“Hồng Đô Nữ Hoàng” Giang Thanh kén rể

Thứ Năm, 03/05/2007, 12:00
Muốn tìm cho con gái rượu của mình một người thật lý tưởng, nhưng bởi Mao Trạch Đông đã có lời giao hẹn không chọn con của cán bộ cao cấp làm đối tượng, Giang Thanh nhòm ngó ngược xuôi và cuối cùng để mắt tới một chàng trai tên là Trương Vĩnh Sinh...

Lý Nạp là con gái duy nhất của "Hồng Đô Nữ hoàng" Giang Thanh với Mao Trạch Đông. Mùa hạ năm 1965, Lý Nạp tốt nghiệp Trường đại học Bắc Kinh, ngay sau đó được phân về tòa soạn báo Giải phóng quân, làm biên tập viên.

Khi bùng nổ cuộc Đại cách mạng văn hóa "Văn cách", Lý Nạp bị hút vào vòng xoáy chính trị này và nhanh chóng dẫn đầu "tạo phản" trong tòa báo. Ít lâu sau, tờ báo cải tổ hoàn toàn, Lý Nạp nhảy lên làm tổng biên tập, lúc 27 tuổi.

Giang Thanh muốn tìm cho con gái rượu của mình một người thật lý tưởng, nhưng bởi Mao Trạch Đông đã có lời giao hẹn từ trước: là cả con trai lẫn con gái không chọn con của cán bộ cao cấp làm đối tượng. Cuối cùng, Giang Thanh nhòm ngó ngược xuôi và để mắt tới một chàng trai tên là Trương Vĩnh Sinh.

Trương Vĩnh Sinh xuất thân ở thành phần cơ bản. Là sinh viên Học viện Mỹ thuật Triết Giang. Ngay từ hồi đầu “Văn cách” anh ta đã là thủ lĩnh Hồng vệ binh của Học viện này, và trở thành người phụ trách “Tỉnh Liên hội”, một tổ chức “tạo phản” lớn nhất của tỉnh Triết Giang. Được Tổ Văn cách TW triệu tập về Bắc Kinh họp, Trương Vĩnh Sinh với danh nghĩa thủ lĩnh phái “Tỉnh Liên hội” được báo cáo hoạt động trực tiếp với Giang Thanh và đã để lại ấn tượng khá sâu sắc trong đầu bà ta.

Vào năm 1968, khi Trương Vĩnh Sinh lên Bắc Kinh hội báo tình hình, được cảnh vệ mời thẳng tới phòng khách của Giang Thanh tại Điếu Ngư Đài, nhưng không được diện kiến bà ta ngay. Giang Thanh đã để cho Lý Nạp gặp mặt, chuyện trò rất tự nhiên với Trương Vĩnh Sinh, coi như cuộc làm quen ban đầu.

Sau khi để cho cô cậu chuyện trò thoải mái, Giang Thanh mới tiếp riêng Trương Vĩnh Sinh. Bà ta hàn huyên rất cởi mở, vui vẻ.

Trương Vĩnh Sinh lờ mờ hiểu hàm ý của Giang Thanh muốn chọn mình làm “phò mã” nên cảm thấy vừa ngạc nhiên vừa vui mừng. Mấy tháng sau, Trương Xuân Kiều tại Thượng Hải bỗng nhận được cuộc điện thoại trực tiếp của Giang Thanh, dặn ông ta triệu tập Trương Vĩnh Sinh tới để trực tiếp chuyện trò, tìm hiểu thật rõ ràng về nhân thân, tình hình hoạt động của Trương Vĩnh Sinh, sau đó báo cáo lại đầy đủ cho bà ta.

Trương Vĩnh Sinh tới Thượng Hải, ra mắt Trương Xuân Kiều. Kiều giữ kín như bưng, không cho biết ý đồ đích thực gọi anh ta tới, mà nại ra rằng TW rất quan tâm tới tình hình “Văn cách” ở Triết Giang, nên đã ủy thác cho ông ta trực tiếp tìm hiểu để báo cáo.

Khi nói tới tình hình Triết Giang, Trương Vĩnh Sinh như một chiếc máy hát được vặn dây cót căng hết cỡ, cứ thao thao bất tuyệt đến sùi cả bọt mép. Thì ra, với bản tính háo danh, khoái làm “lãnh tụ” nên Trương Vĩnh Sinh tự coi mình là người “cách mạng nhất”, ra sức bài xích người khác.

