đã không đạt được một thỏa ước chung và sẽ có một hội nghị thứ nhì được tổ chức vào ngày 20/11 tới. Nghị sĩ Mỹ John McCain đã chúc mừng nước Pháp vì đã ngăn chặn sự ký kết thỏa ước. "Nước Pháp đã có can đảm ngăn cản một thỏa ước tồi tệ về vấn đề hạt nhân Iran".

Nghị sĩ Mỹ thuộc đảng Cộng hòa Lindsey Graham cho biết rằng, một dự thảo song phương về Iran đang được chuẩn bị để trình lên Thượng viện vào tuần tới vì cơ quan này có thẩm quyền quyết định về những sự chế tài Iran.  "Mục đích của chúng tôi là một thỏa ước về lâu dài. Chúng tôi không muốn vướng vào một Triều Tiên mới tại vùng Cận Đông".

Theo ông Graham, văn bản của thỏa ước sắp tới sẽ có 4 yêu cầu: ngưng làm giàu uranium, phá hủy các máy ly tâm, ngừng xây lò phản ứng plutonium và cho phép cộng đồng quốc tế kiểm soát mọi giai đoạn.

"Nếu một thỏa ước đáp ứng được 4 yêu cầu đó, tôi sẽ rất hài lòng. Còn nếu không, thế giới sẽ hối tiếc" - ông này tuyên bố và nhắc lại nỗi lo lắng của Israel đối với đường lối của Tổng thống Obama về chương trình hạt nhân Iran.

Người ta có thể ngạc nhiên về sự kiên trì của Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius về vấn đề lò phản ứng Arak của Iran. Lò phản ứng nước nặng này dùng để nghiên cứu nhưng cũng có thể sản xuất ra plutonium với mục đích quân sự, do vậy có nguy cơ “bành trướng vũ khí hạt nhân”. Lò này giống với kiểu lò đã giúp Israel và Pakistan chế tạo vũ khí hạt nhân.

Nhưng dù Iran cho biết lò Arak sẽ hoàn tất vào năm 2014, các chuyên gia đều nhất trí rằng phải cần nhiều năm nữa lò mới có thể hoạt động. Do vậy đây không phải là chi tiết ưu tiên trong một thỏa ước sơ khởi.

Việc làm giàu uranium là giai đoạn chủ yếu trong một chương trình hạt nhân đầy đủ. Nhiên liệu hạt nhân có thể được mua từ bên ngoài hoặc sản xuất trong nước. Iran nghĩ rằng nếu chỉ mua nhiên liệu hạt nhân sẽ có nguy cơ bị sự cố. Mới đây Iran muốn mua uranium làm giàu cho lò phản ứng nghiên cứu nhưng do bất đồng với cộng đồng quốc tế nên việc này không có kết quả. Chính vì thế Iran muốn tự mình sản xuất một phần uranium cần thiết. Nhiên liệu hạt nhân cho nhà máy tại Bouchehr do Nga cung cấp.

Ngoại trưởng Pháp đã tỏ ra cứng rắn và nhấn mạnh rằng, cần phải xét đến mối bận tâm của Israel và các nước Arập. Có lẽ có vấn đề về thời gian vì sắp tới Tổng thống Francois Hollande sẽ công du Israel. Hoặc cũng có lẽ cũng để thể hiện nỗi bất bình do cách thức mà Mỹ đối xử với Pháp trong hồ sơ Iran.

Chính phủ Pháp vẫn theo đường lối của cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy. Ông này tin rằng sự cứng rắn là giải pháp duy nhất để Iran từ bỏ cuộc chạy đua hạt nhân. Ông đã thúc đẩy EU đưa ra những biện pháp chế tài. Khi Tổng thống Hollande bước vào điện Elysée cũng không thay đổi đường lối chính trị bất chấp cái bắt tay biểu trưng với Tổng thống Iran bên lề hội nghị của Đại hội đồng LHQ vào tháng 9 vừa qua.

Israel và Arập Xêút cương quyết chống lại thỏa ước với Iran vì 2 nước này e ngại đó sẽ là một “thỏa ước tệ hại” giúp Iran tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân và tự sản xuất vũ khí hạt nhân. Về mặt chính trị, nếu Iran và các quốc gia phương Tây bình thường hóa quan hệ, Israel và Arập Xêút sẽ mất ưu thế trong quan hệ với Mỹ và EU. Một sự thay đổi như thế có nguy cơ làm mất sự quân bình hiện tại trong khu vực.

Thật ra một thỏa ước tốt sẽ tạo ra một không khí cởi mở với Iran mà tầm ảnh hưởng sẽ vượt quá vấn đề hạt nhân. Thỏa ước này sẽ củng cố vị thế của Tổng thống Hassan Rohani trong nước và giúp ông làm dịu những xung khắc với thế giới bên ngoài

Minh Luân (tổng hợp)
.
.