Nghe Trương Vĩnh Sinh nói và qua theo dõi, Trương Xuân Kiều ý thức rất rõ Trương Vĩnh Sinh không làm nổi vai trò lãnh tụ “tạo phản” tại Triết Giang, chẳng hiểu Giang Thanh có chọn làm con rể hay không? Sau khi Trương Vĩnh Sinh ra về, Trương Xuân Kiều thức suốt đêm chỉnh lý mớ tài liệu đàm thoại với Trương Vĩnh Sinh và mật báo với Giang Thanh.

Một thời gian sau, tình hình “Văn cách” tại Triết Giang trở nên cực kỳ rối loạn, sai lầm của Trương Vĩnh Sinh ngày càng nghiêm trọng (sau “Văn cách”, bọn “bè lũ 4 tên” (Giang Thanh, Trương Xuân Kiều, Vương Hồn Văn, Diêu Văn Nguyên) bị đánh đổ, Trương Vĩnh Sinh cũng bị bắt và bị kết án tù chung thân). Từ đó, Giang Thanh cũng quên luôn Trương Vĩnh Sinh.

Năm 1970, Văn phòng TW Đảng Cộng sản Trung Quốc thiết lập trường cán bộ “7-5” tại huyện Tiến Hình, tỉnh Giang Tây, Lý Nạp khi đó đã ở tuổi ngoài ba mươi cùng một số nhân viên công tác trong Văn phòng TW xuống lao động thực tế tại trường này.

Mao Trạch Đông sốt ruột về chuyện chồng con của con gái nên luôn dặn Lý Nạp rằng: “Hãy chọn cơ sở, lấy một chàng trai bình thường”.

Trong thời gian lao động thực tế tại Trường cán bộ tỉnh Cương Sơn, Lý Nạp quen với Tiểu Từ kém cô vài tuổi. Trời xui đất khiến thế nào Tiểu Từ “vô tình” đã nhảy vào cuộc đời Lý Nạp. Tiểu Từ xuất thân từ một gia đình công nông, bản thân lại là nhân viên phục vụ trong một nhà khách nội bộ trực thuộc sự quản lý của Văn phòng TW tại Bắc Đới Hà, về mặt chính trị coi như đáng tin cậy tuyệt đối.

Tiểu Từ tuy chỉ mới tốt nghiệp cấp 3 nhưng được cái cao ráo với khuôn mặt thanh tú và tính tình cởi mở, nhiệt tình, dễ gần. Đối chiếu với lời dặn của cha thì Tiểu Từ đúng là mẫu người xứng đáng làm “ý trung nhân” của mình, nên Lý Nạp “tình trong như đã...”. Thế rồi “lửa gần rơm”, cô cậu nhanh chóng vướng “dây tơ hồng”.

Chuyện đến tai Giang Thanh, thoạt đầu bà kịch liệt phản đối. Nhưng Lý Nạp đã ngấm “bùa mê”, kiên quyết... cứ yêu. Sau đó, Lý Nạp trực tiếp về gặp Mao Trạch Đông, xin cho mình được lấy Tiểu Từ. Tôn trọng sự lựa chọn của con gái, Mao Trạch Đông đã đồng ý, khiến Giang Thanh đành phải nghe theo. Lý Nạp và Tiểu Từ đã nên vợ, nên chồng. Đám cưới diễn ra cũng rất đơn giản. Một năm sau, con trai họ chào đời, đặt tên là Từ Tiểu Ninh.

Vợ chồng Lý Nạp – Tiểu Từ sau một thời gian chung sống đã nảy sinh mâu thuẫn. Hố ngăn cách giữa 2 người ngày một thêm rộng. Cuối cùng, họ thuận tình làm thủ tục ly hôn.

Năm 1973, dưới sự tác động của Giang Thanh, Lý Nạp được đề bạt làm Bí thư Huyện ủy Bình Cốc rồi Bí thư Thành ủy Bắc Kinh, nhưng bởi thất bại trong hôn nhân, tinh thần bị kích động mạnh nên sức khỏe ngày một sa sút, không thể thực thi được trọng trách. Mấy năm sau, Mao Trạch Đông qua đời, Giang Thanh trở thành “tội nhân lịch sử”, khiến Lý Nạp suy sụp hoàn toàn cả về tinh thần và thể chất, sống như một cái bóng.

Mãi tới năm 1984, qua mai mối của Lý Ngân Kiều, vệ sĩ cũ của Mao Trạch Đông cùng vợ là bà Hàn Quế Hinh - bảo mẫu của Lý Nạp hồi còn nhỏ, Lý Nạp đã quen Vương Cảnh Thanh. Đôi bên dần thấu hiểu, thương cảm nhau, tạo dựng nên một gia đình mới

Hoàng Phú (tổng hợp)
.
.